Thứ sáu, 27 Tháng mười hai, 2024

Chúa nhật VI Phục Sinh, năm C: “THÀNH KHÔNG CẦN MẶT TRỜI” (Quốc Vũ – Phước Lý)

Chúa nhật VI Mùa Phục Sinh, năm C

«THÀNH KHÔNG CẦN MẶT TRỜI»

Bài đọc 1: Cv 15, 1-2.22-29

Bài đọc 2: Kh 21, 10-14.22-23

Tin Mừng: Ga 14, 23-29

 

Trái Đất là hành tinh thứ ba tính từ Mặt Trời, đồng thời cũng là hành tinh lớn nhất trong các hành tinh đất đá của hệ Mặt Trời xét về bán kính, khối lượngmật độ vật chất. Trái Đất còn được biết với các tên “thế giới”, “hành tinh xanh” hay “Địa Cầu”, là nhà của hàng triệu loài sinh vật, trong đó có con người và cho đến nay, đây là nơi duy nhất trong vũ trụ được biết đến là có sự sống. Hành tinh này được hình thành cách đây 4,55 tỷ năm và sự sống xuất hiện trên bề mặt của nó khoảng 1 tỷ năm trước[1]. Từ những khảo cổ xương hóa thạch, các nhà khoa học vẫn chưa có sự đồng thuận giữa vô vàn giả thiết về sự xuất hiện của con người xảy ra từ khi nào. Ngay cả trình thuật Thánh Kinh trong sách Sáng Thế cũng chưa bao giờ được cho là một luận chứng khoa học, mà đó chỉ là một cách nói biểu trưng mang đậm tính tôn giáo về sự xác tín rằng con người được chính Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Người.

Chỉ biết rằng từ thuở sơ khai, thời đồ đồng đồ đá cho đến thời đại ngày nay, xã hội con người đã trải qua biết bao thể chế xã hội, phân chia thành nhiều dân tộc và quốc gia khác nhau, trong đó có những tỗ chức xã hội người ta tự cho là lý tưởng và hoàn hảo đáng để theo đuổi và kiến thiết cho toàn thế giới. Tuy nhiên, cứ nhìn vào đất nước Hoa Kỳ giàu sang và quyền lực, vốn được nhiều người cho đó là bến bờ tự do để tìm đến, thì lại là nơi dẫy đầy những bất an vì thảm cảnh khủng bố có thể ập đến bất cứ khi nào; hay như thành phố Roma vĩnh hằng và kinh thành ánh sáng Paris tráng lệ, trong những ngày này cũng đã trở nên mong manh tăm tối với nhiều cuộc bạo loạn, biểu tình đình công diễn ra khắp nước,… đó là hệ quả của một xã hội loài người đang dần đánh mất bản tính của mình, bởi chân họ còn đạp đất nhưng đầu lại không muốn đội trời, con người đang loại bỏ và lìa xa Thiên Chúa.

Trái với những hình ảnh bất an đó, trong thị kiến của mình, Thánh Gioan giới thiệu cho ta một thế giới hoàn toàn khác, đó là Thành Thánh, «11chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê.  23Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa tỏa rạng, và con Chiên là ngọn đuốc chiếu soi». (Kh 21,11.23 – Bài đọc II).

Thành chẳng cần mặt trời, đó là dấu hiệu báo trước về một thành tuyệt hảo, là cộng đoàn các tín hữu, là Hội Thánh, đang khi bước đi trong hành trình dương thế, vẫn luôn biết hướng về tương lai cuối cùng là “thành của Thiên Chúa”, bởi luôn có Thiên Chúa ở cùng. Đó là một mối tương quan không thể tách rời, một sự đồng hóa trở nên “thành thánh” được quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa bao bọc chở che.

Tuy nhiên, đó chỉ là một thị kiến báo trước tương lai sẽ tỏ hiện ở điểm cuối của cuộc hành trình: nó chỉ mang giá trị là giúp cho cộng đoàn tín hữu vững vàng bước đi trong gian khó để hướng về ngày chung thẩm. Trong khi đó, Đức Giêsu lại muốn các môn đệ của mình phải ra sức biến đổi xã hội hiện tại, không phải bằng sức mạnh của bạo quyền, nhưng bằng sức mạnh của tình yêu qua sự lắng nghe và thi hành các giới răn: «Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy» (Ga 14, 23 – Bài Tin Mừng). Chỉ khi nào sống như thế, thì Hội Thánh mới trở nên hình ảnh đích thực của mình: là cộng đoàn thuộc kinh thành ánh sáng.

Phụng vụ mùa phục sinh là khởi điểm thời gian của Hội Thánh, cộng đoàn được cứu độ và được sai đi, của những người «đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên» (Kh 7, 14) bằng sự trung thành với lời dạy của Thầy để củng cố mối tương quan mật thiết với Người, và như thế họ cảm nghiệm được sự hiện diện của Người và của Chúa Cha rất cận kề: «Người sẽ lập cư giữa họ, họ sẽ là dân của Người, còn chính Người là Thiên Chúa của họ» (Kh 21, 3).

Một trong những đặc điểm trên hành trình xuất Aicập thời Cựu Ước, chính là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người. Đó là sự hiện diện cách cụ thể trong “Lều hội ngộ” (Xh 26), là một sự hiện diện bên cạnh và rất gần gũi. “Lều” là dấu chỉ hữu hình về sự gần gũi của Thiên Chúa, nhưng nó cũng diễn tả tính bất khả tri của nhân loại trước sự siêu việt của Người. Tuy nhiên, các bài đọc trong Chúa nhật hôm nay, lại cho ta thấy một sự đổi mới diệu kỳ: Thiên Chúa đã trở nên gần gũi con người hơn bao giờ, Ngài đến và cư ngụ giữa con người qua mầu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh của Ngôi Lời: Chúa Cha và Đức Giêsu cùng chia sẻ cuộc sống với các môn đệ trong sự thân tình của đời sống gia đình. Đó là một gia đình mới của các tín hữu, của Hội Thánh để làm nên “Thành Thánh” tràn ngập tình yêu thương: «Trong Đức Giêsu, anh em được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí» (Eph 2, 22).

Đó cũng là một lời hứa về sự đồng hành của Thiên Chúa, một giao ước riêng tư giữa Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu và người môn đệ. Trong cuộc xuất hành mới này, mỗi thành phần của cộng đoàn tín hữu cũng được mời gọi trở nên “lều” cho Thiên Chúa cư ngụ và gặp gỡ; nhờ đó toàn thể cộng đoàn sẽ trở nên “Thành Thánh” chiếu tỏa vinh quang của Thiên Chúa. Và trong thành trì ấy, chính Đức Giêsu làm cho các môn đệ được thông dự và nên đồng hình đồng dạng với Người qua việc chân thành lắng nghe và thi hành lời Người.

Ngoài ra, trong hành trình này, chúng ta còn có sự đồng hành của một “huấn luyện viên” nội tâm nữa là chính Chúa Thánh Thần, Đấng có sứ mạng củng cố chúng ta trong chân lý (Ga 14, 26), và làm cho chúng ta cảm nhận được hoa trái của sự bình an. Đó không phải là «bình an theo kiểu thế gian» (Ga 14, 27b), nhưng là sự bình an rộ nở từ bên trong, như là dấu chỉ và hoa trái của sự trải nghiệm nội tâm khi được trở thành môn đệ của Đức Kitô: «Thầy ban cho anh em bình an của Thầy» (Ga 14, 27a). Từ đó Hội Thánh được thúc đẩy, cộng đoàn tín hữu được mời gọi dấn thân và làm lan tỏa sự bình an cho nhân loại hôm nay, đồng thời cùng với họ chung tay kiến thiết nên một thế giới đại đồng, yêu thương như “Thành đô của Thiên Chúa”. Đó là một Thành Đô vô biên giới, không bị giới hạn bởi rừng núi, sông biển hay những thể chế chính trị và tôn giáo, nhưng là được xác định bằng tình yêu, bằng tấm lòng. Một thành đô trong đó các thị dân «sẽ không cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời soi chiếu, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời» (Kh 22, 5).

Quốc Vũ

 

[1]  Xem tại: vi.wikipedia.org/wiki/Trái_Đất, truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2013.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gia Đình Thánh Gia: Mẫu Gương Yêu Thương và Hiệp Nhất

LỄ THÁNH GIA THẤT ( Lc 2, 41- 52)  Đan viện Phước Hải Gia đình là nền tảng của Giáo Hội và xã hội, bởi gia...

Giáng Sinh – Lễ Ban Ngày (Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-8) Ngôi Lời Đã Làm Người Và Sống Giữa Chúng Ta

Giáng Sinh - Lễ Ban Ngày (Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-8) Ngôi Lời Đã Làm Người Và Sống Giữa Chúng Ta Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Giáng Sinh – Lễ Rạng Đông (Lc 2,15-20) Chúa Kitô Mặt Trời Công Chính

Giáng Sinh - Lễ Rạng Đông (Lc 2,15-20) Chúa Kitô Mặt Trời Công Chính Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, muôn dân đã được thấy ơn...

Giáng Sinh – Lễ Đêm (Lc 2,1-14)  “Yêu Nhau Muôn Sự Chẳng Nề…”

Giáng Sinh - Lễ Đêm (Lc 2,1-14)  “Yêu Nhau Muôn Sự Chẳng Nề…” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong khung cảnh huy hoàng của Đêm Thánh vô...

Lễ Vọng Giáng Sinh (Mt 1,1-25) Đức Giêsu – Thiên Chúa Làm Người

Lễ Vọng Giáng Sinh (Mt 1,1-25) Đức Giêsu - Thiên Chúa Làm Người Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bầu khí háo hức rạo rực mừng kỷ...

Lễ Giáng Sinh: Con Thiên Chúa nhập thể làm người và nhập thế cứu người

    Lễ Giáng Sinh 2024 CON THIÊN CHÚA NHẬP THỂ LÀM NGƯỜI VÀ NHẬP THẾ CỨU NGƯỜI Đaminh-Hạnh Lê Văn Chương, Phước Hiệp Hôm nay, ngày 25/12 chúng ta...

Chúa Nhật IV Mùa Vọng C (Mk 5,2-5; Hr 10,5-10; Lc 1,39-45) Đức Trinh Nữ vội vã lên đường

Chúa Nhật IV Mùa Vọng C (Mk 5,2-5; Hr 10,5-10; Lc 1,39-45) Đức Trinh Nữ Vội Vã Lên Đường Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúng ta...

Chúa Nhật III Mùa Vọng C (Xp 3,14-18; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18) Gặp Chúa qua muôn nẻo đường

Chúa Nhật III Mùa Vọng C (Xp 3,14-18; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18) Gặp Chúa Qua Muôn Nẻo Đường Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Phụng vụ lời...

Chúa Nhật III Mùa Vọng, C, Lc 3,10-18: Trở về với sự thiện

    TRỞ VỀ VỚI SỰ THIỆN (Lc 3,10-18) M. Mai Đăng Minh, CĐ Thiên Phước Con người ngay từ đầu được sinh là nhân chi sơ tính bản...

Chúa Nhật III Mùa Vọng, Lc 3,10-18: Niềm vui nhận biết Đấng Cứu Thế

    Niềm vui nhận biết Đấng Cứu Thế  (Lc 3,10-18)            Đan sĩ M. Paula Đình, Châu Thủy Khởi đi từ bài đọc II,...

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Lc 1,26-38) Trở nên vô nhiễm giữa thế giới “ô nhiễm”

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Lc 1,26-38) Trở Nên Vô Nhiễm Giữa Thế Giới “Ô Nhiễm” Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ. O.Cist Giữa bầu...

Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – Mầu nhiệm tội lỗi

  LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI MẦU NHIỆM TỘI LỖI Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên, Châu Sơn Đơn Dương Hôm nay, chúng ta suy niệm về con...