Thứ sáu, 18 Tháng mười, 2024

DÂN ĐƯỢC THỪA HƯỞNG NƯỚC THIÊN CHÚA (Lam Châu, PL)

 

 

DÂN ĐƯỢC THỪA HƯỞNG NƯỚC THIÊN CHÚA

Thứ 6, Tuần II, Mùa Chay

(Mt 21,33-43.45-46)

 

Lam Châu, PL

 

Trong Do Thái giáo, vườn nho và đặc biệt cây nho là hình ảnh biểu tượng cho hòa bình và sự bình an ngự trị trong đất nước. Vườn nho còn là hình ảnh của Israel – một dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Lúc vườn nho bị bỏ mặc, trở nên hoang phế, đó cũng chính là hình ảnh Israel bị bao vây bởi quân thù, là lúc sự bình an bị đe dọa, nền hòa bình của xứ sở sắp tiêu tan.

Hình ảnh vườn nho và cây nho quá đỗi thân thiết với người dân Israel, nên trong bài Tin mừng hôm nay của thánh Matthêu, Đức Giêsu đã lấy hình ảnh vườn nho để nói lên sự yêu thương, quan phòng của Thiên Chúa dành cho dân Israel, cũng như chương trình cứu độ của Thiên Chúa thực hiện qua dân tộc này.

Trong bài Tin Mừng, ông chủ quan tâm đặc biệt đối với vườn nho: „Ông chủ trồng một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh“ (c. 33) Ông còn xây tường lũy, ngăn ngừa mọi sự tổn hại nếu có đối với vườn nho của ông. Ông chủ dành tình yêu và công sức cho vườn nho của mình rất lớn.

Sự ưu ái và tình yêu của ông chủ dành cho vườn nho, cũng chính là hình ảnh của Thiên Chúa đối với dân được tuyển chọn là Israel. Những tá điền – hình ảnh của những kinh sư và Pharisêu – họ ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy (x. Mt 23,2). Thế nhưng, họ đã chống lại quyền làm chủ của Thiên Chúa, hướng dẫn dân Israel theo ý mình, ngày càng xa rời thánh ý và chương trình cứu độ của Ngài.

Theo bài Tin mừng, quan hệ giữa ông chủ và những tá điền ngày càng trở nên xấu hơn, cứ tiệm tiến dần, cách dùng từ của Matthêu cho thấy điều đó: „Bọn tá điền…đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ“.

Đến cả người con của ông chủ, họ cũng giết chết. Họ toa rập với nhau, cùng nhau hành động. Chính lời họ nói đã kết án cho hành động họ sắp thực hiện: „Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!“ (c. 38).

Chính họ biết rõ người con của ông chủ, họ hành động có chủ đích, chứ không phải do nhầm lẫn hay „không biết việc họ làm“. Và ông chủ sẽ làm gì với những người tá điền này? Ông sẽ tru diệt chúng! Đức Giêsu nói tiếp với các kinh sư, biệt phái và Pharisêu đang nghe Ngài rằng: „Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi“ (c.43). Như vậy, vườn nho ở đây còn được hiểu là Nước Thiên Chúa.

Suốt chiều dài lịch sự cứu độ, Israel – dân được Thiên Chúa tuyển chọn, được sánh ví như vườn nho của Thiên Chúa: „Gốc nho này Chúa bứng từ Ai cập, đuổi chư dân lấy chỗ mà trồng“ (Tv 80,9). Ngài những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại (x. Is 5,2). Ngài để cho hàng dậu của vườn nho bị chặt phá, đến nỗi: „Heo rừng vào phá phách, dã thú gặm tan hoang“ (Tv 80,14).

Hình ảnh vườn nho – dân Israel – được Thiên Chúa cưu mang trong quá khứ, và từ dân tộc này, Ngài thực hiện chương trình cứu độ, nhưng Israel đã bất trung khi vi phạm giao ước. Họ đã được các ngôn sứ thay nhau đến nhắc lại, nhưng vì lòng chai dạ đá, họ đã không nghe các sứ giả của Thiên Chúa, nên ngôn sứ Isaia đã than rằng: „Thiên Chúa những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than“ (Is 5,7).

Vì thế, Thiên Chúa sẽ lấy vườn nho – Nước Thiên Chúa – mà trao cho một dân khác biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. „Một dân khác“ là danh từ số ít, nên không thể là „các dân nước“ hay „các dân ngoại“, mà là một tập thể, một nhóm người, đang được hình thành và phát triển, trở thành một dân lớn, dân thánh (x. Xh 19,6). Dân thánh này được hợp thành bởi tất cả những ai mang hoa trái Nước Trời, nghĩa là những người tin vào Đức Giêsu và thực thi lời Ngài dạy.

Dân mới được Thiên Chúa tuyển chọn sẽ trở nên hiệp nhất, vì họ được kêu gọi và được cứu độ. Họ làm thành một dân mới của Thiên Chúa và hiện diện trong vương quốc ấy dưới sự hướng dẫn của Đức Giêsu (x. Rm 9,25). Dân này sẽ không làm cho Thiên Chúa phải thất vọng, nhưng sẽ mang lại hoa trái mà dâng cho Ngài. Hoa trái ấy là sự công chính vượt xa sự công chính của các kinh sư và Pharisêu.

Israel đã không sinh hoa quả và đã bất tuân. Cho nên Thiên Chúa tìm một không gian mới, một dân mới, nơi đó những người được tuyển chọn lắng nghe lời dạy của Ngài và biết sinh hoa trái thiện hảo như những phúc lành mà Ngài ban cho. Theo Matthêu, hoa trái tốt được hiểu là sự sám hối, biết trở về với Thiên Chúa và sống công chính. Đây cũng chính là lời mời gọi của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta trong Mùa Chay thánh này.

Cũng giống như dụ ngôn tiệc cưới, những người được mời trước tiên đã từ chối và họ cũng chẳng xứng đáng dự tiệc, nên ông chủ đã cho mời những người khác, và chính họ sẽ dự tiệc cưới với ông. Vậy, chỉ những ai đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa và để cho Ngài hướng dẫn đời mình, đồng thời thực thi thánh ý của Ngài, người đó mới thuộc về vườn nho là vương quốc của Thiên Chúa mà thôi. Amen.

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ 5 Tuần XXVIII Thường Niên – Lc 11,47-54 Đức Giêsu phiền trách các luật sĩ

  ĐỨC GIÊSU PHIỀN TRÁCH CÁC LUẬT SĨ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Hôm nay chúng ta cùng suy niệm bài Tin Mừng...

Thứ 4 Tuần XXVIII Thường Niên – Lc 11,42-46 Chúa khiển trách Pharisêu giả hình

  CHÚA KHIỂN TRÁCH PHARISÊU GIẢ HÌNH Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Chúng ta cùng suy niệm và tiếp tục theo dõi Đức...

Thứ 3 Tuần XXVIII Thường Niên – Lc 11,37-41 Sạch dơ thực sự

SẠCH - DƠ THỰC SỰ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Với Tin Mừng thánh sử Luca, chúng ta nhận thấy thánh sử...

Thứ Hai, Tuần XXVIII Thường Niên (Lc 11,29-33) Sám hối để nhìn thấy Chúa

Thứ Hai, Tuần XXVIII Thường Niên (Lc 11,29-33) Sám Hối Để Nhìn Thấy Chúa Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Tôi đã đi khắp vũ trụ,...

Thứ 2 Tuần XXVIII Thường Niên – Lc 11,29-32 Dấu lạ diệu kỳ vĩ đại

 DẤU LẠ DIỆU KỲ VĨ ĐẠI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Có lẽ vì tò mò hay hiếu kỳ, dân...

Thứ 7 Tuần XXVII Thường Niên – Lc11,27-28 Hạnh phúc thật

HẠNH PHÚC THẬT Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Trước cử tọa thật đông đảo đang nghe Đức Giêsu giảng dạy với những...

Thứ 6 Tuần XXVII Thường Niên – Lc 11,15-26 Đức Giêsu đầy quyền năng và nhân ái

  ĐỨC GIÊSU ĐẦY QUYỀN NĂNG VÀ NHÂN ÁI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Giữa bao thử thách gian truân và đau khổ...

Thứ Năm Tuần XXVII Thường niên (Lc 11,5-13) Chẳng lẽ Chúa cũng “xin” “cho”?

Thứ Năm Tuần XXVII Thường niên (Lc 11,5-13) Chẳng lẽ Chúa cũng “xin” “cho”? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay là những...

Thứ 5 Tuần XXVII Thường Niên – Lc 11,5-13 Kiên trì cầu nguyện

  KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Sau khi Đức Giêsu dạy thể thức cầu nguyện với Kinh Lạy Cha,...

Thứ Ba, Tuần XXVII Thường Niên (Lc 10,38-42) Phục vụ Chúa hay phục vụ tôi?

Thứ Ba, Tuần XXVII Thường Niên (Lc 10,38-42) Phục Vụ Chúa Hay Phục Vụ Tôi? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay cho...

Thứ Ba, Tuần XXVII Thường Niên – Lc 10,38-42 Gia đình Bêtania đón tiếp Chúa

GIA ĐÌNH BÊTANIA ĐÓN TIẾP CHÚA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Lời Chúa hôm nay tường thuật cho chúng ta việc Đức...

Thứ 7 Tuần XXVI Thường Niên – Lc 10,17-24 Niềm vui và hạnh phúc đích thực

  NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Sau cuộc thực tập ra khơi với bao thành quả...