Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 25 TN A

CHÚA NHẬT 25-A THƯỜNG NIÊN
(Is 55,6-9; Pl 1,20-24.27; Mt 20,1-16)
 
I.          Quy luật kinh tế xã hội, thông thường: Lao động theo năng lực, hưởng thụ theo năng xuất. Nhưng cũng có thứ quy luật bác ái Kitô giáo : Lao động theo năng lực, hưởng thụ theo nhu cầu. PVLC hôm nay minh chứng điều này.
 
II.         Chúa Giêsu kể dụ ngôn : Chủ vườn nho kia, “sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc” (Mt 20,2). Chủ vườn nho còn ra ngoài phố chợ nhiều lần khác nhau, dù là lúc chiều tà, ông đều mời họ vào vườn nho” của ông (x. Mt 20,6-7). Lời mời thật khác thường. Chủ vườn không cần biết tới công việc của mình, chỉ quan tâm đến tình trạng thất nghiệp của họ, chỉ mong họ có việc làm.
 
            Chiều đến, những người thợ được trả công và ai ai cũng chỉ nhận được một quan tiền, mặc dù thời gian làm việc khác nhau.  Con người lấy sự công bằng giao hoán mà suy xét sự việc trước mắt theo lý trí, nên có người làm nhiều giờ hơn thì phàn nàn cho là chủ bất công. Cuộc sống con người còn có ý chí và tâm tình, như ông chủ nhắc lại thoả thuận ban đầu, quyền tuỳ ý định đoạt, và nhấn mạnh “hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?” (x. Mt 20,13-15). 
 
Những lời của chủ vườn cho thấy ông vừa công bằng vừa đầy lòng thương xót. Ông thương xót cho hoàn cảnh thất nghiệp của những người thợ đến sau, họ cũng cần nuôi sống bản thân và gia đình họ. Và biết đâu, chính vì nhận ra lòng thương của chủ vườn, những người vào sau lại tích cực làm hơn !
 
Với dụ ngôn này, Chúa Giêsu nói lên sự khác biệt giữa tư tưởng của Thiên Chúa và tư tưởng loài người. Tư tưởng siêu việt của Thiên Chúa là quan tâm tới hạnh phúc con người. Nên Thiên Chúa lấy lòng nhân lành xót thương làm điểm chính, xét sự việc theo lý lẽ của con tim, và xử sự bằng cả công bằng theo thỏa thuận lẫn lòng tốt theo bản chất thần linh của Người. 
 
Hình ảnh những người thất nghiệp đang nóng lòng chờ đợi cho có việc làm, họ là nỗi thao thức của Chúa Giêsu. Họ chính là những con người chưa thuộc về đàn chiên của Người (x. Ga 10,16). Họ là những con người đang ‘ở vùng ngoại biên’ của Hội Thánh mà ĐTC Phanxicô đang mong muốn Hội Thánh lên đường đến với họ.  
 
Chúa Giêsu mượn hình ảnh và lời nói của chủ vườn để nhấn mạnh đến lòng quảng đại của Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ dành ơn cứu độ cho dân Do thái, nhưng là cho muôn dân muôn nước, không trừ ai.  Không phải con người có quyền giới hạn lòng quảng đại của Thiên Chúa.  Thiên Chúa tỏ lòng thương xót đặc biệt hơn đối với những ai bị coi là hèn kém. Khi thi hành sứ vụ cứu thế, Chúa Giêsu đã làm theo kế hoạch cứu độ phổ quát này, và Người đã đặc biệt quan tâm và đi đến với những người “đứng chót” trong xã hội (Lc 4,18-19).
 
 
III.         lòng thương xót, Thiên Chúa mời gọi con người thực tâm thống hối để sống trong ân nghĩa với Người. Ngôn sứ Isaia đã loan báo : Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa, Người sẽ xót thương, Người sẽ rộng lòng tha thứ. Một tư tưởng kỳ lạ, một đường lối siêu việt không giống của phàm nhân, nhưng chỉ là của Thiên Chúa (x. Is 55,6-9 // BĐ I).
 
Thiên Chúa mời gọi con người vào vườn nho của Con Một Người là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đón nhận những kẻ tội lỗi trở về, xả thân loan giảng Tin Mừng, quảng đại chấp nhận cái chết trên thập giá… để nêu gương cho con người biết sống cho người khác và xây dựng một cộng đoàn yêu thương. Thánh Phaolô luôn luôn ao ước và cố gắng “trở nên đồng hình đồng dạng” (Rm 8,29) với Chúa Giêsu, bị giằng co giữa hai lựa chọn. Để chọn lựa, ngài không theo lý lẽ của người đời, tức là chọn điều tốt hơn cho mình, nhưng chọn điều tốt hơn theo thánh ý Chúa (x. Pl 1, 20-27 // BĐ II).
 
            Kitô hữu sẽ sống theo gương Thiên Chúa -Chủ Vườn Nho- mở rộng vòng tay đón nhận mọi người. Kitô hữu tha thứ và chấp nhận những lỗi lầm yếu đuối của anh chị em mình. Kitô hữu quan tâm đồng cảm với hết mọi người. Kitô hữu sẽ luôn luôn hướng nhìn về Chúa Giêsu Thánh Thể để xin ơn trợ giúp cho tha nhân bằng lời khẩn cầu “Abba – Cha ơi”.
 
 

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI