Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN B

CHÚA NHẬT 14 TN-B

TRƯỚC THỐNG HỐI

Ca dao Việt Nam có câu :

“ Cá không ăn muối cá ươn,

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”

            Thiên Chúa là bậc cha mẹ tối cao, con người là con cái của Người. Chúng ta cần nhận ra lòng thương yêu của Người trong việc Người dạy bảo chúng ta. Người đã ban cho chúng ta Lề Luật của Người trong Cựu Ước và Tân Ước, nhưng người vẫn cho chúng ta các vị ngôn sứ -những người nói thay cho Người- để các ngài nhắc bảo chúng ta sống đúng chân tính của mình. Chúa Giêsu đến trần gian, chấm dứt thời ngôn sứ. Người là chính Lời của Thiên Chúa nói với nhân loại.  Chúng ta tạ ơn Chúa và thành tâm thống hối.

            + Lạy Chúa, vị ngôn sứ hành động dưới sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa để nói thay cho Chúa, chuyển sứ điệp của Chúa đến cho chúng con. Nhưng chúng con đã không tỉnh thức để lắng nghe lời các ngài dạy bảo.

+ Lạy Chúa, Thánh Thần là sức mạnh của Chúa làm cho vị ngôn sứ được “vững mạnh và nghe rõ tiếng Chúa phán” (x. Ed 2,2). Nhưng chúng con lại “mặt dầy mày dạn, lòng chai dạ đá, phản nghịch, nổi loạn chống lại” lời ngôn sứ dạy bảo. 

+ Lạy Chúa, vị ngôn sứ là người “được Chúa sai đi và ở lại nơi chỉ định”. Nhưng chúng con không nhận ra sự hiện diện của vị ngôn sứ là biểu tượng cho “quà tặng” Chúa ban cho chúng con.

 

CHÚA NHẬT 14 TN-B

(Ed 2,2-5; 2 Cr 12,7-10; Mc 6,1-6)

 

            I.          Nhờ những điều ghi trong sách Công Vụ Tông Đồ và trong các thư của thánh Phaolô thuật lại, chúng ta biết cuộc đời của thánh Phaolô đầy gian nan, và ngài phải chịu đau khổ rất nhiều trong khi thi hành sứ vụ chứng nhân cho Chúa Giêsu. Qua kinh nghiệm ‘đụng chạm’ với một số người “đội lốt tông đồ” (x. 2 Cr 11,13), ngài giúp chúng ta đi tới xác tín chân lý: Thiên Chúa biểu lộ sức mạnh của Người trong sự yếu đuối của chúng ta.

 

II.         Các đối thủ của thánh Phaolô trưng dẫn nguồn gốc Do thái, tài hùng biện và những cảm nghiệm huyền bí họ có. Họ không lấy Chúa là mục đích, nhưng lấy họ làm tiêu chuẩn. Họ không nhìn nhận vai trò của Thiên Chúa, họ tự hào “theo tính xác thịt” về tất cả những gì họ có (x. 2 Cr 11,18). Những thái độ này, dẫn đưa họ tới chỗ thường tự cao tự đại. Tính tự cao tự đại này là nguyên nhân gây nên những xáo trộn trong cộng đoàn.

             Trái lại, thánh Phaolô dựa trên nguyên tắc căn bản: “Ai tự hào, hãy tự hào trong Chúa” (2 Cr 10,17). Ngài chỉ tự hào với những đau khổ ngài chịu, và những yếu đuối ngài có. “Có Thiên Chúa biết” (2 Cr 11, 11), đó là nền tảng để chúng ta biết mình. “Đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào” (1 Cr 3, 21). Chúng ta biết mình với cái biết của Thiên Chúa, không phải với cái biết của mình, vì cái biết của chúng ta dễ bị sai lạc do cái không biết của người khác hoặc do tham vọng của chính chúng ta. Biết mình trong cái biết của Chúa luôn luôn đưa chúng ta tới thái độ khiêm nhường tín thác vào Chúa (x. Tv 139,24).

            Khiêm nhường để nhận ra rằng nếu Chúa không ban, mình chỉ là tay trắng. Tự hào để xác tín rằng nếu Chúa không nâng đỡ, mình không thể vượt thắng được những khó khăn. Vì những giúp đỡ thánh Phaolô nhận được từ các cộng đoàn khác, tính độc lập, tự lực cánh sinh của ngài… là những dấu hiệu của ân sủng. Chỉ có một điều ngài trổi vượt mọi người, đó là ngài luôn nhớ mình thuộc dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn; và giờ đây lại trở thành Dân mới, thuộc về Chúa Giêsu (x. 1 Pr 2, 9).

            Những gian khổ trong cuộc đời tông đồ của thánh Phaolô, như ngài tự thuật (x. BĐ II – 2 Cr 12,7-10) và đó cũng là những “bài học” ngài để lại cho chúng ta:

– bài học thứ nhất, không ai có thể thắng vượt được bản thân, nếu không hoàn toàn trông cậy vào sự can thiệp của ơn Chúa.

– bài học thứ hai, đau khổ giúp khiêm nhường hơn trong sứ vụ.

          bài học thứ ba, khiêm nhường biết mình yếu đuối và biết ơn Chúa mạnh mẽ, giúp “vui mừng và tự hào” với vai trò ngôn sứ.

 

III.        Thái độ chống đối của con người dành cho các ngôn sứ và cho cả Chúa Giêsu trong dịp Người trở về quê hương Nazareth của Người, chúng ta có thể tóm tắt, vì :

+ Họ không muốn tuân giữ bất cứ luật lệ nào của Thiên Chúa cũng như của loài người (x. Ed 2,3-4).   

+ Ai không sống và làm như họ, họ bắt bớ, vu khống và gây đau khổ cho những người này (x. 2 Cr 12, 10 bc).

+ Họ lấy mình làm tiêu chuẩn để phán xét mọi người, và chỉ xem bề ngoài để đánh giá vị ngôn sứ (x. Mc 6,3).

            Những giây phút chăm chú đọc và suy gẫm Kinh Thánh, và những giây phút chiêm ngắm cùng rước nhận Thánh Thể Chúa Giêsu vào lòng mình : đó là bí quyết giúp chúng ta vui sướng chấp nhận giới hạn của mình, đồng thời nhận rõ sức mạnh của ơn Chúa. Nhờ đó, mỗi người chúng ta khiêm nhường chu toàn bổn phận xây dựng Huyền Thể Chúa Giêsu theo những khả năng Chúa ban cho chúng ta trong bổn phận thường ngày.

Đây là môi trường tốt nhất để Chúa Giêsu được tôn vinh. Đây là môi trường thuận lợi nhất để Chúa Giêsu thực hiện nhiều phép lạ mà Người chưa thực hiện ở Nazareth. Đây là “quê hương” để Chúa Giêsu ở giữa “đồng bào” mình, cho họ được bình an hạnh phúc.

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI