“Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3,17).
I. VIỆC THỜ PHƯỢNG
1. MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆC THỜ PHƯỢNG
1.1. NHÀ NGUYỆN
115 Nhà nguyện là nơi Thiên Chúa hiện diện cách đặc biệt và chúng ta đến gặp gỡ Ngài. Nhà nguyện cũng là nơi cộng đoàn đan viện nhân danh Giáo hội cử hành mầu nhiệm cứu độ và dâng lên Thiên Chúa lời ca ngợi tri ân. Chúng ta hãy theo gương Cha thánh Stêphanô để lại mọi lo toan khác ngoài nhà nguyện, hầu có thể kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa bằng tấm lòng sốt mến tinh tuyền (x. TL 20).
116 Các nhà nguyện trong Hội dòng được dâng kính Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương trời đất.
117 Nhà nguyện phải được thiết kế làm sao để có thể biểu lộ được hình ảnh một cộng đoàn quy tụ nhân danh Thiên Chúa, đồng thời thuận lợi cho việc cử hành phụng vụ cách sốt sắng và trang nghiêm.
118 Mỗi nhà tùy nghi sắp xếp các phần của nhà nguyện, miễn sao phù hợp với cấu trúc chung của nó. Theo truyền thống Xitô, việc trang trí trong nhà nguyện phải đơn sơ giản dị.
119 Trước Nhà Tạm, đêm ngày phải thắp đèn. Các giờ Kinh Chiều của ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng có thắp nến trên cung thánh.
120 Phải liệu có đủ ánh sáng và các sách cần thiết cho việc cử hành phụng vụ.
121 Nhà nguyện là trung tâm của đan viện, là nơi phụng sự Thiên Chúa, nên trong mọi lúc phải giữ sự tôn nghiêm xứng đáng.
1.2. PHÒNG THÁNH VÀ NGƯỜI PHỤ TRÁCH
122 Phòng thánh tiếp cận với nhà nguyện, là nơi cất giữ các lễ phục và vật dụng liên quan đến việc thờ phượng.
123 Bề trên trao cho một anh chị em có lòng đạo đức, nghiêm túc, cẩn thận phụ trách phòng thánh. Anh chị em đó phải giữ cho nhà nguyện và các đồ thờ phượng luôn sạch sẽ, trật tự, lo cho Bánh Thánh trong Nhà Tạm luôn được tốt và thay Bánh Thánh ít là hai tuần một lần.
124 Anh chị em phục vụ bàn thờ giúp người phụ trách phòng thánh dọn các thứ cần dùng khi dâng Thánh lễ, chầu Mình Thánh Chúa, giúp các linh mục mặc lễ phục.
2. NHỮNG NGƯỜI PHỤC VỤ VIỆC THỜ PHƯỢNG
2.1. VỊ PHIÊN TUẦN
125 Vị phiên tuần xướng lời giáo đầu, lời cầu và lời nguyện trong các giờ kinh Thần vụ, lời nguyện trong các nghi thức xin phép lành, lời nguyện trong các giờ cơm chung.
Ngài chủ sự Thánh lễ, giờ Chầu Phép Lành Mình Thánh Chúa, diễn giải Lời Chúa sau Tin Mừng ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng (x. QCTQ 29; 55; 65; 66; 136; 213).
126 Bề trên chủ sự Thánh lễ và Chầu Phép Lành Mình Thánh Chúa thay cha phiên tuần trong các dịp lễ đặc biệt.
127 Bề trên có thể trao cho thầy phó tế việc thực thi các tác vụ thuộc chức năng của thầy.
128 Khi vị phiên tuần đi vắng, vị lớn hơn kế tiếp trong cùng ca tòa thay thế.
2.2. CHƯỞNG NGHI
129 Bề trên đặt một đan sĩ làm Chưởng nghi để hướng dẫn cộng đoàn trong việc cử hành phụng vụ theo Nghi thức Hội dòng. Chưởng nghi có nhiệm vụ tập nghi thức cho cộng đoàn.
130 Trong các dịp lễ đặc biệt, Bề trên bàn hỏi với Chưởng nghi và những anh chị em liên hệ. Nếu cần, tùy nghi mời gọi sự hợp tác của các cộng đoàn trong Hội dòng.
2.3. CA TRƯỞNG
131 Bề trên chọn một anh chị em có khả năng âm nhạc làm Ca trưởng (x. QCTQ 103; 104; Huấn thị về Thánh nhạc).
Bề trên hội ý với Ca trưởng chọn Ca phó và các phụ tá.
Trong nhà nguyện, Ca trưởng ngồi chỗ thuận tiện để điều hành việc hát xướng trong các buổi phụng vụ.
132 Ca trưởng có nhiệm vụ tập hát, điều khiển việc đàn hát trong cộng đoàn theo ý Bề trên, sao cho phù hợp với phụng vụ đan tu. Ca trưởng sửa chữa những sai sót một cách bình tĩnh và tế nhị.
133 Ngày thứ bảy, Ca trưởng hoặc một anh chị em do Bề trên chỉ định phân chia công tác trong tuần cho anh chị em: Phiên tuần, đọc sách thánh, thỉnh ca viên, đọc sách nhà cơm, giúp bàn, giúp bếp theo tinh thần của Tu luật (x. TL 35; 38).
134 Ngày phát Sách Mùa Chay (Thứ Tư Lễ Tro), sau khi Bề trên diễn giải Tu luật (đọc chương 49 và chương 48 từ câu 15 đến hết) (x. TL 48-49). Ca trưởng đến lấy sách đã được Quản thư dọn sẵn theo lệnh Bề trên. Tiếp đến, Ca trưởng bái Thánh Giá, cầm sách trong hai tay, trao cho Bề trên. Sau đó, Ca trưởng và Ca phó cùng giúp nhau trao sách cho Viện phó và cộng đoàn. Khi nhận sách, mỗi người đứng lên, cúi đầu và đưa hai tay nhận sách.
135 Các ngày trong Tuần Thánh, Ca trưởng phân chia công tác cho anh chị em:
- Hát hoặc đọc Bài Thương Khó.
- Những anh chị em giúp Bề trên rửa chân cho cộng đoàn.
- Suy tôn Thánh Giá.
- Công bố Tin Mừng Phục Sinh.
- Các phiên chầu.
136 Mỗi năm, vào dịp tĩnh tâm và vào dịp thuận tiện, Ca trưởng đọc bản Tuần viếng cuối cùng và bản Quyết nghị trong kỳ Tổng hội sau hết (x. HP 63).
137 Khi có anh chị em qua đời, Ca trưởng cắt phiên canh và cầu nguyện bên thi hài.
138 Nhận được phiếu tử của Dòng Xitô (bao gồm Xitô Nhặt Phép), sau khi đã thông báo cho cộng đoàn, Ca trưởng yết phiếu tử ở nơi chung trọn tám ngày.
2.4. ĐỌC LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ
139 Lời Chúa là Thần Lương nuôi dưỡng anh chị em, nên người đọc sách cần được dọn trước và đọc phân câu chiết tự để sinh ích cho người nghe.
140 Các thừa tác viên đọc các bài đọc trong Thánh lễ. Tuy nhiên, vì ích lợi của cộng đoàn, Bề trên có thể chọn những anh chị em khác (x. TL 38).
141 Cách thức lên đọc sách: Sau Lời nguyện Nhập lễ, khi cộng đoàn thưa “Amen”, người đọc sách ra giữa nhà nguyện trước cấp cung thánh, cúi bái, tiến lên giảng đài, đọc xong ra giữa, cúi bái rồi về chỗ.
2.5. THỈNH CA VIÊN
142 Trong các giờ kinh Thần vụ, thỉnh ca viên đọc:
- Điệp ca và Thánh vịnh thỉnh ca.
- Bài đọc I và câu xướng đáp Kinh Đêm.
- Đoản huấn và câu xướng trong các giờ kinh Thần vụ.
- Khi thỉnh ca viên đi vắng, người lớn hơn kế tiếp trong cùng ca tòa thay thế.
143 Khi ra giá sách đọc bài Kinh Đêm: Trước và sau khi đọc, anh chị em đến trước cấp cung thánh giữa nhà nguyện, hướng lên Thánh Giá, bái sâu tôn kính. Thỉnh ca viên tuần trước cũng theo cách thức trên mà đọc bài đọc II.
3. TÁC PHONG PHẢI GIỮ TRONG GIỜ
PHỤNG VỤ
3.1. KHI VÀO NHÀ NGUYỆN VÀ CA TÒA
144 Các Nghi thức phụng vụ biểu lộ lòng thành kính tôn thờ của cộng đoàn trước tôn nhan Thiên Chúa, đồng thời có tác dụng sâu xa trong việc xây dựng lòng đạo đức của cộng đoàn phụng vụ, cũng như người tham dự.
Thái độ kính cẩn khiêm cung là dấu chỉ của lòng tin sống động và có năng lực thuyết phục.
145 Trước khi vào nhà nguyện, anh chị em hãy sửa tu phục cho chỉnh tề. Anh chị em làm Dấu Thánh Giá trên mình với Nước Thánh, cúi bái Mình Thánh trước khi đến chỗ trong ca tòa. Tới chỗ mình, anh chị em quỳ gối, hồi tâm giây lát, trừ khi cộng đoàn đang cử hành Thần vụ.
146 Khi vào ca tòa, nếu giờ Thần vụ đã bắt đầu hay lúc Bề trên đã hiện diện, anh chị em đừng bước qua chỗ ngài.
147 Anh chị em đan tay trước ngực khi đi lại trong nhà nguyện, lúc xếp hàng lên rước lễ và khi nhận Nước Thánh.
Khi đi ngang qua Nhà Tạm, anh chị em luôn cúi sâu bái kính. Khi thi hành các tác vụ trên cung thánh, anh chị em hãy giữ thái độ trang nghiêm kính cẩn. Gặp lúc đang Truyền Phép, lúc mở cửa Nhà Tạm hoặc khi kiệu Mình Thánh Chúa đi ngang qua, anh chị em hãy quỳ gối hay cúi bái tôn thờ.
148 Trong nhà nguyện, anh chị em tránh gây tiếng động ồn ào, đừng ra dấu chỉ trỏ, trừ trường hợp cần thiết.
149 Anh chị em được tự do vào nhà nguyện suy niệm hoặc cầu nguyện, nhưng y phục phải luôn chỉnh tề.
3.2. TRẬT TỰ TRONG CA TÒA
150 Bề trên nhất ngồi chỗ đầu trong ca tòa bên phải. Bề trên nhì ngồi chỗ đầu trong ca tòa bên trái.
Khi các ngài vắng mặt, đừng ai ngồi vào chỗ các ngài. Anh chị em ngồi hai bên ca tòa theo thứ tự ngày mặc áo dòng, đan sĩ khấn trọng ngồi trước đan sĩ khấn tạm, đan sĩ khấn tạm ngồi trước tập sinh, tập sinh ngồi trước thỉnh sinh, thỉnh sinh ngồi trước tìm hiểu.
Khi vì thuận lợi cho việc ca hát, Ca trưởng có thể trình bày với Bề trên để thay đổi chỗ cho thích hợp.
151 Khi Bề trên một đan viện đến một đan viện khác thuộc Hội dòng, chỗ ngài được sắp xếp bên cạnh Bề trên nhà sở tại. Nếu là Viện phụ Hội trưởng hay Bề trên Nhà Mẹ của đan viện đó, ngài ngồi vào chỗ Bề trên nhà sở tại và chủ sự các giờ kinh Thần vụ.
152 Khi một anh chị em đến một đan viện khác trong Hội dòng, thì ngồi theo thứ tự ngày mặc áo dòng.
153 Không ai vào ca tòa khi cộng đoàn đang cúi mình, nhưng cúi mình theo cộng đoàn; khi cộng đoàn đứng lên mới đi vào. Vị phiên tuần và các anh chị em xướng kinh thi hành phận sự tại chỗ mình; khi các vị ấy đang thi hành phận sự, không ai đi ngang qua trước mặt các vị ấy.
154 Đang giờ Thần vụ, đừng ai rời khỏi ca tòa, nhưng khi có lý do thật cần thiết, anh chị em ra lối giữa, cúi bái bàn thờ, đến Bề trên cúi đầu xin phép rồi đi ra. Những anh chị em có công tác phục vụ lúc ấy, như đi giúp lễ, thắp đèn… không phải xin phép.
155 Trong thời gian hội nghị, khi tham dự Thần vụ, các Viện phụ và các Bề trên thượng, ngồi theo thứ tự ngày đan viện của các ngài được thành lập, tiếp đến các Viện phụ mãn nhiệm, Viện phụ mới đắc cử (chưa được phê nhận), các Bề trên Giám quản; các nghị viên khác theo thứ tự ngày mặc áo dòng (x. HP 31). Tuy nhiên, khi tham dự phụng vụ Thánh lễ, các Viện phụ có đội mũ Sọ hay mũ Mitra, thì đứng sau các Bề trên khác trong đoàn đồng tế.
3.3. THÁI ĐỘ KHI CỬ HÀNH PHỤNG VỤ
3.3.1. THÁI ĐỘ TRONG GIỜ THẦN VỤ
+ THÁI ĐỘ CHUNG
156 Anh chị em hãy cố gắng, để trong các giờ kinh Thần vụ, cộng đoàn được “một lòng một tiếng” ca ngợi Thiên Chúa.
Anh chị em đứng ngồi ngay thẳng, cúi bái cho đều, cầm sách nghiêm trang.
Cúi đầu khi nghe Thánh Danh Chúa Giêsu và Đức Maria.
Mọi người đứng thẳng chắp tay hướng về bàn thờ khi hát câu giáo đầu của các giờ kinh Thần vụ, kinh Lạy Cha, lời chuyển cầu, lời nguyện, các bài ca kính Đức Mẹ (anh chị em hướng về tòa Đức Mẹ). Khi nghe bài Tin Mừng, anh chị em chắp tay hướng về giảng đài. Trong những lúc này, anh chị em hạn chế đi lại.
157 Khi nghe hiệu khởi sự giờ kinh, cộng đoàn đứng chắp tay, hướng về bàn thờ.
Bề trên ra hiệu, cộng đoàn làm Dấu Thánh Giá trên mình, cúi sâu bái bàn thờ.
Vị phiên tuần xướng câu khởi như sau:
– Giờ kinh đầu tiên trong ngày (Kinh Đêm hoặc Kinh Sáng): “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con.” Cộng đoàn đáp: “Cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.”
– Các giờ kinh khác: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con.” Cộng đoàn đáp: “Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ con.” Cộng đoàn cúi sâu khi hát kinh Vinh Danh.
Ca đoàn xướng Thánh thi, cúi sâu ở Vinh Tụng Ca. Sau Thánh thi, ca đoàn xướng Tiền xướng và Thánh vịnh, cộng đoàn ngồi hát tiếp các Thánh vịnh lẻ và đứng trong Thánh vịnh chẵn. Cuối mỗi Thánh vịnh, cộng đoàn đứng lên vào đầu hàng cuối cùng của Thánh vịnh, cúi sâu hát kinh Vinh Danh (hai bàn tay có thể chạm gối). Sau kinh Vinh Danh, cộng đoàn thinh lặng giây lát (khoảng 10 giây). Ca đoàn xướng Tiền xướng hai…
Sau các Thánh vịnh, thỉnh ca viên đọc Đoản huấn và câu xướng, cộng đoàn đọc câu đáp rồi chắp tay hướng lên bàn thờ khi vị phiên tuần đọc lời cầu, lời nguyện. Câu kết thúc: “Chúng ta hãy chúc tụng Chúa” do vị phiên tuần đọc hoặc do ca đoàn hát. Cộng đoàn đáp: “Tạ ơn Chúa.”
Ca trưởng, ca đoàn hay thỉnh ca viên, đang lúc đọc hay hát kinh Vinh Danh trong Thánh vịnh thỉnh ca, đáp ca Kinh Sáng và Kinh Chiều không phải cúi mình.
+ THÁI ĐỘ RIÊNG
- Sau bài đọc, cộng đoàn thinh lặng giây lát (khoảng 10 giây), ca đoàn xướng đáp ca, thỉnh ca viên đọc câu xướng, cộng đoàn lặp lại từ dấu (*). Sau bài đọc II, ca đoàn xướng đáp ca, thỉnh ca viên II đọc câu xướng, cộng đoàn lặp lại từ dấu (*) rồi tất cả cùng đứng lên cúi sâu khi thỉnh ca viên đọc phần đầu của kinh Vinh Danh, cộng đoàn tiếp phần cuối. Sau đó, cộng đoàn chắp tay khi vị phiên tuần đọc lời chuyển cầu ngắn, lời nguyện và câu kết thúc.
- Chúa Nhật, Lễ Trọng, Lễ Kính có hai canh. Canh I được cử hành như số 1. Sau xướng đáp của Canh II, Bề trên lên giảng đài đọc Tin Mừng, cộng đoàn đứng chắp tay hướng về giảng đài. Bề trên xướng Thánh thi “Ngợi Khen Thiên Chúa Chí Tôn” (Te decet laus), cộng đoàn cúi sâu hát tiếp. Cộng đoàn ngồi suy niệm giây lát rồi đứng lên. Bề trên xướng “Thánh Ca Tạ Ơn” (Te Deum) cộng đoàn hát tiếp. Các Chúa Nhật Mùa Chay và ngày cầu hồn trọng thể không có Te Deum.
Trong “Thánh Ca Tạ Ơn” (Te Deum), cộng đoàn cúi sâu ở các câu: “Thánh, Thánh, Thánh. Chúa Tể Càn Khôn là Đấng Thánh” và câu “Cúi lạy Chúa, xin phù hộ bề tôi… bửu huyết tuôn tràn.”
Sau “Thánh Ca Tạ Ơn” (Te Deum), cộng đoàn chắp tay hướng lên bàn thờ. Bề trên đọc: “Chúng ta dâng lời cầu nguyện”, rồi đọc lời nguyện của ngày lễ, cộng đoàn đáp “Amen.” Bề trên hoặc ca đoàn hát câu kết: “Chúng ta hãy chúng tụng Chúa.” Cộng đoàn đáp: “Tạ ơn Chúa.”
Bắt đầu bằng câu: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con…” với kinh Vinh Danh, tiếp đến đọc hay hát Thánh thi; bốn Tiền xướng với ba Thánh vịnh và một Thánh ca, Đoản huấn. Đáp ca sau Đoản huấn do Ca trưởng hoặc ca đoàn hát và cộng đoàn đáp. Khi hát kinh Vinh Danh, cộng đoàn cúi sâu rồi đứng thẳng lên lặp lại đáp ca từ đầu. Ca đoàn xướng Tiền xướng và Thánh ca Tin Mừng, cộng đoàn hát tiếp. Vị phiên tuần đọc lời cầu, cộng đoàn đọc tiếp từ dấu (*). Khi Bề trên xướng kinh Lạy Cha, cộng đoàn chắp tay và hát tiếp. Vị phiên tuần đọc lời nguyện, ca đoàn xướng ca vãn kính Đức Mẹ (các ngày lễ kính Đức Mẹ không hát ca vãn này). Đọc hoặc hát câu kết thúc như ở phần chung.
160 KINH GIỜ BA – GIỜ SÁU – GIỜ CHÍN
Bắt đầu bằng câu: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con…” với kinh Vinh Danh, tiếp đến đọc hay hát Thánh thi, một Tiền xướng với ba Thánh vịnh, Đoản huấn với câu xướng – đáp, lời chuyển cầu ngắn, lời nguyện và câu kết thúc.
Bắt đầu bằng câu: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con…” với kinh Vinh Danh, tiếp đến đọc hoặc hát Thánh thi, một Tiền xướng với ba Thánh vịnh, Đoản huấn. Đáp ca sau Đoản huấn do Ca trưởng hoặc ca đoàn hát, cộng đoàn hát tiếp. Khi hát kinh Vinh Danh, cộng đoàn cúi sâu rồi đứng thẳng lên lặp lại đáp ca từ đầu. Ca đoàn xướng Tiền xướng và Thánh ca Tin Mừng, cộng đoàn hát tiếp. Vị phiên tuần đọc lời chuyển cầu ngắn và lời nguyện. Sau lời nguyện, Bề trên đọc lời chúc lành: “Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất là Cha và Con và Thánh Thần, ban phúc lành và gìn giữ chúng ta”, cộng đoàn đứng làm Dấu Thánh Giá trên mình. Trường hợp Bề trên hay các linh mục vắng mặt, vị niên trưởng đọc thay cùng một công thức này. Ca đoàn xướng bài ca vãn “Kính Đức Mẹ” (Salve Regina), cộng đoàn chắp tay hướng về tòa Đức Mẹ hát tiếp. Sau bài ca “Kính Đức Mẹ”, cộng đoàn quỳ hay đứng hướng về bàn thờ đọc kinh Truyền Tin. Sau đó, cộng đoàn xét mình (khoảng 5 phút). Khi Bề trên lên hiệu, cộng đoàn đứng dậy bái sâu, Bề trên rảy nước thánh, anh chị em làm dấu thánh giá và ra về.
Khi có vị giám chức, Bề trên không rảy nước thánh trên ngài, nhưng đưa nước thánh cho ngài nhận ở tay.
3.3.2. THÁI ĐỘ TRONG THÁNH LỄ
162 Tham chiếu “Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma” số 42-44; Hội dòng quy định:
- Trong Thánh lễ: Cộng đoàn đứng từ Ca Nhập lễ đến hết Lời nguyện Nhập lễ.
- Cộng đoàn đứng chắp tay: Các lời nguyện, bài Tin Mừng và kinh Lạy Cha.
- Cộng đoàn ngồi nghe bài đọc I, đáp ca, bài đọc II.
- Cộng đoàn đứng lên hát (hay đọc) câu tung hô trước Tin Mừng.
- Cộng đoàn hướng về giảng đài khi nghe đọc Tin Mừng.
- Cộng đoàn ngồi nghe giảng.
- Cộng đoàn đứng lên khi đọc kinh Tin Kính và Lời nguyện cộng đoàn.
- Cộng đoàn ngồi từ lúc chuẩn bị dâng lễ vật cho đến lời mời gọi: “Anh chị em hãy cầu nguyện…”
- Cộng đoàn quỳ khi truyền phép Mình và Máu Thánh, cúi bái Mình Máu Thánh cùng với chủ tế.
- Sau khi dâng Máu Thánh, cộng đoàn đứng cho đến khi rước lễ.
- Khi đã rước lễ, cộng đoàn ngồi thinh lặng cám ơn trong giây lát.
- Cộng đoàn đứng khi chủ tế đọc Lời nguyện Hiệp lễ. Khi nhận phép lành, cộng đoàn cúi mình làm Dấu Thánh Giá và thưa “”
3.4. VIỆC ĐỀN TẠ TRONG GIỜ THẦN VỤ VÀ
LẦN HẠT MÂN CÔI
163 Những anh chị em tới trễ sau Thánh vịnh thỉnh ca của giờ kinh đầu tiên trong ngày; sau Vinh danh của Thánh vịnh I của các giờ kinh khác; sau chục thứ nhất của giờ Lần hạt Mân Côi phải làm việc đền tạ như sau:
- Ra đứng giữa nhà nguyện trước cấp cung thánh, đọc thầm một kinh Lạy Cha, cúi bái rồi về chỗ.
- Anh chị em vào trễ sau khi giờ kinh đã bắt đầu, đọc, xướng sai hoặc gây ồn ào trong ca tòa, phải đền tạ tại chỗ bằng cách cúi đầu đấm ngực, nếu đang ngồi thì phải đứng lên rồi mới cúi đầu đấm ngực.
4. CÁC YẾU TỐ CHÍNH CỦA VIỆC PHỤNG VỤ
164 Mỗi cộng đoàn đọc hay hát kinh Thần vụ theo sách Hội dòng đã ấn định. Tùy trường hợp, có thể hát những Thánh ca đã được giáo quyền cho phép, nhưng phải được lựa chọn cho phù hợp với tinh thần đan tu chiêm niệm.
165 Để giúp nâng cao tâm hồn lên với Chúa, có thể sử dụng các loại nhạc cụ mà Giáo hội cho phép trong khi cử hành Thần vụ và Thánh lễ.
4.1. THÁNH LỄ
166 “Trong Bữa Tiệc Ly, vào đêm Người bị nộp, Chúa Cứu Thế đã lập Lễ Tế Tạ Ơn bằng chính Máu Người, nhờ đó, hy lễ Thập Giá được tiếp diễn qua các thời đại…” (PV 47).
Thánh lễ là trọng tâm của đời sống cộng đoàn, vì thế toàn thể anh chị em trong đan viện mỗi ngày cử hành Thánh lễ và tham dự Bữa Tiệc Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
167 Các ngày Lễ Trọng, Viện phụ có thể cử hành Thánh lễ theo nghi thức giám chức trong đan viện và chỉ cử hành ngoài đan viện khi Đấng Bản Quyền yêu cầu hay đồng ý.
4.2. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ LỄ ĐẶC BIỆT TRONG NĂM PHỤNG VỤ
168 ĐÊM GIÁNG SINH
Sau Thánh lễ, theo truyền thống của Hội dòng, anh chị em nhận “thư Chúa Hài Đồng” làm quà giáng sinh. Sau đó cộng đoàn liên hoan một giờ.
169 THỨ TƯ LỄ TRO
Giờ Kinh Chiều Thứ Ba trước Lễ Tro, sau câu “Chúng ta hãy chúc tụng Chúa… Tạ ơn Chúa” thêm hai lần Halleluia.
Trong Thánh lễ, sau Tin Mừng và bài giảng, làm phép và xức tro theo Nghi thức của Giáo hội. Bề trên phó hoặc linh mục trưởng thượng xức tro cho Bề trên. Sau đó Bề trên xức tro cho cộng đoàn.
170 Trong giờ hội chung hôm nay, sau khi giải thích Tu luật, Bề trên cho phát Sách Mùa Chay như đã quy định ở số 134.
171 Để hân hoan đón mừng Lễ Phục Sinh, anh chị em tự nguyện dâng thêm những việc hy sinh ngoài những điều luật định. Những điều làm thêm này phải trình qua Bề trên để ngài chuẩn nhận và chúc lành cho (x. TL 49).
172 TUẦN THÁNH
Nghi thức Tuần Thánh theo Sách lễ Rôma.
Trong Tuần Thánh, thường Bề trên chủ sự các nghi thức và Thánh lễ.
Trong Tam Nhật Thánh, trước và sau bữa cơm trưa và chiều, cộng đoàn hát Điệp ca: “Vì chúng ta, Đức Kitô đã vâng lời cho đến chết…”, và thêm các phần theo Nghi thức Hội dòng.
173 THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Trước Thánh lễ Chiều có nghi thức rửa chân cho anh chị em. Bề trên và một số anh chị em giúp Bề trên rửa chân cho cộng đoàn tại phòng hội hay một nơi thích hợp. Đang lúc rửa chân, cộng đoàn hát những bài ca về tình bác ái và tình huynh đệ.
Vào giờ hội chung ban tối nếu có, đọc Tin Mừng theo thánh Gioan từ đoạn 13,16 đến đoạn 14,31. Khi đến câu “Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây”, cộng đoàn đứng lên vào nhà nguyện.
Sau giờ Kinh Tối, cộng đoàn làm Giờ Thánh chung, rồi chia phiên chầu cho tới nửa đêm.
174 THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Khi lên hôn kính Thánh Giá, anh chị em phủ phục ba chặng, người sau nhìn người trước để phủ phục cho đều. Thứ tự lên hôn kính Thánh Giá: Chủ tế, các thừa tác viên phục vụ bàn thờ, cộng đoàn theo thứ tự lớn trước nhỏ sau.
Kể từ lúc này tới Thánh lễ Vọng Phục Sinh, mỗi khi đi ngang qua Thánh Giá, anh chị em phải bái sâu như bái Thánh Thể trong Nhà Tạm.
Vào giờ thuận tiện, cộng đoàn tổ chức đi Đàng Thánh Giá trọng thể.
175 THỨ BẢY TUẦN THÁNH
Nghi thức được cử hành theo Sách lễ Rôma.
176 MÙA PHỤC SINH
Thắp Nến Phục Sinh vào Thánh lễ, Kinh Sáng và Kinh Chiều. Cộng đoàn đứng đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng.
Tuần Bát Nhật Phục Sinh và Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau câu “Chúng ta hãy chúc tụng Chúa” và “Tạ ơn Chúa” trong Kinh Chiều, Kinh Sáng và trong Thánh lễ, sau câu “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an” và “Tạ ơn Chúa”, thêm hai lần Halleluia.
Tuần trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, giờ Kinh Chiều, khi hát Thánh thi “Xin Thánh Linh Thiên Chúa” (Veni Creator), cộng đoàn quỳ gối ở khổ đầu.
177 LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
Vào chính ngày lễ hoặc một ngày thuận tiện trong tháng sáu, cộng đoàn cử hành việc Tôn Vương theo Nghi thức Hội dòng.
Theo truyền thống của Hội dòng, mỗi thứ sáu đầu tháng, cộng đoàn quây quần trước Tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu đọc kinh cầu Trái Tim và đọc kinh dâng mình cho Trái Tim Chúa Giêsu. Có thể tùy nghi làm cách khác.
178 NGÀY GIỖ TỔ
Theo Quyết nghị của Tổng hội Đặc biệt 1991: Giỗ Tổ được ấn định vào ngày 24-7. Mỗi cộng đoàn tổ chức Ngày Giỗ Tổ tùy nghi theo cách riêng. Khi tổ chức chung trong Hội dòng sẽ tùy theo ban tổ chức.
Để chuẩn bị cho Ngày Giỗ Tổ, cộng đoàn dành chín ngày trước để học hỏi về đời sống và giáo huấn của Cha Tổ Phụ. Mỗi ngày cộng đoàn đọc chung “Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của Cha Tổ Phụ.”
Tổng hội đã chọn NGÀY GIỔ TỔ làm NGÀY TẠ ƠN TRỌNG THỂ của Hội dòng.
179 LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI (15-8)
Bổn mạng của Toàn Dòng và kỷ niệm ngày thành lập Hội dòng Xitô Thánh Gia (15-8-1918). Đây là dịp chúng ta ôn lại lý tưởng của Hội dòng và cảm tạ Chúa đã thương kêu gọi chúng ta vào đời tận hiến đan tu. Chúng ta cầu nguyện cho Toàn Dòng, Hội dòng và quý vị ân nhân. Bề trên chủ sự Thánh lễ.
180 LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH VÀO ĐỀN THÁNH (21-11)
Theo truyền thống dòng tu, anh chị em trong các cộng đoàn khấn lại theo Nghi thức Hội dòng.
4.3. LỄ BỔN MẠNG VÀ CÁC NGÀY KỶ NIỆM
181 Đan viện là Nhà Chúa và là một gia đình, anh chị em hãy biểu lộ tình thương đối với nhau như con cùng một Cha trên trời, qua những việc làm cụ thể vào dịp lễ bổn mạng và các ngày kỷ niệm khác.
- Lễ bổn mạng của Bề trên và của anh chị em, cộng đoàn sẽ làm những việc sau đây:
- Buổi tối trước ngày bổn mạng, hát bài ca bác ái và những lời nguyện theo Nghi thức Hội dòng.
- Trong các giờ kinh nhỏ, vị phiên tuần đọc lời cầu đầu tiên cho những người mừng bổn mạng. Trong Kinh Sáng và Kinh Chiều, đọc trước lời cầu cuối cùng.
- Tại bàn cơm, chỗ anh chị em ngồi, có đặt bình hoa và thêm món ăn đặc biệt.
Trong ngày lễ bổn mạng của mình, anh chị em được nghỉ việc và miễn chay dòng.
Lễ bổn mạng của Bề trên thượng, anh chị em trong cộng đoàn được nghỉ.
Ngày bổn mạng của một anh chị em ngoài cộng đoàn nhưng đang hiện diện ở cộng đoàn mình thì vẫn hát bài ca bác ái cho anh chị em này.
- Trong những ngày lễ kỷ niệm của anh chị em như Ngân Khánh, Kim Khánh, Ngọc Khánh khấn dòng hay thụ phong linh mục, chúc thọ (80 tuổi trở lên), cộng đoàn tổ chức Lễ Tạ Ơn cầu nguyện cho anh chị em ấy.
Sau bài chia sẻ Tin Mừng, anh chị em mừng Ngân Khánh, Kim Khánh, Ngọc Khánh khấn dòng, nhắc lại lời khấn theo Nghi thức Hội dòng. Bề trên không cần chủ sự. Sau đó, anh chị em cúi bái về chỗ và cộng đoàn tiếp tục cử hành Thánh lễ.
- Khi cộng đoàn có anh chị em mừng lễ bổn mạng, nếu ngày đó cũng có anh chị em trong các cộng đoàn khác cùng mừng lễ, vị phiên tuần cũng nhắc tới các anh chị em ấy chung với anh chị em của cộng đoàn mình. Cách thức này cũng áp dụng cho những dịp Ngân Khánh, Kim Khánh, Ngọc Khánh hay Thượng Thọ.
182 BUỔI TIẾP TÂN
Trong các dịp lễ đặc biệt, cần phải giữ nét đơn sơ thanh đạm của đời đan tu, miễn sao bày tỏ niềm hiệp thông huynh đệ trong cộng đoàn. Việc tổ chức những buổi tiếp tân ấy thuộc bổn phận của cộng đoàn liên hệ chứ không phải của gia đình họ hàng đương sự (x. QNTH 1993).
4.4. TẾT NGUYÊN ĐÁN
183 Để cùng với dân tộc đón mừng Xuân Mới, cộng đoàn dâng Thánh lễ Giao Thừa vào thời điểm thuận tiện tùy hoàn cảnh địa phương. Sau Thánh lễ, cộng đoàn có thể họp Mừng Xuân và chúc tuổi nhau.
Theo tinh thần Cha Tổ Phụ, trong ba ngày Tết, cộng đoàn chầu Thánh Thể theo phiên. Thời gian chầu sẽ do Bề trên qui định.
Theo truyền thống Đông phương, cộng đoàn có thể viếng nghĩa trang chung trong ngày Tết.
Các cộng đoàn mừng Tết sao cho thể hiện được tình gia đình đan viện và tinh thần tông đồ theo đặc sủng của Hội dòng. Việc thăm viếng các gia đình xung quanh thì tùy Bề trên xét định.
4.5. CÁC GIỜ KINH THẦN VỤ
184 “Bài ca chúc tụng Chúa hằng vang lên muôn đời trên Thiên Quốc đã được Chúa Giêsu, Vị Thượng Tế của chúng ta, đưa vào trần thế (…). Từ đó, Hội Thánh không ngừng tiếp tục hát lên qua những hình thức vô cùng phong phú (…). Những buổi cầu nguyện đã được cử hành tại nhiều nơi và vào những lúc nhất định trở nên một phần bổ túc cốt yếu cho Thánh lễ, để Lễ Tế này (…) bao trùm và thấm nhuần đời sống con người trong mọi giây phút (…). Chính vì thế, Hội Thánh kêu mời mọi tín hữu cầu nguyện theo lối Các Giờ Kinh Phụng Vụ, kể cả những ai luật không buộc phải cử hành Thần Vụ” (Đức Phaolo VI, Tông hiến Canticum Laudis).
Hội dòng chúng ta cử hành các giờ kinh Thần vụ theo “Cơ cấu” được Tổng hội 1993 chuẩn nhận như sau: