CÓ HAY KHÔNG LUẬT NHÂN QUẢ
(Bài suy niệm Thứ 5 tuần XXIII TN)
Giáo lý Phật giáo cho rằng, luật nhân quả có tương quan mật thiết với nhau, là định luật tất yếu đối với mọi người. Nhân-Quả tuy trừu tượng nhưng có thật và chi phối tất cả mọi sự mọi vật trong vũ trụ, trong đó có đời sống của con người.
Không chỉ Phật giáo, mà dường như bất cứ ai cũng xác nhận rằng, có thưởng phạt sau khi chết: làm lành thì được hưởng an vui hạnh phúc, làm ác sẽ bị phạt, phải chịu khổ đau. Đó là một sự thật công bằng. Người ta có thể “làm bộ như người vô tội” với người khác hay “qua mặt” được pháp luật, nhưng không thể chạy trốn toà án nhân quả được, giống như tiếng lương tâm sẽ tra vấn mỗi suy nghĩ, lời nói, việc làm của Kitô hữu vậy.
Người tín hữu tin rằng chuyện thưởng phạt là đương nhiên. Sách Giáo lý Công giáo số 1021 dạy:”Cái chết kết thúc đời sống con người, nghĩa là chấm dứt thời gian đón nhận hay chối bỏ ân sủng Thiên Chúa được biểu lộ trong Đức Kitô. Khi đề cập đến phán xét, Tân ước chủ yếu nói về cuộc gặp gỡ chung cuộc với Đức Kitô trong ngày quang lâm, nhưng cũng nhiều lần khẳng định có sự thưởng phạt tức khắc ngay sau khi chết, tùy theo công việc và đức tin của mỗi người…”.
Và nơi số 1022 sách Giáo lý nói rất rõ về vấn đề này :”Ngay khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời; tùy theo đời sống của mình trong tương quan với Đức Kitô”.
Như vậy, được thưởng hay bị phạt là tùy ở cách sống của chúng ta ngay từ hôm nay. Rất nhiều dụ ngôn trong Tin mừng, Chúa Giêsu cho chúng ta qui tắc để hành xử sao cho đẹp lòng Chúa. Những bài học luân lý Chúa Giêsu đưa ra trong bài Tin mừng hôm nay không chỉ dừng lại ở khía cạnh nhân bản, con người mà vượt lên một mức độ cao hơn vì người anh chị em ta sống với cùng là chi thể trong một thân thể, là anh chị em con cùng một cha trên trời. “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng” (Mt 5, 27-34).
Tuy được triển khai phong phú ở nhiều lãnh vực hay các mức độ tương quan khác nhau nhưng luật yêu thương là luật tối thượng. “Giáo lý mới của Đức Kitô” chẳng có gì lạ nhưng là yêu như Chúa đòi hỏi, yêu như Chúa yêu. Mà yêu như Chúa yêu là hoàn toàn quảng đại.
Lệnh truyền yêu thương là lệnh truyền trọng đại nhất, đó là trái tim của Kitô giáo (Mc 12, 28-34). Muốn có sự sống, hãy giữ luật yêu thương. Lệnh truyền yêu thương phải chi phối tất cả mọi sinh hoạt của con người. Mà muốn yêu như Thiên Chúa đòi hỏi, nhất thiết phải có sự can thiệp của ân sủng, nghĩa là phải để cho Thiên Chúa yêu trong ta.
Tóm lại: Tất cả các luật khác chỉ giữ được khi thi hành giới luật căn bản là sống tình yêu thương nhau. Yêu thương là luật căn bản, luật vàng cho mọi lề luật khác. Chúng ta sẽ không còn mắc nợ, chẳng bị thiếu xót với nhau một khi thực thi trọn vẹn giới luật yêu thương. Đúng vậy, người ta sẽ làm được tất cả khi đặt vào đó tình yêu thương.
Thực thi hay chối bỏ nghĩa vụ yêu thương là quyền của mỗi người nhưng chuyện thưởng phạt, qui luật nhân quả sẽ là điều tất yếu đối với chúng ta. Xác tín như thế nên cùng với ơn Chúa ban, người Kitô hữu được khuyến khích nên hoàn thiện mỗi ngày.
Mai Thi
Như một cách áp dụng lời Chúa vào cuộc sống, xin mượn tâm tình từ lời của bài hát “Luật Yêu Thương” để cầu nguyện:
- Cho con một điều răn mới yêu thương luật Chúa muôn đời. Cho con một lời dấu yêu, con ơi hãy yêu mến nhau. Theo gương Thầy yêu thương trước, hy sinh mà hiến thân mình. Hy sinh vì người dấu yêu liều cả tấm thân tình yêu chính nhân.
- Cho con ngàn lời yêu dấu vẫn không bằng chính gương Thầy. Hôm nay Thầy dùng nước đây, đôi tay rửa chân chúng con. Con ơi ngần ngại chi nữa nay con làm cũng như Thầy. Con xem Thầy là Chúa con mà Thầy rửa chân từng người chúng con.
- Yêu thương là hy sinh trước cho nhau cả chính thân mình. Yêu thương cần chi đắn đo, không xem lợi thua trước sau. Yêu thương dù muôn nguy khó, kiên tâm chẳng nghĩ xa gần. Yêu thương mùa xuân ngát hương tỏa lan bốn phương này con biết chăng.
- Yêu thương tìm nguồn vui đến cho nhau nặng nỗi ưu phiền. Yêu thương bừng lên xóa tan bao nhiêu hờn căm ghét ghen. Yêu thương dọi nguồn chân lý cho ai lầm lỡ ê chề. Yêu thương làm cho khắp nơi được luôn thắm tươi hạnh phúc mãi thôi.
ĐK. Yêu thương là điều răn mới, anh em hãy mến yêu nhau; Yêu thương người ta sẽ biết, anh em là môn đệ Thầy.