CHÚA GIÊSU XÓA BỎ KHOẢNG CÁCH VỚI NGƯỜI TỘI LỖI
(Bài Suy niệm Thứ 6 tuần XIII TN)
Thiên Chúa của Kitô giáo không phải là vị thần oai phong lẫm liệt, ở trên cao, ở xa và vô cảm với đời sống con người. Mặc dù Thiên Chúa không phụ thuộc không gian và thời gian nhưng vì yêu thương và muốn cứu độ con người đã vì tội lỗi mà ra hư hỏng, Ngài chấp nhận đi vào thời gian và mặc lấy xác phàm nơi một con người bằng xương bằng thịt: Đức Giêsu. Qua và trong Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa trở nên người, sống kiếp con người, sống như mọi người, ngoại trừ tội lỗi, để đảm nhận mọi yếu đuối cũng như tội lụy hầu con người được sống và sống hạnh phúc.
Chúa Giêsu Kitô, Đấng mạc khải trọn vẹn dung mạo Thiên Chúa Tình yêu cho con người. Người đến trần gian, ở với con người, hòa mình với mọi người, nhất là những người tội lỗi: Người tìm đến với họ, trò chuyện, ăn uống và muốn chinh phục cũng như qui tụ họ về một đoàn chiên duy nhất. Nhân vật điển hình, đại diện cho vô số những người tội lỗi được đề cập trong bài Tin mừng hôm nay (Mt 9, 9-13) là Mátthêu, cũng gọi là Lêvi. Khi Chúa Giêsu gọi ông, ăn uống tại nhà ông thì ông trở thành cầu nối để mọi người tội lỗi có cơ hội gặp gỡ và trở về với Thiên Chúa (x. Mt 9, 10).
Khi Chúa Giêsu tiếp đón, trò chuyện, nhất là ăn uống với những người thu thuế, những kẻ tội lỗi… là Người xóa mình đi, chấp nhận sự ngang bằng với họ, là thỏa hiệp cách nào đó với họ. Ngồi đồng bàn với nhau có nghĩa là chấp nhận chia sẻ với nhau, chấp nhận tình thân hữu của nhau, trở nên “giống nhau”…. Nếu như các Kinh Sư, Biệt Phái và Luật Sĩ xa lánh, lên án, loại trừ (x. Mt 9, 11) thì Chúa Giêsu ngược lại: đi tìm, tiếp rước, ăn uống, “ngao du” và đồng hành với họ.
Chúa Giêsu trong vai trò Thầy thuốc của những bệnh nhân, là người Mục tử tốt lành, không ngại để mình bị “nhiễm mùi chiên”. Người vượt núi băng rừng, hạ mình và xóa mình để mong đến được với đoàn chiên, đến với từng con chiên; bởi vì không những chúng đang đi lạc mà tự chúng quyết đi lạc. Chính nơi Chúa Giêsu, khuân mặt nhân từ của Thiên Chúa được công bố cho toàn dân thiên hạ, Người đến trần gian và chủ động xóa đi khoảng cách giữa Thiên Chúa và loài người, đặc biệt những người tội lỗi vốn bị mọi người xa lánh và lên án. Nếu Chúa Giêsu không xóa đi những dị nghị theo cách nhìn bình thường, nếu chính Người không rút ngắn khoảng cách với người tội lỗi và nếu Tình yêu của Người không đủ lớn và thiếu sự chủ động thì rất khó, nếu không muốn nói là mãi mãi kẻ tội lỗi vẫn đứng đàng xa, không thể có cơ hội tiếp cận và có nguy cơ lạc mất mãi mãi. Chúa Giêsu xóa đi khoảng cách giữa mình với những tội nhân bằng những hành động lạ lùng, đến mức khó lòng tưởng tượng được: kiên nhẫn, ôm ấp, rửa chân, chọn gọi, tha thứ và cầu nguyện cho….
Chúa Giêsu cảm nhận được gì? Người tội lỗi cảm nhận được gì? Câu trả lời chúng ta có thể tìm thấy qua trình thuật Tin mừng hôm nay: người tội lỗi tìm đến với Chúa vì thấy Người dễ gần, vì cảm nhận được sự quan tâm, đồng cảm, lời tha thứ và tình trạng yếu đuối bất xứng của mình. Mátthêu (Lêvi) là nhân vật điển hình, là hình bóng của tất cả chúng ta; tuy nhiên vấn đề của chúng ta có nghe và đáp lại tiếng Chúa gọi hay không. Khoảnh khắc Chúa gọi ông, ánh mắt nhân từ và lời đáp trả của ông làm nên tất cả, là hy vọng lớn nhất cho cuộc sống chúng ta.
Nếu Chúa Giêsu không đi bước trước, nếu không có sự gặp gỡ và ánh mắt trìu mến của Chúa Giêsu thì Lêvi cứ tiếp tục cuộc sống của mình. Nếu Chúa Giêsu cũng hành xử như người Biệt Phái và Luật Sĩ: khước từ “đồng bàn”, không chấp nhận để người tội lỗi đến với mình… thì cuộc đời của những người tội lỗi cứ thế, không có cơ may hay lối thoát cho cuộc sống mình.
Chúa Giêsu đã làm một cuộc cách mạng và Người đã tỏ lộ hết bản chất về một Thiên Chúa chất chứa tình yêu và bao dung cho con người. Còn mỗi Kitô hữu chúng ta, có lẽ ba cám dỗ cũng là ba chọn lựa rất khó khăn để đưa ra quyết định vẫn đang xảy ra đối với chúng ta, khiến khoảng cách giữa anh chị em với chúng ta vẫn còn khá xa, những hành xử giữa chúng ta chẳng giống cách hành xử của Chúa.
– Hoặc là chúng ta vẫn giữ thái độ giống như những người Pharisêu đứng ở trên cao, đứng ở đàng xa để phán xét, lên án, loại trừ, mất kiên nhẫn, mất hy vọng vào các tội nhân.
– Hoặc là chúng ta chọn giải pháp an toàn để rồi sống dửng dưng vô cảm, không thèm quan tâm, khỏi bận tâm cưu mang cho đỡ phiền hà, sống vô trách nhiệm với mọi người, bất cứ họ là ai.
– Hoặc là chủ trương dấn thân, đồng hành, giao lưu hết mình…. để giống với người ta hầu dễ tiếp cận và chinh phục được người ta. Tuy nhiên, đây cũng là rủi ro dễ đánh mất chính mình: nếu chúng ta thiếu chừng mực, thiếu khôn ngoan, nhất là không làm với Chúa và vì Chúa, theo tinh thần của Chúa thì không những chẳng thành công mà nguy cơ bị đồng hóa, lây nhiễm, đi lạc và biến chất rất cao.
Tóm lại, cần xây những cây cầu, cần phá bỏ hàng rào ngăn cách, cần tìm phương án kéo người ta lại gần mình… nhưng chúng ta phải làm mọi sự với Chúa, trong Chúa, như Chúa và vì Chúa. Người tội lỗi thì đầy dẫy, họ muốn thay đổi đời sống và chúng ta có nhiệm vụ làm điều giống Chúa Giêsu đã làm. Cung cách hành xử và thái độ chúng ta cần phải có giống Chúa Giêsu là xóa đi khoảng cách, chấp nhận và đón nhận họ với lòng bao dung, nhân hậu, kiên nhẫn, quảng đại, yêu thương, tha thứ, chấp nhận và đón nhận,….
Ước gì!!!
Mai Thi