Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

Thói Lệ Hội dòng Xitô Thánh Gia

VII. NHỮNG NGHĨA VỤ ĐẶC BIỆT

 1.   ĐỐI VỚI NGƯỜI NGOÀI

1.1. ĐÓN TIẾP THƯỢNG KHÁCH

258 Lần đầu tiên Đức Khâm sứ Tòa thánh, Đức Tổng Giám mục, Đức Giám mục Giáo phận, Đức Tổng phụ, Viện phụ Hội trưởng, Viện phụ Nhà Mẹ đến viếng thăm, cộng đoàn tổ chức tiếp đón cách xứng đáng, tùy trường hợp theo Nghi thức Hội dòng.

Khi thượng khách tới đan viện, Bề trên và một số anh chị em đón tiếp ngài tại nhà khách, còn cộng đoàn ở nhà nguyện. Trong trường hợp cộng đoàn phải ra nhà khách rước khách thì xếp hàng đôi, lớn trước nhỏ sau. Lúc rước vào, hát bài Thánh Ca Ngợi Khen (Benedictus) hoặc một bài khác.

Vào nhà nguyện, Bề trên mời thượng khách tới bàn quỳ đã dọn sẵn. Ngài thinh lặng cầu nguyện giây lát (Bề trên có thể nói đôi lời). Ca trưởng xướng bài hát (có thể đọc một đoạn Tin Mừng). Bề trên đọc lời nguyện. Nếu là Giám chức, ngài  ban phúc lành cho cộng đoàn. Sau đó, Bề trên đưa ngài vào phòng hội (hoặc ra lại nhà khách) để nói chuyện với cộng đoàn.

259 Đối với viên chức cao cấp của chính quyền, Bề trên và một số anh chị em tiếp họ tại nhà khách. Việc đưa khách vào nhà nguyện, tham quan đan viện hay gặp gỡ cộng đoàn thì Bề trên tùy hoàn cảnh xét định.

 

1.2. KHÁCH TĨNH TÂM

260 Theo truyền thống đan tu, đón khách tĩnh tâm vốn là một trong những hình thức hoạt động tông đồ của đan viện. Vì thế, đan viện niềm nở đón khách, tạo một khung cảnh và những điều kiện thích hợp để khách có thể dễ dàng gặp Chúa (x. HL 106).

261 Việc tiếp khách khác giới đến tĩnh tâm, tùy sự xét định khôn ngoan của Bề trên (x. HP 149).

262 Nhà khách nên có một tủ sách, để sẵn những sách cần thiết hữu ích cho khách sử dụng.

1.3. KHÁCH VÃNG LAI

263 Theo tinh thần Tu luật, anh chị em đón tiếp khách vãng lai “như Chúa Kitô” (TL 53,1).

Về việc gặp khách: Anh chị em chỉ gặp khách khi đã có phép Bề trên. Nếu tình cờ gặp khách, anh chị em lịch sự cúi chào, có thể nói ít lời cần thiết rồi cáo từ (x. TL 53).

264 Đối với ông bà cha mẹ anh chị em ruột, một khi đã có phép Bề trên thì anh chị em có thể gặp lại bao lâu khách còn ở nhà khách, không cần xin phép lại. Còn những trường hợp khác, chỉ ra gặp khi khách xin.

Khi đã có phép, anh chị em có thể ra gặp khách vào các giờ rảnh và giờ làm việc, nhưng nên vắn gọn trong thời gian cần thiết.

1.4. VỊ TIẾP KHÁCH

265 Để việc tiếp khách được chu đáo như tiếp đón Chúa Kitô (x. Mt 25,40), Bề trên chọn một anh chị em khôn ngoan, đạo đức, lịch sự biết niềm nở đón tiếp và tận tình phục vụ khách.

1.5. VIỆC GIAO TIẾP VỚI BÊN NGOÀI

266  THƯ TỪ

Anh chị em được viết thư không cần phải xin phép trước, trừ Mùa Chay, nhưng thư đi và thư đến đều phải qua Bề trên. Khi gởi thư đừng niêm trước. Những thư gởi cho các vị sau đây không phải qua Bề trên: Tòa thánh, Đức Khâm sứ Tòa thánh tại Việt Nam, Đức Tổng phụ, Viện phụ Hội trưởng, Bề trên Nhà Mẹ, Bề trên Nhà khi ngài đi vắng. Anh chị em nào đến tạm trú nhà khác cũng được tự do thư từ với Bề trên nhà mình.

267  TRUYỀN THÔNG

Để bảo đảm tinh thần nghèo khó và đời sống chiêm niệm, khi sử dụng điện thoại và các phương tiện truyền thông khác, anh chị em phải có phép Bề trên.

 

 2.  ĐỐI VỚI ANH CHỊ EM ĐAU ỐM VÀ GIÀ YẾU

268 Bề trên năng thăm viếng các anh chị em già yếu, bệnh tật và ân cần săn sóc với hết tình yêu thương. Ngài đôn đốc y tá và những người liên hệ lo cho các anh chị em đó, đặc biệt trong đồ ăn thức uống, thuốc men, ngủ nghỉ và các tiện nghi thích hợp. Khi cần, Bề trên chuẩn chước cho anh chị em theo nhu cầu.

269  Bề trên cử một anh chị em đầy lòng bác ái và có khả năng nghiệp vụ y tế để chăm sóc anh chị em đau ốm. Nên cử anh chị em đi học y tế để phục vụ tốt hơn.

270 Đan viện phải tổ chức phòng y tế với những dụng cụ cần thiết, để khi anh chị em đau ốm có nơi điều dưỡng và chữa trị. Khi cần, y tá hội ý với Bề trên đưa anh chị em đi chẩn bệnh và điều dưỡng ở ngoài đan viện.

271 Khi có anh chị em đau ốm không thể tham dự Thánh lễ, vào giờ thuận tiện y tá liệu cho anh chị em được rước Mình Thánh Chúa. Khi có thể, y tá giúp bệnh nhân về đời sống thiêng liêng (đọc Sách Thánh, cầu nguyện…).

272 Khi bệnh tình anh chị em có vẻ trầm trọng, hoặc biến chứng khác thường, y tá báo cho Bề trên biết sớm để ban Bí tích sau cùng.

273 Khi đau ốm, anh chị em hãy đơn sơ, chân thành trình bày với Bề trên và cho y tá biết để được chữa trị. Anh chị em đó nên nhẫn nhục và phó thác trong niềm tin yêu vào Chúa Kitô và vị đại diện của Ngài (x. TL 36; HP 157; 161).

Anh chị em đau ốm nên cố gắng tham dự các sinh hoạt chung của cộng đoàn trong mức độ có thể.

  3. NGHĨA VỤ ĐỐI VỚI ANH CHỊ EM LÂM TỬ VÀ QUA ĐỜI

274 Trong giờ anh chị em hấp hối, cộng đoàn giữ Nghi thức của Hội dòng.

275 “Suốt đời phụng sự Chúa trong đan viện, đan sĩ hoàn tất ơn gọi tận hiến trong cái chết và liên kết với Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại, để cùng với Ngài đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu” (HP 162). Khi có anh chị em qua đời, vị chấp hiệu lên chuông báo: Một hồi ngắn, sau đó đánh từng tiếng rời.

276 Y tá và một số anh chị em tắm rửa thi hài, mặc tu phục. Thi hài được quàn tại nhà nguyện hay nơi thích hợp cho việc cầu nguyện và kính viếng.

Quan tài phải đơn sơ, trên đó có thể đặt một di ảnh và bên cạnh có Nến Phục Sinh. Nếu là linh mục thì đặt thêm Dây Các Phép (stola), còn Giám chức thì thêm Dây Các Phép và mũ Mitra.

277 Anh chị em túc trực bên thi hài để cầu nguyện cho người đã qua đời theo phiên được chia.

278 Trong ngày lễ an táng, cộng đoàn cử hành Thần vụ Cầu hồn cho anh chị em qua đời. Nếu trùng vào Chúa Nhật, Lễ Trọng và Lễ Kính thì cử hành vào ngày gần nhất.

Lễ an táng được cử hành theo Nghi thức Hội dòng (x. HP 164).

279 Khi có khấn sinh qua đời, thư ký gởi phiếu báo tử cho Toàn Dòng Xitô, còn tập sinh qua đời thì chỉ báo tin cho Hội dòng.

280  Mỗi linh mục trong cộng đoàn dâng ba Thánh lễ (trừ 3 bổng lễ). Anh chị em khác (kể cả thỉnh sinh) hiệp dâng ba Thánh lễ. Anh chị em đi Đàng Thánh Giá ba lần cầu cho người qua đời.

Anh chị em trong Hội dòng qua đời, mỗi nhà dâng một Thánh lễ cầu hồn (trừ 1 bổng lễ) và anh chị em đi Đàng Thánh Giá một lần.

281 Bề trên tại chức hay mãn nhiệm qua đời, ngoại trừ nghĩa vụ đối với một anh chị em thường, đến giỗ ba mươi và một trăm ngày, cộng đoàn dâng một Thánh lễ cầu hồn cho ngài (mỗi lần trừ 1 bổng lễ) (x. HP 169).

282 Trong ba năm liền, đến ngày giỗ, cộng đoàn dâng Thánh lễ cầu hồn cầu nguyện cho anh chị em qua đời (trừ 1 bổng lễ) (x. HP 166).

Hằng năm đến ngày giỗ, nếu có thể, cộng đoàn đi viếng mộ và cầu nguyện cho anh chị em ấy.

283 Khi anh chị em qua đời ở một nhà khác thuộc Hội dòng, cộng đoàn đó cử hành lễ An táng như cho chính anh chị em nhà mình.

284 Bề trên Nhà Mẹ, Viện phụ Hội trưởng, Đức Tổng phụ, Đức Giám mục sở tại, Đức Khâm sứ Tòa thánh và Đức Giáo Hoàng qua đời, cộng đoàn dâng một Thánh lễ cầu hồn trọng thể (các bài đọc về cầu hồn) (trừ 1 bổng lễ).

285 Thỉnh sinh qua đời, đan viện cũng làm các Nghi lễ như đối với anh chị em khấn sinh hay tập sinh. Vì thế, các thỉnh sinh cũng thi hành nghĩa vụ đối với người quá cố như anh chị em khác trong cộng đoàn.

286 Đối với ông bà, cha mẹ của một anh chị em trong cộng đoàn qua đời, cộng đoàn dâng một Thánh lễ cầu hồn trọng thể (trừ 1 bổng lễ).

Anh chị em ruột và vợ chồng của họ qua đời, cộng đoàn dâng một Thánh lễ cầu hồn (trừ 1 bổng lễ).

Các vị ân nhân và thân nhân qua đời. Bề trên tùy trường hợp chỉ định dâng Thánh lễ hay làm việc lành khác xứng hợp với tình thân hữu và lòng biết ơn.

287 Nếu gia nhân hay khách trọ ở đan viện qua đời, đan viện cử hành các Nghi lễ như Luật Phụng vụ Giáo hội và tùy Bề trên xét định.

288  Hằng năm, Hội dòng có thêm những ngày cầu hồn trọng thể sau đây:

  • 18/09 : Cầu cho anh chị em trong Toàn Dòng đã qua đời (về bổng lễ, xin tham chiếu số 290 của Thói lệ).
  • 14/11 : Cầu cho các anh chị em giữ Luật Thánh Biển Đức đã qua đời (trừ 1 bổng lễ).

Trong những ngày này, có Thần vụ và Thánh lễ cầu hồn.

289 Mỗi tháng, Dòng Xitô dành một ngày cầu cho các linh hồn, quen gọi là Nguyệt vụ cầu hồn. Trong ngày này, linh mục chủ tế hoặc một linh mục đồng tế chỉ lễ theo ý này.

290 Tháng Cầu Hồn trọng thể trong Dòng Xitô từ ngày 17/9 đến hết ngày 17/10.

Ngày 17/9, vào lúc thuận tiện, cử hành Nghi thức khai mạc như sau:

Ca trưởng đứng trước cộng đoàn và đọc câu: “Chúng ta cầu xin cho các anh chị em trong Dòng, ông bà, cha mẹ, anh chị em thân thuộc, và các ân nhân đã qua đời được ơn giải thoát.”

Bề trên và cộng đoàn đứng lên.

Bề trên: “Xin cho các linh hồn ấy được nghỉ ngơi bình an.

Cộng đoàn: “Amen.

Ca trưởng hướng về Thánh Giá và xướng Thánh vịnh 129 với Vinh Tụng Ca, cộng đoàn đọc tiếp.

Ca trưởng: “Xin Chúa thương xót chúng con.

Cộng đoàn: “Xin Chúa Kitô thương xót chúng con, xin Chúa thương xót chúng con.”

Mọi người đọc chung kinh Lạy Cha.

Bề trên: “Lạy Chúa, xin cứu thoát các linh hồn.

Cộng đoàn: “Khỏi hình khổ luyện ngục.

Bề trên: Chúng ta dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa là Đấng rất mực khoan dung, hằng thiết tha cho mọi người được ơn cứu độ, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và toàn thể các thánh, xin cho anh chị em trong Dòng, ông bà, cha mẹ, anh chị em, thân bằng quyến thuộc và ân nhân chúng con đã lìa thế được chung hưởng hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Cộng đoàn: “Amen.

Cộng đoàn ngồi. Bề trên nhắc anh chị em những nghĩa vụ phải làm trong Tháng Cầu Hồn:

  • Mỗi linh mục dâng ba Thánh lễ (trừ 3 bổng lễ).
  • Anh chị em hiệp dâng ba Thánh lễ.
  • Mọi người đi Đàng Thánh Giá ba lần.

Cuối ngày 17/10, Ca trưởng thông báo kết thúc Tháng Cầu Hồn.

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh Gia (bản La ngữ)

  Đây là bản Hiến Pháp bằng tiếng La-tinh....

Tu Luật Cha Thánh Biển Đức – Hiến Pháp – Thói lệ Hội dòng Xi-tô Thánh Gia

1. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức  - Muốn xem, xin click vào đây: Tu Luật 2. Đây là bản Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh...