CHÚA GIÊSU KITÔ VUA YÊU THƯƠNG
Ed 34, 11-12.15-17; 1Cr 15, 20-26.28; Mt 25, 31-46
FM. Vicent Hoa-PV.
Nói đến vua là nói đến quyền lực và địa vị, và do đó cũng đồng nghĩa với việc cai trị và xét xử, cho nên một trong những quyền hay bổn phận của vua là quyền xét xử. Và việc xét xử của vua đối với con dân như thế nào là theo đường lối hay những chỉ dạy mà vua ban cho toàn dân. Vậy hôm nay khi mừng kính Chúa Kitô vua vũ trụ, cũng là vua mỗi người chúng ta, chúng ta tự hỏi Ngài đã, đang cai trị và sẽ xét xử chúng ta như thế nào? Hay nói rõ hơn, là vua, Chúa Kitô đã truyền dạy chúng ta điều gì, và đâu là yếu tố Ngài sẽ dựa vào đó để xét xử chúng ta?
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay, nhất là bài đọc thứ nhất của tiên tri Êdêkien và Tin Mừng về Cuộc Phán Xét Chung, đã phác hoạ cho chúng ta thấy hình ảnh của một Thiên Chúa mà sau này là Chúa Kitô, một vị vua của yêu thương, thể hiện qua việc Ngài đã dạy dỗ và lãnh đạo dân Ngài bằng tình yêu thương như một người mục tử lo cho đoàn chiên của mình. Cũng như không ai biết rõ, chăm sóc và yêu thương chiên của mình cho bằng người mục tử, thì cũng vậy không ai có thể hiểu rõ và yêu thương chúng ta bằng Thiên Chúa, Đấng- bằng tình yêu thương – đã tạo dựng nên chúng ta giống hình ảnh của Ngài. Như Ngài đã nói qua tiên tri Êdêkien: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đoàn chiên bị tản mắc thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy… chính ta sẽ chăn chắt chiên của ta, chính ta sẽ cho chúng nằm nghỉ.”
Tình yêu thương của Thiên Chúa đối với dân Người còn được thể hiện cách cụ thể và sống động nơi Đức Giêsu Kitô, hiện thân của Thiên Chúa tình yêu, Ngài đã đến trần gian này để lãnh đạo chúng ta bằng tình yêu thương và nhất là dạy chúng ta – những con dân của Ngài- không phải chỉ biết sống tốt tương quan đối với Thiên Chúa mà thôi mà còn biết sống tốt với nhau bằng tình yêu thương. Tại sao lại như vậy? Thưa bởi vì dấu chỉ của những con dân tốt, là những con dân không những biết tỏ ra tôn kính vua của mình mà thôi mà nhất là sống và tuân giữ hay làm theo những gì nhà vua đã sống và đã truyền dạy. Vậy thì Vua Kitô đã sống như thế nào và đã truyền dạy chúng ta phải sống ra sao?
Chúng ta biết trong Cựu Ước, mức độ của việc yêu mến Thiên Chúa khác với mức độ yêu thương con người. Cụ thể sách Đề Nhị Luật đòi buộc phải yêu mến Thiên Chúa tuyệt đối và duy nhất: “Nghe đây, hỡi Ítraen! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhấy. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em…Anh em phải ghi tạc vào lòng. Anh em phải tuân giữ và truyền lại cho con cháu…” (Đnl 6, 4-5). Như thế chúng ta thấy theo tinh thần của Cựu Ước thì mức độ yêu mến Thiên Chúa luôn luôn đòi buộc cao hơn mức độ yêu mến con người. Tuy nhiên vào thời Tân Ước của chúng ta, bắt đầu với biến cố Nhập Thể -Thiên Chúa đã làm người- thì điều này đã được thay đổi. Chúng ta biết Chúa Kitô vốn là một vị Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa (Pl 2, 6-8), thế nhưng với mầu nhiệm Nhập Thể, Ngài đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14), và Ngài đã trở nên giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15). Chính qua mầu nhiệm Nhập Thể – Thiên Chúa làm người- Thiên Chúa từ nay đã ở trong con người, và do đó hình ảnh con người vốn được tạo dựng giống hình ảnh Chúa, thì nay lại càng được biểu lộ cách sống động và rõ ràng hơn nữa. Quả vậy, Chúa Kitô đã sống kiếp người như bao nhiêu người khác, đến nỗi khi Ngài giảng dạy và làm các phép lạ người ta đã phải thắc mắc, một sự thắc mắc rất đúng đắn: ông này không phải là con bác thợ mộc sao? Vì Chúa Giêsu Kitô, một vị Thiên Chúa đã Nhập Thể và đã làm người, một sự mới mẽ hoàn toàn của Tân Ước so với Cựu Ước như thế, cho nên Chúa Giêsu đã đưa ra một điểm giáo lý mới mẽ và quan trọng mà chúng ta thường gọi là Giới Răn Mới hay Giới Răn Yêu Thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hay yêu thương nhau” (Ga 13,34). Do đó, từ nay chúng ta- những con dân của vua Kitô – chúng ta chỉ thực sự là những con dân tốt trước mặt Ngài khi chúng ta không chỉ kính mến Thiên Chúa mà thôi, mà còn phải sống yêu thương nhau. Vì từ nay yên mến Thiên Chúa và yêu mến con người không còn là hai mà là một. Như thánh Gioan trong thư I đã nói: “Nếu ai nói: “Tôi yên mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1Ga 4,20).
Đến đây chúng ta đã rõ, Vua Kitô là vị vua của tình yêu, ngài yêu thương chúng ta là con dân của Ngài như mục tử chăm sóc đoàn chiên, và dạy chúng ta sống yêu thương. Và Ngài cũng sẽ xét xử chúng ta dựa theo tiêu chuẩn duy nhất là yêu thương. Nhưng cụ thể của việc sống yêu thương là gì? Thưa sống yêu thương, theo như Lời Chúa qua cuộc Phán xét chúng hôm nay, có nghĩa là sống bác ái với tất cả mọi người, kể cả những người nghèo khó, tù tội hay bị bỏ rơi… Vì khi chúng ta sống bác ái với mọi người như thế là chúng ta đang làm cho chính Chúa vậy.
Trong cuộc phán xét chúng, chúng ta thấy những người đã sống bác ái qua việc cho kẻ đói ăn, cho người khát uống… được Chúa khen thưởng, cũng như những người không sống bác ái, đã bị Chúa khiển trách, tất cả đều trả lời rằng: họ đã không thấy Chúa trong người nghèo, hay nơi những người bị bỏ rơi… Tại sao lại như vậy? Có thể nói, với người Do Thái đương thời của Chúa Giêsu, thì đây là giáo lý mới lạ và khó hiểu. Thứ nhất, vì họ còn mang nặng tâm thức giáo lý cũ của Cựu Ước là yêu mến Thiên Chúa là trên hết và quan trọng nhất mà bất cứ người Do Thái nào cũng ghi lòng tạc dạ. Thứ hai, vì họ chưa tin nhận mầu nhiệm Nhập Thể, để từ đó hiểu được chân lý: Chúa đã làm người, Chúa ở trong mọi người. Thứ ba, vì họ chưa được nghe và chưa biết về điều răn mới là điều răn yêu thương. Nên cũng dễ hiểu và dễ thông cảm cho họ. Tuy nhiên với chúng ta hôm nay, chúng ta không được phép trả lời như những người Do Thái là không thấy Chúa trong mọi người. Trái lại, là những con dân của Vua Kitô, để được Ngài khen thưởng trong ngày xét xử, và nhất là được xếp vào hàng bên hữu với những con chiên ngoan hiền, chúng ta phải sống giới răn mới là giới răn yêu thương một cách cụ thể qua đời sống bác ái với hết mọi người.
Để được như vậy, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta nhận ra Chúa trong anh em và trong mọi người, nhất là thấy Chúa trong những người bé mọn yếu đuối và nghèo khổ và nhất là biết sống bằng tình yêu bác ái như gương của mẹ Têrêxa Calcutta vậy.