Chúa nhật II Mùa Phục Sinh, năm C
«SỨ GIẢ BÌNH AN»
Bài đọc 1: Cv 5, 12-16
Bài đọc 2: Kh 1,9-13.17-19
Tin Mừng: Ga 20, 19-31
Một lần được phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Têrêsa Calcutta trực diện với một người qua câu hỏi cắc cớ: «Thưa bà, bà yêu thương người nghèo, điều đó rất tốt. Nhưng còn biết bao những người giàu có của Vatican và của Giáo hội thì sao?»
Mẹ nhìn thẳng người phỏng vấn và nói: «Thưa ông, ông không phải là người hạnh phúc. Có những điều đang xâu xé ông. Bởi lẽ ông không có một chút bình an trong lòng».
Người phỏng vấn xụ mặt xuống. Mẹ Têrêsa nói tiếp: «Ông nên có niềm tin tưởng».
- Làm sao tôi có được niềm tin?
- Ông hãy cầu nguyện.
- Nhưng làm sao tôi có thể cầu nguyện?
- Đúng vậy! Ông không thể cầu nguyện được, vì trong ông vẫn còn một sự giằng xé, ông chưa có bình an! (Góp nhặt).
Hai tiếng BÌNH AN – luôn là những lời đầu tiên Đức Kitô nói với các môn đệ khi Ngài hiện ra với các ông sau khi Phục sinh: «Bình an cho anh em» (Ga 20,19b).
Trong tiếng Hípri, shâlôm (= bình an) là một lời chào thông thường. Nhưng trong văn cảnh long trọng ở đây, lời của Đức Giêsu không phải chỉ là “lời cầu chúc bình an” như thể họ còn phải chờ đợi bình an đến trong tương lai, nhưng đó là một sự khẳng định về một thực tại: chắc chắn họ đang có bình an của Người, bởi vì Người đang ở giữa họ, mà Người lại là sự bình an đích thực.
Trong đời sống thường ngày, bình an đó là một ân huệ, một điều thiện mà ai trong chúng ta cũng hằng khao khát mong đợi và đi tìm. Bình an trong tâm hồn và bình an ngoài thể xác. Bình an cho mình và bình an cho tha nhân. Bình an cho gia đình, cho đất nước và cho thế giới.
Tuy nhiên, điểm đáng nói nhất nơi sự bình an, đó là một bí quyết cho ta đạt đến sự thành công trong đời sống. Điều này ta có thể bắt gặp nơi quan niệm của đức Khổng Tử, khi ngài nói: «Tu thân nhi hậu gia tề, Gia tề nhi hậu quốc trị, Quốc trị nhi hậu thiên hạ bình», ý nói: nếu muốn nhà được tề thì phải tu thân, khi nhà đã tề thì nước mới trị, và khi nước đã trị thì thiên hạ ắt sẽ bình. (Đại Học).
Như vậy quá rõ, mọi sự thành bại đều khởi đi từ bản thân mỗi người. Thế nhưng, trớ trêu thay, ngay trong chính bản thân mình ta vẩn còn đang gặp những sự xâu xé, những nỗi băn khoăn, cùng những sự ray rứt cho cuộc đời.
Quả thật, kể từ khi tổ tiên con người tự mình bước sang một lối rẽ khác, khi Ađam –Eva đi ra ngoài đường lối của Thiên Chúa, chính là lúc con người đã tự đánh mất đi cốt tính “nhân chi sơ tính bổn thiện”, để rồi sự ác đã tràn vào, hiện hữu một cách đáng sợ. Vì ngay khi ông bà ăn trái cây “biết lành biết dữ”, cũng chính là lúc trong ánh nhìn của con người, mọi sự đều có một khoảng cách, mọi vật đều có thể trở thành kẻ thù, và đến ngay cả những bước chân êm nhẹ của Thiên Chúa chiều chiều từng sánh bước với họ nay cũng trở thành những tiếng động khiến họ hoảng sợ và chạy trốn.
Kể từ đó, con người ngày càng đi xa tình yêu của Thiên Chúa, họ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được của ăn qua ngày, áo mặc qua đêm, phải gánh chịu những những nhọc nhằn gian lao, và trong đau khổ họ lại càng khao khát một cuộc sống tươi đẹp an bình hơn. Đó là một cuộc sống mà ngôn sứ Isaia đã nhiều lần loan báo: «Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm chung với dê nhỏ, bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng …» (Is 11, 6).
Đối với Isaia, bình an không chỉ có nghĩa là cuộc sống vắng bóng chiến tranh, nhưng còn là cuộc sống dư tràn hạnh phúc, sống trong sự an nhàn thư thái vô biên. Tuy nhiên, ông cũng biết rằng sự bình an đó chỉ có thực sự trong vương quốc của Hoàng Tử Bình An (Is 9, 5). Chính Ngài sẽ ban phát cho thần dân Ngài một nền hòa bình bất tận (Is 9, 6), Ngài sẽ khai mở một địa đàng mới thay thế cho địa đàng mà tổ tiên loài người đã phá hủy.
Đức Kitô đã đến, Ngài chính là Hoàng Tử Bình An và triều đại chúng ta đang sống là Triều Đại Bình An. Đức Kitô Phục Sinh nhiều lần hiện ra giữa các Tông đồ để xua tan nỗi sợ, ban bình an cho họ và kèm theo một sứ vụ: «Bình an cho anh em! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em» (Ga 20, 21 – Bài Tin Mừng). Đó là sứ vụ được sai đi đem bình an đến với tha nhân, loan báo cho nhân loại biết rằng Đức Kitô đã Phục sinh, Đấng «là đầu và là Cuối. Là Đấng Hằng Sống, nắm giữ chìa khóa của Tử Thần và Âm phủ» (Kh 1, 18 – Bài đọc II). Đối với các Tông đồ, cuộc gặp gỡ với Đức Kitô Phục Sinh đó là một sự biến đổi, đồng thời lãnh nhận một sức mạnh mới cho đức tin, một nền tảng không thể suy sụp và lan tỏa, để rồi: «Nhờ bàn tay các Tông đồ, nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân. Nhiều người từ các thành chung quanh Giêrusalem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành» (Cv 5, 12. 16 – Bài đọc I).
Với chúng ta cũng vậy, có biết bao dấu chỉ qua đó Chúa Phục Sinh tỏ hiện, như lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong buổi tiếp kiến chung sang thứ tư ngày 3-4-2013 tại quảng trường Thánh Phêrô: «Chúng ta hãy để cho mình được chiếu sáng bởi sự Phục sinh của Chúa Kitô, chúng ta hãy để cho mình được biến đổi bởi sức mạnh của Người, để qua chúng ta, trong thế giới các dấu chỉ của chết chóc nhường chỗ cho các dấu chỉ của sự sống. Đó là sứ mệnh của chúng ta! Hãy đưa niềm hy vọng đó tiến lên. Hãy cắm neo vào niềm hy vọng ấy: cái neo này ở trên trời. Chúng ta là những chứng nhân của Chúa Kitô, hãy làm chứng rằng Người sống và điều này sẽ trao ban hy vọng cho chúng ta, sẽ trao ban hy vọng cho thế giới già nua này vì chiến tranh, vì sự dữ và vì tội lỗi».
Như thế, Kitô hữu không gì khác hơn là sứ giả hòa bình, là khí cụ bình an, là người đem Chúa Kitô đến với tha nhân, nhất là những người chưa nhận biết Chúa. Để có thể trở thành chứng nhân của sự an bình, trước tiên chúng ta phải là người có sự bình an, người có Đức Kitô, qua sự gặp gỡ cá nhân với Người và sự thừa kế bởi truyền thống các Tông đồ về một mầu nhiệm: «Trước hết tôi truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh, rồi Người đã được mai tang, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Thánh Kinh. Người hiện ra với ông Kêpha, rồi với nhóm Mười Hai» (1Cr 15, 3-5).
Quốc Vũ