Lc 6, 20- 26
Tác giả Noel Quesson chú giải rằng: Trong Tin Mừng của Thánh Matthêu, Chúa Giêsu công bố hiến chương Nước Trời bằng 8 mối phúc ở trên núi là để nhắc nhở cho dân chúng cũng như cho chúng ta nhớ lại trên núi Xinai, ông Môsê đã nhận Luật của Giavê Thiên Chúa (Xh 19). Còn ở Tin Mừng của thánh Luca, các mối phúc được công bố ở đồng bằng. Điều này cố ý diễn tả Đức Giêsu là Môsê mới, từ trên núi xuống, mang theo sứ điệp của Thiên Chúa cho dân chúng.
Các mối phúc trong Tin Mừng Matthêu, nhấn mạnh đến sự: nghèo khó tâm linh, sự đói khát công lý và sự đau khổ của nội tâm. Còn các mối phúc trong Tin Mừng Luca thì nhấn mạnh hơn đến những người nghèo đói thật sự trong thân xác và khóc lóc thảm thiết đến chảy hết nước mắt. Nhưng bên cạnh những mối phúc thì Luca còn chua thêm những mối họa mà một số người phải hứng chịu. Qua Bài Tin Mừng hôm nay, chỉ xin chia sẻ về mối phúc dành cho người nghèo khó và mối họa mà Chúa Giêsu đã than thở, khóc thương cho những người giàu.
Phúc đầu tiên Chúa Giêsu dành cho người nghèo khó, nhưng lại là mối họa cho những kẻ giàu có. Phải chăng Chúa Giêsu không ưa thích những người giàu, hay chỉ cổ vũ cho sự nghèo đói? Thật ra, Chúa Giêsu rất thương những người nghèo khó, vì trong thời đại của Ngài, những người nghèo khó đã bị xã hội bỏ rơi, bị đẩy ra bên lề, không được quý trọng…cụ thể như các môn đệ sống theo gương nghèo khó của Thầy chí thánh thì không được coi trọng, họ sống nghèo khó là để tin tưởng và phó thác hòan tòan vào Thiên Chúa. Hay, như một Lazarô sống nghèo khổ bên lề xã hội, có nhiều khi thèm những miếng ăn dư thừa trên bàn của người phú hộ giàu có mà cũng không được (x Lc 16, 19- 31). Chúa Giêsu luôn chúc phúc cho người nghèo khó của cải, nhưng lại giàu tấm lòng quảng đại, giàu nhân nghĩa, nói chung là giàu tình người. Còn người giàu có, Chúa Giêsu không phải chúc dữ cho sự giàu có của họ, nhưng Chúa Giêsu đã thương tiếc cho số phận của họ, vì họ giàu có của cải vật chất, nhưng lại không giàu có tình người, không giàu có lòng nhân hậu, và cũng chẳng giàu có lòng quảng đại để biết chia sẻ, cho đi. Trong câu chuyện người thanh niên giàu có đến xin Chúa Giêsu chỉ cho con đường đạt tới sự sống đời đời, Chúa đã chỉ cho anh ta là bán hết của cải bố thí cho người nghèo rồi đến với Ngài để có sự sống đời đời… nhưng anh ta đã buồn rầu bỏ đi ( x Mt 19, 16- 22; Lc 18, 18- 23). Người thanh niên đến gặp Chúa Giêsu, đại diện cho những người giàu có của cải vật chất, nhưng không có lòng bác ái để chia sẻ…thì họ cũng sẽ không có được Nước Trời, họ sẽ không có được chính Chúa trong cuộc đời. Và như thế, có lẽ Chúa Giêsu vẫn mãi hát lên lời ca bi ai đầy thương tiếc cho số phận của những người giàu như anh thanh niên trong Tin Mừng Lc 18, 18- 23. Quả là: “nghèo tình nghèo nghĩa mới lo, nghèo tiền nghèo bạc chẳng cho là nghèo”.
Tuy nhiên, người giàu có của cải vật chất cũng không còn phải buồn sầu lo lắng, vì Thiên Chúa vẫn luôn thi ân giáng phúc và khen ngợi họ nếu họ cũng giàu có thêm lòng nhân nghĩa, giàu có thêm tình người và nhất là giàu có thêm chính Chúa. Câu chuyện ông Giakêu ở Tin Mừng Luca 19, 1- 10 là một minh chứng cho ta thấy, Thiên Chúa luôn yêu thương và giáng phúc cho người giàu có. Khi ông Giakêu đã dám từ bỏ, đã dám chia sẻ những gì ông có thì chắc chắn ông sẽ không còn giàu có như xưa nữa, nhưng ông thật sự hạnh phúc gấp bội. Có lẽ ông cũng không cao thêm lên được găng tấc nào, nhưng tâm hồn ông trở nên cao thượng hơn xưa, vì ông đã có Chúa ở cùng.
Khi đọc mối phúc đầu tiên trong Tin Mừng Luca, chúng ta cảm nhận được một sự yêu thương trìu mến, một lời an ủi to lớn mà Chúa Giêsu đã dành cho những người nghèo khó, vì họ tuy nghèo khó về của cải vật chất, nhưng lại giàu có về tấm lòng quảng đại, hiến dâng và phục vụ: “ phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Trời là của anh em”. Các môn đệ của Chúa đã hỏa lại cảnh sống nghèo khó của Chúa Giêsu là hiến dâng thân mình và phục vụ Chúa trong sứ vụ của mình, đó là kiểu nghèo khó trong sự phó thác để nên giàu có trong Nước Trời. Các môn đệ của Chúa tuy không có nhiều của cải vật chất, nhưng họ có Chúa làm gia nghiệp nên họ trở nên giàu có hơn hết, đó là niềm vui của họ.
Và khi đọc đến mối họa dành cho người giàu có của cải vật chất, ta cũng cảm nhận được rằng,Thiên Chúa luôn yêu thương, che chở và nâng đỡ họ bằng những lời than thở để ước mong họ khi có của cải vật chất thì cũng cần có một tấm lòng quảng đại và biết cho đi để nên giống Chúa hơn. Chứ không học theo người thanh niên giàu có trong Tin Mừng là khư khư giữ của để sự sống đời đời tiêu tan. Khư khư giữ của để mất Chúa trong cuộc đời là mất tất cả:“khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các người đã được phần an ủi rồi”.
Vậy nên, khi đọc các mối phúc và mối họa trong Tin Mừng Luca, ta kiểm chứng xem mình thuộc típ người nào? Ta thuộc người nghèo của Chúa hay người giàu của thế gian? Nếu ta thuộc típ người giàu có về của cải vật chất thì hãy tạ ơn Chúa, vì chính Ngài đã ban cho chúng ta và chúng ta tiếp tục tăng gia sản xuất sự giàu có về tình người, về lòng bác ái từ bi, nhân nghĩa…để trở nên giàu có hơn trong Thiên Chúa. Có như thế, chắc chắn Chúa Giêsu sẽ hát rằng: phúc cho anh chị em là những người giàu có của cải vật chất và nhân đức dư thừa, anh chị em đáng hưởng phần phúc của Thầy trong Nước Trời. Amen.
Minh An.