Chủ Nhật, 8 Tháng mười hai, 2024

Các bài chia sẻ ĐẠI LỄ GIÁNG SINH (Hiền Lâm)

 

THÁNH LỄ ĐÊM

 Lc 2,1-14

 

“TÌNH YÊU CỨU ĐỘ”

Đọc bài Tin Mừng thánh lễ Đêm Giáng Sinh hôm nay, tôi chợt nhớ đến hình ảnh ngày 13 tháng 6  hằng năm tại đền thánh An-tôn Trại Gáo (Giáo phận Vinh). Dịp lễ này, khắp nơi đổ về dự lễ có khi lên đến cả mấy chục ngàn người. Ai đến sớm vào 2 ngày trước  thì còn tìm được một chỗ kha khá, ít ra là có thể tìm được chỗ qua đêm trên nền gạch trong sân đền thờ; còn những người đến sau thì phải tìm chỗ rất xa tận trên sườn núi, hay ngoài cách đồng. Đã về nơi đây dự lễ thì phải chấp nhận mọi thiếu thốn, đặc biệt khi phải tìm chỗ ngủ ở sườn núi hay ngoài đồng, không mùng mền hay điện nước, nhưng ai cũng như ai chỉ có mảnh bạt hay tấm áo mưa mang theo trải lên sỏi đá. Dân cư xung quanh đền thánh An-tôn không có nhiều các dịch vụ đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của khách, nên giàu hay nghèo cũng như nhau, nhưng ai nấy đều vui vẻ hòa chung với nhau trong một niềm vui tạ ơn Chúa qua lời chuyển cầu của thánh An-tôn.

 

Trở lại với bối cảnh thành Bê-lem xưa trong dịp kiểm tra dân số, có lẽ cũng vì không đủ chỗ trọ tốt vì lượng người đổ về đây quá nhiều, nên thánh Giuse và Mẹ Maria đành tìm chỗ trú qua đêm nơi một chuồng bò hay một hang đá cô quạnh chăng, nhất là khi Mẹ Maria đã đến ngày sinh nở?

 

Có một điều chắc chắn là Con Thiên Chúa đã chọn sinh ra nơi tột cùng của sự nghèo hèn thiếu thốn. Con Thiên Chúa đi vào đời, sinh vào một quốc gia và một thể chế Tôn Giáo, nhất là đất nước và tôn giáo đóng vai trò khởi đầu ơn cứu độ, thì đương nhiên nhập gia tuỳ tục. Chúa Giêsu nhập thể và nhập thể cách trọn vẹn khi Ngài mang lấy một thân phận con người, sinh ra nơi một gia đình, giữ mọi tập tục lễ nghi.

 

Khắp nơi trên thế giới ngày hôm nay, những người ngoài Ki-tô giáo cũng chia sẻ niềm vui Giáng Sinh, người thì nhân cơ hội kết nối tình thân hữu qua cánh thiệp, món quà hay lời cầu chúc, kẻ thì dùng dịp Giáng Sinh như một thời cơ phát triển thương mại, người khác chỉ đơn giản vui giáng sinh vì hình ảnh một em bé dễ thương mỉm cười nằm trong những mang cỏ được trang trí đèn nến lung linh…

Nhưng ít ai hiểu được ý nghĩa căn cốt của việc Con Thiên Chúa đi vào trần gian trong sự tận cùng của sự khó nghèo và hèn kém nhất của xã hội. Để lý giải cho vấn đề này, chúng ta cùng tập chú suy niệm qua hai ý sau đây:

 

1. Ý nghĩa tình yêu cứu độ.

Nhiều người vẫn thắc mắc rằng, nếu Thiên Chúa quyền năng thì chỉ cần ở chốn trời cao phán xuống một lời thì cứu độ được thế gian, cần gì phải chọn cách nhập thể vào nơi tục lụy và gánh lấy kiếp khổ đau như vậy…?

Với lối trả lời theo thần học có lẽ cao siêu quá nên nhiều người khó chấp nhận, vì thần học trả lời rằng: “Chúa Giêsu chọn phương cách nhập thể là vì muốn cho con người biết rằng, con người có một giá trị rất cao quý mà Ngài không ngại mặc lấy thân xác con người, và cũng qua sự nhập thể Ngài nâng phẩm giá con người lên”. Chúng ta có thể đưa ra một lối giải thích bình dân qua ví dụ minh họa như sau: Cũng như một chàng trai muốn tìm kiếm bạn đời, mà cứ ở một chỗ, không đến nhà cô gái, không tìm gặp nàng, không trao đổi tìm hiểu nàng, mà cứ ở nhà gọi điện thoại, gửi tin nhắn, thư điện tử… để tỏ tình, thì làm sao cô gái kia nhận lời được. Hơn nữa, phần lớn người Việt Nam còn có tục phải đi làm rể, thì mới có cơ hội cưới được nửa kia của đời mình. Chúa Giêsu cũng thế, nếu Ngài cứ ở trên trời nói vọng xuống: “Ta yêu các con, Ta sẵn sàng chết vì các con…” thì làm sao con người kiểm chứng được tình yêu đó và đáp lại được. Vì thế, Chúa Giêsu phải xuống với con người, cùng chấp nhận kiếp sống, cùng đồng hành chia sẻ và sẵn sàng hy sinh để cứu con người là đối tượng mà Ngài yêu.

 

2. Cảm thông với thân phận yếu hèn của con người.

Có thể nói sẽ rất khập khễnh trong tình yêu giữa Thiên Chúa và thụ tạo nếu Thiên Chúa giữ vai vế của Thiên Chúa để yêu, nên Người đã hạ cố xuống ngang hàng với con người mới có thể cảm thông và chia sẻ được.

Có câu chuyện kể rằng: “Một ngày kia thái tử Suseig đi dạo qua cánh đồng của Mada, tình cờ trên đường đi thái tử và đoàn tùy tùng gặp một cô thôn nữ đang gánh lúa về qua con đê đầu làng. Thái tử nhìn theo không chợp mắt và lòng thấy xôn xao khó tả… Về nhà thái tử ra ngẩn vào ngơ, nhiều đêm không ngủ và nhiều lần muốn xin vua cha để đi gặp cô thôn nữ ngày nào. Thấy diện mạo của thái tử mỗi ngày một khác đi, vua Erèp lo lắng và triều đình cũng xôn xao lo cho sức khỏe của Suseig. Vua Erèp liền triệu tập các quan từng tháp tùng thái tử đi dạo và hỏi han mới hiểu sự việc xảy ra như thế, vua biết Suseig không có bệnh gì mà chỉ là “đang yêu” mà thôi. Vua ngỡ ngàng không hiểu tại sao trong triều đình có nhiều công nương xinh đẹp thì thái tử không yêu, lại để lòng thương nhớ một cô thôn nữ xa xôi, quê mùa và chỉ xứng với hàng nô lệ. Nhưng vì là Quý Tử nên vua vẫn chiều lòng Suseig và hy vọng qua cuộc hôn nhân này, sẽ hàn gắn được những rạn nứt trước đây, vua sẽ nhân cơ hội ấy mà tha bổng tội bất trung cho gia đình Nada, đồng thời xóa bỏ lệnh cấm vận và mở cửa ngoại giao với họ.

Được vua ban lệnh, thái tử Suseig hồi hộp chuẩn bị lên đường, nhưng một vị tướng cao niên đã hỏi thái tử:

Thưa điện hạ! Có chắc là cô gái đó sẽ nhận lời cầu hôn của điện hạ không?

– Ta chắc là như vậy.

Nhưng nếu điện hạ đi với tư cách là một thái tử đầy quyền lực oai phong, thì cô gái đó chấp nhận kết hôn chỉ vì sợ hoặc vì ham giàu sang danh vọng?

– Vậy thì ta sẽ cắm lều ở trong làng với nàng, ta sẽ cùng lao động khổ cực, chia sẻ những vất vả như một người hàng xóm thực thụ để dần dần chinh phục trái tim nàng.

Nhưng thưa điện hạ! Lỡ nàng đã có người yêu và kẻ tình nhân sẽ giết điện hạ thì sao?

– Không sao cả, nếu có rủi ro như vậy, lúc ta ngã xuống mà được nghe nàng thốt lên “I love you!” thì ta đã mãn nguyện rồi.

… Và thái tử Suseig đã đến, đã yêu và từng bị ngã xuống, đã được yêu, đã cưới được cô dâu về cho vua cha”.

 

Thiết nghĩ, nếu Chúa Giê-su đến trần gian trong tư cách một ông hoàng, hay sinh hạ vào nơi cung triều hoa lệ, thì Người có thể cảm thông được kiếp dân đen nghèo hèn tội lỗi không?

Vâng, chính vì thế mà Con Thiên Chúa đã đi vào trần gian trong thân phận nghèo hèn thiếu thốn, để cứu chuộc con người và làm cho cuộc đời mang một ý nghĩa mới trong Ơn Cứu Chuộc của Người.

 

Lạy Chúa Giê-su, đêm nay, đêm thánh vô cùng, đêm mà Chúa đã giáng sinh vào nơi nghèo hèn tội lỗi để thánh hóa kiếp lầm than của nhân loại thàng thánh, thành vương quốc Nước Trời, thành dân thánh và mọi người trở nên người nhà và là an hem với Chúa. Xin cho chúng con cũng biết sống tinh thần nhập thế như Chúa, là hòa mình vào mọi kiếp đời bất hạnh, hầu giúp mọi người có được phẩm giá xứng đáng, và đặc biệt hơn nữa là trở thành con cái Chúa. Amen.

 

 

THÁNH LỄ BAN NGÀY

 Ga 1,1-18

 

“NGƯỜI ĐÃ ĐẾN NHÀ MÌNH

NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC ĐÓN NHẬN”

Thời Phong Kiến xưa, có những vị minh quân ngoài việc thiết triều bàn nghị việc nước, điều khiển việc quốc gia đại sự, có vị bởi muốn hiểu nhân tình thế thái thế nào nên vi hành vào chốn nhân gian. Các vị cải trang thành một anh học trò nghèo đem một vài võ vệ bí mật đi theo để đi vào những nơi dân tình khốn khổ, nhằm biết đời sống của dân và lòng dân thế nào (chẳng hạn vua Lê Thánh Tông – Nước Việt 1460 – 1497, và một số vị vua đời nhà Tống – Trung Quốc). Thường thì không ai nhận ra vua và thậm chí có vị còn bị các quan xã bắt giam mỗi khi lên tiếng chống lại sự bất công của dân mình trước sự nhũng nhiễu của cường hào.

Câu chuyện vi hành của các minh quân trên cho ta hai ý để suy niệm về Tin Mừng lễ Giáng Sinh hôm nay:

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 14).

Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (Ga 1,14)

 

1. Ngôi Lời đã hóa nên xác phàm.

Để đi đến với thần dân, các vị minh quân phải hóa trang thành một người bình thường mới có thể trà trộn vào trong dân để hiểu biết và đồng cảm được với cảnh sống của dân. Con Thiên Chúa từ trời cao muốn đi vào trần gian để đồng cảm và giải thoát dân khỏi áp bức bạo tàn, khỏi nô lệ cho ma quỷ và tội lỗi, thì Người phải hạ thân mặc lấy xác phàm. Muốn Nhập Thế thì Chúa phải Nhập Thể, đó là ý nghĩa đầu tiên của việc Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người.

Nhờ đó «Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa» (Ga 1,12. Thật vậy, Chúa làm người để con người được thông phần vào bản tính thần linh của Chúa mà chiêm ngưỡng vinh quang Người (x. 2Pr 1,4). Thánh Irene giải thích: “Con Thiên Chúa trở thành con cái loài người, để con cái loài người được trở nên con Thiên Chúa”. Còn thánh giáo phụ Clémẹnt (Alexandrie) và Grégoire (Naziance) lại quả quyết mạnh hơn: “Thiên Chúa đã làm người để con người làm chúa”. Khi nói đến quyền làm chúa của con người, các giáo phụ xác quyết lại tình trạng con người khi phạm tội nguyên tổ đã mất «quyền làm con» «quyền làm chủ», trở nên «nô lệ» cho ma quỷ, xác thịt và tội lỗi (Domini: Chúa, domini: ông chủ). Thì đây, khi Đấng Cứu Độ đến là ban lại «quyền làm con Thiên Chúa», và giải phóng con người khỏi «nô lệ» ma quỷ, đặc biệt là «làm chủ» trên ma quỷ, thế gian và tội lỗi. Không những thế, từ nay con người còn trở nên nghĩa tử và đồng thừa tự với Đức Kitô.

 

2. Người nhà không đón nhận.

Không nhận ra vua là vì ai cũng chung một quan niệm vua thì oai phong lẫm liệt khoác vương bào ngồi trên kiệu có quan quân tiền hô hậu ủng. Vua thì không thể nào là khố rách áo ôm không nhà không cửa… Đó cũng là quan niệm chung của người đương thời với Chúa Giêsu. Họ quan niệm Đấng Cứu Thế đến phải là rất quyền lực và oai phong như Vua Đa-vít đến đánh dẹp Rôma và lên ngôi hoàng đế, nên không chấp nhận một Đấng Cứu Thế khiêm nhường hiền hậu như Đức Giêsu được.

Chính vì thế mà như Tin Mừng Gioan viết: Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (Ga 1,14).

Không đón nhận là vì ai cũng đang tìm kiếm một Đấng giàu sang vinh hiển quyền năng, chứ làm sao chấp nhận được một Hài Nhi chào đời trong một hoàn cảnh nghèo đến mức không thể nghèo hơn được nữa. Đến nỗi dấu để nhận ra Ngài không phải trên xa giá kim long mà là «Hài Nhi nằm trong máng cỏ».

Không đón nhận là vì ngày hôm nay, chính chúng ta đang tiếp tục vẽ ra một vị Thiên Chúa làm sao cho hợp với đam mê của mình, chúng ta ham quyền lực nên tôn thờ một kiểu Thiên Chúa uy quyền đánh phạt, chúng ta ưa danh vọng, nên vẽ ra Thiên Chúa giàu sang quyền quý…

Không đón nhận là vì chúng ta muốn một Thiên Chúa sinh ra theo ý mình, đồng nghĩa với việc chúng ta giết chết một Thiên Chúa đích thực, là một Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa chịu đóng đinh và là Thiên Chúa của người nghèo.

 

Hệ quả là cũng như những người Do Thái xưa, chúng ta quan niệm những vị đại diện Chúa sai đến, phải là oai phong hơn người, và chúng ta dành cho các vị một khoảng cách rất xa so với những người thân cận đang cần đến chúng ta giúp đỡ.

Đáng trách hơn là không thiếu những người “được coi là đại diện Chúa”, như «các đấng các bậc» đã tự trang bị cho mình một sự vượt trội người khác, thay vì nổi trội về lòng mến và kiến thức về Chúa, thì lại lo sắm sửa cho mình những tiện nghi sang trọng, để được mọi người kính nể, và tự phân cấp thành một bậc cao hơn trên dân Chúa, không thể đến với người nghèo và hạ mình cúi xuống phục vụ những người đau khổ. Như thế, chẳng khác nào chúng ta đang tôn thờ một Thiên Chúa ‘thần tài’ và giết chết Thiên Chúa là Đấng đã chết đi vì những người hèn kém nhất trong xã hội.

 

Tóm lại, Mừng biến cố Chúa Giáng Sinh để khởi đầu một kỷ nguyên mới của bình an và hạnh phúc, thì cũng muốn mỗi người chúng ta một khởi đầu mới là dành cho Chúa một nơi ở trong trái tim mình, dành cho Chúa một chỗ trong đời sống mình để Giáng Sinh. Đồng thời loại bỏ những gì biến dịp giáng sinh thành dịp để ăn chơi, hưởng thụ khoái lạc, kinh doanh buôn bán, chạy theo các giá trị phù du…

 

… 

Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ tội lỗi cho chúng con, bởi vì chúng con được ví như “người nhà” của Chúa, nhưng nhiều lần Chúa đến viếng thăm tâm hồn chúng con thì chúng con lại từ chối vì không nhận ra Chúa, bởi tâm trí chúng con quen với tư tương một Thiên Chúa quyền lực thỏa mãn đam mê của chúng con hơn là một Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.

 

Hiền Lâm

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – Mầu nhiệm tội lỗi

LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI Mầu nhiệm tội lỗi Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên, Đan viện Châu Sơn Đơn Dương Hôm nay, chúng ta suy niệm...

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa Đến Trong Cuộc Đời

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa Đến Trong Cuộc Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa trong Chúa...

9/12 – Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

    ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI (Lc 1,26-38) M. Bảo Hạnh, Phước Lý Phụng vụ Giáo Hội bước vào tuần thứ hai Mùa Vọng, thời gian...

Chúa Nhật II MV, C, Lc 3,1-6: Cách chuẩn bị cho Chúa đến

    Cách chuẩn bị cho Chúa đến (Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) M. Bosco, Phước Sơn      Chuẩn bị đón Chúa chính là ý nghĩa của mùa Vọng....

Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Tỉnh thức

    Tỉnh thức (Gr 33,14-16; 1Tx 3,12 - 4,2; Lc 21,25-28.34-36) M. Anges, Phước Thiên      Thời gian là quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta....

Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Phải chăng tử đạo vì chán đời?

  Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam Phải Chăng Tử Đạo Vì Chán Đời? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, toàn...

Mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, Lc 9,23-26

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Mừng kính các tử đạo Việt Nam là dịp...

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua?

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Theo quan niệm thông...

Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Vua Tình Yêu 

  Vua Tình Yêu  (Ga 18,33b-37) M. Phan Sa, PV      Những tuần qua, thế giới đã theo dõi ngày bầu cử tổng thống Mỹ khá thú...

Lễ các thánh tử đạo Việt Nam: Tình yêu tự hủy – con đường của người môn đệ

  Các thánh tử đạo Việt Nam 25/11 TÌNH YÊU TỰ HỦY – CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Lc 9,23-26) M. David, VP Khác với Tin Mừng theo...

Chúa Nhật XXXIV TN, Lễ Chúa Giêsu Kitô – Vua Vũ Trụ

  Vương Quyền của Đức Kitô (Ga 18,33b-37) M. Andre Kim Taegon Chu Văn Thường, Phước Hiệp Vào Chúa Nhật cuối năm Phụng vụ, Giáo hội cử...

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B (Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32) Đón ngày tận thế

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B (Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32) Đón Ngày Tận Thế Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa nhật áp chót năm...