CN 23 – A TN
(Ed 33,7-9; Rm 13, 8-10; Mt 18, 15-20)
I. Như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết : “Cuộc sống cho ta tất cả và mĩm cười khi thấy ta dại dột. Con người sinh ra vốn bất toàn và dễ làm những điều lầm lỗi. Nó đẹp vì bất toàn. Nó đáng yêu vì nó luôn luôn lầm lỗi” (bài viết 1993). Phải chăng nhạc sĩ lạc quan tin tưởng và quan tâm tới con người.
II. Chân đạo luôn luôn vị nhân sinh, không xa con người (x. Ed 18,21). Nên Lão tử nói: “Đạo bất viễn nhân”. Và ĐTC Gioan Phaolô II, cũng nói: “Con người là con đường của Giáo Hội” (TĐ Centessimus Annus, 53-62).
Sống trong Hội Thánh, các Kitô hữu càng phải lạc quan tin tưởng và quan tâm tới con người hơn. Vì các Kitô hữu là anh chị em của nhau (x. Mt 23,8). Mối tương quan này, có ‘chung’ có ‘đụng’, là để tạo nên một đoàn thể sống động, có ‘hồn sống’ là Chúa Thánh Thần của Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần khơi động và hỗ trợ mọi hoạt động của đoàn thể Hội Thánh (x. Cv 11,15; 1 Cr 3,6; Ga 14,26).
Vì thế, trong khi giải quyết những ‘chung đụng’, đặc biệt là việc sửa lỗi nhau, PVLC lưu ý chúng ta mấy điểm :
Một. Sửa lỗi nhau là một bổn phận. Không nhắc bảo nhau sẽ có hình phạt đi kèm: “Nếu ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33,8). Nhắc bảo nhau sẽ có phần thưởng : “Nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình (Ed 33,9).
Và thánh Phaolô cụ thể hóa bổn nhận đó như là một món nợ. “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8a). Nhưng Thiên Chúa lại giúp con người trả món nợ này, trong Chúa Giêsu (x. Cl 1,15-16).
Hai. Sửa lỗi nhau phải đặt trên nền tảng yêu thương (x. Đnl 19,15). Chúa Giêsu mời gọi mọi người : “hãy nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 15, 48). Thiên Chúa “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người không dựa trên sự xứng đáng của con người, nhưng là do tình yêu Thương Xót. Nên trong tương quan, con người không chỉ dừng lại ở bổn phận sửa lỗi nhau, mà bổn phận sửa lỗi nhau phải làm sao đáp lại được tình yêu đó, để giúp nhau sống điều Chúa Giêsu mời gọi là “nên hoàn thiện”.
Thánh Phaolô nhấn mạnh đến đức mến Chúa và yêu người qua đức yêu thương đối với anh chị em, để làm nổi bật lên nét độc đáo và đặc biệt của Kitô giáo. Yêu thương phải thể hiện ra bên ngoài : “không làm hại người đồng loại” (Rm 13,10a). Yêu thương bao gồm tất cả : “yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,10b).
Nên Cha M. Henri Denis Benoit Thuận, Tổ Phụ Hội Dòng Xito Thánh Gia dạy con cái : “Cái đạo ăn chay, cái đạo đánh tội, cái đạo Chầu Thánh Thể, cái đạo ấy dễ mà không chắc chi; còn cái đạo yêu thương anh em, đạo ấy thì chắc là đạo” (Di Ngôn, 112)
Ba. Sửa lỗi nhau cần liên kết với việc cầu nguyện. Việc sửa lỗi cần có sự cầu nguyện. Nhờ liên kết với Chúa Giêsu qua việc cầu nguyện, con người được chính Chúa Giêsu hoàn thành những dự tính (x. Ga 15,5). Vì Chúa Giêsu là nguyên lý kết hợp mọi người (x. Gl 3,28). Nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, con người mới có thể yêu mến Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và Cha của chúng ta, và con người mới có thể yêu thương nhau được.
Nhờ liên kết với Chúa Giêsu qua việc cầu nguyện, nói lên việc con người tín thác vào Thiên Chúa. Chắc chắn việc sửa lỗi nhau sẽ thành công. Vì “đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26), và : “nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (Mt 18,19).
Vì việc cầu nguyện cho anh em không chỉ là một hành động thiện chí mà còn là một trách nhiệm. Trách nhiệm do liên đới bởi mầu nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh, như thánh Augustino nói : bao lâu ‘Đức Kito Toàn Thể’ chưa được thành toàn thì vẫn cần thiết cầu nguyện cho nhau. Nên Cha Tổ Phụ HDXTG dạy con cái : “Chúng ta xét mình coi: trong ngày hôm nay, tôi có làm chi cho Bề trên và anh em tôi được vui chăng? Coi ngày hôm nay, tôi có cố gắng làm việc chi cho Bề trên và anh em tôi bớt sự khó nhọc không? Nhưng, giúp đỡ anh em bằng sự cầu nguyện thì làm được luôn” (DN,112).
***
Từ 3 nguyên tắc cơ bản trên, khi sửa lỗi nhau, chúng ta theo 3 bước do Chúa Giêsu giới thiệu để sống mối tương quan với nhau như ‘lòng Chúa mong muốn’.
Một. Đối thoại. Việc đối thoại rất cần thiết, như ĐTC Phaolo VI dạy : Đối thoại là một nghệ thuật thông cảm siêu nhiên. Việc đối thoại đòi cả hai bên những điều kiện sau đây: Trước hết là rõ ràng, minh bạch, và không thủ đoạn. Tiếp đến là hiền dịu và kính trọng nhau. Sau cùng là tín nhiệm, tin ở lời mình nói và thiện chí chấp nhận của người nghe” (TĐ Ecclesiam Suam).
Hai. Chứng nhân. Cần hai ba chứng nhân là để chứng thực điều lầm lỗi có hay không. Theo Luật Do Thái, cần phải có hai hay ba nhân chứng thì lời chứng mới được công nhận là sự thật (x. Đnl 19,15).
Ba. Cộng đoàn. Mọi sai lỗi đều ảnh hưởng sự thánh thiện của Cộng Đoàn. Đưa vấn đề ra Cộng Đoàn là để bảo vệ quyền lợi riêng của đương sự cũng như quyền lợi chung của cộng đòan. Vì Chúa Giêsu đã công bố Năm Hồng Ân (x. Lc 4,19), nên quyền bính (x. Mt 18,18) là để phục vụ và đem lại hạnh phúc cho con người.
III. Tấm Bánh Giêsu Thánh Thể được làm nên bởi bao hạt lúa miến, nghiền nát, trộn chung và nướng lên. Tấm Bánh Giêsu Thánh Thể là “Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót” ở cùng con mọi ngày. Xin cho con siêng năng chiêm ngắm và kết hiệp với Thánh Thể Chúa Giêsu, để ý thức hơn về tình yêu thương, hiệp nhất, xây dựng, hy sinh. Nhờ đó, tất cả những lời con nói việc con làm cho người khác, đều hướng về mục đích làm cho người khác cảm nhận được Lòng Chúa Thương Xót. Abba !