Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN B

CHÚA NHẬT 16 B – TN

TRƯỚC THỐNG HỐI

Mục tử và đàn chiên là một hình ảnh rất quen thuộc đối với dân Israel, vốn là dân du mục. Hình ảnh này được dùng để diễn tả mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân Israel :  một Thiên Chúa hết lòng thương yêu chăm sóc đoàn chiên, và hứa ban cho dân một vị mục tử xuất thân từ dòng dõi Đavid để lãnh đạo dân Ngài trong công bình chính trực, đem lại cảnh thái bình thịnh vượng. Chúa Giêsu chính là vị mục tử tốt lành mà các ngôn sứ đã loan báo.

+          Lạy Chúa, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “các con hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Đó là tâm tình mục tử luôn quan tâm đồng cảm với chúng con. Nhưng chúng con lại chưa nhận biết giá trị quan trọng và mục đích cao quý của sự nghỉ ngơi, là cần ‘ở lại’ bên Thánh Thể Chúa Giêsu.

+          Lạy Chúa, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “các con hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Đó là tâm tình mục tử muốn sống tình thầy trò. Nhưng chúng con lại chưa nhận ra để sống mối tương giao mật thiết với thầy Giêsu và với nhau, là cần ‘ở lại’ bên Thánh Thể Chúa Giêsu.

+          Lạy Chúa, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “các con hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Đó là tâm tình mục tử trao ban bí quyết để thành công trong bổn phận. Nhưng chúng con lại chưa nhận ra sự khẩn thiết của việc để phản tỉnh và phân định, là cần ‘ở lại’ bên Thánh Thể Chúa Giêsu.

 

 

SUY NIỆM

(Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6,30-34)

 

I. Ông Tuân Tử [313 – 238 tCN] viết : “Tri bỉ tri kỉ giả, bách chiến bất đãi; Bất tri bỉ tri kỉ giả, nhất thắng nhất phụ; Bất tri bỉ, bất tri kỉ, mỗi chiến tất đãi  – Biết địch biết ta, trăm trận không nguy; Biết ta mà không biết địch, trận thắng trận bại; Không biết địch không biết ta, trận nào cũng bại”. Dường như ông chỉ muốn lấy cái tinh thần của người quân tử khiêm nhường hiếu hòa, đánh chỉ cần không thua, không thua có khả năng hòa.

Người đời sau ai đó đổi vế thứ nhất thành : “Tri kỉ tri bỉ bách chiến bách thắng – Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Phải chăng ai đó hiếu chiến và ngạo mạn, nên nói đánh trăm trận trăm thắng.

 

II.         Nhờ ở trong bầu khí thinh lặng, con người có khả năng phản tỉnh và phân định được điểm mạnh điểm yếu của người khác và của bản thân mình. Có thời gian nghỉ ngơi bồi dưỡng tinh thần thể chất, mới có bình tĩnh bình an để nhìn lại những việc đã làm cho tha nhân có đáp ứng nguyện vọng của họ không.

Ngôn sứ Giêrêmia từng hoạt động tại Giêrusalem vào khoảng từ năm 627-587 tCN (x. BĐ I), là hình ảnh của con người lãnh đạo biết đáp ứng lại nguyện vọng của dân chúng. Thời ngôn sứ Giêrêmia, thành quách của cộng đồng Israel ở Giêrusalem đã bị phá huỷ bởi Vua Babylon là Nebuchodonoso. Suốt 40 năm loạn lạc, ông cùng chia sẻ những khổ đau với dân chúng.

Ông hướng dẫn mọi người đặt niềm tin tưởng và hy vọng vào sự giải cứu của Thiên Chúa. Ông đã không ngại nói thẳng và nói thật với các nhà lãnh đạo đương thời đã làm cho đoàn chiên thất lạc và tan tác (x. Gr 23,1). Trước tình trạng đó, ngôn sứ Giêrêmia loan báo tin vui : “Chính Chúa sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo dân; các mục tử sẽ chăn dắt dân. Dân không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi” (x. Gr 23,3-4).

            Điều quan tâm của ngôn sứ Giêrêmia là dân chúng lúc này đang “như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34). Và ông tuyên sấm : “Này, sẽ tới những ngày Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa vít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi
trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh” (Gr 23,5). Chúa Giêsu chính là người Mục Tử như chính Người đã tự xưng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (Ga 10, 11.14). Người Mục Tử nhân lành không chỉ quan tâm đến điều dân chúng đang mong đợi, nhưng còn biết hướng dẫn dân chúng đến cái vĩnh hằng để dân chúng “được sống và sống phong phú” (x. Ga 10,10).

Bởi vậy, Tin Mừng hôm nay thuật lại, khi các tông đồ trở về bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy, Người nhận ra sự bận rộn trong công tác mục vụ của các ông. Để tránh cho các ông nguy cơ bị “làm việc quá độ” mà quên đi mục đích chính, Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. “Nghỉ ngơi”, là thời điểm quan trọng để được “ở lại” bên Thầy Giêsu. “Ở lại” là điều kiện tiên quyết giúp dễ phản tỉnh và phân định việc đã làm.

Các tông đồ chưa được nghỉ ngơi bao lâu, dân chúng lại lũ lượt theo đường bộ kéo nhau đến ngay nơi các ngài định tới. Chúa Giêsu “động lòng thương xót”. Nhu cầu tông đồ lại xoay chuyển sang phía dân chúng là “bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34). Dân chúng đang cần đến Mục Tử Giêsu.

Chúa Giêsu đã nêu gương cho các tông đồ trong tình huống này.  Người “động lòng thương xót” dân chúng, nên “bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Người đã chọn ưu tiên phục vụ cho dân chúng thay vì cùng với các tông đồ nghỉ ngơi. Người không nghĩ tới bản thân mình.

Trái tim Người Mục Tử luôn quặn đau trước nỗi thống khổ của dân. Người biết rõ nhu cầu của dân, nên Người càng muốn hi sinh tất cả cho dân. Chính Người đã nói: “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hi sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”. (Ga 10,14-15).

           

III.        Tâm tình “động lòng thương xót” của Chúa Giêsu, được thánh Phaolo trong BĐ II (Ep 2, 13-18) cho thấy : Thiên Chúa mở rộng ra không chỉ người Israel mà cho cả Dân ngoại cùng được hưởng hạnh phúc xót thương này, là được sống trong Chúa Giêsu. Trong cái chết trên Thánh Giá, Người phá bỏ bức tường ngăn cách giữa Dân ngoại với dân Israel, để trong Người cả hai làm thành con người mới và một dân mới (x. Ep 2,15). Cái chết này đem lại cho nhân loại :

1)- Bình an giữa con người với con người. Trong Chúa Giêsu, những ngăn cách do chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa đều bị xóa bỏ (x. Cl 3,11).

2)- Bình an giữa con người với Thiên Chúa. Trong Chúa Giêsu, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha (x. Ep 2,18).

 Bởi vậy, như các tông đồ, chúng ta mau trở về với Chúa Giêsu Thánh Thể sau những ngày giờ thực thi sứ vụ trong bổn phận thường ngày. Chúa Giêsu Thánh Thể là Vị Mục Tử Nhân Lành mà ngôn sứ Giêrêmia loan báo để hướng dẫn chúng ta (x. Gr 23,3-5). Chúa Giêsu Thánh Thể là Vị Mục Tử Nhân Lành như chính Người khẳng định (x. Ga 10, 11.14).  Trở về với Chúa Giêsu Thánh Thể, để đáp lại lời Người đã kêu gọi chúng ta : “Hỡi các con đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Cha”; trở về và “ở lại” với Chúa Giêsu Thánh Thể, chính là lúc chúng ta được “Cha sẽ cho các con nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI