Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 16-A TN (BÀI 2)

DẪN VÀO THÁNH LỄ
 
Hội Thánh xác tín và cầu nguyện : khi Chúa thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả (CN 26 TN). Thiên Chúa đã đối xử rất khoan dung với những ai tội lỗi để chờ cho họ ăn năn thống hối. Vịnh gia đã vang lên “Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm bất bình và rất mực khoan dung (Tv 85). Nên dù có nhiều người mong Thiên Chúa trừng trị kẻ xấu, Thiên Chúa vẫn khoan dung cho người ta có thời gian hoán cải. Thiên Chúa kiên nhẫn chờ cho những yếu tố tốt dần dần phát huy ảnh hưởng nơi con người. Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay giải thích về vấn đề này, và chúng ta xin Thánh Thần Thiên Chúa chỉ cho chúng ta một cách sống thích hợp trong cuộc đời lẫn lộn tốt xấu này.
 
– Lạy Thiên Chúa Ngôi Cha, Chúa là Đấng quyền uy, luôn xử với chúng con bằng Lòng Thương Xót của Chúa. Còn tuy nơi bản thân chúng con đầy khuyết điểm, nhưng chúng con thường khắt khe với những khuyết điểm của người khác. Xin Chúa thương xót chúng con.
 
– Lạy Thiên Chúa Ngôi Hai, Chúa đã xuống thế làm người, và chịu chết cho chúng con. Trên Thánh Giá, Chúa đã xin Chúa Cha tha tội cho những người giết Chúa, nhưng không ít lần chúng con lại nuôi ý muốn làm hại những người va chạm với mình, bằng những lời vu khống, bằng những việc tẩy chay. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
 
– Lạy Thiên Chúa Ngôi Ba, Chúa luôn cầu thay nguyện giúp chúng con bằng những tiếng rên siết khôn tả đẹp lòng Chúa Cha và sinh ích lợi cho chúng con. Nhưng rất nhiều khi chúng con trách Chúa, vì Chúa đã không sớm giải thoát chúng con khỏi những bất công mà chúng con gặp phải. Xin Chúa thương xót chúng con.
 
SUY NIỆM CHÚA NHẬT 16-A TN (BĐ II – Rm 8,26-27)
 
I.        Tục ngữ Việt Nam có câu : “biết được sự trời, ba đời không khó”. Điều này cho thấy tầm hiểu biết về thiên nhiên của con người rất giới hạn; và càng giới hạn rất lớn về mặt tâm linh. Thánh Phaolô đã nhìn thấy khó khăn nầy và ngài dạy : “Thánh Thần giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thánh Thần cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8, 26). 
 
II.       Từ đầu chương 8 thư Roma, thánh Phaolô nói cuộc sống mới của Kitô hữu là phải sống theo Thánh Thần. Vì Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết (x. Rm 8,11), cũng sẽ làm cho chúng ta được “giải thoát khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8,2) để làm cho chúng ta nên người con của Thiên Chúa (x. Rm 8, 15b-16). Ðối với Chúa Giêsu, sống theo Thánh Thần của Thiên Chúa không chỉ là làm mọi sự dưới ảnh hưởng của Thánh Thần, mà còn để cho chính Thần Thần biểu dương sức mạnh của Người trong việc thực hiện công trình Cứu Chuộc và áp dụng Ơn Cứu Chuộc ấy trong tương lai.
Thánh Phaolô không chỉ gọi Thánh Thần là “Thần Khí của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu”, mà ngài còn gọi là “Thần Khí của Chúa Giêsu”. Khi gọi “Thần Khí của Chúa Giêsu”, ngài muốn chúng ta lưu ý đến “tinh thần làm con, làm trưởng tử của nhân loại mới” nơi Chúa Giêsu. Nhờ đó, chúng ta sẽ hiểu được thế nào là “sống theo Thánh Thần” (Rm 8,5), thế nào là “sống như con cái Thiên Chúa” (1 Ga 3,2).
          Ðể nói lên thân phận yếu hèn, thánh Phaolô đã dùng một thuật ngữ rất gợi hình: rên siết như sắp sinh nở (Rm 8,22). Rên siết, không chỉ là một tình trạng đau đớn, nhưng là muốn diễn tả một trạng thái tinh thần mòn mỏi đợi chờ ơn cứu độ, là một phản ảnh của niềm hy vọng cứu chuộc. Vì tất cả mọi thụ tạo “ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8, 19). Còn Thánh Thần, “bằng những tiếng rên siết khôn tả”, cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.
Khi diễn tả Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho chúng ta “bằng những tiếng rên siết khôn tả”, thánh Phaolô muốn nói lên nỗi lòng của chính Thiên Chúa, Ðấng cứu chuộc chúng ta. Một nỗi lòng đầy thương xót của Thiên Chúa như muốn nổ bung ra để bao phủ con người. Phía chúng ta những “ngong ngóng đợi chờ”, phía Thiên Chúa càng trông mong cứu độ chúng ta hơn nhiều. Vì Người chỉ muốn chúng ta mau chóng trở về hiệp nhất với Người và chia sẻ vinh quang của Người đang dành sẵn cho mỗi chúng ta.
          Nhờ Thánh Thần, khi thưa hai tiếng “Cha ơi!” lên Thiên Chúa, chính là chúng ta cầu nguyện, là sống mối tương quan với Thiên Chúa. Một khi thực hành được điều này, đó là con người chúng ta được đổi thay rồi. Thay đổi từ trình trạng ‘nô lệ’ sang tình trạng là ‘người con’, như thánh Phaolô nói : “đâu phải là tinh thần nô lệ khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thánh Thần làm cho anh em trở nên người con” (Rm 8,15). Chính vì chúng ta vẫn yếu hèn và sợ sệt nên Thánh Thần vực chúng ta chỗi dậy, giúp chúng ta ý thức lại căn tính của mình, để chúng ta hết sức sống vai trò người con của Thiên Chúa. Tư cách “người con”, đó là điều kiện nền tảng để chúng ta cầu nguyện và sống đời cầu nguyện.
       
          III.     Gia nhập Nước Trời là bước vào một tương quan mới giữa Thiên Chúa với con người.  Tương quan mới này là “cầu nguyện”, là con người sống mối tương quan với Thiên Chúa.  Dù “chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải”, có nghĩa là chúng ta không biết phải sống tương quan mới với Thiên Chúa như thế nào, Thánh Thần giúp đỡ chúng ta sống mối tương  quan ấy.
Thiên Chúa đích thân đến với chúng ta qua Chúa Giêsu (x. Dt 1, 1-2), để chúng ta được sống và sống phong phú (x. Ga 10,10). Thánh Thần sẽ uốn nắn cuộc đời chúng ta nên môn đệ của Chúa Giêsu theo Tin Mừng, để chúng ta được sống và sống phong phú như Lòng Chúa Thương Xót. Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả, để lời cầu nguyện của chúng ta đẹp lòng Thiên Chúa.
Như vậy, bằng hai câu đầy cảm xúc (x. Rm 8,26-27 – BĐ II), thánh Phaolô mặc khải cho chúng ta chân lý : vì con người không biết cách cầu nguyện thế nào cho đúng, nên Thiên Chúa ban cho con người chính Thánh Thần của Thiên Chúa, để giúp con người chúng ta dâng lên những lời cầu nguyện thích hợp, vừa đẹp lòng Thiên Chúa vừa sinh ích lợi cho con người. Ước mong mỗi ngày, chúng ta ở bên Thánh Thể Chúa Giêsu vài khoảnh khắc thời gian nào đó, để hòa nhịp với “những tiếng rên siết khôn tả” của Thánh Thần Chúa Giêsu, dâng lên Thiên Chúa Cha tiếng nói thân thương của người con, tiếng nói bao hàm trong lời “Cha ơi”. Chúa Giêsu Thánh Thể, Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót, đang mong chờ chúng ta thưa với Ngài : “Cha ơi”.
 
KINH RƯỚC LỄ THIÊNG LIÊNG : Kính lạy Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, bởi Chúa hằng muốn kết hợp cùng con trong Bí Tích Thánh Thể, nên lòng con khát khao ước ao rước Chúa ngự vào lòng con lắm. Song bây giờ con chẳng được Rước Mình Máu Thánh Chúa, thì ít nữa là xin Chúa thương ngự vào lòng con cách thiêng liêng. Lạy Chúa xin thương ngự vào lòng con. Amen.
(Thánh FranÇois De Sales khuyên:
cứ mỗi mười lăm phút,  nên lặp lại lời kinh Rước Lễ Thiêng Liêng này).
 
 

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI