CÁCH THẾ YÊU MẾN THIÊN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ
Bài Suy Niệm – Mt 22, 34 – 40
M.Gregorio – An Phước
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe cho thấy một người thông luật đến “thử hỏi” Chúa Giêsu xem trong lề luật giới răn nào trọng nhất? Hai từ “thử hỏi” nghĩa là đã có câu trả lời rồi. Thế nhưng tại sao phải “thử hỏi”? Thử hỏi để làm gì? Thưa: Vì Luật Do Thái được ví như một “rừng luật: Với một rừng luật như vậy, dễ làm cho người ta không biết giới răn nào quan trọng nhất.
Câu hỏi của vị thông luật như đang thách thức Chúa Giêsu xem Ngài có trả lời được không. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã trả lời bằng cách lặp lại một giới răn quan trọng được ghi trong sách Đệ Nhị Luật, mà bình thường người Do Thái nào cũng biết: Đó là “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí khôn ngươi” (Đnl 6, 5). Và Ngài còn thêm một điều răn thứ hai nữa cũng được ghi trong sách Lêvi: “Ngươi phải yêu mến đồng loại như chính mình” (Lv 19, 18).
Theo quan niệm của Người Do thái, “Tha nhân” chỉ dành cho những người đồng hương, đồng xứ (Lv 19, 18). Còn “đồng loại” được hiểu là hết tất cả mọi người, (Mt 25, 40). Khi Chúa Giêsu bảo người thông luật “Hãy yêu thương đồng loại như chính mình ngươi”, là Người có ý dạy phải thương yêu hết tất mọi người, chứ không giới hạn trong những người đồng hương với nhau (Mt 25, 40), không những thế mà lại còn phải yêu thương cả địch thù nữa (Mt 5, 43).
Khi nói về tình yêu “đồng loại”, người ta nghĩ ngay tới những “việc làm bác ái”: Như cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống… nói tóm lại là giúp đỡ kẻ khác. Nhưng đó chỉ là “hậu quả” của tình yêu, chứ chưa phải là tình yêu. Tình yêu trước tiên phải khởi đi từ con tim trước rồi mới đến việc làm. Nghĩa là trước khi làm phúc, người ta “phải muốn” làm phúc trước. Chính vì thế, Thánh Phaolô mới nói: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ” (Rm 12, 9.
Tuy nhiên trong thực tế, lắm lúc chúng ta làm việc bác ái và bố thí với nhiều lý do không dính dáng gì tới tình yêu, nhưng nhằm để tô điểm cho chính mình, để ra vẻ là một người làm điều thiện, hay mua chuộc tình cảm người khác về với mình, hoặc có khi để trấn an một lương tâm xấu.
Vậy khi nói: “Yêu mến Đức Chúa, và yêu người thân cận như chính mình” là muốn nhắm tới một tình yêu. Tình yêu này không phải là một thứ tình yêu trên môi miệng, nhưng được nuôi dưỡng bằng những việc làm tốt từ con tim. Thế thì những việc làm tốt ấy là gì? Thưa! 1. Yêu thương mọi người, 2. Sẵn sàng giúp đỡ người khác, 3. Sống tinh thần vị tha…Nghĩa là, yêu thương mọi người là diễn tả tình yêu của con tim đã được thể hiện trong ước muốn. Sẵn sàng giúp đỡ mọi người là hành động cụ thể của tình yêu xuất phát từ con tim, Tinh thần tha thứ là nói tới sự bao dung của tình yêu nơi trái tim. Nếu một người thực hiện “bộ ba” như: Yêu thương, Giúp đỡ và Tha thứ… há chẳng phải họ đang tuân giữ và thực thi Lời Chúa sao? Một người mà hoàn toàn tuân giữ và thực thi Lời Chúa như thế, chắc chắn người ấy đang yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.