I. BÀI TIN MỪNG: Lc 7, 36 – 8,3
Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi! ” Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông! ” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” Đức Giê-su nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn? ” Ông Si-môn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giê-su bảo: “Ông xét đúng lắm.”
Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội? ” Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”
Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.
II. SUY NIỆM
“BAO DUNG VÀ BÌNH ĐẲNG”
Ngày kia, tôi ghé thăm một gia đình quen biết ở Sài Gòn. Lúc đến trước cửa nhà thì thấy hai đứa trẻ chơi với nhau rất vui vẻ, sau đó thì có một phụ nữ ra cho hai bé hai cái kẹo và chúng nó ăn với nhau. Người phụ nữ đó là mẹ của một trong hai đứa trẻ kia, chị ta chào tôi và tôi cũng vui vẻ hỏi thăm chị. Nhưng khi đang nói chuyện thì bà kia là người quen nhà dòng đi về mở cửa, nắm tay kéo đứa trẻ con của bà vào và cằn nhằn, mày về đây tao, mày không được chơi với cái thằng bé con của loại phụ nữ hư đốn kia. Sau đó bà ra mời tôi vào phòng khách, bà cũng không quên bảo tôi rằng: “Thầy đừng tiếp xúc với loại đàn bà trắc nết kia, nó đi với trai ngoại đạo chán chê, giờ lại về mua đất ở bên nhà tôi đấy”.
Kể lại câu chuyện có thật kia để thấy rằng, nhiều người chúng ta thường tự phong cho mình đạo đức và thành kiến cùng loại trừ xa lánh nhau, ngược với tinh thần của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay:
1. Cần nhìn nhau bằng con mắt bao dung của Chúa.
Đang ngồi ăn, một cô gái chạy vào rồi làm mưa làm gió dưới chân Chúa Giêsu. Hành động này đưa đến hai cái nhìn trái ngược nhau:
– Ông Pharisiêu nhìn cô gái là gái làng chơi.
– Chúa Giêsu nhìn cô gái là một tâm hồn ăn năn thống hối.
Ông Pharisiêu nhìn người phụ nữ kia chỉ thấy quá khứ và lỗi lầm của cô,
Chúa Giêsu nhìn cô gái chỉ thấy hiện tại và tương lai của cô,
Ông Pharisiêu chỉ thành kiến và kết án người phụ nữ.
Chúa Giêsu yêu thương và tha thứ cho cô gái.
Ông Pharisiêu nhìn bề ngoài với bao lầm lỗi.
Chúa Giêsu nhìn thấu tâm can của một tâm hồn tan nát khiêm cung.
Sự bao dung của Chúa đã chữa lành người con gái kia,
Sự bao dung của chúng ta là cơ hội cho những ai lầm lỡ trở về.
Hãy nhìn đồng loại với con mắt của Chúa, để không bao giờ chúng ta kết án người anh em.
Mọi lỗi lầm của cô gái đã được tha thứ vì cô đã biết ăn năn thống hối và đã yêu mến Chúa nhiều. Chúng ta cũng thế, không ai không có lầm lỡ, điều quan trọng là sau những lần vấp ngã hãy biết đứng lên trở về với Chúa. Và khi chúng ta được tha thứ thì chúng ta cần biết yêu mến nhiều hơn.
“Được tha nhiều thì yêu mến nhiều hơn”.
Chúng ta phạm đến Chúa nhiều nhiều lắm, vậy bây giờ hãy yêu và yêu mến nhiều hơn để đáp ứng lại lòng bao dung của Người.
2. Bình đẳng trong sứ vụ truyền giáo.
Giữa một xã hội Do Thái trọng nam khinh nữ, thậm chí người phụ nữ được xếp hàng thứ sáu, đứng sau cả vật nuôi. Người phụ nữ Do Thái hầu như không có tiếng nói, đến cả việc cưới xin và ly hôn cũng do quyết định của người nam.
Xuyên suốt Thánh Kinh Cựu Ước, hầu như lãng quên bóng dáng của người phụ nữ, rải rác một ít chỗ nhắc tới một số phụ nữ, nhưng phần lớn thường là những chuyện chẳng vẻ vang gì (trừ Giuđitha, Etthe và vài ngôn sứ), thậm chí còn coi họ như là cạm bẫy cho đàn ông.
Các kinh sư Do Thái tuyệt đối không nhận phụ nữ làm đồ đệ, họ phân biệt đối xử trong mọi sinh hoạt xã hội, kể cả việc phụng tự và các nghi lễ thanh tẩy.
Thế nhưng, trong thời đại Tân Ước, thánh Matthêu đã bắt đầu với việc kể tới 4 người phụ nữ trong gia phả của Chúa Giêsu (Tharma, Rakhap, Rút, Maria) xuyên suốt lịch sử cứu độ và đỉnh điểm của mẫu phụ nữ tuyệt vời là Đức Maria.
Phần cuối bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc một số các bà đi theo giúp đỡ Chúa Giêsu và nhóm mười hai Tông Đồ lo việc rao giảng Tin Mừng. Điều này cho thấy Chúa Giêsu không phân biệt đối xử mà còn đón nhận những người nữ cộng tác với Người trong việc rao giảng Nước Thiên Chúa.
Từ đó cho chúng ta bài học: Dù chúng ta là ai, Chúa đều mời gọi chúng ta cộng tác.
– Là nữ tu chúng ta hoạt động truyền giáo theo linh đạo dòng hay tu hội của mình.
– Là những phụ nữ công giáo, chúng ta cộng tác trong những việc đóng góp công của cho công cuộc truyền giáo.
– Là các bà mẹ, chúng ta dâng những người con cho Chúa trong các ơn gọi.
– Là những người độc thân goá bụa, chúng ta cộng tác với Chúa trong sự hy sinh cầu nguyện và phục vụ.
– …
Như vậy, dù chúng ta là ai, chúng ta đều được Chúa mời gọi cộng tác xây dựng nước Chúa trong bổn phận và bậc sống của mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết ý thức về thân phận tội lỗi của mình cần được Chúa tha thứ, từ đó chúng con cũng biết nhìn đồng loại với con mắt của Chúa, để không bao giờ chúng con kết án người anh em. Và dù trong bậc sống nào chúng con đều biết cộng tác phần mình với Chúa để loan báo Tin Mừng đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Amen.
M. Hiền Lâm.