Bài suy niệm Chúa Nhật XXVII TN
Kính Trọng Thể Đức Mẹ Mân Côi (Lc 1, 26 – 38)
Gregorio – An Phước
Khi suy niệm về mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta thường nghĩ tới biến cố Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem. Thực ra, mầu nhiệm này đã bắt đầu từ hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Maria.
Có giả thuyết cho rằng: Nếu Đức Maria không thưa tiếng “Xin Vâng”, và nếu Mẹ nhất quyết từ chối việc sứ thần truyền tin, thì nhân loại ngày hôm nay sẽ trở nên như thế nào?
Theo trình thuật của bài Tin Mừng, Thánh sử Luca muốn nhấn mạnh tới hai điểm:
Điểm thứ nhất: Với biến cố “truyền tin”, Thánh sử muốn chỉ cho chúng ta thấy nguồn gốc “thần linh” của Chúa Giêsu: “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao…” (Lc 1, 32).
Điểm thứ hai: Qua lời “Xin Vâng” của Đức Maria, Luca cũng muốn nhắm đến “quyền tự do” tuyệt đối của con người. Khi con người từ chối cộng tác với Thiên Chúa vì những ích lợi riêng tư của bản thân, thì liệu Con Thiên Chúa có thể đến thế gian để thực thi Thánh Ý của Chúa Cha hay không? Đành rằng “với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc1, 37), nhưng Thiên Chúa vẫn muốn con người cộng tác vào công việc của Ngài.
Mẹ Maria đã chấp nhận lệnh truyền của sứ thần, để cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Sự chấp nhận ấy không mang tính cách liều lĩnh, “một ăn một thua” hay “nhắm mắt đưa chân”, nhưng với niềm xác tính mạnh mẽ vào một Thiên Chúa quyền năng. Đứng trước mầu nhiệm lớn lao, và vượt quá sức hiểu biết của trí năng con người, Đức Maria không đòi cho mình một dấu chỉ, hay phép lạ nào, nhưng bằng sự khiêm tốn đầy phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Dù chưa hiểu được tất cả sự thâm sâu của mầu nhiệm được loan báo, nhưng Mẹ vẫn quảng đại đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa.
Sống trong một thế giới văn minh hiện đại, chúng ta có đầy đủ những tiện nghi vật chất, với những hấp lực của lạc thú trần gian; những ước mơ hoài bảo, với những dự tính cho bản thân. Liệu chúng ta có dám từ bỏ những thứ mình đã và đang có, để đi theo lời mời gọi của Chúa, và làm chứng cho Tin Mừng hay không?
Dĩ nhiên, lời mời gọi nào của Thiên Chúa cũng gây xáo trộn những dự định và tính toán riêng tư. Như Mẹ Maria đã khấn sống khiết tịnh, thì nay Thiên Chúa lại muốn Người làm mẹ và sinh con, hoặc có lần Ðức Giêsu nói với một người đi theo Ngài : Anh hãy theo tôi! Người ấy thưa: Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã, và Ðức Giêsu bảo: Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ (Lc 9, 59 – 60).
Để đáp lại tiếng gọi của Chúa, lắm lúc chúng ta cảm thấy sao quá xa vời, khó để có thể thực hiện được. Nhưng chúng ta quên rằng, Mẹ Maria cũng là một tín hữu như chúng ta, Mẹ cũng phải trải qua những bước đi gập ghềnh đầy sóng gió của cuộc đời.
Tiếng “Xin vâng” của Mẹ không chỉ đơn thuần là vâng nghe, hoặc làm theo một lời chỉ bảo nào đó trong chốc lát, nhưng là một quá trình phải cần đến lòng tin . Chắc chắn Mẹ không thể hiểu hết con đường mình sắp đi với biết bao trắc trở, khó khăn, mờ tối. Nhưng Mẹ vẫn tin vào Thiên Chúa đang mời gọi. Mẹ buông mình để tay Chúa dẫn đưa, vì Mẹ xác tín rằng chẳng có gì mà Thiên Chúa không làm được.
Là con người tại thế, chúng ta thường bị giằng có giữa hai yếu tố xác thịt và tinh thần. “Tinh thần thì mau mắn, còn xác thịt thì yếu đuối” (Mt 26, 41). Thế nhưng, để dẹp bỏ tính ngang bướng của mình, hầu vâng nghe theo lời giáo huấn của Chúa và Giáo Hôi, và sống đúng tin thần Phúc Âm, chúng ta cần phải để cho Thiên Chúa can thiệp vào cuộc đời của chúng ta, như Đức Maria đã một lòng tin yêu, và không ngừng phó thác đời mình cho quyền năng của Thiên Chúa.
Để hạ mình xuống, và gạt đi những tính ích kĩ, cũng như tính tự tôn của bản thân, và của những đam mê thế tục, thì chúng ta không thể không cần đến ơn Chúa, và lòng thương xót của Người, như Đức Maria trong bài ca “Ngợi khen” : Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Chúa (Lc 1, 50). Kính sợ Thiên Chúa, là dấu chỉ của người có đức tin vững mạnh. Lời “Xin vâng” của Đức Maria một cách nào đó, vừa diễn tả lòng kính sợ Chúa, vừa nói lên niềm tin của mình vào một Thiên Chúa Toàn Năng.
Tuy nhiên, để nói lời “Xin vâng” thì không khó, nhưng để thực thi lời “Xin vâng” thì không đơn giản chút nào. Chính vì thế, muốn làm được điều như Đức Mẹ đã làm, chúng ta cần phải siêng năng chạy đến với Thiên Chúa, để xin Ngài ban ơn giúp sức cho chúng ta, đồng thời chuyên cần học đòi bắt chước theo gương của Mẹ.
Xin cho chúng ta biết học nơi Mẹ cách đáp trả bằng tiếng “Xin Vâng” trong hoàn cảnh, để dù đứng trước bất cứ mọi biến cố vui, buồn, sướng, khổ nào, chúng ta cũng sẵn sàng đón nhận một cách khiêm tốn như Mẹ.