TN-217-TUẦN XXXI-thứ Sáu
CON ĐƯỜNG TẮT
(Lc 16,1-8)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Về phương diện địa dư, nếu có những con đường chính, dài, thì cũng có những con đường tắt, ngắn hơn, nhỏ hơn, kín hơn, và có thể cũng dễ đi hơn. Chúng không có độ dài như những con đường chính, không đòi hỏi nhiều thời gian hơn khi trên chính lộ, và dẫn đến đích nhanh hơn. Những con đường tắt thường thì tiện và lợi. Nhưng về phương diện nhân văn, những con đường tắt lại là những con đường đưa đến những sai trái, những vi phạm và có thể đánh mất cả ý nghĩa của cuộc sống. Những con đường tắt đưa những ai bước đi trên đó muốn đạt được thành công nhanh nhất, dễ nhất, và vì thế không chừa một thủ đoạn nào, nhất là những thủ đoạn bất chính. Đó là con đường để những kẻ trộm, buôn bán thuốc phiện, cần sa, trở nên giầu có nhanh chóng. Đó là con đường để những kẻ lừa đảo, luồn cúi, đạt được thành công mau chóng. Chúng ta có thể kể ra rất nhiều trường hợp của những người dấn thân vào con đường tắt để đạt được điều gì đó mau chóng. Nhưng rồi kết cục cuộc đời họ ra sao? Con đường tắt, vì lầm đường lạc lối, nên không đưa người ta đến chỗ tốt mà đến chỗ xấu hơn, đánh mất nhân phẩm.
Khi suy niệm về dụ ngôn Chúa kể về một người quản gia “có vấn đề” và cách anh ta hành xử trước khi mất chức, tôi chợt hình dung ra con đường anh dấn bước vào, đó là con đường tắt. Con đường đó luôn là một cám dỗ lớn mà chính Chúa cũng bị Sa-tan mời gọi. Nhưng, với tư cách Ki-tô hữu, chúng ta cần đi trên đường ngay nẻo chính, con đường dài, khó khăn hơn, thử thách hơn, nhưng lại đưa đến sự sống đích thực.
1. TÊN QUẢN GIA BẤT LƯƠNG HÀNH ĐỘNG KHÔN KHÉO
Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 18 từ câu 1 đến 8, Chúa Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn về một người quản gia bất lương.
Điều ghi nhận đầu tiên là Chúa kể cho các môn đệ dụ ngôn này. Các môn đệ Chúa là những người đi theo Chúa và rồi đây sẽ thay mặt Chúa – khi Chúa trở về với Chúa Cha – để điều hành cộng đoàn những người tin Chúa, nghĩa là các giáo đoàn, là Giáo Hội. Kể câu chuyện này, Chúa gián tiếp nhắn gửi thông điệp cho các nhà lãnh đạo tương lai – là các môn đệ đây – phải có cách hành xử thế nào. Các môn đệ đây là những ai có trách nhiệm đối với cộng đoàn dân Chúa là những nhà quản lý các mầu nhiệm của Chúa. Và rộng lớn hơn cho tất cả các Ki-tô hữu, cho mỗi chúng ta, vì chúng ta đều là những người đón nhận những ân huệ của Chúa để phục vụ anh chị em.
Về nội dung, chúng ta biết rằng người quản gia này “có vấn đề”, nghĩa là đã phung phí, làm tiêu tán tài sản của ông chủ. Chúng ta không biết anh đã phá hoại tài sản bằng cách nào. Phải chăng anh là một người quản gia không có khả năng? Thiết tưởng đây không là lý do chính, vì ông chủ đã biết anh và chọn anh. Anh phải là người có khả năng. Vấn đề là nơi cách hành động, hoạt động của anh. Có thể cách thức hành động của anh không “quang minh chính đại”, và vì thế gây thiệt hại cho chủ. Chúng ta có thể hiểu như vậy nhờ vào cách hành xử sau đó. Nghĩa là nơi anh quản gia này, có một “nếp” suy nghĩ và “lối” hành xử đã trở thành tập quán rồi. Một lối hành xử không “rõ ràng”.
Tiếp đến, con đường anh chọn lựa để giải quyết vấn đề thất nghiệp của mình, khi không còn được chủ tín nhiệm tiếp tục trao trách vụ. Anh đã bật lên những suy nghĩ. Anh nghĩ tới hai công việc: cuốc đất thì không có sức, ăn mày thì hổ ngươi. Hai công việc này vất vả: một là do công sức của mình, hai là dựa vào lòng thương cảm của tha nhân. Tôi nghĩ, sao anh không nghĩ tới con đường thứ ba, con đường ngay chính khi đi tìm kiếm một công việc nào đó giúp mình sinh sống. Con đường lao động chân chính giúp anh sinh sống và nâng cao giá trị nhân phẩm.
Nhưng anh đã nghĩ tới “con đường tắt”, con đường anh nghĩ sẽ mở lối thoát cho anh và mang đến sự an nhàn. Con đường tắt đó là con đường bất lương. Anh đã kêu gọi những người mắc nợ ông chủ, sửa đổi lại con số nợ. Anh hy vọng số dư kia sẽ dành cho anh sau này. Đó là con đường bất lương, con đường ngắn, con đường dễ, không khó nhọc. Nhưng con đường đó đã “tha hoá” anh, biến anh trở nên “bất lương” hơn trước kia khi anh đã phung phí của cải của ông chủ. Bây giờ anh phung phí đời anh, phá nát cuộc đời của anh. Anh bước vào con đường bất lương. Vậy đâu là kết quả của việc anh hành xử bất lương, đi vào con đường tắt?
Ông chủ biết được. Ông khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Lời khen này chính là lời kết án dành cho anh. Một kết cục có thể còn thê thảm hơn việc mất việc, chờ đợi anh.
Câu chuyện về người quản gia bất lương chọn con đường tắt để an nhàn bản thân gợi mở cho tất cả chúng ta mối nguy hiểm của con đường tắt. Ai trong chúng ta cũng đã có kinh nghiệm bản thân hay về người khác khi bước vào con đường tắt. Chúng ta biết và không dám nói ra, vì hơn ai hết, người trong cuộc biết thế nào là tính chất bất lương của người bước đi trên con đường đó. Có thể đạt được một số thành công về vật chất, nhưng đánh mất điều quan trọng là thành nhân và đánh mất nhân phẩm. Dầu vậy, con đường tắt vẫn luôn là một cám dỗ rất lớn không miễn trừ cho một ai.
2. NHỮNG HỨA HẸN CỦA CON ĐƯỜNG TẮT
Đọc lại những cám dỗ mà Sa-tan gợi cho Chúa Giê-su, tôi khám phá ra rằng những con đường mà Sa-tan mời gọi Chúa bước vào là những con đường tắt. Đó là ba con đường tắt, dễ dàng, mau đạt đến thành công. Chúng ta có thể đọc lại trình thuật này trong Tin Mừng Nhất Lãm: Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 4 từ câu 1 đến 11, Tin Mừng theo thánh Mác-cô chương 1 từ câu 12 đến 13 và Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 4 từ câu 1 đến 13. Chúng ta sẽ theo trình tự các cám dỗ trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca.
Trước hết, Chúa Giê-su đang đói, ma quỉ khuyên nhủ Chúa biến đá thành bánh. Đây là con đường dễ nhất, vì Chúa là Con Thiên Chúa, làm được mọi sự. Đây là cám dỗ đánh vào “nhu cầu” căn bản của con người, nhu cầu sinh tồn. Chúa từ chối con đường tắt này, vì để có bánh ăn – lương thực – con người phải vất vả và trải qua bao nhiêu công đoạn sản xuất. Bánh ăn là giá trị của lao công vất vả, và là nơi tài bồi nhân phẩm. Chúa không đi vào con đường tắt để thoả mãn cơn đói nhất thời. Chúa muốn có thức ăn như một con người, chứ chưa kể đến như là Con Thiên Chúa.
Tiếp đến là cám dỗ về vinh hoa phú quí, nghĩa là các lợi lộc trần gian. Sa-tan tấn công vào cái “có”. Ai cũng muốn có những thứ đó. Sa-tan đề nghị một con đường tắt, dễ dàng, để được các thứ đó, chỉ cần “bái lạy” nó. Quá dễ dàng, nhẹ nhàng. Đây là con đường tắt của thứ luồn cúi, của loại thoả hiệp. Nhưng Chúa không đi vào con đường tắt đó. Chúa đi vào con đường thờ phượng Thiên Chúa Cha, chỉ bái lạy một mình Thiên Chúa Cha.
Cuối cùng, Sa-tan đề nghị Chúa nhảy xuống từ nóc Đền Thờ. Đền thờ Giê-ru-sa-lem là trung tâm thờ phượng của toàn dân. Nơi đây dân chúng tụ họp. Sa-tan tấn công vào cái “là”, nghĩa là sự khẳng định bản thân. Nhảy xuống từ nóc đền thờ mà vô sự sẽ được tung hô, ca ngợi, và người ta sẽ tin. Đó là con đường dễ dàng, vì Sa-tan cũng trích Lời Chúa: Chúa sẽ đỡ nâng bước chân. Việc này Chúa dư sức làm. Nhưng Chúa không đi con đường tắt này. Chúa đi con đường dài của Thập Giá, nơi đó, sau này, Chúa cũng không xuống khỏi đó mà hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để “hoàn tất” con đường Chúa Cha muốn Người đi.
Cách hành xử của Chúa trước những cám dỗ trong đó Sa-tan đề nghị những con đường tắt, mời gọi chúng ta đi vào chọn lựa dứt khoát của Chúa. Con đường Chúa đi là con đường trung tín với Chúa Cha, với ý định của Chúa Cha và với sự dấn thân của chính bản thân Chúa. Đó là con đường Thập giá mang đến ơn cứu độ cho trần gian. Đó cũng là con đường của mỗi chúng ta với tư cách là Ki-tô hữu.
3. CON ĐƯỜNG NGAY CHÍNH CỦA SỰ TRUNG TÍN
Thánh Phao-lô đã nói lên suy nghĩ và hành động của bản thân ngài và các cộng sự viên khi viết cho các Ki-tô hữu thuộc giáo đoàn Cô-rin-tô: “Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Ki-tô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành” (1Co 4,1-2).
Lòng trung thành hay trung tín là con đường dài, con đường vất vả, khó khăn, nhưng lại dẫn đến sự sống đích thực. Vì những ai đi đến tận cuối con đường đó, sẽ được nghe lời Chúa nói với mình: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25,21).
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chọn lựa con đường nào: con đường dài, chính lộ, hay con đường tắt, gian dối. Không những chúng ta không đi vào con đường tắt, mà cũng không tạo ra hay dung túng mở ra con đường tắt. Lời Chúa hôm nay cũng là lời cảnh báo giúp chúng ta giật mình trước cách hành động của người dấn bước vào con đường tắt. Trái lại, hãy bước vào con đường ngay chính, con đường của Tin Mừng.