CHÚA ĐÓ!
(Bài suy niệm Thứ 6 tuần bát nhật Phục sinh)
Các tác giả sách Phúc âm kể lại cùng một biến cố Chúa Giêsu phục sinh hiện ra nhưng có phần không giống nhau: khác về số lần hiện ra, đối tượng hiện ra và hoàn cảnh hiện ra. Với bài Tin mừng hôm nay (Ga 21, 1-14), thánh sử Gioan cho biết đây là lần hiện ra thứ ba giữa Chúa Giêsu phục sinh với các tông đồ, cụ thể là nhóm bảy tông đồ tại bãi biển (biển hồ Tibêria) vào lúc bình minh trong ngày.
Đọc trình thuật Tin mừng này chúng ta thấy có nhiều chi tiết xảy ra chung quanh biến cố hiện ra giữa Chúa Giêsu phục sinh với nhóm bảy tông đồ trên bãi biển hôm đó. Có điều lạ cần lưu ý ở đây là sau ba lần Chúa Giêsu hiện ra và gặp gỡ các ông mà các ông vẫn không nhận ra Người. Trong số những tông đồ được Chúa phục sinh hiện ra không những đã được “xem tay và cạnh sườn” Đức Giêsu (Ga 20, 20) mà đối với Đi-đy-mô còn được Chúa Giêsu bảo: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20, 27), thế mà họ vẫn không biết vị khách đang trò chuyện với mình là ai. Chỉ tới lúc bí mật được “người môn đệ Chúa yêu” tiết lộ: “Chúa đó!” thì Phêrô và các tông đồ khác mới nhận ra đó chính là Chúa Giêsu phục sinh.
Việc nhận ra Chúa Giêsu phục sinh vô cùng quan trọng vì khoảnh khắc đó quyết định vận mệnh cuộc đời các ông, nó là điểm chuyển giao giữa hai thái cực hoàn toàn trái ngược nhau. Cái giây phút trước và sau sự nhận ra ấy là cả một thế giới bị đóng lại trong cảnh vỡ mộng hay được mở ra với một tương lai đầy hy vọng. Đối với Phêrô và các bạn, nếu không được “giác ngộ” để nhận ra “Chúa đó!” thì các ông sẽ trở về với nghề chài lưới và cứ tiếp tục an phận như thế mà thôi.
Có thể làm một bản so sánh để thấy được hai gam mầu của hai bức tranh khác nhau giữa thời khắc trước khi nhận ra Chúa và sau khi đã nhận ra Người. Nếu trước lúc Chúa phục sinh hiện ra mọi sự dường như lặng lẽ trống trải, với tâm hồn buồn chán thất vọng, cả đêm không bắt được cá, màn trời tăm tối…. thì trái lại sau khi đã gặp Chúa phục sinh thì mọi sự trở nên khác hẳn: hừng đông đầy sức sống của ngày mới, trong chốc lát kéo được mẻ cá lạ lùng, có cá nướng sẵn để ăn, than hồng để sưởi….. Tia hy vọng đã bừng sáng lên, mầu hồng của cuộc sống đã trở lại, mệnh lệnh “lên đường” được khởi sự ngay khi các tông đồ nhận ra “Chúa đó!”.
Hai thế giới khác nhau, hai bức tranh hoàn toàn trái ngược như muốn nói lên cuộc sống con người cần một điểm mốc thời gian hay biến cố quan trọng để có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa phục sinh trong đời. Bao lâu chúng ta nghe được, nhận ra và tin nhận “Chúa đó!” chúng ta sẽ có thái độ xứng hợp để sống và dấn thân. Cũng giống như các tông đồ và môn đệ ngày xưa, ngày hôm nay Ðức Giêsu Phục Sinh vẫn đang hiện diện và đồng hành giữa chúng ta. Người vẫn tiếp tục can thiệp vào từng công việc, từng cảnh huống trong cuộc đời của chúng ta. Chúng ta có thể gặp được Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống miễn là nhận ra “Chúa đó!” ngay ở đây và lúc này. Và đây cũng chính là tâm tình cũng như niềm tin cụ thể và chắc chắn nhất của chúng ta khi cùng với nhân loại khắp nơi vui mừng sống mầu nhiệm Chúa phục sinh.
Mai Thi