Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 20-A TN

CN 20-A TN
(Rm 11,13-15.29-32; Mt 15,21-28)
 
I.          Phòng Chầu Thánh Thể Tập Viện và Nhà Mục Vụ Đan Viện Xi-tô Thánh Mẫu An Phước, có tôn vinh Thánh Giá Chúa Giêsu chịu đóng đinh chỉ có một tay trái và hai bàn chân, còn tay phải đã rời khỏi thập giá và giơ ra phía trước như đang ban phép lành.
 
            Giai thoại kể rằng: Tại một Nhà Thờ bên Tây Ban Nha, có Cha Xứ kia rất là nghiêm khắc. Một giáo dân thường xuyên đến xưng tội với ngài, lần sau cũng xưng một tội như lần trước. Sau nhiều lần, Cha Xứ nói : “Đây là lần cuối cùng cha giải tội cho con”.
 
 
Ít lâu sau, người giáo dân đó đến xưng tội, và lần này cũng xưng một tội như mấy lần trước. Cha Xứ nói : “con đừng có đùa với Chúa! Cha không thể giải tội cho con được nữa”. Nhưng, ngay lúc đó, Cha Xứ và người giáo dân trong tòa đều nghe tiếng của Chúa Giêsu phán từ Thánh Giá: “Cha tha tội cho con!”. Và Chúa Giêsu còn nói riêng với Cha Xứ: “Chính Cha chịu đổ máu ra để rửa sạch mọi vết nhơ tội lỗi của loài người, chứ không phải con!” 
 
Từ ngày đó, người ta thấy cánh tay phải của Chúa Giêsu thả xuống giơ ra phía trước, không còn gắn vào Thánh Giá.
 
II.         Giai thoại trên, muốn nhắc lại với mọi người lời Kinh Thánh : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Người Con Một của Thiên Chúa là Chúa Giêsu. Nên thánh Phaolô viết: “Chúa Giêsu đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa thương yêu chúng ta” (Rm 5,8); và thánh Phaolô còn khẳng định : “đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32).
 
Theo những lời Kinh Thánh đó, làm sao Thiên Chúa bỏ rơi con người là “hình ảnh của Người” được; làm sao Thiên Chúa bỏ rơi con người là “cục cưng của Người” được (x. Xh 19,5); làm sao Thiên Chúa không thương xót con người được. Thi sĩ Tản Đà có vần thơ: Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai, Thiên Chúa với con người cũng như hình với bóng vậy, nên Thiên Chúa phế bỏ con người cũng là phế bỏ Thiên Chúa ! Thiên Chúa không làm vậy được. Thiên Chúa đã từng khẳng định với con người: “Cha đã thương con bằng tình yêu muôn thuở, Cha đã lôi cuốn con bằng lòng thương xót của Cha”(Gr 31,3). Lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người, được thánh Phaolô gọi là “Kế Hoạch Cứu Độ – Economia Salutis”.
 
Theo kế hoạch này, Ơn Cứu Độ bắt đầu từ số nhỏ rồi lan ra đến hết mọi người. Thiên Chúa chọn dân Israel làm Dân Riêng từ đầu để chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai tới. Việc tuyển chọn này là do Lòng Chúa Thương Xót : “Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân” (Đnl 7,7). Từ dân Israel, Ơn Cứu Độ lan tỏa ra cho Dân Ngoại khắp nơi trên thế giới đến tận cùng trái đất.
 
Với một chứng lý khác (Rm 11, 13-15.29-32), thánh Phaolô muốn minh chứng Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương chúng ta. Dân Israel và Dân Ngoại đều là những người không vâng phục Thiên Chúa. Nhưng, Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Thiên Chúa lại dùng ngay thái độ không vâng phục này để tỏ cho hết mọi người thấy Lòng Chúa Xót Thương con người. Thánh Phaolô xác tín : “Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý” (Rm 11,29).
 
Còn Kitô hữu gốc Dân Ngoại, trước kia là những kẻ “không vâng phục Thiên Chúa”. Thiên Chúa vẫn xót thương, vẫn cho họ được đón nhận Tin Mừng. Dân Ngoại được xót thương và được đón nhận Tin Mừng, không phải vì họ xứng đáng, nhưng là ân sủng của tình yêu Thiên Chúa. Tín hữu gốc Dân Ngoại cũng như dân Israel, chẳng ai hơn ai, tất cả đều do Lòng Chúa Xót Thương. Nên thánh Phaolô xác tín thêm : “Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (Rm 11,32).
 
Giáo huấn của thánh Phaolô nhắc chúng ta lưu ý 2 điểm : Lòng Chúa Thương Xót luôn luôn trung thành, trước sau như một. Lòng Chúa Thương Xót luôn luôn xót thương mọi người, không phân biệt chủng tộc ngôn ngữ, Israel hay Dân Ngoại. Giáo huấn này, chúng ta thấy rõ hơn trong bài Tin Mừng (Mt 15,21-28).
 
Tin Mừng Nước Trời bắt đầu được loan giảng, Chúa Giêsu ban huấn thị cho các môn đệ:  “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel” (Mt 10,5-6). Nhưng bài Tin Mừng hôm nay, cho thấy ơn cứu độ đã đến lúc phải mang tính cách phổ quát và được ban cho muôn dân. 
 
Nhận biết thân phận bất xứng của mình, bà mẹ Canaan đã dám “đi ra” khỏi môi trường sống của mình, bất chấp những phê bình chỉ trích hay kỳ thị của những người khác, để gặp được Đấng Cứu Độ. Bà mẹ Canaan phải vượt qua những trở ngại trước khi con gái bà bị quỷ ám được chữa lành.
(1) Một. Thành kiến phân biệt chủng tộc. Chúa Giêsu và các tông đồ là người Israel, bà là người xứ Canaan, Dân Ngoại. Vì thương con gái, bà mẹ Canaan bất chấp mọi rào cản thành kiến để đến van xin Chúa : “Lạy Ngài là con vua David, xin dủ lòng thương tôi! Con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!”
 
(2) Hai. Thái độ của Chúa Giêsu và của các môn đệ. Bà mẹ Canaan đã can đảm vượt thành kiến nhưng vẫn phải chờ thái độ của Chúa và các môn đệ. Chúa không đáp lại một lời, và khi các môn đệ lại gần xin với Người rằng : “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi” ! Chúa đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi”. Không nản chí trước thái độ khước từ, bà mẹ Canaan đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi” !
 
(3) Ba. Thử thách của Chúa Giêsu. Chúa nói: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Bà mẹ Canaan vẫn không bỏ cuộc và đáp lại: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Chúa Giêsu phải nhường bước trước đức tin vững mạnh và lòng khiêm nhường của bà mẹ Canaan, và bảo: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.
 
III.        Để nhận được Lòng Chúa Thương Xót, nghĩa là được Thiên Chúa ban Ơn Cứu Độ, theo gương bà mẹ Canaan, con người cần “đi ra” vùng ngoại biên, vượt thành kiến, kiên nhẫn chờ đợi và khiêm nhường. Đó là những bước tiên quyết cần phải có. Vì Thiên Chúa tiền định một Kế Hoạch Cứu Độ và Thiên Chúa để con người hoàn toàn tự do muốn đáp lại lời mời gọi của Người hay không tùy ý con người.  Đáp lại lời gọi cứu độ của Thiên Chúa, chính là sống Đức Tin.
 
Sống Đức Tin là con người đến gặp Chúa Giêsu. Vì Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa Cha sai đến với con người. Con người tôn vinh Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu đưa con người ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, Chúa Giêsu ban cho con người được trở về làm con cái đích thực của Thiên Chúa, và Chúa Giêsu dẫn con người tới Quê Hương vĩnh cửu là nhà Cha trên trời (x. Pl 3,20). 
            Nơi Thánh Giá Chúa Giêsu, hiện thân Lòng Chúa Thương Xót. Một Lòng Chúa Thương Xót luôn luôn trung thành, trước sau như một. Một Lòng Chúa Thương Xót luôn luôn xót thương mọi người, không phân biệt một ai. Mà “Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót” là chính Chúa Giêsu (MV,1), Đấng là “Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta (x. Is 7,14; Mt 1,23). Chúng ta ngắm nhìn Thánh Giá Chúa Giêsu, và thân thưa với Ngài : “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.
 
Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu “đang ở cùng chúng ta. mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28,20). Việc tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể là cao cả nhất trong tất cả việc tôn thờ, là biểu lộ tình thân thương nhất đối với Chúa Chúa Giêsu, và hữu ích nhất cho con người (thánh Eymard). Nên thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II nói: “Thật thú vị biết bao khi chúng ta dành thời giờ ở với Chúa Giêsu, viếng thăm Chúa Giêsu, để được ở bên lòng Chúa Giêsu  (x. Ga 13,25). Và ĐTC Benedicto XVI xác tín “Kitô giáo không phải là một tôn giáo của sự sợ hãi, mà là tôn giáo của lòng tin tưởng và của tình yêu thương đối với Thiên Chúa Cha, là Đấng yêu thương chúng ta. Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần dạy chúng ta kêu lên “Abba, Cha ơi!” khi cầu nguyện (Vatican, ngày 23-05-2012). Mời gọi mọi người thường xuyên sốt sắng Rước Chúa Giêsu Thánh Thể; và nhất là nhiều lúc trong ngày, hướng về Thánh Đường và thân thưa với Chúa Giêsu Thánh Thể: “Abba – Cha ơi” (x. Rm 8,15).  

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI