Thứ hai, 14 Tháng mười, 2024

CHỮ “TÂM” KIA!!!- TUẦN XXIV-thứ Sáu- VP Duyên Thập Tự

TN-168-TUẦN XXIV-thứ Sáu

CHỮ “TÂM” KIA!!!

( 1Tm 6,2c-12 / Lc 8,1-3)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Hai bài đọc Lời Chúa hôm nay có một điểm chung là vấn đề tiền bạc, của cải. Đây là vấn đề muôn thuở của con người. Tiền bạc, của cải, là đối tượng tìm kiếm của mọi người, tuỳ theo mức độ quan tâm của từng người. Nhưng, câu hỏi được đặt ra là tiền bạc, của cải, cần được cái gì dẫn dắt.

Trong bài đọc một, trích thư thứ nhẩt thánh Phao-lô gửi cho môn đệ Ti-mô-thê, chương 6 từ câu 2c đến 12, thánh nhân đã đưa ra nhận định: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé”. Còn trong bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 8 từ câu 1 đến 3, thánh sử cho biết một thông tin: “Khi ấy, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy phụ nữ được Người trừ quỉ và chữa bệnh… Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ”. Như vậy, chúng ta nhận ra hai hình ảnh trái ngược về tiền bạc, của cải. Thật ra, tiền bạc, của cải, là những điều tốt, để giúp con người có cuộc sống tốt và xã hội tiến triển, thăng tiến. Nhưng, nếu có mặt tốt, tích cực, của tiền bạc, của cải; thì cũng có mặt tiêu cực và mặt tối của những thực tại đó.Vậy điều gì làm thăng hoa tiền bạc, của cải và những gì biến tiền bạc, của cải thành những thực tại xấu xa và nguy hại? Tôi thiết tưởng, đó là lòng dạ của con người. Chính cái “tâm” định hướng của cải, tiền bạc, đến nơi xây dựng hay phá đổ cuộc sống cũng như những trật tự xã hội. Tôi xin chia sẻ một vài suy niệm về “CHỮ TÂM KIA!” trong mối liên hệ với tiền bạc và của cải.

 1. TÂM THAM LAM

Như vừa trích dẫn trên kia, thánh Phao-lô đã viết: “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc”. Tiền bạc luôn là một sức mạnh có sức cuốn hút rất lớn. Người ta nói đến mãnh lực đồng tiền mà! Tôi muốn chia sẻ về lòng ham muốn tiền bạc này – cái tâm tham lam – bằng việc nêu lên những trích đoạn Tin Mừng trong đó vấn đề tiền bạc và của cải được đề cập trong chiều hướng chúng làm băng hoại con người và cuộc sống, để nhận ra cái cỗi rễ sinh ra mọi điều ác.

– Thứ nhất, lòng ham muốn tiền bạc – lòng tham lam tiền bạc – dẫn đến sự chia rẽ ngay trong lòng gia đình. Chúng ta hẳn còn nhớ câu chuyện tiền bạc, của cải, mà người ta muốn lôi cả Chúa Giê-su vào. “Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi” (Lc 12,13). Chắc là ở giữa anh em người này, có sự chia rẽ, và cả bất công, liên quan đến gia tài mà cha mẹ để lại. Chúa trả lời: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người sử kiện hay là người chia gia tài cho các anh? Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,14-15).

– Thứ hai, lòng tham lam của cải tạo ảo tưởng về cuộc sống, che mất cùng đích cuộc đời. Câu chuyện trên kia được tiếp nối với dụ ngôn Chúa kể về một người phú hộ giầu có tích trữ nhiều thứ của cải, rồi nhủ lòng: “hồn ta hỡi, bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những thứ ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Ấy kẻ nào không thu tích của cải mình, mà không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,16-21)

– Thứ ba, lòng tham lam của cải và chỉ lo thụ hưởng sẽ dẫn đến vô cảm trước cảnh khổ của tha nhân. Chúng ta hẳn còn nhớ dụ ngôn Chúa kể về người phú hộ và người nghèo La-da-rô (Lc 16,19-31). Và đâu là số phận đời đời của ông ta.

– Thứ tư, đó là trường hợp của ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một môn đệ của Chúa Giê-su. Anh ta tham lam đến nỗi trở thành một kẻ ăn cắp “y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quĩ chung” (Ga 12,6). Rồi từ từ trượt dốc đến chỗ mưu toan bán Thầy mình với giá 30 đồng và thật sự đã nộp Thầy bằng một nụ hôn. Lòng tham tiền đã dẫn đến sự phản bội, và đưa Giu-đa đến chỗ thắt cổ tự tử. Lòng tham tiền đã giết chết con người.

– Cuối cùng, lòng tham lam tiền của dẫn đến chỗ tôn thờ tiền bạc, và như vậy, là loại bỏ Thiên Chúa, vì “không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,34).

Một vài trích đoạn Lời Chúa trên cho chúng ta thấy lòng tham lam tiền bạc, của cải, dẫn đến những nơi nào: loại bỏ Thiên Chúa, loại trừ tha nhân, nhất là những người nghèo, và như vậy, giết chết chính mình. Dẫu biết như vậy, nhưng tiền bạc, của cải, luôn có sức lôi cuốn rất mạnh, luôn là một cám dỗ lớn; chúng ta vẫn như những con thiêu thân, ham muốn thứ ánh sáng phù vân đó mà lao đầu vào chỗ chết, đốt cháy cuộc đời mình. Xin Chúa gìn giữ chúng ta khỏi mọi thứ tham lam tiền của, vì đó là cội rễ của mọi sự ác. Cũng xin Chúa cho chúng ta một lòng thanh thoát, để khi sử dụng của đời này như không sử dụng, vì bộ mặt thế gian này đang qua đi. Chúng ta cần nhớ lời nhắc nhở: “chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được”. Mỗi chúng ta cần trở về với lòng mình, cái tâm của mình, để thanh tẩy khỏi mọi thứ ‘tham” gây nên bao nhiêu xâu xé, ưu phiền.

 2. TÂM ĐẠI LƯỢNG

Nhưng, một cách tích cực, chúng ta được mời gọi có tấm lòng lớn, có tâm đại lượng và có thể đến chỗ tâm vô lượng, nghĩa là hoàn toàn mở rộng cho Thiên Chúa và mọi nhu cầu của tha nhân. Hình ảnh của những phụ nữ theo Chúa, lấy của cải mình mà giúp đỡ Chúa và các môn đệ là một hình ảnh thật đẹp của việc sử dụng tiền bạc, của cải. Chúng ta có thể nhận ra một số hình ảnh đẹp mà Lời Chúa giới thiệu.

– Thứ nhất, đó là hình ảnh của ông Gio-xếp người thành A-ri-ma-thê: Ông là người giầu có, đã đến xin quan Phi-la-tô hạ xác Chúa xuống khỏi thập giá, đã an táng Chúa trong chính ngôi mộ ông đã chuẩn bị cho mình (x.Mt 27,57-60). Ông đã làm một nghĩa cử tốt đẹp cho Chúa.

– Thứ hai, đó là hình ảnh cộng đoàn Giê-ru-sa-lem, “Các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 2,41-42). “Trong cộng đoàn không ai thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu” (Cv 4,34-35). “Ông Gio-xếp, một người được các Tông Đồ đặt tên là Ba-na-ba…có một thửa đất… Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ” (Cv 4,36-37). Hợp nhất với nhau được diễn tả bằng tấm lòng quảng đại và chia sẻ tiền bạc, của cải.

– Thứ ba, đó là kinh nghiệm của thánh Phao-lô, ngài nói: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,34-35). Thánh nhân cũng viết trong thư Ga-lát: “Có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm” (Gl 2,10).

– Thứ tư, đó là việc lạc quyên giúp các anh em Ki-tô hữu gặp cảnh khó khăn về vật chất. Thánh Phao-lô viết cho giáo đoàn Cô-rin-thô. Ngài nêu cao gương của các Hội Thánh ở Ma-kê-đô-ni-a, “trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giầu lòng quảng đại. Họ đã tự nguyện theo sức họ, và tôi làm chứng là quá sức họ nữa” (2Cr 8,2-3). Rồi ngài ngỏ với anh em tín hữu Cô-rin-thô: “Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa” (2Cr 8,7).

– Cuối cùng, đó chính là gương mẫu của Chúa Giê-su: “Quả thật, enh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình, mà làm cho anh em trở nên giầu có” (2Cr 8,9). Người đã trao ban tất cả những gì Người có, ngay cả thiên tính của Người cho nhân loại, để họ được nên giống Thiên Chúa, trở nên con cái Thiên Chúa.

Một vài trích đoạn Lời Chúa trên mở cho chúng ta thấy giá trị của tiền bạc, của cải, cao quí như thế nào, khi chúng phục vụ đức mến, khi chúng được cái tâm đại lượng mang đi đến những nơi, những người đang cần đến chúng để sống một cách xứng đáng với nhân phẩm hơn.

Như vậy, nếu lòng tham lam là cội rễ của mọi điều ác và nguyên nhân của mọi nỗi đớn đau xâu xé khi con người bo bo giữ lại cho mình, đóng kín chúng trong bản thân; thì, trái lại, lòng quảng đại lại mở ra những gì tốt đẹp nhất cho Thiên Chúa và tha nhân. Vậy, chúng ta hãy để vào trong tiền bạc, của cải, cái tâm đại lượng, vì nhờ nó mà tiền bạc, của cải tìm được giá trị chân thực của chúng.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ 2 Tuần XXVIII Thường Niên – Lc 11,29-32 Dấu lạ diệu kỳ vĩ đại

 DẤU LẠ DIỆU KỲ VĨ ĐẠI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Có lẽ vì tò mò hay hiếu kỳ, dân...

Thứ 7 Tuần XXVII Thường Niên – Lc11,27-28 Hạnh phúc thật

HẠNH PHÚC THẬT Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Trước cử tọa thật đông đảo đang nghe Đức Giêsu giảng dạy với những...

Thứ 6 Tuần XXVII Thường Niên – Lc 11,15-26 Đức Giêsu đầy quyền năng và nhân ái

  ĐỨC GIÊSU ĐẦY QUYỀN NĂNG VÀ NHÂN ÁI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Giữa bao thử thách gian truân và đau khổ...

Thứ Năm Tuần XXVII Thường niên (Lc 11,5-13) Chẳng lẽ Chúa cũng “xin” “cho”?

Thứ Năm Tuần XXVII Thường niên (Lc 11,5-13) Chẳng lẽ Chúa cũng “xin” “cho”? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay là những...

Thứ 5 Tuần XXVII Thường Niên – Lc 11,5-13 Kiên trì cầu nguyện

  KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Sau khi Đức Giêsu dạy thể thức cầu nguyện với Kinh Lạy Cha,...

Thứ Ba, Tuần XXVII Thường Niên (Lc 10,38-42) Phục vụ Chúa hay phục vụ tôi?

Thứ Ba, Tuần XXVII Thường Niên (Lc 10,38-42) Phục Vụ Chúa Hay Phục Vụ Tôi? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay cho...

Thứ Ba, Tuần XXVII Thường Niên – Lc 10,38-42 Gia đình Bêtania đón tiếp Chúa

GIA ĐÌNH BÊTANIA ĐÓN TIẾP CHÚA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Lời Chúa hôm nay tường thuật cho chúng ta việc Đức...

Thứ 7 Tuần XXVI Thường Niên – Lc 10,17-24 Niềm vui và hạnh phúc đích thực

  NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Sau cuộc thực tập ra khơi với bao thành quả...

Thứ 2 Tuần XXVI Thường Niên – Lc 9,46-50 Ai là người lớn nhất

  AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong giai đoạn Đức Giêsu...

Thứ 7 Tuần XXV Thường Niên – Lc 9, 43-45 Con Người sắp bị nộp

  CON NGƯỜI SẮP BỊ NỘP Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Sau thời gian, Đức Giêsu công khai loan báo Tin Mừng Nước...

Thứ 6 Tuần XXV Thường Niên – Lc 9,18-22: Thầy là ai?

  THẦY LÀ AI? Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Câu hỏi: Đức Giêsu là ai? Được đặt ra không phải chỉ trong thời...

Thứ 5 Tuần XXV Thường Niên – Lc 9,7-9 Hai con người

  HAI CON NGƯỜI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Với đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe thật quá vắn, vỏn vẹn...