TRƯỚC THỐNG HỐI
Chúa Giêsu đến trần gian để phục hồi tinh thần giữ Lề Luật Môsê đã bị những nhà lãnh đạo Do Thái chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài. Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay tiếp tục kể lại sứ vụ loan giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, cụ thể điều ngôn sứ Isaia tiên báo về việc chữa lành bệnh tật thể xác cũng như bệnh tật thiêng liêng. Việc Chúa Giêsu chữa lành mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta là những kẻ nghèo hèn trước tôn nhan Người.
+ Lay Chúa, Chúa sáng tạo con người có miệng nói tai nghe, để con người dâng lên Chúa lời chúc tụng, cảm tạ, cầu khẩn và xin ơn tha thứ lỗi lầm. Nhưng biết bao lần chúng con không muốn lắng nghe, không muốn ca tụng Chúa, không nói những lời xây dựng và an ủi động viên nhau.
+ Lạy Chúa, khi chữa cho người điếc và ngọng trong Tin Mừng, Chúa “kéo riêng bệnh nhân ra khỏi đám đông”, để bệnh nhân hoàn toàn ở trong sự hiện diện với Chúa. Người bệnh điếc và ngọng cũng là hình ảnh của chúng con, nhưng chúng con không biết đến bên Thánh Thể Chúa Giêsu để đón nhận “sự hiện diện = quà tặng” yêu thương của Chúa.
+ Lạy Chúa, Chúa Giêsu đã “vào miền Thập Tỉnh”, vùng đất nằm ngoài miền Đất Hứa, trong ảnh hưởng của ma quỷ. Nhưng chúng con chưa theo gương Chúa đi loan báo Tin Mừng, để đem niềm tin yêu hy vọng cho muôn dân nước và muôn loài thụ tạo.
CHÚA NHẬT 23 – B TN
(Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37)
I. Năm -722 tcn, vua Sargon II nước Assyri chiếm Israel. Một số dân ưu tú của Israel bị lưu đày. Sau hơn ba trăm năm thống trị, đế quốc Assyri suy tàn thay vào đó là đế quốc Babylon.
Năm -598 tcn, Vua Nabucôđônoso của Babylon lại bắt một số dân ưu tú khác đi lưu đày Babylon. Năm -587 tcn, vua cho bình địa thành Giêrusalem và đền thờ, và lại còn bắt nhiều dân sang Babylon lưu đày. Từ tk -8 đến -6 tcn: dân Israel bị 3 lần phát lưu.
Tại quê nhà Israel chỉ còn lại một ít dân, bỗng có tin binh động ở một vài nơi. Người ta lo sợ mất tất cả những gì còn sót lại. Chính lúc này, ngôn sứ Isaia được Thiên Chúa sai đến với dân. Ngôn sứ kêu mời dân: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Chúa sẽ đến cứu anh em” (Is 35,4).
II. Ngôn sứ Isaia, trong BĐ I, gọi đây là “ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội”. Gọi là “ngày báo phục”, vì ThiênChúa muốn loại trừ ảnh hưởng tội lỗi và lập lại mối tương quan với loài người đã bị tội lỗi cướp đoạt. Hậu quả lớn nhất do tội lỗi gây nên là cái chết, chết phần xác và chết phần hồn.
Lời loan báo này đã ứng nghiệm ở hai giai đoạn:
(1) Thiên Chúa giải phóng dân và cho hồi hương để tái thiết xứ sở và xây dựng lại Đền Thờ. Điều này xảy ra khi Cyrus, vua Ba Tư, cho dân Israel hồi hương, năm -487 tCN.
(2) Lời loan báo này cũng chính là báo trước ngày Đấng Thiên Sai sẽ đến để chữa lành mọi bệnh tật hồn xác cho dân. Điều này đã xảy ra khi Chúa Giêsu đến.
Trong BĐ II, để nhắc nhớ thân phận của chúng ta và lòng thương xót của Thiên Chúa, thánh tông đồ Giacôbê, không ngại gọi chúng ta là “những kẻ nghèo khó trước mặt người đời”. Và, ngài cũng khẩn khoản mời gọi chúng ta hãy nên “những người giàu đức tin” giữa trần gian (x. Gc 2,5). Giàu đức tin, mới tràn ra ngoài, biểu hiện qua lối sống và cách cư xử của chúng ta đối với anh chị em.
Người giàu kiểu thế gian luôn “phân biệt đối xử” với những người họ tương quan : khoa trương với những người giàu có và danh tiếng, nhưng lại khinh khi và tàn ác với những người nghèo khó. Là Kitô hữu “nghèo khó” trước mặt người đời, nhưng luôn có trái tim giàu lòng thương xót của Chúa Giêsu, nên đối xử với mọi người theo con tim từ nhân, không phải theo “áo quần lộng lẫy” bề ngoài.
Tin Mừng hôm nay minh chứng Chúa Giêsu là ‘mẫu gương’ để thánh Giacôbê mời gọi chúng ta noi theo; cũng là Đấng đã làm trọn lời ngôn sứ Isaia loan báo.
Sau khi đã chữa lành con gái của người nữ xứ Phoenecia khỏi quỉ ám (x. Mc 7,24-30). Chúa Giêsu trở xuống vùng biển hồ Galilêa và vào miền Thập Tỉnh (x. Mc 5,20). Nơi đây, người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến xin Chúa chữa lành.
Như để tránh cho anh khỏi bị xấu hổ trước đám đông, Chúa Giêsu tế nhị kéo riêng anh ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Chúa ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ephphtha – Hãy mở ra”. Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng (x. Mc 7,32-35). Về phương diện tu đức, hình ảnh Chúa kéo anh ta ra khỏi đám đông còn cho thấy: Anh ta cần phải rời khỏi đám đông để tiếp xúc riêng với Chúa. Mỗi cuộc chữa lành phải là cuộc gặp gỡ giữa cá nhân với Chúa.
III. PVLC hôm nay bật mí bí quyết đón nhận Tin Vui : Trước hết, con người cần xác tín “Thiên Chúa của chúng ta ở đây rồi!” và phải “can đảm lên, đừng sợ!” (x. Is 35,4). Thứ hai, là Kitô hữu nên luôn có trái tim giàu lòng thương xót của Chúa Giêsu. Thứ ba, theo chân Chúa Giêsu “vào miền Thập Tỉnh”.
Hội Thánh xác tín và sống những điều này. Hội Thánh tin Thiên Chúa hằng “ở lại” với Hội Thánh cho đến ngày tận thế trong Chúa Giêsu Thánh Thể, để thực hiện công trình “báo phục của Thiên Chúa”. Các sách Tin Mừng ghi lại những gì Chúa Giêsu đã dạy, đã làm, để khắc phục quyền năng của tội lỗi và ma quỷ; đồng thời, Chúa khai mở một cuộc sáng tạo mới theo kế hoạch của Thiên Chúa. Nhờ hoạt động của Chúa Giêsu, cuộc sáng tạo xưa đã hư hỏng nay được tái thiết (x. St 1,31).
Lời Thiên Chúa nói với chúng ta luôn hiện diện trong Thánh Lễ, hoặc khi chúng ta đọc và suy niệm Lời Chúa (Lectio divina), và nhất là khi chúng ta ‘ở lại’ với Người bên Mình Máu Thánh Người. Chỉ ở nơi đây, trong Chúa Giêsu Thánh Thể, lời “Ephphtha – Hãy mở ra” (Mc 5,34) của Chúa Giêsu sẽ luôn là ‘một nhật lệnh’ nhắc nhở chúng ta ý thức về mối tương quan yêu thương với Người và tha nhân, để người người được chữa lành toàn diện.
Theo thánh Bêđa, Kitô hữu không lắng nghe Lời Chúa là người điếc, và ai không truyền đạt lời tuyên xưng đức tin cho kẻ khác là người câm. Nước miếng mà Chúa Giêsu bôi vào lưỡi anh câm có nghĩa là ‘hương vị khôn ngoan của Chúa’ (1) ; ngón tay Chúa Giêsu đặt vào tai anh điếc, tượng trưng ân huệ Chúa Thánh Thần (x. Lc 11,20).
Chúa Giêsu “làm điều gì cũng tốt đẹp cả” (Mc 7,37). Khi chuyên cần đến bên Thánh Thể Chúa Giêsu và Rước Thánh Thể Người, cùng trung thành giữ giờ Lectio divina hằng ngày, con người sẽ cảm nếm được những việc tốt đẹp diệu kỳ do Chúa Giêsu làm cho con người trong đời thường. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể là sức mạnh cho chúng con thực hiện hai điều này.
====
(1) PL 92, 203: sapor Domini sapientiae.