Is 35, 1-6a.10 ; Gc 5, 7-10 ; Mt 11, 2-11
Chúa Nhật thứ III của Mùa Vọng là Chúa Nhật mừng vui. Vui vì Giáo Hội và con cái của mình đã bước được nửa chặng đường của Mùa Vọng để đón mừng kỷ niệm con Thiên Chúa Giáng Sinh cách đây hơn 2000 năm. Không những chỉ vui mừng vì ngày kỷ niệm Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, nhưng sâu xa hơn, cao cả hơn là mừng vui đón chờ ngày Chúa ngự đến lần thứ hai trong tương lai, tức là ngày cánh chung, hay còn gọi là ngày tận thế.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay dường như đồng loạt diễn tả niềm vui đó:
1. Niềm vui của tương lai
Ngay trong bài đọc đầu tiên trích sách ngôn sứ Isaia đã lột tả hết niềm vui tuyệt đỉnh của tác giả trong hoàn cảnh con cái Israel đang bị lưu đày, nhưng tiên tri đã nhìn thấy được tương lai tươi sáng là Chúa sẽ ra tay để cứu dân Chúa thoát khỏi những khổ cực lầm than, thoát ách nô lệ, áp bức: “Vui lên nào, hỡi sa mạc đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò. Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Li-băng, vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-ron. Thiên hạ sẽ thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta” (Is 35, 1-2). Quả thật, ai mà chẳng vui sướng, khi quê hương được giải phóng, được độc lập; ai mà chẳng hoan nghênh khi được thoát cảnh lưu đày, áp bức… Tiên tri Isaia dường như rất vui sướng khi nhìn thấy quê hương được cứu thoát sau những năm bị đô hộ, bị nô lệ, lưu đày… đầy gian lao khốn khó. Niềm vui của vị ngôn sứ là niềm vui trong “hoàn cảnh đầy bi đát” nhưng hứa hẹn một tương lai rạng ngời vinh quang Đức Chúa.
Và trong ngục tù của Hêrôđê, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước là Gioan Tiền Hô, có lẽ ông cũng rất đỗi vui mừng vì được các đồ đệ thuật lại cho ông nghe Đấng sẽ đến đã đến: “Các anh hãy về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe” (Mt 11,4). Đấng, ông đã giới thiệu cho muôn dân biết “Người đến sau tôi nhưng có trước tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Trong hoàn cảnh ngục tù đầy bi đát, nhưng tâm hồn của vị tiền hô đã cảm nhận được niềm vui khó tả, vì ông sắp hoàn thành sứ vụ, nhưng niềm vui cao cả hơn là ông đã biết chắc Đấng sẽ đến đã đến, Người đến đúng lúc, đúng thời cho muôn dân được sống và sống dồi dào (x Ga 10, 10).
Trong hòan cảnh bi đát của dân tộc bị lưu đày, Isaia đã cảm nhận được niềm vui tương lai rạng ngời khi dân của ông được bàn tay Thiên Chúa giải thoát và chiếu soi ánh sáng rạng ngời. Trong lao tù khổ ải, Gioan Tẩy giả đã hớn hở mừng vui vì Đấng cứu thoát muôn dân đã đến. Giáo hội cũng muốn con cái của mình dù trong hoàn cảnh đau thương nào của cuộc sống thì cũng hãy giữ vững một niềm tin, khát khao niềm hy vọng là Chúa sẽ đến và đến để trao niềm vui cho tâm hồn. Niềm vui chờ Chúa và đón Chúa là niềm vui mỗi ngày, chứ không riêng gì là Chúa Nhật III Mùa Vọng này. Chúng ta vui mừng chờ đợi Chúa, vì tương lai Ngài sẽ đến và ban ánh sáng ngàn thu cho chúng ta.
2. Niềm vui vì được mặc khải
Trong lúc đau buồn vì cảnh lưu đày của quê hương, Isaia đã cảm nhận được niềm vui của tương lai được Chúa ra tay giải thoát. Ngôn sứ diễn tả niềm vui đó qua cả những người bị coi là khiếm kuyết: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35, 5.6). Những lời reo hò vui sướng của vị ngôn sứ Isaia lại là lời ứng nghiệm từ mạc khải của Đấng sẽ đến phải đến mà ngôn sứ Gioan Tiền Hô trong ngục tù của Hêrôđê đang mong đợi.
Trong ngục tù khổ sợ, Gioan Tiền Hô đón nhận được lời mạc khải của Đấng sẽ đến đã đến từ ngay miệng của Người nói với môn đệ của Gioan. Ông đã nghe những điều vĩ đại mà Đấng đến sau ông đã thực hiện cách kỳ diệu cho muôn dân. Có lẽ Gioan đã rất an tâm và đầy vui sướng vì những lời mạc khải đó: “Các anh cứ về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4.5). Điều này có nghĩa là, Chúa Giêsu đã khẳng định, chính ta đây, mắt các ngươi đã thấy rõ những việc ta làm rồi còn gì! Chẳng có ai khác làm được những điều như ta làm vậy đâu. Các anh cứ về nói với Gioan chính là ta chứ còn ai nữa.
Khi nói với các đồ đệ của Gioan những điều như thế, Chúa Giêsu đã mạc khải trực tiếp danh tính của Người cho Gioan biết. Còn lý do gì nữa để Gioan trong ngục tù không hớn hở mừng vui. Có lẽ lúc đó, Gioan cũng có tâm trạng vui sướng như cụ già Simêon được bồng ẵm Chúa trên tay và mở miệng ngợi ca: “Muôn lạy Chúa, giờ đây, theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành cho muôn dân. Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài” (Lc 2, 29-32).
Chúa đã đến, đã xuất hiện tỏ tường, và đã thực hiện bao nhiêu phép lạ diệu kỳ. Đó không những chỉ là niềm vui, của riêng Gioan tiền hô, nhưng còn là niềm vui và hạnh phúc lớn lao của nhân loại. Chúa đã đến và mạc khải cho chúng ta mỗi ngày cách tỏ tường qua Bí Tích Thánh Thể. Đó là niềm vui, là bình an và là hạnh phúc cho chúng ta.
Chúng ta tiếp tục vui mừng chờ đợi Chúa đến với chúng ta lần thứ hai trong tương lai bằng thái độ sẵn sàng dọn dẹp tâm hồn của mình theo cách chỉ đường của vị Gioan tiền hô:“Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3, 4-5).
Minh An