Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6
Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
“Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình…”
Mỗi khi chúng ta được ai đó làm ơn giúp đỡ chỉ một chút, một việc nho nhỏ có khi cũng làm chúng ta cảm kích biết ơn đến suốt đời. thế mà, cha mẹ là người sinh thành dưỡng dục hy sinh cho ta mọi bề, nhưng có khi ta lại vô ơn phủ nhận. Phải chăng đó là cách mà dân làng Nazareth năm xưa đã đối xử với Chúa Giêsu.
Tin Mừng hôm nay kể câu chuyện Chúa Giêsu về quê hương rao giảng Tin Mừng và ban ơn cứu độ cho dân làng Nazareth. Thế nhưng chẳng những họ cố tình không tôn nhận uy quyền của Chúa Giêsu mà còn chống đối Người. Họ từ chối, không tin Đức Giêsu là vị Ngôn sứ vĩ đại, là Đấng Thiên Chúa Cha sai đến cứu chuộc trần gian. Cho nên, “Chúa Giêsu đã không thực hiện được phép lạ nào tại đây… Người lấy làm lạ vì họ không tin”.
Vì sao dân làng Nazareth không tin Chúa Giêsu? Thưa, có lẽ vì họ “quen quá hóa nhàm”; “gần chùa gọi Bụt bằng anh”, hoặc do họ quan niệm cổ hủ “Bụt nhà không thiêng”. Dân làng Nazareth đã đóng khung, giam hãm Đức Giêsu trong nhãn quan thành kiến, trong tâm địa hẹp hòi của họ rằng Đức Giêsu chỉ là anh thợ mộc, con bà Maria. Thành ra, họ chỉ có thể xem thấy Đức Giêsu là con người mà không thể nhìn thấy Đức Giêsu là con ThiênChúa – đấng xóa tội trần gian.
Trong cuộc sống thường ngày, có lẽ không ít lần chúng ta cũng giống như dân làng Nazareth “thành kiến” và hẹp hòi với tha nhân. Có khi vì tự mãn mà ta đã không thể đón nhận những sự tốt lành nơi người khác. Có khi vì vô tình hay vô tâm mà ta không thấy Chúa, không nhận biết Chúa hiện diện trong tha nhân, nơi những con người tài năng đức độ, hay nơi những con người đói rách, bệnh tật thể xác tâm hồn. Điều ấy chúng ta cần dùng con mắt đức tin mới có thể nhìn thấy tha nhân là chính Chúa để mà tạ ơn, trân trọng, để mà cảm thông, tha thứ, yêu thương, phục vụ; như thánh Têrêsa Calcutta đã phục vụ Chúa nơi những người nghèo khổ.
Và đứng trước thái độ cứng lòng tin của dân làng Nazareth, Chúa Giêsu tuyên bố: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình…”. Những lời này thức tỉnh cho những người đồng hương với Chúa và phải chăng cũng thức tỉnh chúng ta về vai trò “ngôn sứ” cho Chúa giữa đời. Khi lãnh Bí tích Thánh tẩy chúng ta được Chúa trao sứ vụ “Ngôn sứ, tư tế, vương đế”, mà Ngôn sứ là người được tiếp xúc với Thiên Chúa là người phát ngôn, và thông truyền sứ điệp của Chúa cho mọi người, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Chúng ta có thể sẽ thi hành vai trò ngôn sứ như thế nào giữa thời đại này?
Cuộc sống của chân phước Carlo Aricutis vị ngôn sứ của thời đại sẽ dạy ta cách làm ngôn sứ cho Chúa. Chân phước Carlo Acutis người đã gọi Bí tích Thánh Thể là “đường cao tốc lên thiên đường” của mình.
Từ thời niên thiếu, ngoài việc lần hạt Mân Côi hằng ngày, cậu bé Carlo thường xuyên dự lễ, rước lễ hằng ngày, xưng tội mỗi tuần và dành nhiều thời gian để chầu Thánh Thể. Cậu nói: “Khi chúng ta đối diện với mặt trời, chúng ta trở nên rám nắng… nhưng khi chúng ta đặt mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta nên thánh.”
Carlo qua đời vì một khối u não vào năm 2006 ở tuổi 15. Trước đó, vào mùa Hè sau sinh nhật lần thứ 14 của mình, cậu đã dành thời gian nghiên cứu các phép lạ Thánh Thể và tạo ra một trang web để lập ‘Danh mục Phép lạ Thánh Thể’ nhằm chia sẻ thông tin này với người khác. Cậu đã đi tìm những nơi xảy ra phép lạ Thánh Thể trên thế giới – những phép lạ được Giáo hội công nhận từ thời kỳ đầu của Kitô giáo cho đến ngày nay.
Trang web mà Carlo tạo ra có thể được coi như một cuộc triển lãm quốc tế về những sự kiện vĩ đại của bí tích Thánh Thể.
Carlo tỏ ra lo lắng khi thấy mọi người ngày càng xa cách với Giáo hội và bí tích Thánh Thể. Cậu muốn trang web của mình sẽ lay động lương tâm các tín hữu: “Hãy quay trở lại với những điều cốt yếu, hãy quay về và đi đến nhà thờ, đi dự thánh lễ và rước lễ…”
Ngay từ thời thơ ấu, Carlo đã tìm cách đưa mọi người đến tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích với cậu. Chính cậu đã cố gắng lôi kéo người thân cùng với cha mẹ của mình đi tham dự Thánh lễ mỗi ngày. Không phải là cha mẹ cậu đưa cậu bé đi dự lễ, vì cha mẹ cậu không phải là những người sốt sắng mộ đạo, mà chính cậu là người đã tự mình đến được với Thánh lễ và thuyết phục các người thân, trong đó có cả cha mẹ của cậu, đi lễ và rước lễ hằng ngày.
Cậu đã sử dụng internet để truyền bá Tin Mừng trong khả năng của cậu. Carlo đã luôn sử dụng máy tính và internet đúng cách. Khi điều tra lý do phong chân phước cho cậu bé, các kỹ thuật viên đã tiến hành phân tích trên máy tính của cậu để xem cậu đã truy cập những trang web nào. Người ta thấy rằng tất cả nghiên cứu của cậu trên máy tính và internet đều được thực hiện vì mục đích tốt, chính xác là để làm những điều mà cậu rất tâm huyết. Carlo Acutis chưa bao giờ sử dụng internet vì mục đích không tốt.
Ước chi chúng ta cũng biết nhìn thấy Chúa nơi tha nhân, biết làm ngôn sứ cho Chúa theo gương Chân phước Carlo Aricutis qua những hành động đầy lòng tin, đầy lòng bác ái trong cuộc sống thường ngày.