Thứ tư, 5 Tháng hai, 2025

Chúa nhật Chúa Phục Sinh, năm C – “CHẠY” – (Quốc Vũ – Phước Lý)

 

Chúa nhật I Mùa Phục Sinh, năm C

«CHẠY …»

Bài đọc 1: Cvtđ 10, 34a.37-43

Bài đọc 2: Côlôxê 3, 1-4 hoặc 1Côrintô 5, 6b-8

Tin Mừng: Gioan 20, 1-9

 

Phần I: Ý nghĩa các bài đọc

1.1. Bài đọc I: Chúng tôi đã được cùng ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.

Điểm chính yếu trong lời rao giảng của các tông đồ – là Kerygma – là lời khẳng định rằng Đức Giêsu, người Nazareth, bị đóng đinh tại Giêrusalem, đã sống lại và đã lãnh nhận từ Thiên Chúa mọi quyền năng trên trời-dưới đất.

Đoạn sách Công vụ tông đồ hôm nay là một trong những bài diễn từ có tính truyền thống trong sứ điệp rao giảng của Giáo Hội thời sơ khai. Thánh Phêrô đã giảng giải cho viên sĩ quan ngoại giáo Cornêliô và gia đình của ông rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, hầu dẫn đưa họ đến với ơn hoán cải qua việc lãnh nhận bí tích rửa tội.

Có thể ghi nhận rằng, khái niệm «ngày thứ ba» (c. 40a) trong huấn giáo thời Giáo hội sơ khai, có mối liên hệ rất gần với khái niệm của người Dothái về việc sống lại của những người đã chết. Thật vậy, theo quan niệm của người Dothái, ba ngày là thời gian cần thiết cho tất cả các tín đồ Dothái giáo đã chết, có thể sống lại và đến Giêrusalem để đối diện với cuộc phán xét chung cục.

Theo đức tin của các Kitô hữu đầu tiên, sự kiện sống lại của Đức Kitô đã khơi mào cho quá trình sống lại của những người công chính được mời gọi tái thiết lại Nước Thiên Chúa. Đức Kitô, «người công chính», đã sống lại đầu tiên để Chúa Cha trao gởi cho Người một dân mới.

Cuối cùng, một từ ngữ Dothái khác diễn tả «Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy» (c.40b), hàm ý nói rằng Đức Giêsu đã sống lại nhờ sự can thiệp đầy quyền năng của Chúa Cha.

1.2. Bài Tin Mừng: Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.

Chỉ sau khi Đức Giêsu sống lại, các tông đồ mới hiểu những điều mà Kinh Thánh đã nói tới qua các ngôn sứ về Đấng Kitô và về tất cả những điều mà chính Đức Giêsu đã nói với họ trước kia.

Theo trình thuật của thánh Gioan, Maria Mađalêna là người đầu tiên nhận ra ngôi mộ trống và đã báo cho các tông đồ. Phêrô và Gioan vừa chạy vừa nghĩ rằng xác thầy mình đã bị một ai đó lấy đi, nhưng giả thuyết ấy phút chốc đã tan biến khi các ông thấy tấm khăn che đầu và các băng vải khác đều được xếp ngăn nắp. Lúc đó, trong tâm trí các ông nảy sinh những hoang mang, và thực sự bối rối trong việc xem xét các sự kiện đang xảy ra: các ông đã nhớ lại tất cả mọi chuyện về thầy mình, các điều Kinh Thánh nói, và nhất là điều mà chính Người đã trối lại cho các ông là hãy làm chứng cho Người: «Anh em hãy làm chứng cho Thầy khởi đầu từ Giêrusalem đến tận cùng trái đất» (Lc 24, 47).

Như vậy, niềm tin của các tông đồ vào sự phục sinh của Đức Giêsu, đã trải qua một con đường không phải dễ dàng, nhưng đầy hoang mang và thử thách.  

1.3. Bài đọc II:  Côlôxê 3, 1-4: Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự.

Thánh Phaolô đã nói cho các tín hữu thành Côrintô rằng sự tự do của người Kitô hữu hoàn toàn khác với những thực hành gò bó của dân ngoại và những người lạc giáo. Ngài tóm kết lại ý nghĩa và sự thánh thiêng của bí tích rửa tội, vì nhờ chịu phép rửa mà người Kitô đã chết đối với tội và được trỗi dậy cùng với Đức Kitô trong đời sống mới, được đưa vào trong thực tại thần thiêng với Người. Ơn cứu độ mà Người thực hiện không phải do thế gian này hay là sản phảm do tay con người, mà là ân huệ đến từ trên cao, do quyền năng của Thiên Chúa.

Đời sống hiện tại của người Kitô hữu có một giá trị thiêng thánh, bởi được không ngừng biến đổi và được tháp nhập vào trong đời sống mới của chính Đức Kitô, Đấng là cùng đích của nhân loại và niềm hy vọng sẽ được «cùng Người hưởng phúc vinh quang» (c. 4).

                                    1Côrintô 5, 6b-8: Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới.

Con Chiên Vượt Qua của các Kitô hữu là chính Đức Giêsu, ai ăn thịt con chiên này, phải có sự chuẩn bị từ bên trong. Nghĩa là phải «thanh sạch và chân thành». Vì thế, cần phải loại bỏ men cũ là tội lỗi và sự dối trá, «để trở nên bột mới, vì anh em là bánh không men» (c. 7).

Trong cuộc Vượt Qua Mới này, theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô, những yếu tố của bàn tiệc ly chính là Đức Kitô và các Kitô hữu: Đức Kitô là Con Chiên, còn các Kitô hữu là bánh không men.

Phần II: Suy niệm: Chạy…

Tin mừng thánh Gioan hôm nay thuật lại rằng: «Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mađalêna đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu. “Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước» (20, 1-4). 

Có thể nói đây là đoạn tin mừng quan trọng cho đức tin Kitô giáo. Bởi lẽ là đoạn tường thuật về sự phục sinh của Đức Kitô, là biến cố nền tảng làm nên đức tin Kitô giáo. Là đoạn tin mừng nền tảng, bản lề của cánh cửa mở ra cho niềm vui và niềm hy vọng, mở ra với ánh sáng đẩy lui bóng tối, mở ra với sự sống diệt tan sự chết, và mở ra cho niềm tin như cô Maria Madalêna và như các tông đồ của Chúa trong buổi sớm chạy ra mộ Chúa.

Cô Maria đã chạy, ông Phêrô và ông Gioan đã chạy, rồi các tông đồ cũng đã chạy đến với Đấng Phục Sinh. Chúng ta cũng được mời gọi chạy. Nhưng chúng ta đang chạy đi đâu?

2.1. Tất cả đều chạy

Người ta thường nói: đời là một hành trình. Trên hành trình ấy, mỗi người là một lữ khách đang bước đi, đi mãi cho hết cuộc đời mình. Dĩ nhiên, cũng có lúc cần dừng chân nghỉ ngơi cho lại sức, nhưng cũng có lúc cần phải tăng tốc bằng những bước chân trải dài. Nên người ta đã chạy, với nhiều lý do và bằng nhiều mục đích khác nhau:

– Có những người chạy vì sức khỏe như những người chạy để giảm cân, giảm béo.

– Có những người chạy để mưu sinh như những vận động viên điền kinh chạy vì phần thưởng cá nhân và vì danh dự tổ quốc.

– Có những người chạy vì một nỗi sợ hãi:

. Sợ ma thì “chạy vắt chân lên cổ”.

. Sợ khổ thì chạy còng cả lưng: “gánh khổ mà đổ lên non, cong lưng bỏ chạy khổ còn chạy theo”.

. Sợ chiến tranh, giặc giã thì “chạy hớt ha hớt hải, chạy ba chân bốn cẳng”.

. Sợ cồn đồ thì “chạy bán sống bán chết”.

. Sợ thiên tai lũ lụt thì “bỏ của chạy lấy người”.

            – Có những người muốn thoát khỏi một số phận đớn đau mà vẫn “chạy trời không khỏi nắng”, như nhân vật chị Dậu trong tác phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, đã phản ánh số phận đen tối không lối thoát của những con người bị bóc lột, áp bức bởi một xã hội bất công và bạo quyền.

            – Chạy đôn chạy đáo, là tình thương của những bậc cha mẹ ngày đêm lao nhọc, ướt đẫm mồ hôi để lo cho gia đình và con cái.

            – Chạy tội chạy án, là hành vi của những kẻ tiếp tay bẻ cong chân lý, làm sai sự thật.

            – Chạy chức chạy quyền, là hành vi của những kẻ mua danh bán tước, những kẻ thất học nhưng lại muốn làm quan để ăn trên ngồi trước.

            – Khi không ưa, không thích thì người ta chạy trốn và tránh xa. Khi yêu, khi thích thì người ta chạy đến vồn vã ân cần. Tắt một lời, người ta chạy với nhiều mục đích và lý do khác nhau. Và trong cuộc sống, người ta không chỉ chạy bằng đôi chân, chạy bằng xe đạp, xe máy, hay chạy bằng tàu thủy, tàu hỏa và tàu bay,… mà người ta còn chạy bằng niềm khát khao, chạy với niềm hy vọng, chạy bằng đam mê, chạy bằng ý chí vươn lên… và nhất là chạy trong niềm tin.

2. 2. Chạy trong niềm tin

Chạy trong niềm tin là một cuộc biến đổi: chạy từ chỗ tối đến chỗ sáng, chạy từ nỗi hoang mang đến một niềm hy vọng, chạy từ cõi chết đến cõi sống,… mà ở trung tâm của những cuộc chạy ấy là niềm tin. Cho dù niềm tin ấy mới chỉ là mong manh hay mơ hồ, nhưng nó cũng có thể níu kéo và dẫn đến một cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh. Như thể:

Bà Maria Madalêna đã chạy từ tâm trạng thất vọng, băng qua nỗi sợ hãi để cuối cùng vỡ òa trong niềm vui khi nghe tiếng Đấng Phục Sinh gọi tên mình, thì bà đã nhận ra và thưa với Người: «Rabboni – Lạy Thầy» (Ga 20, 16).

Còn ông Phêrô và ông Gioan, cũng như các tông đồ khác thì sao? Các ông đã chạy từ chỗ hoang mang thất vọng đến niềm hy vọng và xác tín, để rồi mạnh dạn rao giảng về Đấng Phục Sinh cho mọi người.  Quả thật, khi đối diện với bản án khổ hình thập giá của Thầy, các ông đã sợ liên lụy đến nỗi chạy trốn, các ông bỏ về quê tính chuyện làm ăn sinh sống, đau đớn nhất vẫn là Phêrô đã ba lần chối Chúa,… Nhưng chỉ từ một lời loan báo của mấy người phụ nữ, mà các ông như bừng tỉnh và bắt đầu chạy. Gioan chạy nhanh hơn, «ông đã thấy và ông đã tin» (Ga 20, 8), còn Phêrô và các tông đồ khác dần dần mới nhớ lại lời Thầy và đã tin.

Cuối cùng là thánh Phaolô. Là vị tông đồ không thuộc Nhóm Mười Hai, nhưng Thánh Phaolô được nhắc đến như cột trụ của Giáo hội sơ khai và mãi là nòng cốt của Giáo hội trên đường lữ hành Đức tin. Cuộc trở lại phi thường của “vị tông đồ dân ngoại” không chỉ nói lên tình yêu của Thiên Chúa đã dẫn đưa thánh nhân trở về, mà còn cho cho thấy nỗ lực đáp trả nồng nhiệt của Ngài, khi làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh. Sau khi trở lại, Phaolô xác tín rõ ràng: «Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu» (Pl 3, 13-14). Phần thưởng đó chính là vòng hoa chiến thắng dành cho người đã chiến đấu hết mình: «Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính» (2Tm 4, 7-8).

Đến lượt mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay. Thánh Phaolô sánh ví đời sống của những người bước theo Đức Kitô như là một cuộc đua trên thao trường, phải chạy, phải bung hết sức để dành cho được phần thưởng; phải chú tâm học hỏi, rèn luyện và kiên vững trong suốt chặng đua đời mình: «Trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín» (1 Cr, 24-27). 

* * *

– Sống mầu nhiềm phục sinh, người Kitô hữu được mời gọi “chạy ra khỏi căn phòng đóng kín tối tăm đời mình” như các tông đồ mở cửa chạy ra mộ Chúa khi nghe các phụ nữ báo tin.

– Sống sứ điệp phục sinh, người Kitô hữu được mời gọi chạy đi loan báo tin mừng như cô Maria Madalêna chạy về loan tin cho các tông đồ, và như các tông đồ mạnh dạn rao giảng Đức Kitô cho mọi người.

– Sống bầu khí mùa phục sinh, người Kitô hữu được mời gọi trỗi dậy khỏi chăn ấm nệm êm để đón chào một ngày mới của buổi tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, như là buổi bình minh của một cuộc đổi mới, mà đổi mới quan trọng nhất bao giờ cũng là đỗi mới cuộc đời trong Đức Giêsu Kitô.

Quốc Vũ

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

VÂNG LỜI THẦY – Cứ ra khơi, thả lưới bắt cá ( Is 6,1-2a.3-8; 1Cr 15,1-11; Lc 5,1-11)

Vâng lời là một hành vi mang tính nhân bản và nhân linh của con người, cho nên việc con cháu cần biết vâng...

Lễ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh

LỄ DÂNG CHÚA GIÊSU VÀO ĐỀN THÁNH (FM. Mauro Nguyễn Văn Biết)      Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh năm nay- trong...

Lễ Ba Cha Thánh – Mc 10, 24b – 30

MỪNG LỄ BA CHA THÁNH SÁNG LẬP DÒNG XITO PHẦN THƯỞNG CHO NHỮNG AI TỪ BỎ MỌI SỰ MÀ THEO CHÚA Cuộc sống là một sự...

26/01 Lễ Các Thánh Tổ Phụ Dòng Xitô – Roberto, Alberico và Stephano, Mc 10,24b-30: Từ bỏ mọi sự để được Nước Trời

  TỪ BỎ MỌI  SỰ ĐỂ  ĐƯỢC NƯỚC TRỜI (Hc 44,1.10-15; Hr 11,1-2.8-16; Mc 10,24b-30) Trường Kha, Phước Lý Cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển, vấn...

Chúa nhật II -Thường niên, Năm C (Ga 2, 1-11) “Họ hết rượu rồi”

Chúa nhật II -Thường niên, Năm C (Ga 2, 1-11) “Họ hết rượu rồi” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Không biết tự bao giờ người ta đã...

Chúa Nhật – Chúa Chịu Phép Rửa: Chúa bước xuống để nâng ta lên

Chúa Nhật – Chúa Chịu Phép Rửa: Chúa Bước Xuống Để Nâng Ta Lên Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là...

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Lc 3,15-16.21-22: Người môn đệ của Đức Giêsu sống tinh thần tự hủy

    NGƯỜI MÔN ĐỆ CỦA ĐỨC GIÊSU SỐNG TINH THẦN TỰ HỦY  (Lc 3,15-16.21-22) M. Giuse Tuấn, Phước Lý  Khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội, Chúa...

Chúa nhật Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12) Con quyết đi tìm Ngài trong cuộc sống

Chúa nhật Chúa Hiển Linh, Mt 2,1-12 Con Quyết Đi Tìm Ngài Trong Cuộc Sống Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hàng năm cứ vào mùa Giáng...

Lễ Hiển Linh: Tìm ai hay tìm cái gì

    Chúa Nhật Chúa Hiển Linh 05.01.2025 TÌM AI HAY TÌM CÁI GÌ (Mt 2,1-12) M. Bosco, Phước Sơn Lễ Hiển Linh là lễ kỷ niệm việc Chúa tỏ...

Ngày 1-1, Lễ Mẹ Thiên Chúa: Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21 Bình an của Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta

Ngày 1-1, Lễ Mẹ Thiên Chúa: Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21 Bình An Của Thiên Chúa Luôn Ở Cùng Chúng Ta Lasan Ngô Văn Vỹ,...

01/01 Lễ Mẹ Thiên Chúa, Lc 2,16-21: Kỳ diệu thay Đấng là Mẹ Thiên Chúa

  KỲ DIỆU THAY ĐẤNG LÀ MẸ THIÊN CHÚA (Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21) Trường Kha, Phước Lý Tình mẫu tử cũng chính là tình cảm mãi...

01/01 Lễ Mẹ Thiên Chúa, Lc 2,16-21: Có Mẹ đồng hành

    CÓ MẸ ĐỒNG HÀNH (Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21) M. Luca Ngọc, Phước Thiên Ngày đầu năm mới dương lịch, Giáo Hội cho chúng ta mừng...