Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHIỀU THỨ NĂM TUẦN THÁNH – (Ga 13,1-15) “YÊU ĐẾN CÙNG”

 

 

 

I.Ai ra đi không từng bịn rịn

 Rời yêu thương hồ dễ mấy ai quên ?”.

Yêu thương là một trong những điều cần nhất để sống trên đời. Ai cũng cần yêu thương và cần được yêu thương. Nhưng con người lại không có khả năng bảo tồn và phát huy ‘yêu thương’ mãi mãi.

II. Chúa Giêsu là “Dung Nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa” dành cho con người qua Mầu Nhiệm Nhật Thể (x. Tông chiếu Misericordiae Vultus,1). Mà trong Giao Ước Sinai, Thiên Chúa nhận con người là “cục cưng” của Ngài (x. Xh 19,5); và trong Tân Ước, Chúa Giêsu khẳng định :  “Hãy xem chim trời:  chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho;  thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng.  Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (Mt 6,26). Nên xuất phát từ Lòng Thương Xót, “Chúa Giêsu vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng…” để làm cái điều mà con người không thể làm, đó là bảo tồn và phát huy tình yêu thương mãi mãi (x. Ga 13,1-5). 

Trong các trình thuật về Bữa Ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các tông đồ, Tin Mừng Nhất Lãm đều đề cập đến việc Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Chỉ mình Tin Mừng Gioan đề cập đến “Giờ” Ngài “phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha”. Ngài vẫn “yêu thương những kẻ thuộc về mình”, Ngài “yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1), và biểu tỏ tình yêu thương qua hành động Rửa Chân cho các tông đồ (một cử chỉ hiếu khách theo truyền thống Do Thái : chủ sai đầy tớ rửa chân cho khách mà thôi).

“Yêu đến cùng”, diễn tả tính chung thủy của tình yêu. Chúa Giêsu yêu cho đến chết, cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời trần thế, đến mức không thể nào yêu thương hơn được nữa. Ngài đã hiến mình làm của ăn cho con người và đã chịu chết cho con người. “Yêu đến cùng”, còn diễn tả tính thăng hoa. Ngài thăng hoa trên tất cả những gì con người có thể nghĩ ra để bày tỏ tình yêu. Ngài yêu đến nỗi quên rằng mình là Chúa, là Thầy, không quản ngại cúi xuống rửa chân cho các tông đồ, và rửa chân cho họ theo cung cách như một người đầy tớ quỳ xuống rửa chân cho chủ.

            Theo quan điểm của thánh sử Gioan, khi trình thuật Bữa Tiệc Ly, không chỉ không hàm ý (1) trước khi hiến thân chịu chết trên cây thập giá và (2) trước khi hiến thân mình làm của ăn thường tồn cho con người, mà như thánh sử muốn độc giả hướng đến hành động “yêu đến cùng = rửa chân”. Bằng một việc làm sống động : Chúa Giêsu đã (3) quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ. Việc làm sống động này diễn ra giữa bầu khí thân mật Thầy – Trò trong bữa ăn, để Chúa Giêsu dạy một điều răn mới. “Mới” không phải ở điểm “hãy thương yêu nhau”, mà “mới” ở mức độ “hãy yêu thương nhau như’ Thầy yêu thương”, và “mới” ở cách thức thực hành “soi theo gương” như Thầy đã làm mà làm cho nhau. Hội ý cả 3 việc làm này, bùng lên một điểm sáng liên kết với nhau chặt chẽ và muốn nói lên tư cách phục vụ: phục vụ như Người Tôi Tớ mà xưa kia ngôn sứ Isaia đã loan báo, là phục vụ cách khiêm nhu với tình yêu hy sinh chính bản thân mình.

 

III.        Hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn rửa chân cho mỗi người. Ngài rửa chân cho con người bằng chính Lòng Chúa Thương Xót, được tỏ bày ra bằng sự tôn trọng con người, bằng việc trao ban cả mạng sống của Ngài để con người cảm nhận được Lòng Chúa Thương Xót là hạnh phúc cứu độ của con người. ĐTC Phanxicô mời gọi: cá nhân mỗi người hãy quyết định để cho Chúa gặp gỡ, tha thứ, yêu thương và đem lại niềm vui cho mình (x. Tông Huấn Evangelii Gaudium, 3).

Vì, “thực thi Lòng Thương Xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không phải là dấu chỉ của sự bất tài, nhưng là của sự toàn năng. Phụng Vụ Hội Thánh đã cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thể hiện quyền năng của Chúa cách tỏ tường nhất khi Chúa tha thứ và xót thương (CN 26 TN). Trong lịch sử nhân loại, Thiên Chúa bao giờ cũng là Đấng hiện diện, gần gũi, quan phòng, thánh thiện và đầy Lòng Thương Xót” (Tông Chiếu Misericordiae Vultus, 6).

Qua hành động Rửa Chân, Chúa Giêsu đã làm gương trước và mời gọi con người cũng yêu thương và khiêm nhu phục vụ nhau theo mẫu thức “yêu như Thầy đã yêu”, “làm như Thầy đã làm”. Khi “cử hành việc rửa chân”, Ngài “rửa chân” để người khác được lớn lên, được sống xứng nhân phẩm, xứng địa vị là con cái Thiên Chúa; và tiên quyết, chắc hẳn Ngài đã “thứ tha”. “Thứ tha” là sức mạnh để Kitô hữu hôm nay “cử hành” được lệnh truyền của Thầy Chí Thánh Giêsu.

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI