TN-151-TN-TUẦN XXII-thứ ba-
DÁM MỜI CHÚA ĐẾN?
(1Tx 5,1-6.9-11 / Lc 4,31-37)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Khi đặt câu hỏi “DÁM MỜI CHÚA ĐẾN” là tôi chất vấn chính bản thân tôi: tôi có thực sự muốn và dám mời Chúa đến, không phải đến nơi nào khác – vì đương nhiên Chúa hiện diện mọi nơi khắp chốn rồi – nhưng là đến với tôi và đến trong tôi. Tôi đã từng kinh nghiệm niềm vui và hạnh phúc được mời Chúa đến với tôi, trong tôi; nhưng cũng không thiếu trải nghiệm là thực lòng tôi không dám mời Chúa đến, vì tôi cảm thấy “phiền” và “khó chịu” vì sự hiện diện của Chúa. Tôi thật lòng đấy! Hai bài đọc Lời Chúa hôm nay lại làm sống lại trong tôi, không những cái cảm giác đó mà là cả chọn lựa của tôi.
Tôi xin chia sẻ với anh chị em về câu hỏi “DÁM MỜI CHÚA ĐẾN?” như là một cơ hội để mỗi chúng ta trở về lòng mình để chân thành với chính mình, với Chúa, xem chúng ta có thực sự mong ước Chúa hiện diện trong cuộc đời mình không.
- DÁM MỜI CHÚA ĐẾN ĐỂ CHÚA GIẢI THOÁT
Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 4 từ câu 31 đến 37, thánh sử thuật lại câu chuyện Chúa chữa lành một người bị quỉ thần ô uế ám. Câu chuyện xảy ra trong một hội đường. Chúng ta lược lại một số chi tiết.
– Chi tiết 1: Có một người bị quỉ thần ô uế ám. Đây là một con người mà tình trạng gây nên sự ghê tởm, quỉ ô uế ám. Nghĩa là tâm hồn con người này đầy tràn những xấu xa, bên ngoài cũng đáng sợ.
– Chi tiết 2: Trong hội đường. Đây là nơi hội họp của cộng đoàn lúc có đông người đang lắng nghe Kinh Thánh và cầu nguyện. Sự ô uế xuất hiện nơi thánh thiêng, người bị quỉ ám hiện diện giữa cộng đoàn phụng vụ. Công khai, không che dấu được. Xấu hổ! Bẽ mặt!
– Chi tiết 4: Tên quỉ la to. Tiếng la to của tên quỉ ám qua tiếng hét của người nó nhập. Tiếng la to làm những người hiện diện lo sợ, e ngại và tránh xa. Sao lại la to thế làm hổ ngươi chính mình như thể là người đang có những vấn đề trầm trọng.
– Chi tiết 5: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Sao lại nói lên lời gây hấn với Chúa! Cuộc đời đang an bình, mọi sự tốt đẹp mà Chúa lại đến gây phiền nhiễu! Đấng Thánh của Thiên Chúa lại đến tiêu diệt sao? Quá ư là nhục nhã. Nghĩa là đang sống thù địch với Chúa! Một sự thật bẽ bàng!
– Chi tiết 6: Chúa quát mắng “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”. Sao Chúa lại quát mắng trước bàn quan thiên hạ như vậy! Đâu còn mặt mũi nào! Mất hết thể diện!
– Chi tiết 7: Quỉ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường. Sao Chúa không chữa một cách nhẹ nhàng, như “một làn gió hiu hiu thổi” ngày xưa cho ngôn sứ Ê-li-a (x.1V 19,12-13). Vật ngã sõng soài xuống đất. Ngã sấp mặt xuống đất! Gục dưới chân mọi người! Không còn chút gì là phẩm giá!
Những chi tiết trên xảy ra trên người bị quỉ ám kia. Người ta không thấy tên quỉ đâu – vì nó vô hình, vì nó tàng hình, nó ở trong -, người ta chỉ thấy con người tội nghiệp kia! Những điều xảy ra kia là xảy ra cho chính anh ta. Những chi tiết đó, tôi vẫn sợ xảy ra trong cuộc đời tôi. TÔI QUÁ SĨ DIỆN! Tôi sợ mất thanh danh, nên tôi cũng sợ Chúa, sợ sự chữa lành, sợ ơn giải thoát! Tôi vẫn biết trong tôi có những thứ làm tôi ô uế, “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ghanh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,22). Tôi vẫn thực hiện những việc do tính xác thịt, “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén” (Gl 5,20). Tôi cố che đậy, che dấu bằng mọi cách, với nhiều tinh vi và qua nhiều lớp mặt nạ. Tôi vẫn thuộc lời Chúa Giê-su nói: “Nếu Người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thật sự là những người tự do” (Ga 8,36). Tôi muốn được Chúa giải phóng để trở thành con người tự do; nhưng tôi lại muốn có một thứ tự do mà vẫn có thể “sống theo tính xác thịt” (x.Gl 5,13).
Khi đối diện với chính mình, đối diện với lòng mình, tôi nhận ra một vật cản rất lớn ngăn tôi không muốn và không dám mời Chúa đến với tôi và trong tôi, đó là SĨ DIỆN. Tôi muốn mình luôn là cái “MÌNH TƯỞNG” và là cái “NGƯỜI KHÁC TƯỞNG”. Tưởng là thế mà thật sự không phải là thế! Tôi không dám chân nhận mình bị “quỉ ám” để mong Chúa đến giải thoát. Tôi muốn người khác nhìn tôi qua lăng kính mầu hồng, nên tôi loay hoay “tô điểm” mà không cần Chúa đến thanh tẩy tự bên trong. Tôi cũng muốn Chúa “nhẹ nhàng” với tôi, nên những tiếng “sấm rền” của Lời Chúa làm tôi sợ; tôi không dám mời Chúa đến qua Lời Người để uốn nắn tôi. Tôi vẫn sợ “chiếc gươm hai lưỡi sắc bén”(x.Dt 4,12). Tôi vẫn ngại Chúa ra tay “hơi quá!”. Nhiều lần tôi muốn Chúa “cứ hãy ở trên trời, ngự bên hữu Chúa Cha”, để tôi “sống dưới đất làm theo ý mình”. Tôi vẫn muốn Chúa ở trên cao hơn là Chúa hạ cố đến với tôi. Trong tôi đầy những đối nghịch và xung đột!
- DÁM MỜI CHÚA ĐẾN ĐỂ SỐNG VỚI CHÚA
Kinh nghiệm thứ hai mà tôi cũng trải nghiệm, đó là việc mời Chúa đến để mình sống với Chúa. Trong suốt chặng dài của đời Ki-tô hữu và đời thánh hiến, tôi đã cảm nghiệm sâu xa và tràn đầy hạnh phúc về sự kiện Chúa đến trong tôi để tôi sống với Chúa. Đó là những giây phút, những khoảnh khắc của “vĩnh cửu” mà tôi nếm cảm.
Hôm nay, đọc lại những dòng chữ thánh Phao-lô viết trong thư thứ nhất cho giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca chương 5 từ câu 1 đến 6 và từ câu 9 đến 11 khi ngài đề cập đến việc Chúa đến thình lình, tôi như sống lại cái kinh nghiệm dạt dào của việc “dầu thức hay ngủ, chúng ta cùng sống với Người”. Vì vậy, tôi đã mong muốn mời Chúa đến và chờ Chúa hiện diện. Ngọt ngào lắm thay! Chúa ngọt nào lắm thay!
Nhưng tôi cũng đã trải nghiệm rất nhiều lần là tôi đã từng không dám mời Chúa đến với tôi, trong tôi, để tôi sống với Chúa. Tại sao? Vì tôi vẫn thích những thứ khác hơn Chúa, quí những thứ khác hơn Chúa. Không những tôi bị cám dỗ mà lại muốn “sống hai mặt”, vì cách sống này mang lại nhiều cái “LỢI”. Tôi sợ Chúa đến đòi hỏi tôi dứt bỏ những thứ đó – những thứ mà tôi đã tôn chúng làm “thần hộ mạng” của tôi. Tôi vẫn biết rằng lời cảnh tỉnh của ngôn sứ Ê-li-a cho dân Ít-ra-en cũng dành cho tôi, “các ngươi nhảy khập khễnh hai chân cho đến bao giờ? Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa, hãy theo Người; còn nếu là Ba-an, thì cứ theo nó!” (1V 18,21). Tôi không quên lời Chúa nghiêm phán, “không thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ nọ, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ” (Mt 6,24). Tôi là Ki-tô hữu, người Công Giáo, nhưng tôi lại chọn lựa “đa thần” và sống “vô thần”. Trong tôi ẩn dấu nhiều tà thần, nhiều ngẫu tượng; cho nên tôi cố gắng “che đậy”,”dấu kín” chúng, để có “bộ mặt dễ coi”, cho có vẻ “phải phép”. Cho nên tôi ngại và không dám mời Chúa đến để “lật tung” các thứ đó mà tôi đã gắn bó quá sâu. Tôi vẫn sợ Chúa “lấy roi” đánh tôi và lật tung tất cả trong tôi. Tôi cũng ngại người ta thấy trong tôi ai đang sống, ai đang sống động, ai đang ngự trị! Chắc họ sẽ khinh dể tôi! Tôi sợ! Tôi sợ ánh mắt con người! Vì thế tôi trống rỗng!
Nhưng nền tảng của đời tôi lại là Chúa. Tôi không thể bỏ Chúa được. Dù còn có những e ngại, chưa dám mời Chúa đến với tôi, trong tôi; nhưng tôi vẫn có nỗi khắc khoải, thao thức tận tâm can, là ngày nào đó Chúa đến một cách trọn vẹn, và thật sự tôi khao khát Chúa đến, để tôi “ở lại trong tình thương của Chúa” (x.Ga 15,9), để như thánh Phao-lô xác quyết, “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Như vậy, để những điều trên được thực hiện, tôi được mời gọi sống cách nào để chuẩn bị chờ đón Chúa đến?
- DÁM SỐNG LÀ CON CÁI BAN NGÀY
Tôi khám phá ra điều chuẩn bị đó trong trích đoạn thư thánh Phao-lô, khi ngài khuyên nhủ cộng đoàn Thê-xa-lo-ni-ca: “Anh em không ở trong bóng tối… Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ”.
Để được ánh dương soi chiếu, không làm gì khác hơn là chạy ra chỗ có ánh sánh mặt trời. Cứ ở trong bóng tối, thì làm sao ánh sáng soi chiếu đến được. Tôi phải muốn “tỏ mặt ra” với Chúa. Tôi sẽ không chạy trốn Chúa; như ngày xưa tôi đã từng trốn chạy Chúa bằng cách nấp trong bóng tối, ẩn dấu mình để Chúa khỏi thấy. Hành động như thế, tôi làm phát triển cái “gen” chạy trốn của nguyên tổ A-đam và E-và ẩn nấp để Chúa không thấy. Tôi cần lộ mặt ra cho Chúa. Ngay khi tôi chưa muốn và cả không dám mời Chúa đến, Chúa đã đến và vẫn đến. Chúa đứng đó. Người chờ tôi. Người chờ tôi mãi. Người không muốn mất tôi. Người muốn tôi hạnh phúc.
“Này Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta’ (Kh 3,20).