Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 21 TN A

CHÚA NHẬT 21-A TN
(Rm 11,33-36; Mt 16,13-20)
 
             I.         Người xưa thường nói : “mạnh vì gạo, bạo vì tiền; lắm tiền nhiều gạo là tiên trên đời”. Cách sống của con người lẽ thường là như thế đó, có tiền có quyền là để phục vụ cá nhân, là để đánh giá một cá nhân. Còn Thiên Chúa toàn tài toàn năng là để cống hiến cho con người một “Kế Hoạch”.
 
Từ tuần 9 đến tuần 21 này, qua các đoạn được trích trong thư Rôma, thánh Phaolô trình bày “Kế Hoạch” này là “Kế Hoạch Cứu Độ”. Một “Kế Hoạch” chỉ muốn làm cho con người hạnh phúc, dù thuộc bất cứ dân tộc nào, thời đại nào, hay ở nơi đâu. Một “Kế Hoạch” hướng mỗi một con người tìm đến để gặp được Đấng ban ơn Cứu Độ là chính Chúa Giêsu, Đấng mà “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1, 16).
 
 
II.         Bài Đọc II (Rm 11,33-36), thánh Phaolô cho chúng ta thêm một cái nhìn thật phong phú về “Kế Hoạch Cứu Độ”. Nếu xét riêng BĐ, đây là lời tuyên xưng cao siêu thượng trí về Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Xét theo dòng suy tư của thánh Phaolô, đây là vinh dự cho dân Israel. Xét theo chủ đề Phụng Vụ Lời Chúa, đây là tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Chúa Giêsu trong “Kế Hoạch Cứu Độ”.
 
Từ những tư tưởng trong Cựu Ước (sách Gióp, Thánh Vịnh, Khôn Ngoan, Isaia, Giêrêmia…), thánh Phaolô ca tụng tôn vinh thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, vì tất cả là do Lòng Chúa Thương Xót. Một “Tấm Lòng” mà trí khôn con người không thể hiểu được, “những lý luận quanh co  chỉ khiến con người lìa xa Thiên Chúa” (Kn 13,3). Một “Tấm Lòng” mà trí khôn con người không thể đủ sức hiểu sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự” (1 Ga 3,20). Một “Tấm Lòng” mà con người thấy như điên rồ, nhưng “sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1 Cr 1,24 -25).
 
Thánh Phaolô cũng chỉ thấy được vài nét thường được ca tụng trong Kinh Thánh, đó là sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa. Nên thánh Phaolô khẳng định : “những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người” (Rm1,20). “Kế Hoạch Cứu Độ” chứa đựng thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.
 
Như thế, con người có thể hiểu được phần nào thánh ý của Thiên Chúa khi con người nhìn ngắm “Kế Hoạch Cứu Độ” ấy qua hai điểm: Thiên Chúa đã quyết định điều gì và Thiên Chúa đã thực hiện quyết định ấy thế nào. Thiên Chúa quyết định tuyển chọn chúng ta và cho chúng ta làm nghĩa tử. Thiên Chúa thực hiện quyết định ấy nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu (x. Ep 1,3-14). Vì “muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người” (Rm 11, 36).
 
 
            Bài Tin Mừng (Mt 16,13-20) giúp chúng ta hiểu thêm về chân tính của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi các môn đệ : “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” Các môn đệ biết rõ Chúa Giêsu là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria (x. Mt 13,54-58), trước mắt họ Chúa Giêsu cũng chỉ là con người như họ, vì Người “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl  2, 7). Tưởng như Chúa Giêsu đã một lần từng thất bại khi nói cho người Do thái biết Người là ai:  họ đã không tin (x. Ga 10,25-26). 
 
Ông Phêrô đã thưa : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Con người biết được chân tính kỳ diệu của Chúa Giêsu “không phải do phàm nhân mặc khải”, nhưng là do bởi chính Thiên Chúa Cha (x. Mt 16,17).  Riêng đối với ông Phêrô, bắt đầu từ hôm nay ông là Tảng Đá để Chúa sử dụng xây Hội Thánh của Người.  Chìa khóa Nước Trời cũng được Chúa Giêsu trao cho ông Phêrô để ông “ràng buộc và tháo cởi”, sử dụng quyền bính một cách tuyệt đối, nhưng không phải cho cá nhân ông mà cho toàn thể Hội Thánh.
 
III.        Nhận biết chân tính của Chúa Giêsu không chỉ là công việc của lý trí, nhưng còn là công việc của ý chí, của tâm tình.  Đây quả thực là một thách đố đối với nhiều người. Đừng ai tưởng chỉ cần “biết” Chúa là đủ rồi, nhưng còn cần phải “theo” Người, và “làm môn đệ” Người (x. Mc 8, 27-35).
 
        Bởi thế, câu hỏi “còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” từ nay  không đơn thuần là một câu hỏi thuộc lãnh vực lý trí; không đơn thuần là một câu hỏi dành cho ai đó, không phải cho chính bản thân mình.  Lời Chúa hôm nay, nhất là bài Tin Mừng, đòi hỏi mỗi một người chúng ta cần cố gắng tạo một mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu. Tương quan mật thiết với Chúa Giêsu, trên hết và trước hết, đó là gặp gỡ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu Thánh Thể, là địa chỉ cho mỗi chúng ta “ra đi khỏi mình” (x. Mt 15,21-28) đến gặp Ngài để có mối tương quan.
 
Gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi chúng ta sẽ đụng chạm được “Kế Hoạch Cứu Độ” của Thiên Chúa. Gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi chúng ta sẽ khám phá và cảm nghiệm được Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Thái độ hợp lý lúc này là khiêm cung dâng lên Thiên Chúa : “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả !” (Tv 104,1). Đó là sống đức tin.
 

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI