Chúa nhật Lễ Lá, năm C
HOSANNA
Bài đọc 1: Is 50, 4-7
Bài đọc 2: Pl 2, 6-11
Tin Mừng: Lc 22,14 – 23,56
Nhớ lại ngày 19 tháng 3 năm 2013, vào lúc 9.30 sáng, tại Quảng trường Thánh Phêrô, đã có khoảng 200 ngàn tín hữu và khách hành hương, cùng với đại điện chính quyền của 132 quốc gia, cũng như nhiều phái đoàn các Giáo hội Kitô và liên tôn đã đến tham dự thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Trước thánh lễ, là phần nghi thức trao dây Pallium Giáo Hoàng và trao nhẫn Ngư Phủ. Dây Pallium được làm từ lông chiên màu trắng, có 6 hình Thánh Giá màu đỏ, ám chỉ hình ảnh người Mục Tử nhân lành (x. Ga 10, 11) vác trên vai con chiên lạc (x. Lc, 15, 4-7). Nhẫn Ngư Phủ là nhẫn chứng thực đức tin và nói lên nghĩa vụ được ủy thác cho Thánh Phêrô là củng cố anh em mình (x. Lc 22, 32); đồng thời đó cũng còn là dấu chỉ “quyền bính” của Thánh Phêrô, mà theo như lời giải thích của Đức Thánh Cha trong phần chia sẻ Tin Mừng, đó chắc chắn không phải quyền lực để cai trị, nhưng quyền bính đích thực là để phục vụ, để tiến sâu vào mầu nhiệm Thập giá của Đức Giêsu.
Khi nghe những lời giải thích này, có lẽ trong chúng ta ai cũng hiểu, tán dương và đồng thuận với Đức Thánh Cha rằng: “Quyền Bính để Phục Vụ”, bởi lẽ đó là điều đã xảy ra, đã được thực hiện trong quá khứ, bắt đầu từ Đức Giêsu, rồi Giáo hội sau này. Nhưng giả như lịch sử có thể dời lại 2000 năm trước, để chúng ta có dịp sống cùng thời với Đức Giêsu, thì liệu chúng ta có hiểu và chấp nhận điều này? Dân Dothái cũng vậy, thậm chí là các Tông Đồ cũng thế,… đã có rất ít người hiểu, nếu không muốn nói là chẳng một ai hiểu về con đường của Đức Giêsu.
Nhớ một lần trên hành trình tiến về Giêrusalem, khi đến vùng Xêdarê Philipphê, Đức Giêsu hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai”? – Chỉ có ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng rồi ngay lập tức sau đó Đức Giêsu đã mắng ông rằng: “Satan, lui lại đằng sau Thầy”, bởi vì ông đã không hiểu và ngăn cản không cho Đức Giêsu lên Giêrusalem chịu chết thay cho mọi người (x. Mt 16, 13-23).
Và hôm nay, phụng vụ tả lại đoạn cuối của hành trình ấy, nhưng các Tông đồ vẫn chưa hiểu, các ông đang lo ráo riết chuẩn bị mọi sự cần thiết cho ngày lễ Vượt Qua với hy vọng vào một vinh quang chiến thắng như cuộc Vượt Qua Biển Đỏ đánh bại quân Pharaôn. Còn dân Dothái thì vẫn đang mơ mộng về một sự đảo chánh thoát khỏi áp bức của đế quyền Roma. Họ hân hoan rước Đức Giêsu vào thành theo đúng nghi thức rước một vị Đế Vương: trải áo, cầm cành lá và hát vang “Hoan hô con Vua Đavít, chúc tụng Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến”. Như thế, không một ai hiểu, chỉ mình Đức Giêsu hiểu Ngài đang làm gì, vì “Giờ” của Ngài đã đến, nên Ngài để cho họ làm những gì họ muốn, còn Ngài thì âm thầm mạc khải những dấu chỉ của một Đấng Mêsia hoàn toàn khác, như các ngôn sứ đã tiên báo:
- Ngài không vào thành trên xe tứ mã nhưng là ngồi trên lưng một con lừa, dấu chỉ của sự hèn mọn, khiêm hạ mà ngôn sứ Dacaria đã loan báo: «Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem hãy sướng vui reo hò! Vì kìa Đức Vua đang đến với ngươi: khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ» (Dcr 9, 9).
- Ngài chính là người tôi tớ đau khổ của Giavê Thiên Chúa chịu bao khổ nhục, hiến hoàn toàn cuộc sống để phụng sự Thiên Chúa, luôn kiếm tìm thi hành ý của Thiên Chúa cho dù phải chịu nhiều khổ đau và bắt bớ tủi nhục: «Tôi đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người giật râu. Tôi không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ» (Is 50, 6 – Bài đọc I).
- Và sau này, chúng ta thấy Thánh Phaolô dùng tước hiệu người tôi tớ ấy để nói về Đức Giêsu chịu khổ nạn và đóng đinh. Từ khi nhập thể là Đức Giêsu đã bắt đầu một lộ trình trái ngược hoàn toàn với Ađam. Nếu như Ađam là hình ảnh nhân loại đã từ chối địa vị thụ tạo để muốn trở thành Thiên Chúa, thì giờ đây, Đức Giêsu đã tước bỏ địa vị Con Thiên Chúa để làm người và chấp nhận khổ hình của một người tôi tớ để chết thay cho mọi người và cứu độ muôn người: «Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự» (Pl 2, 6-8 – Bài đọc II).
- Bài Thương Khó là cao điểm minh chứng sứ mệnh của Đấng Mêsia, khi Đức Giêsu không còn dùng bất cứ hình ảnh nào để mạc khải, mà là chính Người là sự mạc khải chân thực nhất, chính Người thực hiện lễ Vượt Qua với các môn đệ bằng chính Mình và Máu Người cùng lời huấn dụ: «Vua chúa trần gian thì dùng uy mà thống trị dân, phần các con thì không như thế. Vì ai cao trọng hơn các con thì hãy trở thành như người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu thì phải trở nên như người phục vụ» (Lc 22, 25-26). Sau đó Đức Giêsu cùng các môn đệ lên núi Ôliu, rồi quân lính theo sự chỉ điểm của Giuđa đến bắt Người mà giải đến tổng trấn Philatô. Trước mặt toàn dân, Philatô hỏi Người: “Ông là vua dân Dothái sao?” Người trả lời: “Chính ngài nói đó”, «nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Dothái» (Ga 18, 36). Thế là đã quá rõ! Mọi sự đều vỡ lẽ, trong khi đám đông dân chúng vỡ mộng, hụt hẫng và quay lại kết án Người: «Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!» (Lc 23, 21); thì các môn đệ cũng chẳng hơn gì, Phêrô chối Thầy, Gioan và Giacôbê không còn mơ tưởng hai bên tả hữu, và các môn đệ thì chạy trốn, giải giáp về quê. Tình thế thay đổi cách không tưởng, sự hân hoàn háo hức theo Thầy mau chóng rụi tàn, tất cả chỉ còn là nỗi thất vọng, cuộc đời sao quá chênh vênh giữa núi cao và vực thẳm, vinh quang và thập giá.
Thế mới hay rước lá đi theo Đức Giêsu không phải làm một điều khó, đi theo Người giữa tiếng tung là điều dễ dàng; nhưng tiếp tục bước sau Người giữa muôn vàn lời phỉ nhổ lên án thì thật là khó để mà trung thành với lời tuyên xưng: Hosanna! Hosanna! Chúc tụng Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến.
Quốc Vũ