Chúa Nhật – Chúa Chịu Phép Rửa:
Chúa Bước Xuống Để Nâng Ta Lên
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là biến cố lịch sử được cả bốn cuốn sách Tin Mừng ghi lại. Tin Mừng còn cho chúng ta biết nơi Đức Giêsu chịu phép rửa là sông Giođan (Mt 3,13; Mc 1,9; Ga 1,28-30).
Trong lịch sử có ít nhất ba vị Giáo hoàng đã đến viếng thăm sông Giođan, đó là Đức Gioan Phaolô II, Đức Biển Đức XVI và Đức Phanxicô, các vị đã lần lượt viếng thăm sông Giođan vào các năm 2000; 2009; 2015. Ba vị Giáo hoàng cùng chọn sông Giođan để viếng thăm điều ấy như một dấu chỉ xác nhận chính thức của Hội thánh Công giáo về địa danh lịch sử nơi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa, là sông Giođan, phía bắc biển hồ Galilê trong lãnh thổ Israel. Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa có ý nghĩa lớn lao cũng như một khuôn mẫu thiết thực trong đời sống đức tin của kitô hữu.
Thứ nhất, việc Chúa Giêsu chịu phép rửa có một ý nghĩa lớn lao. Bởi lẽ, từ khi Nguyên Tổ Ađam Eva kiêu căng bất tuân lênh Thiên Chúa thì cửa trời bị đóng lại, màn trời khép kín, mối tương giao thân mật giữa Thiên Chúa với nhân loại bị cắt đứt. Nhưng hôm nay, nhờ việc Chúa Giêsu bước xuống dòng sông, nhập vào dòng người tội nhân, mà màn trời được vén lên, cửa trời rộng mở, Thiên Chúa đoái thương ngự xuống với loài người; để thi thố tình yêu thương vô biên dành cho con người.
Vâng, tình yêu là sự hạ mình xuống, để nâng người yêu lên đúng như Ca dao Việt Nam ta vẫn nói: “yêu như muôn sự chẳng nề một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”, hay như thánh Phaolô diễn tả rõ hơn: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải duy trì địa vị ngang hành với Thiên Chúa nhưng đã tự hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết chết trên cây thập tự”, Chúa yêu thương chúng ta nên tự nguyện chết thay cho chúng ta để cứu độ chúng ta.
Hình ảnh Chúa bước xuống sông Giođan để nâng chúng ta lên và hình ảnh Chúa bước lên thập giá cũng là để nâng chúng ta lên; nghĩa là mọi hoạt động của Chúa làm đều là vì phần rỗi của mỗi chúng ta. Hai hình ảnh đó đang mời gọi lôi cuốn chúng ta cùng bước xuống trong sự khiêm tốn, yêu thương, tha thứ để nâng anh chị em chúng ta lên đỉnh cậy tin, hy vọng vào tình thương của Chúa trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt trong năm thánh hy vọng 2025 này, các cửa ân sủng đang được mở rộng, chờ đón cửa lòng chúng ta mở ra để lãnh nhận ân thánh nhờ đó mà cuộc đời kitô hữu được tràn đầy an vui.
Thứ đến, việc Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc nhớ chúng ta về hồng ân Bí tích Thánh Tẩy. Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, linh mục lấy nước đổ trên đầu và đọc: “Cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” là khi ấy màn trời mầu nhiệm mở ra, Chúa Thánh Thần ngự xuống tẩy xóa ta sạch mọi tội lỗi, ban cho ta ơn thánh hóa, làm cho ta trở nên Con Thiên Chúa, nên đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Lúc ấy chúng ta cũng được Chúa cha xác nhận “Đây là con ta yêu dấu của ta, ta hài lòng về con”. Ước gì trong cuộc sống hằng ngày chúng ta giữ mãi ân huệ trọng đại ấy và làm cho nó triển nở bằng những hành động yêu thương phục vụ cho tới ngày được kết hợp trọn vẹn với ba ngôi Thiên Chúa trên trời.