Thứ 5 sau Chúa Nhật V Phục Sinh
“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào
Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”
(Ga 15, 10)
Chuyện kể rằng có một cậu học trò nọ cứ đến tháng hết tiền liền viết thư về nhà. Nhận được thư con, người cha không quản ngại nắng mưa lại túc tắc với chiếc xe đạp cũ mòn. Rồi vào ngày cuối năm khi làm hồ sơ thi đại học, cậu cũng lại phải nhờ đến sự giúp đỡ của cha. Lần này, sau khi đưa tiền cho con, người cha hỏi: “Có dư đồng nào không con?”. Cậu đáp: “Còn dư bốn ngàn cha ạ”. Người cha nói tiếp: “Cho cha bớt 2 ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa”. Khi người cha ra về, cậu đứng đó, nước mắt rưng rưng…” Thế đó, tình cha yêu con luôn trào tràn, trọn vẹn, quên đi bản thân để lo cho con. Trên đời này có ai cho ta không điều gì? Chỉ có cha mẹ cho mà không cần điều kiện, cho cách vô vị lợi, tình cho không biếu không, cũng không tính toán thiệt hơn, bởi không ai trọn tình cho con bằng tình mẹ cha.
Thiên Chúa là một người cha yêu thương, giầu lòng từ bi nhân ái và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ an ủi chúng ta trong mọi cơn gian nan tử thách (x.1 Cr 1,9). Trong Xh 34,6 khẳng định: “Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm nổi giận, dư tràn nhân từ tín trung. Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương thương suốt cả đời”. (Tv 30, 6 ). Để diễn tả lòng âu yếm xót thương của Thiên Chúa, Kinh Thánh dùng từ Hesed: lòng nhân từ, trung tín, thương xót, tha thứ. Rechem: cõi lòng người mẹ. (Is 45,15; Gr 31, 20).
Thiên Chúa hiện hữu bao nhiêu thì Ngài yêu thương bấy nhiêu vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8). Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến làm Đấng cứu độ thế gian” (1Ga 4,9.14). Tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại đã tới mức đỉnh điểm đến nỗi đã thí ban Con Một cho chúng ta (x.Ga 3,16 ; Rm 8,32). Hơn nữa, khi ban tặng Đức Giêsu là Người trao ban chính mình, vì Đức Giêsu là “bản thể, bản thân sự sống” của Người. Thiên Chúa biểu lộ lòng nhân hậu và yêu thương của Người cho nhân loại qua chính Người Con. Người đã không dung tha chính Con Một. (x.Rm 8, 32 ) mà đã “biến thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (x. 2Cr 5,21). Thiên Chúa đã hiến dâng Con độc nhất, Người Con Chí Ái cho thế gian, vì phần rỗi nhân loại. Thử hỏi mấy ai trong số con cái loài người có thể làm được hành vi yêu thương cho nhau đến mức tột độ ấy?
Đức Giêsu là Con Một chí ái của Chúa Cha (x. Mt 3,17; 17,5). Chúa Cha yêu Chúa Con từ thuở đời đời “vì Cha đã yêu con trước khi tạo thành vạn vật” (Ga 17,24). Tình yêu mà Chúa Cha dành cho Chúa Con là thứ tình yêu chia sẻ và trao ban “Chúa Cha yêu Người Con và tỏ cho Người Con thấy mọi điều mình làm, và sẽ cho Người Con thấy mọi việc lớn lao hơn nữa”. (Ga 5,20). Trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc mọi nơi Chúa Cha luôn hiện diện, không bao giờ vắng mặt hay bỏ Chúa Con một mình (x.Ga 8,29). Ngay cả trong những lúc cô đơn đau khổ nhất, Cha vẫn ở bên Con. “Đấng đã sai Ta hằng ở với Ta, Người đã không bỏ Ta một mình” (Ga 8,29 ; 16,32). Cha yêu Con đến nỗi luôn ở trong Con, làm một với Con :“Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17,21). “Ta với Cha là một” (Ga 10,30). Không những Chúa Cha có sự sống trong mình, và trao ban sự sống cho Con (Ga 5,26) mà Ngài còn ban tất cả mọi sự cho Con. “Ta đã ban muôn dân cho Người làm sản nghiệp và chiến lợi phẩm của Người là ức triệu sinh linh”. (Is 53, 11) Ngoài ra Ngài con ban cho Người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha.
Chúa Con được Chúa Cha yêu thế nào thì Người cũng yêu thương các môn đệ và rộng ra cho chúng ta như vậy. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta bằng việc Ngài cho ta được trở thành bạn hữu của Người: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết”. (Ga 15,14-15)
Theo luật Hi lạp nô lệ được định nghĩa là công cụ sống, họ là những người thuộc sở hữu và sự điều khiển của người khác, và gần như không có quyền hạn gì, mất quyền tự do của con người, thậm chí không được coi là con người đúng nghĩa mà như một món hàng để trao đổi mua bán. Họ bị sai bảo làm việc mà không có quyền được biết lý do. Vì thế, chủ không bao giờ trao đổi ý kiến với nô lệ. Cũng thế, tự thân mỗi chúng ta đều là nô lệ, tôi tớ, là tội lỗi từ bẩm sinh. Nhưng nhờ giá máu châu báu của Đức Giêsu, chúng ta là những người được Thiên Chúa hết mực yêu thương, nhận làm con, cho hưởng quyền thừa kế (x. Rm 8, 17), và được chính Đức Giêsu nâng cấp để trở thành bạn hữu. Người không coi chúng ta là nô lệ nhưng Ngài đối xử như một người bạn tâm giao nghĩa thiết. Ngài hạ mình xuống thật sâu đi vào và chia sẻ cuộc sống của ta trong tư cách là một người bạn. Nhờ thế, chúng ta được làm bạn với Chúa do bởi ân sủng và tình thương
Cảm được tầm quan trọng và sự cần thiết khi có được một người bạn tốt trong cuộc sống của mình Manzoni đã nói lên kinh nghiệm của mình như sau: “Một trong những hạnh phúc lớn nhất của đời sống là tình bạn và một trong những hạnh phúc lớn nhất của tình bạn là có người để gửi gắm một bí mật, một tâm tư”. Người bạn thân thiết là người gần gũi và dành nhiều thời gian với chúng ta nhất, cùng ta chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn. Đôi khi trong cuộc sống có những chuyện vui buồn ta khó có thể nói cho những người thân yêu trong gia đình mà chỉ có người bạn thân thiết nhất mới được biết điều đó. Hơn nữa, người bạn ấy còn giúp ta hoàn thiện nhân cách giúp trưởng thành, có thêm động lực để ta cố gắng hơn trong cuộc sống, và cũng là người cho ta một bờ vai, một điểm tựa vào những lúc sóng gió nhất của cuộc đời.
Có được người bạn tốt trong cuộc sống là rất cần thiết và quan trọng đặc biệt trong lúc ta cô đơn và gặp phải chuyện buồn để được chia sẻ, nhưng người bạn ấy cũng chỉ có thể giúp ta trong khả năng có thể. Nhưng nếu có Chúa làm bạn và được làm bạn với Chúa ta hoàn toàn an tâm, tin tưởng không phải sợ bất cứ điều gì xảy ra như kinh nghiệm của Thánh Phaolo cho thấy:“Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 38-39). Vì Thiên Chúa vừa có tình yêu và quyền năng, Ngài là Cha yêu thương không bao giờ muốn sự dữ xảy đến cho con cái mình, và Ngài luôn có phương cách tốt nhất và những kế hoạch tuyệt mỹ cho mỗi người trong mỗi hoàn cảnh khác nhau. Ngay cả khi chúng ta ở trong sự dữ, bệnh tật, thất bại, thì ân sủng của Chúa vẫn đang ở đó hiện diện cùng ta và làm cho chúng trở nên tốt đẹp hơn. Bởi thế, làm bạn với Ngài không những ta được lời lãi gấp trăm ở đời này mà còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp (x. Mc 10,28). Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta làm bạn với Ngài đó là một đặc ân kỳ diệu. Không những thế, Ngài cho phép chúng ta được sống gần gũi mật thiết và được gọi với Thiên Chúa là cha. Vì vậy khi có Chúa Giêsu làm bạn, Ngài không hề lấy mất của ta điều gì mà trái lại được Ngài ban cho thêm gấp bội. “Ngài vốn giàu sang, phú quý nhưng đã trở nên nghèo để chúng ta trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài” (x.2 Cr 8,9). Niềm vinh hạnh lớn lao của ta khi được trở thành bạn của Chúa và được Chúa Giêsu làm bạn nữa là Ngài đã chia sẻ những gì là “bí mật” với bạn của mình như Chúa đã nói: Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe biết nơi Cha của Thầy, Thầy đã tỏ cho anh em biết. Chúng ta được mời trở thành bạn để cộng tác với Ngài. Nô lệ thì không bao giờ trở thành bạn cùng cộng tác. Nhưng Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết mọi việc, Ngài chia sẻ tâm sự với chúng ta, cho biết kế hoạch mục tiêu ý định của Ngài. Vậy “bí mật” mà Chúa Giêsu nhận được từ Chúa Cha và Ngài muốn gửi trao chúng ta là gì? Hay nói cách khác để trở thành bạn thân của Chúa thì cần có điều kiện nào? Đó là thực hiện điều Thầy truyền dạy. Anh em hãy yêu thương nhau (Ga 15,16-17). Người đã để lại một gương mẫu để chúng ta dõi bước theo Ngài là hãy yêu thương nhau giống như Người đã yêu thương và hy sinh chịu chết để cứu độ chúng ta. Bởi thế, chúng ta được chọn để ra đi vào thế gian để yêu thương và sinh nhiều hoa trái.
Như tình yêu, tình bạn cũng không có hương sắc, mùi vị, không cân đo đong đếm nhưng ta có thể nhận biết khi nhìn vào hành động cụ thể. Điều Chúa muốn tình bạn của ta với Ngài được mãi bền chặt đó là chúng ta yêu thương nhau và làm cho tình yêu ấy sinh hoa trái, nghĩa là sống vị tha, quên mình để phục vụ đáp ứng những nhu cầu cần thiết của tha nhân đang cần sự giúp đỡ của ta, không bon chen chấp vặt, để ý từng chút rồi đi nói xấu sau lưng, không biến mình thành camera để người khác điều khiển. Hoa thơm trái ngọt mà Chúa muốn chúng ta trổ sinh như thánh Phaolo đã chỉ cho ta là: Sống bác ái, hoan lạc, nhân hậu, từ tâm trung tín hiền và hoà tiết độ. (x. Gl 5,22). Yêu Chúa là phải yêu cả những người Chúa yêu. Sống được như thế là chúng ta trở thành bạn hữu của Chúa. Bởi vậy hãy đến với Chúa và nuôi dưỡng, củng cố mối dây tình bạn của ta với Ngài luôn mãi keo sơn, ngày thêm đậm đà thắm thiết, có liên kết và ở lại trong tình yêu của Chúa ta mới có sức mạnh, có động lực thực hiện điều Chúa muốn bằng những việc làm cụ thể thiết thực nhất.
M. Anphong – Vĩnh phước