Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

CẦU XIN – Suy niệm Thứ Tư, Tuần VIII TN – Vp. Duyên Thập Tự

Suy niệm thứ Tư, Tuần VIII TN

 

CẦU XIN

(Hc 36,1.4-5a.10-17 / Mc 10,32-45)

 VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

 Trong đời sống kitô hữu, một trong những sinh hoạt thường xuyên nhất trên phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn, đó là cầu xin. Hầu như ngày nào, ai trong chúng ta cũng cầu xin; cầu xin Chúa ban cho điều này điều kia. Đối với nhiều kitô hữu, hình như cầu nguyện chỉ gói trọn duy nhất trong việc cầu xin.

Cầu nguyện không chỉ là cầu xin – vì còn là ngợi khen, cảm tạ, thống hối – nhưng dầu sao, việc cầu xin Thiên Chúa cũng là điều Người muốn chúng ta thực hiện, vì Người luôn sẵn sàng ban ơn cho những ai khao khát, chờ mong.

Hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay đề cập đến việc cầu xin. Đó là lời cầu xin của một cộng đoàn đang hướng về Thiên Chúa và chờ mong Người hành động cho dân tộc mình. Đó cũng là lời cầu xin của những cá nhân; nhưng hình như họ đã không biết điều mình cầu xin.

 

  1. CẦU XIN VỚI LÒNG KHÁT KHAO

Bài đọc thứ nhất trích sách Huấn Ca chương 36, câu 1, câu 4 đến 5 và từ câu 10 đến 17, là lời cầu xin của một cộng đoàn – hay của dân tộc Ít-ra-en – dâng lên Thiên Chúa.

Trước hết, họ cầu xin Thiên Chúa dủ lòng thương nhìn đến họ và cảnh sống của họ. “Lạy Thiên Chúa là Chúa Tể muôn loài, xin dủ lòng thương và nhìn đến chúng con.” Đây là một khởi đầu đẹp của lời cầu xin, đó là kêu mời tấm lòng và ánh nhìn của Thiên Chúa nhập cuộc vào đời sống. Đương nhiên là Thiên Chúa yêu thương với trọn trái tim Người và luôn nhìn đến cảnh khổ của con người. Nhưng khi cầu xin Thiên Chúa dủ thương và nhìn đến là đặt người cầu xin – những người cầu xin – trong một mối thân tình, trong một mối tương giao yêu thương. Vì Thiên Chúa yêu thương và quan tâm, nên mới cầu xin Người. Như vậy, bước khởi đầu đã diễn tả lòng khát khao sống tương giao với Thiên Chúa. Không tương giao thân tình với Thiên Chúa, không thể cầu xin chân thành thiết tha được.

Tiếp đến, cộng đoàn cầu nguyện này xin Thiên Chúa, một khi đã dủ thương và nhìn đến, thì xin Người ra tay hành động bằng việc “tái diễn những điềm thiêng, lại làm những dấu lạ khác”. Tại sao lại tái diễn, tại sao lại làm? Nơi đây họ sống mối tương giao với cả lịch sử của dân tộc họ, trong đó, Thiên Chúa đã thực hiện những điều tốt đẹp cho cha ông họ và các thế hệ trước; vậy, ngày nay, nếu họ cầu xin Thiên Chúa can thiệp cho hoàn cảnh của họ, thì chính vì họ tin tưởng vào lòng trung tín của Thiên Chúa, “lòng trung tín ngàn đời”. Nếu trong quá khứ Thiên Chúa đã thực hiện những điềm thiêng dấu lạ, thì nay cũng xin Người tái diễn và lại làm những điều kỳ diệu đó cho dân Người. Chính lời cầu xin nối kết mọi thế hệ trong dân tộc họ. Vì thế, họ nêu lên các tên gọi “các chi tộc Gia-cóp”, “Ít-ra-en”, “Giê-ru-sa-lem”, “Xi-on”,”các ngôn sứ”, “A-ha-ron”. Lời cầu nguyện với lòng khao khát luôn mang một chiều kích lớn, rộng, bao trùm: không chỉ lòng khao khát của hiện tại mà còn lòng khao khát cuả những con người sống trong quá khứ. Đây là lòng khao khát của các thế hệ. Và việc Thiên Chúa thực hiện ngày nay và nơi đây cũng chính là điều Người đã thực hiện “thuở ban đầu”.

Điều đó cho chúng ta nhận thấy lời cầu xin không chỉ thu hẹp nơi bản thân mình, hay liên quan đến hoàn cảnh hiện tại, với những vấn đề cụ thể, mà mở ra cho một không gian và thời gian rộng lớn hơn. Và như vậy, cầu xin liên hệ với hết mọi người, với tất cả mọi vấn đề của mọi người. Đó là một việc cầu xin thật đẹp. Một việc cầu xin vượt quá sự ích kỷ của bản thân. Cầu xin đưa đến sự hiệp thông.

Và cuối cùng, lời cầu xin lớn nhất bao trùm tất cả những điều cầu xin cụ thể, đó là nhận biết Thiên Chúa. Ai nhận biết đây? “Mọi người trên mặt đất sẽ nhìn nhận Ngài là Đức Chúa, là Thiên Chúa muôn thuở muôn đời”. Nghĩa là những người khác – những dân tộc khác, những người ở bên ngoài – khi thấy những điềm thiêng dấu lạ Thiên Chúa thực hiện cho dân Người, thì chính họ cũng nhận ra Thiên Chúa. Đây là một khát khao lớn. Khát khao nhỏ là mong Thiên Chúa đáp ứng những nhu cầu cụ thể; còn khát khao lớn là mọi người nhận biết Chúa là Thiên Chúa muôn đời. Nhận biết Thiên Chúa là hạnh phúc lớn nhất, là ơn huệ lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho những người cầu xin; như chính họ đã cầu nguyện trên kia: “để chúng nhận biết Ngài như chúng con từng nhận biết xưa nay: ngoài Ngài ra, lạy Đức Chúa, chẳng còn Thiên Chúa nào khác nữa”.

Như vậy, cầu xin thật sự là khởi đi từ những điều cụ thể để dẫn đến điều quan trọng nhất, tặng ân quí giá nhất là nhận biết Thiên Chúa. Đó là việc cầu xin đẹp nhất. Không phải là thứ cầu xin năn nỉ ỷ ôi như thể Thiên Chúa chẳng biết gì cả, mà là một sự mở ra cho Thiên Chúa và vinh quang của Người.

 

  1. CẦU XIN VỚI THAM VỌNG

Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng theo thánh Mác-cô chương 10 từ câu 32 đến 45. Trong trích đoạn này, một số vấn đề được nêu lên. Nhưng, trong luồng suy niệm về cầu xin, tôi xin dừng lại lời Chúa Giêsu nói với hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an: “Các anh không biết các anh xin gì?” Đây là câu nói làm cho chúng ta suy nghĩ về cách và điều chúng ta cầu xin.

Khi Chúa nói “các anh không biết các anh xin gì”, tôi thiết thưởng là Chúa không nhắm đến điều cụ thể, vì hai môn đệ này xin điều rõ ràng “xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”. Quá rõ ràng. Nhưng tại sao Chúa lại nói là các ông không biết điều mình xin.

Vậy hai người môn đệ của Chúa không biết điều gì? Tôi thiết nghĩ, các ông không biết một số điều sau đây.

– Trước hết, đó là không biết Thầy các ông vừa nói gì ngay trước đó. Chúa nói đến tương lai của Chúa là cái chết ô nhục. Vậy khi các ông xin Chúa hai vị trí bên hữu tả trong vinh quang là các ông không biết mình được mời gọi đang sống điều gì. Nếu các ông xin Chúa cho hai bên tả hữu khi Chúa bị giết chết, chắc Chúa cũng sẵn sàng chấp nhận, vì các ông đi vào khung trời của Chúa. Như vậy, cầu xin, trước hết là đi vào nơi Chúa đang hiện diện. Cầu xin phải đặt mình trong hiện tại, hiện tại của Thiên Chúa và hiện tại của chính mình. Cầu xin là sống cái “lúc này và nơi đây”, chứ không phải một thứ mơ mộng xa xôi, hão huyền.

– Tiếp đến, hai anh em này không biết nội dung của vinh quang mà các ông nhắm đến. Vinh quang của phục sinh – có lẽ hai ông nghe rõ điều Chúa nói là ‘ba ngày sống lại” để vinh quang – phải kinh qua đau khổ: vinh quang phục sinh phải trải qua thập giá. Cái giá của vinh quang, các ông chưa biết đến. Vì thế, sau đó Chúa hỏi các ông là có uống nổi chén của Thầy không. Các ông cần biết đến cái giá này, mà khi xin vinh quang, thì cũng hàm chứa con đường dẫn đến đó. Hai ông chưa biết đến con đường này.

– Rồi, hai anh em này chưa biết rằng điều mình cầu xin có xây dựng không. Có thể là mình được vị trí tốt đó, nhưng có biết nhìn đến người khác, biết nhìn đến cái lớn hơn không. Trên kia, chúng ta nói đến cộng đoàn cầu nguyện liên kết các thế hệ của các thời đại và lời cầu xin bao trùm tất cả mọi người. Có thể hai anh em này, nghĩ đến bản thân mình quá nhiều, và có thể duy nhất nữa, và vì thế, có nguy cơ loại trừ, không xây dựng. Chúng ta có kinh nghiệm về những lời cầu xin “không xây dựng”! Những lời cầu xin không xây dựng, đó là những lời cầu xin “không rõ”, “không biết”! Đó là lời cầu xin bị ô nhiễm bởi tham vọng cá nhân.

– Như vậy, cuối cùng, lời cầu xin phải vượt quá sự hẹp hòi của bản thân mà mở ra cho điều lớn hơn và điều lớn nhất. Như trên kia đã nói, đó là nhận biết Thiên Chúa. Hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an cần nhận biết Thiên Chúa và kế hoạch của Người, chứ đừng dừng lại và loay hoay với những tham vọng cá nhân. Lời cầu xin mà bị tham vọng cá nhân điều hướng, thì đó là lời cầu xin bị ô nhiễm rồi. Lời cầu nguyện phải hướng tới và mở ra cho “đại cuộc” của Thiên Chúa hơn là bo bo với “kế hoạch nhỏ” của bản thân.

Như vậy, khi Chúa Giêsu nói với hai anh em này về việc họ không biết điều mình cầu xin, là Chúa muốn hai người môn đệ thân yêu này – vì hai ông cùng với Phê-rô là thành “bộ ba” gần gũi Chúa nhất – biết cầu xin điều gì thật sự xây dựng cho Nước Chúa, cho tình hiệp nhất và thiện ích chân thực cho bản thân.

Đó cũng là điều chúng ta cần để biết cầu xin. Chính Chúa Thánh Thần đến dạy chúng ta cầu xin sao cho đúng với ý của Thiên Chúa. Và Kinh lạy Cha – mà Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin – là nơi cô đọng những khát khao mà chúng ta cần có và cầu xin với Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...