Chúa Nhật Lễ Lá, Năm C (Lc 22,14-23.56)
Chết Vì Yêu
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Leonard da Vinci là một họa sĩ tài ba, nhưng khi vẽ bức tranh Bửa Tiệc Ly trong nhà cơm của tu viện Đức Mẹ Ban Ơn tại thành phố Bắc Italia, ông phải mất nhiều năm mới hoàn thành bức tranh vì không tìm ra những người mẫu thích hợp. Một hôm nọ, ông gặp trong công viên Castellô một thanh niên tên là Francisco, gương mặt bầu dục tuyệt đẹp với phần trán an hòa và quý phái, đôi mắt suông và trong suốt, tóc vàng hoe có dợn sóng. Leonard liền mời chàng trai tuấn tú ấy đến ngồi làm mẫu để ông vẽ Chúa Giêsu.
Vài năm sau bức họa vẫn chưa xong. Ông ngày đêm gãi đầu bứt tai vì không sao tìm ra được một người có gương mặt dữ dằn làm mẫu, để ông vẽ hình Giuđa, kẻ đã phản bội bán nộp Chúa Giêsu. Tình cờ một buổi chiều, ông thấy một người đàn ông có gương mặt xấu xa dữ dằn đang nhìn các người khác đánh cá ngựa, hắn chửi thề luôn miệng. Leonard vui mừng vì đã tìm thấy mẫu người ông đang cần. Ông gọi hắn ra một góc và đề nghị với hắn nhận làm người mẫu cho ông vẽ thì sẽ được thưởng nhiều tiền. Gã đàn ông nhận lời và cùng họa sĩ vào tu viện Đức Bà Ban Ơn.
Lúc họa sĩ đang chăm chú nhìn gương mặt gã với vầng trán buồn, đôi mắt dữ tợn, tai dựng đứng và dường như đang nhớ đến một kỷ niệm nào đó, thì ông nghe một tiếng nghẹn ngào. Ông hỏi hắn: Có chuyện gì vậy? Bác cảm thấy người không khỏe hay sao? Gã đàn ông trả lời: Thưa thầy, chắc thầy còn nhớ cách đây ba năm, tôi cũng ngồi trên chiếc ghế này làm mẫu cho thầy vẽ hình Chúa Giêsu. Gã đàn ông nhìn bức tranh gần hoàn thành trên tường và thở dài nói: Tôi thật là một tên khốn nạn, đam mê và tội lỗi đã biến tôi ra thân tàn ma dại như thế này.
Thế còn Giuđa? Cuộc sống của Giuđa thế nào sau khi được Chúa tuyển chọn? Chính Chúa Giêsu đích thân kêu gọi Giuđa làm môn đệ và cũng đích thân tuyển chọn ông một người giữa đám đông môn đệ mà gọi là tông đồ, môn đệ của Chúa thì nhiều, nhưng tông đồ thì Chúa chỉ chọn riêng 12 vị. Giuđa đã được diễm phúc làm tông đồ tương đương với chức vị giám mục hiên nay. Hơn nữa, ông được Chúa tín nhiệm đặt làm quản lý tài chính lo mọi nhu cầu của các môn đệ. Thế nhưng dường như vị tông đồ này đã không tinh tế nhận ra tình thương bao la mà Chúa dành cho mình, hình như ông không biết điều, biết ơn.
Thành ra ông chỉ biết sống cho mình, tham lam ích kỷ, sống một cuộc đời tầm thường, ngụy trang dưới hình thức thánh thiện. Thánh sử Gioan (Ga 12,1-8) cho ta biết rằng: “Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mac-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực nức mùi thơm.” Cứ theo lẽ thường tình thì các môn đệ phải rất vui mừng hãnh diện vì Thầy của mình được tôn vinh. Đàng này, chính Giuđa, là một trong nhóm Mười Hai lại lên tiếng phản đối: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?”. Một cách gián tiếp Giuđa đã không coi trọng thầy mình, ông giả nhân giả nghĩa muốn bán bình dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền để cho người nghèo. Điều ấy hẳn nhóm tông đò biết rõ, cho nên thánh gioan không ngần ngại cho ta biết động lực thật của Giu-đa khi phản kháng như vậy: “Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung”.
Lối sống giả nhân nghĩa của Giuđa còn bị các thánh sử khác phát giác, chẳng hạn Giuđa cấu kết với bán Chúa lấy 30 đồng bạc, Giuđa giả bộ hôn Chúa làm mật hiệu nộp Chúa, cuộc đời giả dối đưa ông đến kết cục thất vọng
Trái ngược với Giuđa tham lam ích kỷ, chỉ biết sống cho mình, thì Chúa Giêsu suốt cuộc đời luôn sống cho Chúa cha và sống vị tha: lạy cha, con đến để thi hành ý cha; lạy Cha, xin cất chén đắng này khỏi con, nhưng đừng theo ý con mà theo ý cha cho trọn. Chúa Giêsu đã thi hành ý Chúa cha một cách trọn vẹn khi tự nguyện bước vào cuộc thương khó chuộc tội cho nhân loại.
Suốt cuộc đời Chúa đã sống vị tha với một tình yêu vô cùng quảng đại, vô cùng kiên nhẫn với mọi hạng người: với biệt phái kinh sư, với người tội lỗi, và ngay cả với người môn đệ phản bội, ngài vẫn dùng cử chỉ yêu thương, ánh mắt trìu mến, và những lời nhắc nhở nhằm thức tỉnh người môn đệ quay về sống trong tình yêu thương của Chúa, một tình yêu hy sinh, một tình yêu trung tín đời đời.
Gương sống của Chúa Giêsu mời gọi ta bước vào cuộc khổ nạn với Chúa trong cuộc đời của mình. Đó là sống chu toàn thánh ý Chúa qua mọi lời nói việc làm nhờ thế mà ta nên giống Chúa “chết vì yêu”.