CẦU NGUYỆN THEO PHƯƠNG CÁCH CỦA CHÚA
(Bài Suy Niệm Thứ 4 tuần XXVII TN)
Lời cầu nguyện vô cùng cần thiết, nó có tính quyết định đối với sự tồn vong đời sống tâm linh của bất cứ cá nhân hay tập thể nào. Ý thức được điều đó nên ngay từ khi khởi sự đi theo Chúa Giêsu, các tông đồ đã để ý và muốn Chúa dạy các ông cách cầu nguyện như Người đã làm. Trong bài Tin mừng hôm nay (Lc 11, 1-4), sau khi đã thấy Chúa cầu nguyện, các tông đồ ngỏ lời xin Chúa dạy các ông cầu nguyện.
Cầu nguyện vô cùng quan trọng, điều đó đúng, rất cần và điều đó đem lại nhiều lợi ích; tuy nhiên đôi khi lời cầu nguyện của nhiều người trong đó có lời cầu nguyện của chúng ta mang tính hình thức và giả bộ.
Đọc trong Tin mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu nhiều lần trách mắng thói cầu nguyện giả hình của các Biệt Phái và Luật Sĩ. Cách thức của các ông, mục đích của các ông và đối tượng hướng đến trong lời cầu nguyện của các ông hẳn là còn rất xa với tinh thần Chúa dạy, có cái gì đó mang tính hình thức, một thói giả hình giả bộ.
Đối chúng ta cũng vậy: nếu chúng ta khiêm tốn nhìn nhận về chính mình thì rất nhiều lần chúng ta cũng cầu nguyện với Chúa để khoe khang, cầu nguyện vì sợ, cầu nguyện để mưu tính lợi ích cho mình. Lời cầu nguyện của chúng ta có cái gì đó còn vương mùi thế tục: hướng về những nhu cầu trước mắt, tìm lợi cho mình, mang tính vật chất….
Nhiều lần trong ngày chúng ta đã cầu nguyện và dùng chính lời kinh Lạy Cha để cầu nguyện; tuy nhiên vẫn còn có cái gì đó nhuốm màu hình thức, lộ diện thói giả hình giả bộ, thiếu xót cách này cách kia trong tương giao giữa chúng ta đối với Thiên Chúa. Hãy thử phân tích kinh Lạy Cha một chút để nhận ra trong lời cầu nguyện của chúng ta: cả nội dung và hình thức vẫn còn có rất nhiều điểm khác so với cách Chúa dạy chúng ta.
– Thứ nhất: cầu nguyện để vinh danh mình.
Rất nhiều khi chúng ta cầu nguyện cốt để cho người ta thấy, để người ta khen ngợi tung hô, giống như người Pharisêu. Chúa Giêsu cảnh giác việc cầu nguyện giữa ngã ba ngã tư đường hoặc cầu nguyện lâu giờ nhưng cuộc sống thì hoàn toàn trái ngược. Có khi chúng ta cầu nguyện vì một ai đó, vì sợ người ta chê mình mình thiếu đạo đức, lười biếng việc thiêng liêng… Như vậy, thay vì lời cầu nguyện để ca ngợi và tôn vinh danh Chúa thì lại qui chiếu về mình, tìm cách làm vinh danh mình.
– Thứ hai: cầu nguyện để mong Chúa đáp ứng những nhu cầu trước mắt.
Thay vì xin lương thực cần thiết đủ dùng hàng ngày như kinh Lạy Cha thì nhiều khi chúng ta lại xin các thứ khác hay là xin quá điều chúng ta cần. Tất nhiên điều dư thừa không chỉ là thức ăn thức uống nhưng còn là sức khỏe, tiền của, tài năng hay tất cả những gì vốn an toàn cho cuộc sống mình.
– Thứ ba: xin tha tội cho mình nhưng lại khó lòng tha cho người khác.
Lời cầu xin của chúng ta mong muốn Chúa tha tội cho chúng ta nhưng chúng ta chưa tha tội, chưa sẵn sàng tha lỗi cho những người xúc phạm đến chúng ta.
– Thứ tư: thiếu can đảm từ khước cám dỗ hay từ bỏ tội lỗi.
Chúng ta xin với Chúa: “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng trong thực tế cuộc sống, đôi khi chúng ta lại không dám buông bỏ những thói hư tật xấu hoặc thiếu cố gắng vượt qua tình trạng có nguy cơ khiến chúng ta phạm tội. Chính vì thế nhiều người chế lại câu này rằng: “xin cứ để chúng con sa chước cám dỗ”.
Tóm lại, trong đời sống cầu nguyện của chúng ta vẫn còn một lỗ hổng rất lớn, thiếu tính thống nhất giữa lời nói và việc làm. Có quá nhiều lần chúng ta không cầu nguyện như Chúa dạy hoặc có nhưng thiếu nội dung và những đòi hỏi cần thiết. Vậy chúng ta cầu nguyện cho nhau và cầu chúc cho nhau để chúng ta có thể thực hành việc cầu nguyện cách tốt đẹp nhất.
Mai Thi