Chúa nhật V mùa chay A
SỐNG LẠI
Ed 37,12-14; Rm 8,8-11; Ga 11,1-45
Với Chúa nhật thứ năm, chúng ta kết thúc mùa chay. Lời Chúa hôm nay nói về sự sống lại. Là hướng dẫn cho ta trong đời sống Kitô hữu trong mùa chay. Và trong đại dịch Covid-19. Trước hết Lời Chúa cho thấy sự sống là quí nhất.
1.Sự sống là quí nhất
Tin Mừng tường thuật việc Chúa cho Lazarô chết bốn ngày sống lại. Chúa tiến hành thật trang trọng như cử hành một nghi lễ. Ta hãy chiêm ngắm. Chúa tiến ra trước mộ. Chúa xúc động đến rơi lệ. Chúa truyền cất tảng đá lấp cửa mộ. Chúa cầu nguyện với Chúa Cha. Chúa lớn tiếng gọi Lazarô. Và Lazarô, người chết đã bốn ngày, thân xác đã thối rữa, sống lại, lừng lững đi ra khỏi mộ. Với việc cử hành trang trọng, Chúa cho ta thấy sự sống là quí nhất. Chỉ có Chúa mới ban sự sống. Càng không ai có thể cải tử hoàn sinh. Chỉ có Chúa. Vì Chúa làm chủ sự sống.
Đại dịch Covid-19 cho ta thấy chân lý đó. Chỉ có một siêu vi khuẩn vô cùng bé nhỏ. Cả thế giới với bao nhiêu phương tiện. Biết bao vũ khí tối tân. Biết bao thiết bị y tế hiện đại. Nhưng chẳng làm gì được nó. Nó đi đến đâu là chết chóc đến đấy.
Đứng trước cái chết con người mới thấy sự sống là quí. Có tất cả mà không có sự sống cũng chẳng ích lợi gì. Tất cả mọi sinh hoạt đều bị bãi bỏ. Dù là buôn bán. Dù là học tập. Dù là giải trí. Biết bao đại gia tại Vũ Hán đã vứt bỏ tiền bạc qua cửa sổ chung cư bị cách ly. Làm nhớ câu nói của đại gia Trung Nguyên: Tiền nhiều để làm gì? Lo có nhiều tiền mà không lo bảo vệ sự sống là dại dột. Là chết đang khi sống. Trong tình hình đó, mọi người thấy được lối sống lầm lạc của mình. Và tìm cách để sống. Để đừng chết khi còn sống.
2. Đừng chết khi còn sống
Lazarô bước ra, chân tay còn bị khăn liệm quấn chặt. Chúa truyền tháo cởi khăn liệm cho ông. Khăn liệm là lực lượng sự chết. Dù sống mà bị khăn liệm quấn chặt người ta cũng không làm gì được. Đó là đã chết ngay khi còn sống. Đó cũng là điều Ezechiel cảnh báo người dân trong cuộc sống nô lệ. Người Do thái đã từng bị nô lệ bên Ai cập và Babylon. Tại những quốc gia hùng mạnh này, dân Israel có cuộc sống no ấm và an toàn hưởng thụ. Nhưng họ bị nô lệ. Không có phẩm giá. Không có tự do. Không được thờ phượng Chúa. Đời sống ấy sung túc nhưng không có tương lai. Đi vào tàn lụi. Đó là chết trong khi đang sống. Ezechiel gọi đó là đất chết. Là những nấm mồ. Chỉ có Chúa mới có thể đưa họ ra khỏi mộ cho họ được sống. Được tự do. Được phát triển.
Đại dịch Covid-19 cho ta thấy điều đó. Tiến sĩ John Horvat II nhận định: Covid-19 khiến “thiên đường vật chất của chúng ta biến thành địa ngục. Con tàu du lịch, biểu tượng của mọi thú vui trần gian, trở thành nhà tù gieo mầm bệnh …Những người đã biến thể thao trở thành thần tượng bây giờ lại thấy các sân vận động trống rỗng. Những người ngưỡng mộ tiền bạc bây giờ đang chứng kiến danh mục đầu tư bị suy giảm và lực lượng lao động bị cách ly. Những người tôn thờ giáo dục nhìn vào các trường và đại học trống rỗng của họ. Các tín đồ của chủ nghĩa tiêu thụ phải đối mặt với kệ siêu thị trống rỗng. Thế giới chúng ta tôn thờ đang sụp đổ”.
Trong bài giảng chiều ngày 27-3, khi ban phép lành Urbi và Orbi, Đức Thánh Cha đã nói: “Bão tố vạch trần sự dễ thương tổn của chúng ta và cho thấy những an ninh giả tạo và thừa thãi qua đó chúng ta đã xây dựng những chương trình hoạt động, những dự án, các tập quán và ưu tiên của chúng ta. Nó cho thấy chúng ta đã lơ là và bỏ qua điều nuôi dưỡng, nâng đỡ và ban sức mạnh cho cuộc sống và cộng đoàn chúng ta”.
Chúng ta đã sai lầm. Chúng ta sống như không có Chúa. Không có giá trị thiêng liêng. Chúng ta chỉ biết vật chất. Chỉ biết ăn chơi. Chỉ biết hưởng thụ. Chúng ta ích kỷ và lãng quên tha nhân. Đó là những tấm khăn liệm trói chặt chúng ta. Chúng ta chết khi đang sống. Vì thế Lời Chúa hôm nay mời gọi ta hãy thay đổi đời sống. Hãy sống khác đi. Hãy sống lại. Hãy sống cả sau khi chết.
3. Hãy sống sau khi chết
Được trở lại đời sống, chắc chắn Lazarô hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Giêsu. Và hoàn toàn sống cho Người. Ông rút ra kinh nghiệm. Sửa chữa những sai lầm. Ông biết coi thường vật chất là những thứ mau qua. Để sống theo Thần Khí của Chúa. Để sống cả sau khi đã chết. Để được sự sống đời đời. Như thư Rôma dạy: “Nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống”. Thật kỳ diệu. Sống theo xác thịt thì ta chết đang khi sống. Còn sống theo Thần Khí thì ta sẽ sống cả khi đã chết.
Trong đại dịch Covid-19 nhiều người đã hiểu được điều đó. Julio Loredo suy niệm: “Cuộc khủng hoảng coronavirus dạy chúng ta rằng mọi thứ có thể thay đổi và thay đổi nhanh chóng. …Mọi thứ có thể tan biến; chỉ có Thiên Chúa tồn tại”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện: “Lạy Chúa, đây là lúc điều chỉnh lại hành trình cuộc sống của chúng con hướng về Chúa và hướng về tha nhân. Và chúng con có thể nhìn bao nhiêu bạn đồng hành gương mẫu, trong sợ hãi, họ đã phản ứng bằng cách hiến mạng sống mình. Đó là sức mạnh tác động được Thánh Linh đổ xuống để biến thành sự hiến thân can đảm và quảng đại”.
Tại Việt nam có 100 y bác sĩ ở Huế đã viết đơn tình nguyện đi phục vụ những bệnh nhân nhiễm Covid-19. Nhiều y bác sĩ và nhiều linh mục đã phục vụ bệnh nhân đến quên mình, và thậm chí đến chết nữa. Tại Vũ hán, bác sĩ Lý văn Lượng và một số bác sĩ, y tá đã chết vì phục vụ bệnh nhân. Tại Bergamo nhiều bác sĩ, y tá chết vì làm việc hơn 20 tiếng một ngày. Và biết bao linh mục đã chết vì phục vụ giáo dân. Đặc biệt tại Bỉ, bà Suzanne Hoylaerts qua đời sớm vì đã nhường máy trợ thở cho người trẻ. Đó là những người đã thay đổi đời sống. Biết sống khác. Biết sống lại. Nên họ vẫn sống sau khi đã chết.
Đó chính là tinh thần Chúa mời gọi chúng ta khi cử hành tuần thứ năm mùa chay giữa thời đại dịch Covid-19. Hãy biết sống lại.
Sống lại là biết trở về nguồn sự sống. Chỉ có Chúa mới có thể ban sự sống.
Sống lại là biết sửa chữa những sai lầm. Đừng sống theo xác thịt. Xác thịt là chết chóc. Nhưng hãy sống theo Thần Khí. Thần Khí là sự sống .
Sống lại là sống trong Chúa Kitô. Chúa Kitô đã qua đau khổ và đã phục sinh. Vậy ta hãy cùng Người đảm nhận thập giá. Như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Chúng ta có một cái neo; trong thập giá của Chúa chúng ta được cứu độ. Chúng ta có một hoa tiêu: trong thập giá của Ngài chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: trong thập giá của Chúa, chúng ta được chữa lành và ấp ủ vì không có gì và không một ai có thể tách biệt chúng ta ra khỏi tình thương cứu độ của Chúa. Cùng chết với Chúa, ta sẽ được cùng sống lại với Người.
Như thế đại dịch Covid-19 là cơ hội cho ta làm lại, sửa chữa lại, sống lại. Đây là thời gian khó khăn nhưng quí báu. Đức Thánh Cha khuyên nhủ chúng ta: “Đừng lãng phí thời gian khó khăn này”.