Chúa nhật IV Mùa Phục Sinh, năm C
«MỤC TỬ NHÂN LÀNH»
Bài đọc 1: Cv 13, 14. 43-52
Bài đọc 2: Kh 7, 9. 14-17
Tin Mừng: Ga 10, 27-30
«27Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. 28Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. 29Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30Tôi và Chúa Cha là một» (Ga 10, 27-30).
Có lẽ đây là đoạn Tin Mừng ngắn nhất được chọn đọc trong ngày lễ Chúa Nhật. Với chỉ vỏn vẹn 4 câu, thuộc diễn từ về Vị Mục Tử Nhân Lành trong chương 10 của Tin mừng Thánh Gioan, đã nói lên chủ để chính của phụng vụ Chúa Nhật IV Phục sinh hôm nay: Chúa nhật Chúa Chiên Lành.
Hình ảnh người mục tử là một hình ảnh rất quen thuộc đối với dân Do Thái và đã được Kinh Thánh sử dụng nhiều lần. Thực vậy, tiên tri Edêkien đã mô tả Đấng Thiên Sai với vóc dáng của một người mục tử. Còn Đức Giêsu, khi nhìn thấy đám đông đi theo, Ngài đã thực sự xúc động và nói: «Ta thương đám dân này, vì họ bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt» (Mc 6, 34). Nhất là qua đoạn tin mừng hôm nay, Ngài đã nhấn mạnh chính Ngài là Người Mục Tử Nhân Lành.
Trong Thánh kinh, hình ảnh đàn chiên cũng mang một ý nghĩa đẹp: Đức Chúa đã trao đàn chiên Israel cho một số mục tử chăn dắt (Tv 100, 3) như: Môsê, Aharon (x. Tv 77, 21), Giôsuê (x. Ds 27, 18-21), và Đavít (x.Tv 78, 70-72)… Đến thời Tân ước, Chúa Giêsu đã tự xưng mình là Mục Tử nhân lành (x. Ga 10, 11) và duy nhất của Thiên Chúa (x.Ga 10, 16).
Mục tử nhân lành là người chủ chiên, có tình yêu thương đoàn chiên noi gương Chúa Giêsu Vị Mục Tử Tối Cao, thể hiện qua các hành động cụ thể như sau:
– Hiểu biết và cảm thông: «Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi» (Ga 10, 27).
– Bảo đảm sự sống của đàn chiên: «Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi» (10,28).
– Hy sinh mạng sống cho đàn chiên: «Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên» (Ga 10, 11).
Đức Giêsu là Vị Mục Tử Nhân lành và Duy Nhất. Điều này không có gì bàn cãi. Tuy nhiên, truyền thống Giáo Hội đã chọn Chúa nhật hôm nay làm Ngày Thế Giới cầu nguyện cho ơn gọi tu trì, trong đó chúng ta vẫn quen gọi các giám mục và các linh mục là các mục tử hay chủ chăn, nhưng thực ra họ chỉ là những người đầy tớ làm việc cho ông chủ nhân lành Giêsu, với tình yêu nồng nàn đến cả hy sinh tính mạng theo gương Người.
Nói về ơn gọi của các linh mục, trong cuốn «Miei Cari Sacerdoti» – Tập tổng hợp những bài nói chuyện của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 với các linh mục trong nhiều lần gặp gỡ, trong đó Ngài đã nêu lên nhiều hình ảnh và đặc tính cốt yếu và cần thiết của người linh mục trong Giáo hội và xã hội hôm nay. Một trong số đó là điểm nhấn là lời tóm gọn khi ngài mượn lại tư tưởng của Thánh Augustino để nói với các linh mục: «Vinh quang không gì khác hơn là vẻ đẹp, vẻ đẹp không gì khác hơn là tình yêu, tình yêu không gì khác hơn là sự sống. Vì vậy, nếu bạn muốn sống, hãy yêu. Nếu bạn yêu, bạn sẽ đẹp. Nếu bạn thiếu vẻ đẹp này, bạn không sống, bởi bạn chỉ sống với vẻ bên ngoài chứ trong bạn không có sự sống thật» (Sermon 365).
Tình yêu là sự sống, sống tức là yêu. Điều này đúng cho mọi ơn gọi, với ơn gọi của người mục tử thì lại càng khẩn thiết nhường bao. Tìm về nguyên ngữ Hylạp, tình yêu mang nhiều ý nghĩa khác nhau, có nhiều khía cạnh diễn tả phù hợp trong từng trường hợp.
- Stοrge (στοργή): tình cảm gia đình, cha mẹ và con cái, anh chị em ruột thịt, họ hàng trong dòng tộc.
- Philia (φιλία): tình bạn, tình bằng hữu liên kết giữa những người cùng chung sở thích, chung lý tưởng, chung cảm súc,… mà kết nghĩa tri giao. Tình cảm này đôi khi trở thành thiêng liêng và gắn kết hơn cả tình ruột thịt, thân hơn thủ túc.
- Eros (έρως) e Anteros (αντέρως): tình yêu vợ chồng với đời sống tính dục và sự hòa hợp trong bậc hôn nhân: yêu thương nhau và sinh con cái.
Ngược lại với bậc sống này là sự độc thân trong ơn gọi của các linh mục. Kể từ những năm đầu thế kỷ XI, khi Giáo hội phân chia giữa Đông và Tây, thì có nhiều kỷ luật phụng vụ và bí tích được thực hành khác nhau, trong đó các giáo sĩ Đông Phương coi việc kết hôn như một chọn lựa bản thân, còn tại Tây Phương các giáo sĩ tiếp nhận kỷ luật độc thân này. Tuy nhiên đây chỉ là vấn đề kỷ luật, chứ không phải vấn đề đức tin hay bí tích, và nó không hề ảnh hưởng gì đến việc thành sự hay hiệu quả của chức linh mục. Vì thế, nó có thể thay đổi được, nhất là những năm gần đây khi có nhiều tiếng nói muốn hủy bỏ luật độc thân linh mục công giáo, bởi họ cho rằng đó là nguyên nhân dẫn đến những tệ nạn lạm dụng tính dục, ấu dâm, hay việc giảm sút ơn gọi linh mục trong Giáo Hội ngày nay. Thực tế đã xảy ra như thế, nhưng chỉ là nơi một số rất ít thuộc hàng linh mục toàn cầu, Giáo hội đã nhìn nhận và lãnh trách nhiệm về mình. Nhưng, khi xem xét tận căn, đó không phải là những hệ quả của luật độc thân linh mục. Do đó, tương lai không ai có thể biết chắc, nhưng cho đến bây giờ, lập trường của Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn duy trì luật độc thân trong hàng giáo sĩ công giáo.
- Agape (αγάπη): tình yêu mang tính tôn giáo, đó tình yêu thương bác ái giữa các tín hữu với nhau được Kinh Thánh nhiều lần nói đến: «Chúa Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy» (Ga 15, 9); «Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn lề luật» (Rm 13, 10); «Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà tôi không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì» (1Cr 13, 2).
Trong Hán Ngữ, tình yêu (愛), là một khái niệm gồm ba từ ghép với nhau, với chữ tâm ở giữa và trên dưới là sự đón nhận và cảm súc. Như thế, khi yêu là phải trao trọn trái tim mình, thậm chí là hy sinh cả mạng sống mình, như «Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên» (Ga 10,11).
Ngày nay, trước những điều xảy ra trong Giáo hội và xã hội, người ta nói về các linh mục rất nhiều, xấu có tốt có, khen có chê có,… cứ cho đó là những hảo ý, những sự kỳ vọng vào một sự cải biến hàng ngũ linh mục ngày càng trở nên tốt hơn, đẹp hơn, gương mẫu hơn về đời sống hy sinh, khó nghèo, bác ái,… theo gương Đức Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Thì trên hết, điều cần thiết nhất vẫn là lời cầu nguyện của mọi tín hữu cho đời sống của mỗi linh mục. Bởi lẽ, đến đây ta mượn lại những lời suy niệm của Thánh Gioan Kim Khẩu về ơn gọi của người linh mục như sau:
“Hỡi linh mục, người là ai?
Người không phải bởi người, vì người bởi hư vô.
Người không phải cho người, vì người là trung gian dẫn tới Thiên Chúa.
Người không thuộc về người, vì người phải sống cho một mình Thiên Chúa.
Người không phải là của người, vì người là tôi tớ của mọi người.
Người không phải là người, vì người là một ‘Kitô khác.’
Thế thì người là ai vậy?
Không là gì hết, nhưng lại là tất cả!”
Trong ơn gọi làm người, linh mục là “tôi tớ của mọi người”,
phục vụ mọi người, “rửa chân” cho mọi người.
Và cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, trong sứ điệp nhân dịp lần thứ 50 ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi 21.4.2013, mọi người được mời gọi để cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha, xin Ngài tiếp tục sai các thợ gặt đến với Giáo Hội: «Lúa chin đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy cầu nguyện xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về» (Mt 9, 37-38).
Quốc Vũ