Chúa Nhật VII TN – C
Lc 6, 27 – 38
M.Gregor An Phước
HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
Khi nói tới tình yêu, người Hy lạp chia tình yêu ra làm 3 cấp độ khác nhau: Agape, Eros và Filia. Nơi Agape là cấp độ của tình yêu cao nhất, vì nó hành động vô vị lợi, và yêu vô điều kiện. Agape không yêu theo kiểu Eros, Eros yêu để được, chứ không phải yêu để cho đi. Còn Filia thì nhắm đến điều kiện, tình yêu của Filia theo kiểu đổi chác, nghĩa là anh yêu tôi, tôi mới yêu lại.
Còn trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu không phân chia cấp độ tình yêu như người Hy lạp, nhưng Ngài dạy các môn đệ của mình phải thực hành tình yêu: Đó là “Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6, 27). Nghĩa là để đạt tới tình yêu tuyệt hảo thì Đức Kitô mời gọi các môn đệ của mình phải có sự thứ tha trong mọi tương quan. Tương quan với những người mình không thích, với những người mình không ưa, và thậm chí với cả kẻ thù: “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình… ” (Lc 6, 27 – 28).
Trong Cựu ước, chúng ta chỉ đọc thấy hai điều căn bản về tình yêu: Đó là yêu mến Thiên Chúa hết lòng (Đnl 6, 4 – 9) và yêu thương đồng loại như chính mình. (Lv 19, 18b). Ngoài ra, không có luật nào buộc chúng ta phải yêu thương kẻ thù cả. Không những thế, mà còn thêm luật báo oán nữa. Chẳng hạn như: Mắt đền mắt, răng đền răng…(Lv 24, 17 – 21).
Vậy, khi nói “Hãy yêu thương kẻ thù”. Nghĩa là chúng ta trao cho kẻ mình ghét “cái tình cảm” như mình đã từng trao cho người mình yêu, hay cho người mình thân. Tuy nhiên, sẽ không có thứ tình yêu cho kẻ mình ghét, nếu như chúng ta không biết tha thứ cho kẻ khác.
Thực vậy, yêu người xa lạ đã là khó, nhưng yêu người mình ghét, người hãm hại mình thì càng khó hơn, nhưng đó cũng là đỉnh cao của lòng vị tha Kitô giáo mà Chúa Giêsu mời gọi. Chính trên thập giá, Đức Kitô đã thực hiện đỉnh cao của lòng yêu thương và đã làm gương cho chúng ta khi Ngài đối xử với những kẻ giết mình bằng lời cầu nguyện với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34).
Trong giáo hội đã từng có biết bao vị thánh làm được điều mà Chúa đã dạy. Như thánh phó tế Stephano, trước giờ chết ngài đã lớn tiếng cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu xin nhận lấy linh hồn con và xin đừng chấp tội họ”. Thánh tử đạo Việt nam Emmanuel Lê Văn Phụng đã nói với các con của mình rằng: “Các con đừng tìm cách trả thù”, và ngài quay sang các bạn hữu và nói: “Các bạn hãy tha thứ và chính tôi đã tha thứ”.
Như vậy, “yêu thương kẻ thù và làm ơn cho người hại mình” nhắc cho mỗi người chúng ta hãy yêu thương và tha thứ như Chúa Giêsu. Yêu thương và tha thứ đến độ triệt để khai trừ mọi hành động trả thù và luôn luôn sẵn sàng đối thoại, làm hòa với kẻ ghét mình, với kẻ hại mình. Có như thế, người Kitô hữu không còn đứng ở chỗ nhân loại nữa, mà tiến xa hơn đến chỗ Thiên Chúa, xứng đáng là con cái Chúa, Đấng ban ơn cho kẻ ghét mình.