ÁNH NHÌN CỦA ĐỨC GIÊSU
(Mc 10,17-30)
FM. Martin
“Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (c.21). “Đức Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh”… (c.23). “Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông”… (c.27). Trong Tin mừng theo thánh Marco, chúng ta nhận thấy tác giả rất để ý đến cách diễn tả trên khuôn mặt của Đức Giêsu, mặc dù cách diễn đạt bằng ngôn ngữ có vẻ kiệm lời hơn các tin mừng khác. Đoạn văn của Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay minh chứng điều đó.
Trước khi diễn tả thái độ của mình ra bên ngoài, Đức Giêsu đã có thái độ của mình từ bên trong và là thái độ nền tảng của mọi thái độ. Đó là ánh nhìn của Người về Thiên Chúa, Người sống dưới ánh nhìn của Thiên Chúa. “Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (c.18). Nhìn nhận Thiên Chúa duy nhất là Đấng nhân lành là thái độ quy phục đức tin, là tuyên xưng đức tin, là xác lập mối liên hệ theo một trật tự đúng và phù hợp thánh ý của Thiên Chúa.
Chúng ta thử giả định thiếu vắng thái độ bên trong, thiếu vắng sự nhìn nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa, thiếu vắng niềm tin vào một Thiên Chúa nhân lành, có lẽ sự việc sẽ diễn tiến cách khác.
Nhưng ở đây, “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” đã cho phép chúng ta hiểu phán đoán của Người khi nhìn nhận sự “tốt lành” của anh thanh niên đạo đức sống theo lề luật từ thuở nhỏ. Nếu Đức Giêsu “nhân lành” theo kiểu của anh thanh niên nghĩ, thì hẳn đã “phong thánh” cho anh.
Sống dưới ánh nhìn của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã có thể diễn tả trên khuôn mặt của mình sự yêu thương trìu mến đối với một người đạo đức bình thường như bao người đạo đức khác, đã “giữ đạo” một cách chăm chú cẩn thận “từ thuở nhỏ.”
Cũng sống dưới ánh nhìn của Thiên Chúa, Đức Giêsu “rảo mắt nhìn chung quanh”… thì thấy rằng, một người giữ đạo cẩn thận và là người giàu có (nhiều của cải) thì dường như khó vào nước trời. Nhìn chung quanh mình, có vẻ như Đức Giêsu thấy khá nhiều người như thế, giữ đạo cẩn thận và giàu có. Một ánh nhìn gây sốc. Một ánh nhìn gợi lên nhiều nghi vấn trong lòng người. “Vậy ai sẽ được cứu độ?”
Thành ra, dưới ánh nhìn của Thiên Chúa, hãy nhìn thẳng vào từng sự vật và sự việc để thấy rõ bản chất của chúng. “Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói”…
Con người chỉ loay hoay tìm cách giải quyết các vấn đề. Đúng ra nên tìm các giải pháp cho các vấn đề. Nhưng phân biệt các loại giải pháp: có những giải pháp hiện sinh và giải pháp cứu cánh.
Anh thanh niên đã có giải pháp tốt cho cuộc sống hiện tại của anh. Giải pháp ấy vốn là niềm mơ ước của nhiều người (đạo đức và giàu có) và do vậy không phải là điều gì xấu. Nhưng, như Đức Giêsu, khi nhìn thẳng vào thực tại cuộc sống, hình như có cái gì “hơn nữa” mà chúng ta cũng thấy trong ước muốn của anh thanh niên: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” Phải. Giải pháp cho một cứu cánh tốt đẹp, chính là sự sống đời đời làm gia nghiệp.
“Khi mà giữa cuộc đời và thuyết giáo vẫn còn một khoảng cách khá xa, thì cuộc sống vẫn chưa thể tốt đẹp lên được” có ai đó đã nhận định như thế. Cuộc sống không hề dễ dàng như nói. Khát vọng điều gì “hơn nữa” phải là động lực của chúng ta. Để nhận được cái “hơn nữa” có tên gọi là “sự sống đời đời” thì cần đầu tư. Bán của cải mà cho người nghèo không gì khác hơn chính là đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người khác, tạo ra những công trình phúc lợi cho xã hội. Cũng vậy, khát vọng cái gì “hơn nữa” của môn đệ Chúa Giêsu kéo theo sự đầu tư bằng việc bỏ mọi sự mà theo Thầy, trung tín và kiên trì bước đi trong niềm tin vững chắc: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,27).
Ước gì ánh nhìn của Đức Giêsu thanh luyện khát vọng của chúng ta.