Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

CHÚNG TA CẦN NHAU- Thứ Năm tuần XXI TN- Vp. Duyên Thập Tự

TN-146-TUẦN XXI-thứ Năm

CHÚNG TA CẦN NHAU

 (1Tx 3,7-13 / Mt 24,42-51)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Chúng ta đã có dịp chia sẻ Lời Chúa về việc “đến với nhau”, về sự kiện “chung sống hoà bình”, cũng như câu hỏi “đưa đến đâu?”. Những vấn đề này muốn diễn đạt ý tưởng là chúng ta liên đới với nhau, không những với các tương giao bên ngoài mà ngay chính vận mệnh của mỗi người chúng ta. Chúng ta rất cần nhau, không những để giúp nhau trong những nhu cầu thể lý, mà còn trong bản chất nhân loại, và hơn thế nữa cho căn tính ki-tô hữu. Chúng ta cần người khác, cần anh chị em mình, để chu toàn những gì Thiên Chúa mời gọi mỗi người thực hiện vì lợi ích cho tha nhân.

Suy niện các bài đọc Lời Chúa hôm nay – thư thứ nhất Thê-xa-lô-ni-ca chương 3 từ câu 7 đến 13 và Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 24 từ câu 42 đến 51 -, tôi tái khám phá một nhu cầu khẩn thiết, đó là nhu cầu cần có người khác, mà tôi thu gọn trong kiểu nói “CHÚNG TA CẦN NHAU”. Chúng ta cần nhau để có thể thực hiện sứ vụ được trao. Chúng ta cần nhau để củng cố nhau trong hành trình cuộc sống. Và để đạt được những mục tiêu đó, chúng ta cần nhau để vượt qua những gì làm chúng ta rơi vào quên lãng căn tính của mình.

 1. CHÚNG TA CẦN NHAU ĐỂ THI HÀNH NHIỆM VỤ

Trong trích đoạn Tin Mừng, Chúa Giê-su kể về dụ ngôn người đầy tớ được ông chủ đặt làm quản gia: “Ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc?” Trong câu nói đầu tiên của dụ của ngôn này, chúng ta nhận ra hai hạng người: người quản gia và các gia nhân. Và công việc bao trùm hai hạng người này là nhiệm vụ ông chủ trao cho. Nhiệm vụ ở đây là coi sóc. Như vậy, người được đặt làm quản gia cần phải có gia nhân, để thi hành nhiệm vụ của anh. Không có gia nhân, anh không có đối tượng để chăm sóc. Anh được đặt lên để chăm sóc ai đó, chứ không phải chăm sóc bản thân anh. Cũng vậy, những gia nhân cần đến người quản gia để được cấp phát lương thực đúng giờ đúng lúc. Không có quản gia, các gia nhân không được chăm sóc. Như vậy, đây là một sự “cộng sinh”, một sự gắn kết nền tảng cho nhiệm vụ được trao và được thực hiện.

Hình ảnh trên cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta rất cần nhau, để chu toàn trách vụ Thiên Chúa trao. Trong gia đình, chồng cần vợ cũng như vợ cần chồng; con cái cần cha mẹ và cha mẹ cần con cái. Trong Giáo Hội, trong tổ chức dòng tu, giáo phận, giáo xứ, những người được trao nhiệm vụ nào đó rất cần đến những người mà trách vụ kia hướng tới. Cha xứ cần giáo dân cũng như giáo dân cần cha xứ. Người phụ trách cộng đoàn cần anh chị em và anh chị em cần người phụ trách. Mỗi chúng ta đều nhận trách nhiệm chăm sóc anh chị em mình, bằng những phương thức và nhiệm vụ khác nhau. Nếu chúng ta rời nhau, bỏ nhau, là rời bỏ chính trách vụ Thiên Chúa trao, vì trách vụ là được “đặt lên coi sóc”. Sự cộng sinh, sự kiện chúng ta cần nhau, phải được hiện thực trong niềm vui và trân trọng hỗ tương. Vui vì có nhau để chu toàn nhiệm vụ. Trân trọng nhau vì tất cả là đối tượng của sự chăm sóc, lưu tâm, của Thiên Chúa.

Chúa Giê-su kể tiếp: “Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta làm như vậy. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh lên coi sóc tất cả tài sản mình”. Làm sao người đầy tớ quản gia này chu toàn được nhiệm vụ, nếu không có sự cộng tác của các gia nhân. Những gia nhân đến để được anh chăm sóc. Họ đến “đúng lúc, đúng giờ”. Chính sự cộng tác của những gia nhân giúp người quản gia thực hiện tốt công tác. Đương nhiên, người quản gia cũng đã hành động một cách trung tín và khôn ngoan.

Điều này nữa giúp chúng ta nhận ra chúng ta rất cần nhau trong hành động cụ thể, trong việc giúp nhau chu toàn nhiệm vụ. Nhưng làm sao đạt đến điểm đó, nếu không “thật sự thương yêu nhau”. Gây hấn, cạnh tranh hay phá đổ, chỉ gây thiệt hại về mọi phía. Trái lại, cộng tác là làm cho tăng thêm tình yêu thương và sự phong nhiêu. Người quản gia được ông chủ đặt lên coi sóc tất cả tài sản của ông chủ, sẽ là cơ hội để anh phát huy hơn khả năng chăm sóc, và để các gia nhân được thêm nhiều cơ hội để được chăm sóc hơn. Phép toán cộng, phép toán nhân, luôn làm tăng thêm và càng phong phú.

 2. CHÚNG TA CẦN NHAU ĐỂ CÙNG ĐỨNG VỮNG

Một khía cạnh khác – cũng rất quan trọng – của việc chúng ta cần nhau, được thánh Phao-lô nhấn mạnh, đó là cần nhau để kiên vững. Thánh nhân viết: “Thưa anh em, vì anh em có lòng tin, nên khi nghĩ đến anh em, chúng tôi được an ủi giữa mọi thống khổ gian truân chúng tôi phải chịu. Phải, chúng tôi sống được đến giờ này là nhờ anh em đứng vững trong Chúa. Chúng tôi biết nói gì để tạ ơn Thiên Chúa về anh em, vì tất cả niềm vui mà nhờ anh em, tôi có được trước nhan Thiên Chúa chúng ta?”

Đây là một trong những lời tâm sự đẹp nhất của thánh Phao-lô với các tín hữu của các giáo đoàn mà ngài thành lập. Chúng ta như nghe được những nhịp đập yêu thương và biết ơn của ngài đối với họ. Ngài đã dám nói “chúng tôi sống được đến giờ này là nhờ anh em đứng vững”. Với bao nhiêu thử thách trong việc “phục vụ Chúa Kitô”, nghĩa là những gian truân trong các hành trình truyền giáo – thánh nhân đã kể một phần trong thư thứ hai gửi giáo đoàn Cô-rin-tô chương 11 từ câu 23 đến 33) -, ngài có thể đứng vững được là nhờ các ki-tô hữu đứng vững trong đức tin. Sự kiên vững trong đức tin của các ki-tô hữu trở thành sức mạnh để những nhà truyền giáo được kiên vững. Thánh Phao-lô cảm nghiệm thấy niềm vui dạt dào và không biết phải tạ ơn Thiên Chúa làm sao cho đủ vì những tiến triển của các anh chị em tín hữu.

Nơi đây chúng ta nhận ra rằng chúng ta thật cần nhau trong đời sống, trong việc trợ giúp nhau trong hành trình nên thánh, sống triển nở trong ơn gọi ki-tô hữu. Chúng ta không bao giờ lớn lên trong ơn gọi ki-tô hữu, trong bậc sống hôn nhân hay đời sống thánh hiến, với “chủ nghĩa cá nhân”. Chúng ta lớn lên cùng với những người khác, với anh chị em của mình. Đây là một sự thông hiệp của sự sống, sự sống Thiên Chúa trong và giữa chúng ta. Đây là huyền nhiệm hiệp thông ở chiều sâu, nơi chúng ta “nên một trong Thiên Chúa”. Như vậy, chúng ta đừng tách biệt nhau khỏi Thân Mình Chúa Ki-tô là Hội Thánh – như những người “biệt phái” coi bản thân hơn người và xa cách mọi người, vì cho mình là công chính hơn, đạo đức nhất. Một mình bước đi, sẽ bị loại trừ. Chúng ta cần nhau, cần đến với nhau, để tình yêu thương ngày càng lớn lên, để trở nên thánh thiện, không có gì đáng trách, như thánh Phao-lô khao khát cầu xin : “Xin chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa chúng ta là Đức Giê-su san phẳng con đường dẫn chúng tôi đến với anh em. Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em. Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người”. Còn gì đẹp hơn! Còn gì đáng khao khát hơn! Chính việc chúng ta cần nhau giúp đưa nhau đến nơi tuyệt vời này.

 3. CHÚNG TA CẦN TỈNH THỨC NHAU

Trong trích đoạn Tin Mừng, khi Chúa kể dụ ngôn về một người tôi tớ được ông chủ đặt làm quản gia, Chúa muốn nhấn mạnh đến việc tỉnh thức đợi chờ, như Chúa đã nói với các môn đệ trước khi kể dụ ngôn: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày giờ nào Chúa của anh em sẽ đến… Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

Trong trường hợp người tôi tớ quản gia đã trung tín, khôn ngoan, chu toàn trách nhiệm, khi ông chủ về và thấy anh đang thực hiện công việc một cách tận tâm tận lực, ông đã thưởng cho anh vì anh đã tỉnh thức để hành động. Những gia nhân cũng đã giúp anh trong việc tỉnh thức này, khi họ giúp anh hoạt động đúng như ông chủ yêu cầu và như công việc chăm sóc đòi hỏi.

Trong dụ ngôn, Chúa kể tiếp khi đặt người tôi tớ quản gia này vào một tình huống khác: “Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: “Còn lâu chủ ta mới về”, thế rồi anh bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa”. Chúng ta dừng lại hai chi tiết “đánh đập” và “chè chén say sưa”. Đây là hai thái độ, không những đáng trách về khía cạnh nhân bản, tương giao con người, mà còn liên quan đến chính điều ông chủ trao cho.

Đánh đập là không cần đến. Người ta đánh đập những kẻ mà người ta không cần đến, và còn hơn nữa, muốn loại trừ họ. Đây không phải là những roi vọt để sửa bảo – như thương con cho roi cho vọt – mà là hành hạ, để thoả mãn thú ác độc, “thú tính” nơi tên đầy tớ quản gia gian ác. Lấy nỗi đau của người khác làm niềm vui cho bản thân. Một niềm vui bệnh hoạn. Và đây là sự loại trừ, là cái đối nghich với việc “chúng ta cần nhau”.

Yếu tố thứ hai là “chè chén với bọn say sưa”. Say sưa, say luý tuý, say ngất ngưởng, là đối nghịch với thức và tỉnh. Người say thì đâu có tỉnh. Nhưng điều muốn nói ở đây, là chè chén với bọn say sưa. Đây không phải là bạn, tình bạn thật; đây là “bọn say sưa”. Những người này đã đóng góp vào sự sa đoạ của tên đầy tớ quản gia. Đương nhiên hắn phải chịu trách nhiệm với hành động của mình. Hắn đã không chăm sóc các gia nhân mà chỉ chăm sóc bản thân với những ly rượu làm hắn đánh mất tính người và quên nhiệm vụ. Hắn không còn tỉnh thức. Và chủ đã trở về vào lúc hắn không ngờ và “ông loại trừ hắn ra, bắt chung phận với những tên đạo đức giả: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng”. Còn gì thê lương bằng! Còn gì ê chề hơn! Đánh mất chính mình. Đánh mất người khác. Đánh mất nhiệm vụ được trao. Đánh mất niềm tin của ông chủ! Khi đánh mất những thứ đó, anh đánh mất chính căn tính của anh.

Lời Chúa hôm nay rọi chiếu trên cuộc sống cộng đoàn của chúng ta, trên gia đình chúng ta, trên Giáo Hội chúng ta. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta là một Thân Thể trong Chúa Ki-tô và mỗi người là phần chi thể. “Tất cả chúng ta được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12,13). Vậy, chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta, cùng đi trên một con đường dưới sự lãnh đạo của Chúa Ki-tô, để hướng về Nhà Cha trên trời.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...