Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN B

CHÚA NHẬT 25-B TN

 

Chúa Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa”, căn cước của Người là thế đó. Nhưng Người vẫn cấm các môn đệ không được nói cho ai biết “danh xưng” này, vì các ông chưa hoàn toàn hiểu rõ chân tính của Người. 

Chúa Giêsu tiếp tục dạy cho các ông biết rõ về sứ mệnh của Người. Và Người còn chỉ cho các ông một lối sống phù hợp với sứ mệnh này.

 

 Kn 2, 12. 17-20; Gc 3, 16 – 4, 3; Mc 9, 29-36

 

            I. Sau một thời gian ở Galillê, Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ, và loan giảng về Nước Thiên Chúa. Hoạt động này, như đã đủ để những người ở Galilêa hiểu Người là Đấng Cứu Thế. Nay Chúa Giêsu và các môn đệ âm thầm đi ngang qua miền Galilêa. Người tập trung vào việc huấn luyện cho các môn đệ nhiều hơn, nhằm dẫn đưa các môn đệ đến chỗ nhận thức sâu sắc về căn tính Đấng Cứu Thế của Người là Đấng Cứu Thế bị loại trừ, bị giết chết: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.

 

II. Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu nhấn mạnh cho các môn đệ hiểu về vận mệnh Đấng Cứu Thế bị khai trừ : Con Người sẽ bị trao nộp vào tay người đời. “Bị trao nộp”, được hiểu theo nghĩa thể thụ động. Cái chết của Chúa Giêsu, dù được qui gán cho những người đã lên án và giết Chúa trong lịch sử cụ thể, nhưng cái chết này không phải chỉ là một tình huống đơn giản xảy ra trong lịch sử. Hội Thánh đã hiểu rằng cái chết này, là cớ vấp phạm đối với người Do Thái, điều điên rồ đối với người Hy Lạp, lại phát xuất từ dự định mầu nhiệm của Thiên Chúa Cha.

Đó chính là điều được diễn tả qua lời loan báo của Chúa Giêsu: “Con người phải chịu đau khổ và bị giết chết”. Chính Chúa Giêsu luôn hiểu, dù hoàn cảnh xảy ra như thế nào, mọi sự xảy đến cho Người đều không ngoài thánh ý của Chúa Cha, và Người vẫn luôn hướng theo thánh ý của Chúa Cha mà tiến bước.

Trong khi đó, thái độ của các môn đệ lại luôn chậm hiểu những điều Chúa Giêsu dạy dỗ nhắc nhở họ. Các ông tỏ ra khép kín, không mau mắn đón nhận mặc khải của Thầy Giêsu. Các ông sợ hãi không dám hỏi Thầy Giêsu để hiểu rõ ý nghĩa những thử thách và đau khổ mà Thầy Giêsu sẽ gánh chịu.

Về phần Chúa Giêsu, Người luôn cố gắng để huấn luyện các môn đệ đón nhận một quyết định về vận mệnh cứu thế của Người. Sau đó, các ngài trở về nhà ở Carpharnaum. Thầy Giêsu không muốn làm mất mặt các ông ở nơi đường phố đông người.  Hơn nữa bầu khí ấm cúng của mái nhà vẫn thuận lợi hơn cho việc cha mẹ dạy dỗ con cái.  Rồi Người “ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói”.  Từng cử chỉ, từng lời nói, tất cả đều biểu lộ một trái tim nhân hậu. Người dạy các ông bài học khiêm nhường phục vụ. Người khởi đầu bằng một phương pháp rất sư phạm, là hỏi xem dọc đường các ông đã tranh luận những gì. Các môn đệ thinh lặng bởi vì dọc đường các ông đã tranh luận xem ai là người lớn nhất, một chủ đề nghịch lại với lời dạy khiêm nhường phục vụ của Thầy Giêsu.

Người đảo lộn trật tự thường tình của con người, bằng cách đặt người lớn hơn hết phải là người phục vụ mọi người, và người biết trở nên nhỏ bé để phục vụ mọi người sẽ là người được kể lớn hơn hết giữa mọi người. Và để minh họa cho lời giáo huấn của mình, Chúa Giêsu đã bồng một em nhỏ, đặt em ở giữa và nhắc nhở các môn đệ. Cử chỉ ôm một em nhỏ, đặt em nhỏ ở giữa có một ý nghĩa quan trọng. Văn chương Hy lạp xếp trẻ em vào trung tính, giống như một vật thôi.  Kinh Thánh Cựu Ước cũng coi trẻ em như một cái gì tùy thuộc, có thể bị bán đi như bán nô lệ. Ý nghĩa và giá trị tầm thường của trẻ em là như thế, vậy mà Chúa Giêsu lại đặt trẻ em làm đối tượng cho việc tiếp đón, hơn thế nữa làm đối tượng để những người muốn theo Chúa phải phục vụ các em.

Thái độ của Chúa Giêsu thật lạ thường, Người đặt em nhỏ là thành phần bị loại trừ, một cách rất âu yếm ở giữa các môn đệ và nói với các ông: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Đây quả là câu trả lời rất lạ thường của Thầy Giêsu đối với vấn đề mà các môn đệ đang tranh luận : ai là người lớn nhất, bởi vì tranh luận xem ai là người lớn nhất trong khi Thầy của mình đang cố gắng để theo con đường khiêm nhường phục vụ bằng cách đón nhận đau khổ và cái chết là điều vô nghĩa. Chúa Giêsu mở rộng tầm nhìn cho các môn đệ bằng cách đưa các ông đến một thái độ mới: tiếp đón những người bị loại trừ và bị khinh dể, thay vì nhốt kín mình trong việc tìm kiếm những danh lợi cho riêng mình.

Bởi vậy, tác giả sách Khôn Ngoan trong BĐ I đã vạch trần ác tâm của những người gian ác chỉ muốn diệt đi những người công chính, là những người như tấm gương luôn phơi bày sự gian ác của họ. Sứ điệp của BĐ I là muốn nhắc bảo hậu thế đừng “bịt miệng” những người thẳng thắn “chống lại” những việc làm sai trái mình đã thực hiện theo tư lợi, không phải để phục vụ tha nhân. 

Tích cực hơn, trong BĐ II, thánh Giacôbê mời các tín hữu sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì các tín hữu đang sống trong một thế giới là nơi “sự khôn ngoan của thế gian, của con người tự nhiên, của ma quỷ” đang khống chế. Trong môi trường sống này, tín hữu dễ “tự cao tự đại”, phải cạnh tranh để sống còn… nên khinh dể những người bé mọn và sống đầy gian dối.  Thánh nhân khẳng định : ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đó có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa;  và nguồn gốc của khôn ngoan đích thực là “từ trời ban xuống” do nơi Thiên Chúa.

            Khôn ngoan giúp tín hữu có một thái độ thích hợp khi phải đối phó với những xung đột và bất hòa.  Để hóa giải được những mối bất hòa đó, không gì hay hơn là sống đức khôn ngoan đích thực. Vì tất cả những đặc điểm của khôn ngoan đều liên kết với nhau, làm thành một lối sống đặc thù của con Thiên Chúa.

 

III. Chúa Giêsu là quà tặng Thiên Chúa ban cho trần gian. Để đón tiếp Người, con người cần can đảm đón tiếp mọi người, không loại trừ ai. Đó là câu trả lời chốt lại vấn nạn mà các môn đệ đang tranh cãi xem ai là người lớn nhất. Người lớn nhất là người biết khiêm nhường phục vụ .

– Phục vụ là cách thức để trở nên lớn nhất.

– Phục vụ hết mọi đối tượng, ngay cả những đối tượng chẳng có gì để cho lại như các trẻ em.

Nhờ việc luôn chiêm ngắm và rước Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta có sức mạnh để phục vụ; nhờ việc chuyên cần Lectio divina, chúng ta biết cách phụng sự Chúa trong việc phục vụ anh chị em mình bằng bổn phận thường ngày.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI