CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
Lời Chúa: Mt 4, 1 – 11
(Chiều Tím Calve-CT)
Phụng vụ Giáo hội đã bước vào Mùa Chay Thánh. Mùa chay trải dài 40 ngày. Thời gian này nhắc lại 40 năm của dân Israel trong sa mạc trước khi đến Đất hứa, 40 ngày ngôn sứ Elia ở trên núi Horeb, 40 ngày Chúa Giê su ở trong hoang địa. Thời gian 40 năm hay 40 ngày là con số tượng trưng nói lên thời gian thử thách và thanh luyện. Trên con đường về Nước Trời, chúng ta cũng trải qua những thử thách và thanh luyện. 40 ngày trong mùa chay thánh là thời gian quý giá để mỗi người nhìn lại bản thân, đánh giá lại chính mình, để sám hối và canh tân đời sống.
Khi nghe bài Tin mừng hôm nay, thánh Matthew đã tường thuật chi tiết về việc Chúa Giêsu bị cám dỗ, có người thắc mắc rằng: tại sao là Thiên Chúa mà lại bị cám dỗ chứ?
Sở dĩ Chúa Giê su để cho ma quỷ cám dỗ là vì Ngài xuống thế gian, mang thân phận con người của tổ tông đã bị cám dỗ; mang trong mình ơn gọi của Israel, một dân tộc thuộc về Thiên Chúa nhưng đã bị cám dỗ nhiều trong suốt 40 năm trong sa mạc. Giữa tổ tông loài người, Israel và Chúa Giêsu chỉ khác nhau một điều là Adong, Evà và Israel đã sa ngã, còn Chúa Giê su thì không. Chịu cám dỗ là dịp để Ngài khẳng định mình là Con Thiên Chúa, mang trong mình số phận của Israel mới là Giáo Hội.
Trong những cơn cám dỗ, ma quỷ không cám dỗ Chúa Giê su như một người bình thường, nhưng là cám dỗ chính Con Thiên Chúa: Nếu ông là Con Thiên Chúa…
Ba cơn cám dỗ của Chúa Giê su gợi lại ba cuộc thử thách của Israel trong sa mạc mà họ đã vấp ngã:
– Đói khát
– Kiêu ngạo, đam mê danh vọng
– Đam mê của cải.
Và đó cũng là những cơn cám dỗ đang hoành hành trong thế giới loài người hôm nay. Đó là dấu chỉ cho thấy ma quỷ vẫn tiếp tục công việc của nó, không buông tha cho con cái Thiên Chúa. Thật vậy, nhìn vào hoàn cảnh của nhân loại hôm nay, chúng ta vẫn thấy mưu mô của ma quỷ: chia rẽ giữa người giàu và người nghèo, đó là cơn cám dỗ của đói khát khi Chúa Giêsu ăn chay 40 ngày trong sa mạc; các thế lực xung khắc tranh dành nhau, chạy đua sản xuất vũ khí hủy diệt để làm bá chủ hoàn cầu, đó là cơn cám dỗ kiêu ngạo; con người đang chạy theo lợi nhuận bất chấp luân lý đạo đức, hủy hoại thiên nhiên môi trường sống để kiếm tư lợi cho riêng mình, đó là cơn cám dỗ đam mê của cải vật chất, vinh hoa thế tục. Những cơn cám của Chúa Giê su vẫn được lặp đi lặp lại trong thế gian cũng như trong Giáo Hội. Chúng ta có thể thắng được những cơn cám dỗ đó khi mỗi chúng ta biết đem Phúc Âm vào cuộc sống, lấy Lời Chúa làm lẽ sống như Chúa Giê su đã làm: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”
Ma quỷ đã khôn khéo dùng chính lời Kinh Thánh để bày ra cơn cám dỗ, và Chúa Giêsu cũng đã dùng Kinh Thánh để chống trả lại các cơn cám dỗ của ma quỷ. Thật thế, nhiều người cũng đã khôn khéo lợi dụng Kinh Thánh để bắt bẻ Chúa Giêsu như: những người Biệt Phái, Pharisieu và cả Herode. Ngày nay cũng có nhiều người đang lợi dụng Kinh Thánh như thế để đạt cho được ý đồ xấu của mình. Trong lúc đó, ba nhà Đạo sĩ nhờ đọc Kinh Thánh mà biết Đấng Cứu Thế đã sinh ra và họ lên đường tìm Chúa.
Trở lại với vấn nạn, tại sao Chúa Giê su lại vào sa mạc để chịu những cơn cám dỗ?
Trước hết là, vì Chúa muốn làm gương cho chúng ta; xưa Môse dẫn đưa dân Israel vào sa mạc, dân đã bị cám dỗ và đã sa ngã; nhưng nay Chúa Giê su là Môse mới, dẫn đưa Hội Thánh là Israel mới qua sa mạc trần gian trên đường về Nước Trời và Ngài đã thắng mọi cơn cám dỗ để dạy chúng ta cách thắng cơn cám dỗ như thế nào.
Sau là, vì Chúa muốn mang thân phận con người một cách trọn vẹn, do đó Ngài cũng chịu cám dỗ như mọi người. Bởi vậy, chúng ta biết noi gương trung thành của Chúa trước mọi cơn cám dỗ của cuộc đời, là lấy Lời Chúa để chống trả.
Chúa Giê su đã chỉ cho mỗi người chúng ta ba cách để thắng cơn cám dỗ, đó là: “Ăn chay, cầu nguyện và sống Lời Chúa-làm việc bác ái”. Và đó cũng là kim chỉ nam và là lời mời gọi của Chúa, Giáo Hội mong mỗi người chúng ta thực hiện trong Mùa chay này.