Một tu sĩ rất đau khổ vì tính nhạy cảm của mình. Sau nhiều ngày chịu đựng bản tính nóng nảy không tự chủ được, từ cử chỉ đến lời nói, tệ hơn nữa, anh ta luôn dành những phần phải về phía mình. Một hôm, anh tự nhủ: “Ta sẽ bình an, nếu ta vào sống trong sa mạc hoang vắng xa cách mọi người”. Nghĩ sao làm vậy, anh ta đã sống những ngày bình an, nhưng một buổi chiều nọ, anh đặt chiếc bình sành dùng để đựng nước xuống đất, không biết vì đất nơi ấy lồi lõm hay vì ma quỉ muốn chọc phá, mà bình nước lật sang một bên và vỡ đôi, làm đổ hết nước ra ngoài. Người ẩn tu hầm hầm nổi cơn thịnh nộ tưởng chừng như trời long đất lở. Khi nguôi cơn giận, anh ta nhìn ngắm chiếc bình đã bể và tự nhủ: “Tôi đã bỏ các anh em trong Tu Viện nhưng khổ nỗi lại mang chính cái tôi vào sa mạc hoang vu này, không phải họ, nhưng là chính cái nóng nảy của tôi đã làm cho tôi mất bình an”. Ngay chiều hôm ấy, anh ta trở về Tu Viện và qua thời gian, với Ơn Chúa giúp và những cố gắng cá nhân, tính nóng nảy đã bớt dần và sự bình an gia tăng trong tâm hồn anh. Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta sống một cách thiết thực và sâu đậm lời của Đức Giêsu: “Bình an cho các con”. Đó là lời chào luôn có trên môi miệng của Đấng Phục Sinh, là ân ban mà Chúa Kitô Phục Sinh đem lại cho con người. Bình an là nghịch lại với tất cả những gì sợ hãi, thất vọng, chết chóc. Bình an là đồng nghĩa với tin yêu, vui sống và hy vọng.
Mai Liên sưu tầm