Thứ Năm, 16 Tháng Năm, 2024

“Ánh trăng” trong đan viện

“ÁNH TRĂNG” TRONG ĐAN VIỆN

Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist.

Thuở ấu thơ, cứ vào những đêm đẹp trời trăng thanh gió mát là bọn nhóc chúng tôi í ới gọi nhau dạo chơi quanh xóm. Nhờ ánh trăng vằng vặc chúng tôi bày trò rồng rắn, ca hát nô đùa vui chơi thỏa thích. Ánh trăng như người bạn thân thiết đồng hành soi lối suốt giai đoạn tuổi thơ của chúng tôi.

Lớn lên, chúng tôi mỗi đứa một phương bươn chải vào đời. Niềm vui những đêm trăng sáng như bị dật mất, ra như nhạt nhòa, bị lấn lướt bởi muôn vàn ánh sáng nhân tạo của đèn pin, đèn pha, đèn nháy giăng đầy lối xóm. Dù thế trăng vẫn âm thầm chiếu soi bước đường chúng tôi đi.

Ánh trăng đó không còn ở tít trên cao nhưng đã xuống thật thấp, thật gần chúng tôi có thể sờ – chạm, trăng nhập thể, trăng hóa thân nơi cha mẹ, vợ chồng, con – cháu hay anh – chị – em bạn bè… Chúng tôi may mắn gặp lại ánh trăng trong cuộc đời thánh hiến đan tu tại Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương, ngang qua người cha già Gabriel Nguyễn Thái Sơn (chú Canh). Ngài là “ánh trăng” bằng xương bằng thịt đã và đang âm thầm “tỏa sáng” hành trình thánh hiến nơi gia đình đan viện chúng tôi.

Dù sao cũng xin thưa trước với quý độc giả rằng: cũng như ánh trăng tự nhiên có khi khuyết, có lúc đầy, có khi ẩn trong mây thì cuộc sống của người cha già Gabriel cũng tương tự như vậy. Hẳn nhiên, ngài cũng có những “góc khuyết” dễ thấy giữa những nét son tốt lành không thể phủ nhận.

Trước tiên nét son chúng tôi nhận thấy ở nơi ngài là một ý chí thép, kiên cường, bền bỉ dẻo dai, nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô là luôn nỗ lực “lao mình về đích”, vượt mọi khó khăn trở ngại trên đường đời. Cha Gabriel sinh ngày 01-05-1938 trong gia đình đạo đức có tám người con (ngài là con thứ năm), thuộc dải đất miền trung Hương Khê – Hà Tĩnh – “quê hương tôi đất cày lên sỏi đá”. Thế nhưng, quê hương thân yêu này sẽ được thêm vẻ vang nơi một người con ưu tú biết hiến dâng trọn đời để phụng sự Chúa. Ngay từ khi lên 11 tuổi (chính ngài kể) ngài đã thích đi tu, nên đành gạt lệ rời xa gia đình, bỏ lại “chùm khế ngọt” – Hà Tĩnh, đi theo người anh họ vào Đệ Tử Viện Châu Sơn Nho Quan học tập rèn luyện trí – đức.

Thời ấy, ngành bưu chính viễn thông chưa phát triển và hiện đại như bây giờ, nên việc liên lạc với gia đình gặp rất nhiều khó khăn trở ngại, đặc biệt sau hiệp định Genève (06-1954) thư từ qua lại phải gửi qua một nước trung gian. Mỗi lần viết thư thăm bố mẹ, ngài phải gửi thư sang cho một người bạn ở Italia nhờ họ chuyển về địa chỉ gia đình ở Hà Tĩnh, có khi vài ba tháng sau thư mới đến tay người nhận[1]. Khó khăn khác nữa, ở vùng núi Châu Sơn được gọi là nơi “rừng thiêng nước độc”; phải chiến đấu với muỗi và sốt rét rừng, lại phải làm việc cực nhọc, khai hoang, ăn uống kham khổ… làm cho một số cha, thầy và nhiều chú đệ tử thoái lui hoặc có người ốm chết. Trong hoàn cảnh như vậy chúng ta mới thấy những hy sinh to lớn và nghị lực phi thường của ngài khi dám kiên trì chấp nhận tất cả để vươn tới đích mà ngài đang ấp ủ trong lòng.

Rồi hoàn cảnh lịch sử xô đẩy, vào buổi chiều chia ly ngày 21-04-1953, nhà dòng Châu Sơn quyết định phải di cư vào miền Nam để sống còn, lúc đó ngài là một trong những chú đệ tử hăng hái lên đường đầy niềm tín thác nơi Thiên Chúa như tổ phụ Abraham xưa, mặc dù chẳng biết tương lai mình sẽ ra sao. Khi Cộng đoàn di cư chưa tìm được chỗ định cư, phải ở tạm tại họ đạo Phước Lý (Tuy Hạ, Biên Hòa).

Đứng trước tương lai mịt mờ nhưng với lòng khát khao cháy bỏng quyết tâm dâng hiến cuộc đời phụng sự Thiên Chúa trong ơn gọi thánh hiến đan tu, ngày 02-10-1955 ngài nhất quyết xin làm thỉnh sinh và đến ngày 08-12-1955 ngài chính thức bước vào năm Tập nhặt theo Giáo luật. Mãn năm tập ngài được Khấn sơ khởi ngày 09-12-1956. Đến ngày 16-07-1961 ngài hân hoan tuyên Khấn trọng thể. Ngài được truyền chức phó tế trong thời gian du học Thụy Sỹ. Sau này trở về Việt Nam lãnh thiên chức linh mục 25-03-1971, trùng vào ngày cung hiến thánh đường Giáo xứ Châu Sơn do Đan Viện Châu Sơn Đơn Dương gây dựng.

Là thành viên của Đan viện Châu Sơn ngài đã chung chia cuộc sống đan tu một cách bền bỉ và trung thành cùng với các cha, thầy thời di cư và khi định cư tại đồn điền Canh-ki-na, Huyện Đơn Dương, Tỉnh Tuyên Đức, nay là Tỉnh Lâm Đồng ngang qua các công tác cộng đoàn giao phó: y tá, lái xe, làm vườn, Giám thị – “anh cả” Đệ tử viện, du học, quản lý, quản xứ Châu sơn, tập sư, giảng tĩnh tâm, phụ trách một trụ sở của nhà dòng ở Sài Gòn… Dù làm bất cứ công việc gì ngài cũng làm với tất cả sự nhiệt tâm, tận tụy hết sức có thể trong tinh thần khiêm tốn của đức vâng phục đan tu.

Thầy Phaolô Nguyễn Văn Thành, một cựu Đệ Tử Viện Châu Sơn bồi hồi nhớ về thời đệ tử với những trò nghịch ngợm gây ra hậu quả các cửa sổ bị long ốc vít. Lúc đó, người “anh cả” là thầy Gabriel Nguyễn Thái Sơn lại cẩn thận đi kiểm tra và vặn lại các ốc vít, vừa trách bâng quơ: “Mùa này gió quá mà chúng em không để ý gài móc cửa lại. Gió đập long hết bản lề rồi!” Thầy có biết đâu chính “tụi em” là thủ phạm trốn giấc ngủ trưa, đi rú nhặt hạt dẻ đá, rồi kẹp vào khe của sổ tách vỏ lấy nhân ăn ngon lành…[2] Qua những cử chỉ tuy nhỏ vậy thôi, nhưng toát lên ngài là người tinh tế, phục vụ tận tâm với lòng đơn sơ chất phác.

Nghe các đấng kể về thời cha Gabriel làm quản lý, ngài cẩn trọng trông “coi tài sản đan viện như bình thánh trên bàn thờ”, ngài rộng rãi phân phát cho anh em tùy nhu cầu nhưng lại chi tiêu rất dè xẻn, cân nhắc với bản thân. Đồ đạc vương vãi các nơi ngài gom nhặt về một nơi xếp thứ tự, ngăn nắp để ai cần có thể dễ dàng tìm lấy mà sử dụng. Ngài đã liên lạc xin được những bộ đồ ka-ki vừa bền, vừa đẹp, trang phục của binh sĩ Sài gòn để anh em mặc khi làm việc… ai ngờ lại nên cớ để người ta bắt ngài đi tù (ngày 05-07-1976), suốt 5 năm cùng với viện phụ Lêô Vũ Đức Chính, cha tập sư Giêrađô Nguyễn Văn Thất, thầy văn phòng Samuel Nguyễn Văn Đoàn và thầy đón tiếp khách Tôma Nguyễn Văn Huyền, không qua tòa án, không bản cáo trạng. Giai đoạn này quả là một thời gian dài thử thách lớn lao “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”. Trong đó cam go nhất là 2 năm ở xà-lim (Đại Bình) đói khổ, nhục nhằn khôn xiết kể ngài đã âm thầm mang lấy – chứng tỏ lòng trung thành gắn bó sống chết với Cộng đoàn.

Thứ đến, điều làm chúng tôi ngưỡng mộ nơi ngài là tình yêu luôn vẹn tròn với Chúa giữa mọi nghịch cảnh. Trong tù, ngài lấy làm khổ tâm nhất là không được tuyên xưng niềm tin, cấm tiệt mọi biểu hiện tôn giáo, không được đeo ảnh tượng tràng hạt… khi vào trại giam ngài xưng mình là linh mục, ngài cứ đeo tượng thánh giá trên cổ, cán bộ bắt ngài phải gỡ bỏ đưa cho họ cất giữ, ngài cứ đinh ninh họ sẽ vứt bỏ đi, thật không ngờ đến ngày được trả tự do họ đưa trả thánh giá còn nguyên vẹn cho ngài. Các kitô hữu thì không được may mắn như vậy, gặp ai đeo thánh giá, ảnh tượng hay tràng hạt cán bộ giật phăng quăng vào đống rác… Dù bị ngăn cấm tuyên xưng đức tin vào Chúa, nhưng ngài vẫn trung kiên giữ vững đức tin. Không ngày nào ngài bỏ dâng thánh lễ: rượu lễ ủ kỹ trong chai nước mắm, bánh lễ là bánh mỳ, thánh lễ gói gọn trong lời truyền phép… những ngày Chúa nhật, những dịp Lễ nghỉ ngài lại quy tụ các bạn tù Công giáo ra một xó vườn, hay giả bộ ngồi tán chuyện quanh gốc cây… thực chất là đang dâng thánh lễ. Ngài năng khích lệ người Kitô giáo kiên trì sống đạo trong ngay trong cảnh tù đày… (do chính ngài kể lại)

Trong Đan Viện Châu Sơn Đơn Dương, cha Gabriel là người đảm nhận trách nhiệm tập sư nhiều năm. Bởi ngay từ hồi làm “anh cả” Đệ tử viện ngài đã có sự tinh tế, sâu sắc, bén nhạy và nhiệt thành trong việc săn sóc hướng các linh hồn được ủy thác. Chúng tôi (khóa 2002) vẫn còn nhớ như in dáng hình, tính cách của người cha khả ái. Nơi ngài có sự cương quyết của một người cha, sự dịu dàng của một người mẹ. Chúng tôi cảm nhận thật rõ ràng khi bước chân vào tìm hiểu Đan viện, lúc còn ở dãy nhà dành cho khách. Dù cao niên, nhưng ngày ngày vài lần ngài cứ từ trong nội vi băng qua mấy hành lang dài, rồi leo lên mấy chục cấp cầu thang để ra thăm chúng tôi. Ngài thân tình thăm hỏi chúng tôi ngủ nghỉ, ăn uống ra sao, có thiếu thốn gì không… Điều đó làm chúng tôi rất cảm kích và trân quý tình ngài. Riêng bản thân tôi trong thời thỉnh sinh hay ốm yếu, những lúc đó cha thường khích lệ, lâu lâu lại mang cho trái chuối, trái bơ, ly sữa nóng… cùng khuyên nhủ, động viên: “Con cố gắng khỏe lên. Không có sức khỏe thì không tu ở đây được đâu!” Tôi thực sự xúc động miệng ăn mà ngấn lệ lưng tròng, lòng càng thêm quyết chí tu đến cùng.

Đường lối huấn luyện của cha theo hướng từ nhân bản đến tâm linh, ngài thường dạy bảo chúng tôi: “chú ý trau dồi nhân bản vì phải thành nhân, trước khi thành thánh”. Như một người mẹ ngài tỉ mỉ cặn kẽ chỉ bảo chúng tôi “học ăn học nói học gói học mở”. Từ những chuyện xem ra nhỏ nhặt như: ăn mặc, đi đứng, nói cười, đến chuyện ý thức vệ sinh chung, đặc biệt là phải tôn trọng giờ giấc chung “giờ nào việc nấy” để khỏi gây ra những phiền toái không đáng cho anh em… Ngài khéo dùng những sự kiện thực tế để rút ra cho chúng tôi những bài học kinh nghiệm: có một Sơ kia đến đan viện khi thấy ngài đi qua khu nhà khách tĩnh tâm, Sơ chào ngài bằng chú, sau khi thấy ngài dâng lễ trên bàn thờ liền xin lỗi rối rít… “Lời chào cao hơn mâm cỗ – không mất tiền mua”, nên anh em cứ chào “hơn lên” về địa vị hay tuổi tác, nếu chưa chuẩn thì người ta sẽ chỉnh lại…”

Ngài nghiêm túc nghiên cứu học hỏi tìm tòi những điều hay trong mọi lãnh vực và nhiệt thành giúp con cái phát triển toàn diện “một tinh thần lành mạnh trong một thân xác tráng kiện”. Để con cái biết tự chăm sóc bản thân và tha nhân, ngài thường nói: “bác sĩ tốt nhất chính là bản thân”; “sức khỏe của cá nhân là sức khỏe của cộng đoàn”, ngài phổ biến cho cả nhà những bài thuốc “cây nhà lá vườn”, âm dương thủy, dịch cân kinh… nếu kiên trì tập luyện sẽ thấy kết quả khả thi. Còn anh nào không quan tâm ăn uống ngủ nghỉ cho điều độ, gây tổn hại thể xác tinh thần thì ngài quở trách nặng lời…

Truyền đạt kiến thức cho môn sinh đối với ngài là một trách nhiệm cao cả một niềm vui sâu xa, hơn nữa, là một vinh dự trong vai trò đào tạo. Thế nên, ngài tận tâm soạn giáo án dạy văn hóa, nghệ thuật, tâm lý, tâm linh… cho con cái. Hầu như ngài không bỏ tiết dạy bao giờ! Đặc biệt về môn sử dòng ngài là một trong những nhân chứng sống từng trải qua những năm tháng thăng trầm của đan viện nên ngài thích chia sẻ và chúng tôi, ai nấy rất hào hứng lắng nghe – hỏi nhiều để được biết nhiều hơn… Cha thổ lộ chân tình: “Trong năm cha anh phải đi tù thì ba “ngài” đã về với Chúa chỉ còn lại cha và thầy Tôma… anh em cứ hỏi để biết về lịch sử cộng đoàn mình, đó là điều quý lắm!”. Đối với những anh nhác nhớn việc học hỏi – nghiên cứu, cha nhắc nhở công khai, làm anh đó (chính tôi) thẹn đỏ mặt, nên tự gắng chăm chỉ học tập, không dám biếng nhác. Sở dĩ, tôi viết lên được những tâm tình này cũng nhờ sự huấn luyện tận tâm của ngài!

Thương anh em nhưng ngài không hề lơ là dạy dỗ anh em tuân giữ kỷ luật đời tu, chính ngài thi hành trước khi dạy anh em: “mình giữ Luật, Luật giữ mình”. Cụ thể ngài giữ luật thinh lặng rất nghiêm chỉnh, khi cần nói, nói vừa đủ nghe vì theo ngài làm sao có thể suy niệm, lắng nghe và sống thân tình với Chúa nếu không thinh lặng? Bởi vậy, nếu ai lỗi thinh lặng thì ngài phạt quỳ tại chỗ để nhớ. Trong lớp chúng tôi phần lớn đã bị quỳ, mà quỳ ở nhiều nơi: trong nhà ngủ, phòng học, nhà bếp, nhà cơm, phòng đàn, phòng vi tính, có khi quỳ gốc ổi, quỳ sân banh (đi chơi trước giờ qui định)… Đôi lúc ngài nóng tính ra mặt vì thấy anh em không giữ kỷ luật, liền sau đó, ngài xin lỗi chúng tôi, ngài bộc bạch: “thiện ý của cha là muốn anh em con sống tốt hơn thôi…”

Trong các giờ huấn đức, bài học ngài cố gắng truyền thụ để chúng tôi không chỉ ghi vào đầu mà còn khắc vào tâm – cốt: “Mục đích vào dòng là quyết tâm đi tìm Chúa ngang qua cầu nguyện, lao động, đời sống cộng đoàn và trong mọi hoàn cảnh… chỉ tìm Chúa chứ không phải tìm mình hay một thứ gì khác. Có như vậy đời tu mới bền vững và sinh hoa trái tốt”. Ngài nhắc đi nhắc lại nhiều lần làm chúng tôi đến phát ngán!

Để tạo điều kiện tốt nhất giúp chúng tôi có thể tìm gặp Chúa, ngài đã mua sách Kinh Thánh và các sách tu đức cần thiết ích lợi. Cha còn copy Hạnh Tích Cha Tổ Phụ Hội dòng Xitô Thánh Gia để tặng cho anh em mỗi người một cuốn với mong muốn chúng tôi năng đọc, học hỏi và thi hành theo gương nhân đức của Cha Tổ Phụ trong cuộc đời thánh hiến đan tu. Ngài xác tín nhận được ơn khỏi bệnh cách lạ nhờ lời cầu bầu của Cha Tổ Phụ. Bởi vì sau thời gian ở tù, bao tử của ngài hư hoại nghiêm trọng phải cắt bỏ đến 2/3, thế mà, ngài vẫn sống vui khỏe đến hôm nay quả là một ơn lạ thường.

Một nét son khác đáng chúng tôi hãnh diện về vị tập sư của mình đó là, ngài có một đời sống cầu nguyện sâu sắc. Nhiều lần thấy ngài cầu nguyện riêng trong nhà thờ. Thường không khi nào ngài bỏ đọc các giờ kinh chung, ngài hay dí dỏm: “một hột kinh chung bằng bồ kinh riêng”. Tâm tình cầu nguyện của ngài trong các giờ kinh chúng tôi biết là:

Tâm tình tạ ơn, như ngài từng chia sẻ: “Tạ ơn Chúa đã kêu gọi chúng ta vào dòng này nếm hưởng cuộc sống an bình, no ấm, không phải lo lắng chuyện vợ con, không phải bữa đói bữa rét như người ta… Tạ ơn Chúa bao nhiêu cũng không đủ”.

Tâm tình xin ơn: “Thú thực với anh em, ngày nào cha cũng tha thiết cầu xin Chúa cho được bền đỗ trong ơn gọi. Nhìn người nọ người kia “sa chước cám dỗ” phải bỏ dở đời tu, cha xin Chúa giữ gìn đức khiết tịnh vì nếu có cơ hội như người ta thì chắc cha khó mà giữ được…” Cha cũng cầu xin Chúa cho được khỏe mạnh đến lúc chết để khỏi làm phiền anh em phải chăm sóc… Có lẽ những lời cầu xin đơn thành của cha đã được Chúa nhận lời. Vì năm nay (2020) ngài đã quá đại thọ mà vẫn còn bền đỗ trong ơn gọi, vẫn độc thân vui tính, vẫn mạnh khỏe tự đi đứng sinh hoạt bình thường.

Với tâm tình tạ tội và quyết tâm sửa đổi, cha thường năng xét mình – xưng tội, phương pháp cha truyền lại cho chúng tôi là xét mình mỗi ngày, làm hòa trước khi đi ngủ, ghi sổ linh hồn hàng tháng… để xem mình hay phạm lỗi gì, nguyên nhân tại sao và quyết tâm sửa đổi cách ăn nết ở cho tốt hơn.

Điểm đặc biệt dễ nhận thấy nhất nơi cha là “thích làm lễ, say mê giảng lễ”, cho dù cận giờ, cho dù phải đi xa trời mưa gió rét, ngài luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào, bất cứ ai nhờ. Ngài rất sốt sắng kêu gọi cử hành các lễ Vọng của các ngày lễ trọng trong năm phụng vụ… tại đan viện. Các bài giảng lễ, ngài soạn rất công phu chỉn chu và thường “hơi dài”. Nhưng đối với ngài: “chưa dài đâu con!”

Người ta nói: “người già thường sống những thao thức của quá khứ”, điều đó chúng tôi nhận thấy rõ khi chung sống với cha Gabrriel. Bởi lẽ suốt cuộc đời của ngài là thao thức tìm gặp Chúa qua cầu nguyện, lao động, qua từng anh em và qua mọi biến cố xảy ra. Thế nên, ở tuổi 86, cha vẫn một lòng sốt mến tìm Chúa như ngày nào: hàng ngày, có khi nhiều lần trong ngày cha vào nhà nguyện, vào phòng thánh hỏi một câu duy nhất: “sắp đọc kinh – dâng lễ chưa chú?”, mới nghe có vẻ buồn cười, lẩm cẩm, nhưng nghiêm túc suy nghĩ trả lời sẽ ngộ ra mình chưa có được mối bận tâm, thao thức thánh thiện như ngài.

Tạ ơn Chúa đã cho Đan Viện Châu Sơn Đơn Dương chúng tôi có một người cha đức độ, đáng kính. Nói như thế chúng tôi không hề dùng “từ có cánh”, không “xông hương”, không “phong thánh” hay coi ngài đã sống một cuộc đời hoàn hảo, không có gì đáng chê trách. Không! Trên đời này không có ai hoàn hảo: “nhân vô thập toàn”, nên có sao chúng tôi nói vậy. Hẳn đối với một số người, cha là con người đầy cá tính, thậm chí nóng tính, bảo thủ, đôi khi áp đặt, hay nhai đi nhai lại… nhưng nếu công tâm đánh giá chúng ta sẽ nhìn ra đời sống của ngài là một “mầu nhiệm”, nơi đó ơn thánh Chúa đầy tràn và sự nỗ lực cộng tác trọn vẹn hết khả năng sức lực của ngài làm trổ sinh hoa thơm trái lành[3].

Tựu trung, Đan Viện Châu Sơn Đơn Dương có cơ ngơi đồ sộ, có gương mặt rạng rỡ như ngày hôm nay là do những công khó hy sinh quảng đại của các thế hệ cha anh, trong đó có cha Gabriel Nguyễn Thái Sơn đã dầy công gây dựng nên nếp sống này. Hoa trái mà cha để lại là đông đảo các môn sinh đang nhiệt tâm xây dựng cộng đoàn, rao giảng nước Chúa. Cảm ơn cha đã quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu mời dâng hiến trọn đời phụng sự Chúa và phục vụ Giáo hội. Đời sống tốt lành của cha là lời mời gọi, là ánh sáng đêm trăng để chúng con cũng vui bước tìm gặp được Chúa ngay trong nếp sống âm thầm và hoan hỷ hy sinh của đời đan tu Xitô Thánh Gia.

Ánh trăng trong đan viện (muối men Tin mừng) đăng trong NHỊP SỐNG TIN MỪNG, số 41 (tháng 5/2020) “Tháng hoa thời đại dịch”, tr. 93; và đăng trong Tuyển tập Văn Thơ Mục Đồng 24, “Những ánh sao đời thường”, Nxb Hồng Đức 2022, tr. 94

[1] Sau 40 năm xa quê, lần đầu tiên cha Gabriel được về thăm gia đình, ở lại nhà có một ngày một đêm, cho các cháu mỗi đứa một chiếc kẹo… Bà cố của cha qua đời 1 tháng sau ngài mới biết tin (cha Tình cháu gọi ngài bằng chú kể lại).

[2] Phaolô Nguyễn Văn Thành, Một Thời Đã Sống…Và Một Đời Để Nhớ, Đan viện Châu sơn 09-09-2017, tr. 9

[3] Xem thêm: http://hoidongxitothanhgia.com/dan-vien-tm-chau-son-nam/dan-vien-thanh-mau-chau-son-don-duong-thanh-le-ta-on-mung-ngoc-khanh-va-kim-khanh-khan-dong-mai-thi-1373.html

Một vài hình ảnh:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Ngươi phải thờ cha kính mẹ” – Suy niệm Lời Chúa Thánh Lễ Mồng Hai Tết

“NGƯƠI PHẢI THỜ CHA KÍNH MẸ” Suy niệm Lời Chúa:...

“Yêu nhau muôn sự chẳng nề…” Suy niệm Tin mừng Chúa Giáng Sinh: Lc 2,1-14 (Lễ đêm)

“Yêu nhau muôn sự chẳng nề…” Suy niệm Tin mừng...

29-6 Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô, Mt 16,13-19: Hai cách làm chứng

29-6 Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô, Mt 16,13-19 HAI...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chuyện vui mùa Giáng Sinh

BỨC THƯ MÙA GIÁNG SINH Có một ông làm ở Sở Bưu Điện. Nhiệm vụ của ông là tìm cách giải quyết những bức thơ...

Lên thiên đàng bằng cửa sau

LÊN THIÊN ĐÀNG BẰNG CỬA SAU (Chuyện vui) Truyện kể rằng: Ngày kia, Chúa Cha bỗng nhận ra trên Thiên Đàng sao bát nháo quá: đông...

Lời cầu nguyện

Lời Cầu Nguyện (Chuyện vui) Một con tàu đang lênh đênh trên biển thì gặp bão to và bị đắm. Chỉ có hai trong số những...

Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Cảm nhận của một bạn sinh viên trẻ khi đến tĩnh tâm tại Đan viện

CẢM NHẬN CỦA MỘT BẠN SINH VIÊN TRẺ KHI ĐẾN TĨNH TÂM TẠI ĐAN VIỆN Martha Hoàng Mai Tôi là một cô gái với sức sống...

Tản mạn cuối thu

TẢN MẠN CUỐI THU Du Thăng Cái se se lạnh, cái nắng vàng và một chút gió heo may của cuối thu, làm cho tâm hồn...

Người giàu có

  NGƯỜI GIÀU CÓ (Chuyện vui)  Một người có tuổi ra công viên đi dạo, chợt thấy trên ghế đá có một thanh niên đang ngồi ủ...

Hãy mãi là cô gái Việt Nam

    HÃY MÃI LÀ CÔ GÁI VIỆT NAM Mãi nhé là cô gái Việt Nam Dịu dàng đôn hậu nhất trần gian Công dung ngôn hạnh làm tâm...

Tâm tình với anh Bernadino

TÂM TÌNH VỚI ANH BERNADINO Dũng Ân Anh thân mến! Anh đã an nghỉ nơi lòng đất mẹ rồi, nhưng em và mọi người vẫn chưa...

Người Cha Đan Viện nhiệt tâm loan báo Tin Mừng – Tưởng nhớ Cố Viện Phụ Phanxicô Phan Bảo Luyện

NGƯỜI CHA ĐAN VIỆN NHIỆT TÂM LOAN BÁO TIN MỪNG Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tìm hiểu ơn gọi trong Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn,...

“Em” tìm gì? cảm nghĩ của một linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Châu...

“Em” tìm gì? Cảm nghĩ của một Linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Thánh Mẫu...

Tình yêu & Tình người

TÌNH YÊU & TÌNH NGƯỜI Lam Châu, Phước Lý Một ngày mùa hè nóng nực, tình cờ gặp em, một người chưa hề quen biết, không...

Bình an trong tâm hồn

BÌNH AN TRONG TÂM HỒN Một tu sĩ rất đau khổ vì tính nhạy cảm của mình. Sau nhiều ngày chịu đựng bản tính nóng...