TRẢ VỀ CHO THIÊN CHÚA
(Mt 22,15-21)
M. Laurentio Nguyễn Văn Toàn, Phước Lý
Lời Chúa hôm nay mời gọi mọi người Kitô hữu chúng ta hãy trả lại cho Thiên Chúa những điều thuộc về Người và chu toàn bổn phận của mình ở đời này. Bài Tin mừng hôm nay tường thuật lại việc những người Pharisêu cấu kết với nhóm Hêrôđê tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu, họ nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” (Mt 22,16-17)
Theo sự thường, nhóm Pharisêu và nhóm Hêrôđê không hợp nhau vì, nhóm Pharisêu là người ái quốc chống lại chính quyền Rôma đang đặt ách đô hộ trên quê hương họ; đàng khác nhóm Hêrôđê thì ủng hộ chính quyền Rôma để trục lợi. Hai khuynh hướng mâu thuẫn nhau, nhưng hôm nay cùng liên minh với nhau để gài bẫy Chúa Giêsu.
Họ cố ý hỏi Đức Giêsu: “Có được phép nộp thuế cho Xêda không?” Nếu Đức Giêsu trả lời “có” thì nhóm Pharisêu cho Ngài là phản quốc vì tiếp tay với ngoại bang; nếu trả lời “không” thì sẽ bị nhóm Hêrôđê tố cáo là Ngài phản động chống lại hoàng đế và Ngài sẽ bị chính quyền không để yên. Đức Giêsu nói với họ: “Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xêda.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,19-21).
Điều chính yếu của bài Tin mừng hôm nay là những gì của Thiên Chúa hãy trả cho Người. Con người thường lẫn lộn giữa tôn giáo và chính trị. Tôn giáo không phải là để phục vụ cho chính trị và chính trị cũng không lợi dụng tôn giáo cho mục đích riêng của mình. Hơn nữa, câu hỏi còn một ý khác nữa đó là việc sử dụng tiền ngoại quốc như là một hình thức thờ ngẫu tượng, vì nó nằm trong luật cấm của người Do Thái, họ không được đưa tiền ngoại quốc vào đền thờ để khỏi làm giảm thiểu vương quyền của Thiên Chúa.
Người Pharisêu và nhóm Hêrôđê không phải đến để hỏi Đức Giêsu để tìm kiếm một chân lý nhưng đặt Người vào một tình thế khó để hại Người. Theo thực tế là họ sử dụng đồng tiền Rôma là đã ngầm chấp nhận quyền của hoàng đế rồi. Con người thường chiếm quyền Thiên Chúa khi quyết định. Thế nên, Đức Giêsu muốn họ trả lại điều thuộc quyền Thiên Chúa, đặt vào đúng chỗ của nó. Quyền hoàng đế cũng không bị vi phạm, quyền Thiên Chúa được thực hiện.
Quả thật, con người thường chối bỏ Thiên Chúa để khỏi trả cho Thiên Chúa những gì thuộc quyền của Người. Còn những người nhìn nhận Thiên Chúa thì chỉ biết xin thêm chứ không biết tạ ơn. Điển hình như ngày Chúa nhật là ngày của Chúa: tham dự thánh lễ, làm việc thờ phượng… Nhưng người ta lấy lý do bận bao nhiêu công việc để khỏi đi lễ, khỏi tham dự các hoạt động của giáo xứ.
Là Kitô hữu, chúng ta có hai quyền công dân đó là công dân trần thế này và công dân nước trời. Chúng ta phải phụng sự Thiên Chúa và làm việc bổn phận để xây dựng đất nước. Cũng vậy, thánh Phaolô khuyên nhủ dân thành Rôma: “Anh em nợ ai cái gì, thì hãy trả cho người ta cái đó: nộp sưu cho người đòi sưu, trả thuế cho người đòi thuế, sợ người phải sợ, kính người phải kính” (Rm 13,7). Do đó, người Kitô hữu không được miễn chuẩn các bổn phận đối với Chúa và quốc gia của mình. Chúng ta là công dân Nước Trời (x. Pl 3,19-20), nhưng sống ở quê hương trần thế này.
Trong bài đọc I, trích từ sách ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa cũng đã dùng mọi phương tiện để giúp ích cho dân Chúa. Ngài đã dùng vua Cyrô để giải phóng dân Chúa, rồi cho họ hồi hương để tái thiết dân Israel; mọi sự nằm trong đường lối của Người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết làm tròn bổn phận với thái độ khiêm nhường, vì nhiều khi chúng con muốn lìa xa Chúa, muốn thoát khỏi bàn tay yêu thương của Ngài mà đánh mất giá trị đích thực của con người vì muốn vượt qua giới hạn thay quyền Ngài. Xin cho chúng con biết trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Người và chu toàn bổn phận của người công dân đời này và đời sau.