CHÚA NHẬT 3-B TN
THỐNG HỐI
“Lỗi lầm là của con người và tha thứ là của Thiên Chúa. Tuyệt đỉnh của tình thương là tha thứ” (A. Pope). “Dù tội con người có đỏ như son, Thiên Chúa cũng làm cho trở nên trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng làm nên trắng như bông” (x. Is 1,18). Lòng Chúa Thương Xót dành cho con người như thế đó. Nên con người cần phản tỉnh để thống hối những hành động trái nghịch lương tâm; cần phân định để khám phá ra những phẩm giá cao quý của mình. Đây là bước I, bước tiêu cực. Bước II, tích cực : Tin vào Tin Mừng, là Chúa Giêsu (x. Mc 1,1), “để được sống muôn đời” (x. Ga 3,16).
– Lạy Chúa, “Chúa đã giang rộng cánh tay của Chúa” (x. Kinh Tạ Ơn II), là Chúa muốn mở rộng hơn, vươn xa hơn, để không một ai bị loại trừ khỏi tình yêu của Chúa. Và Chúa còn kêu gọi ông Giona cũng như chúng con làm ngôn sứ cho Chúa, để loan giảng cho muôn dân Tin Mừng hạnh phúc. Nhưng chúng con lại rất tham lam ích kỷ, không muốn chia sẻ bất cứ điều gì với ai, ganh tỵ oán ghét người khác, không muốn cho ai hơn mình.
Xin Chúa thương xót chúng con.
– Lạy Chúa Kitô, chúng con vẫn biết : ‘đừng dựa vào tường, vì tường sẽ đổ; đừng dựa vào cây, vì cây sẽ gẫy; đừng dựa vào người, vì người sẽ chết’. Và đã nghe lời Chúa dạy “bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1 Cr 7,31). Nhưng chúng con lại không biết tìm dựa vào một mình Thiên Chúa hằng sống vinh quang và là Cha giàu lòng thương xót.
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
– Lạy Chúa, đang khi đi trên bãi biển, Chúa nhìn những ngư dân với cặp mắt yêu thương, và cất tiếng gọi: – Hãy theo Ta. Lập tức, các ông từ bỏ tất cả để theo Chúa. Còn chúng con, Chúa cũng đang nhìn chúng con với ánh mắt trìu mến này, nhưng chúng con lại né tránh ánh mắt này để khỏi phải đi theo Chúa.
Xin Chúa thương xót chúng con.
SUY NIỆM (Gn 3,1-5, 10; 1 Cr 7,29-31; Mc 1,14-20)
I. Một số tín hữu ở Corintô thời thánh Phaolô chủ trương rằng: khi trở lại đạo, không chỉ những người sống một mình (độc thân, mới đính hôn, góa chồng) mà cả những cặp vợ chồng nữa (cả hai đều là Kitô hữu, hoặc một người là Kitô hữu và một người không), cũng không được gần gũi nhau. Ðể trả lời họ, thánh nhân đưa ra nguyên tắc chung: mỗi người nên giữ thân phận đang sống lúc được Chúa gọi vào đạo, hôn nhân và độc thân cả hai đều tốt và bổ sung cho nhau (x. 1 Cr 7,17-24). Sau khi đưa ra nguyên tắc chung, thánh nhân đề cập tới một yếu tố quan trọng áp dụng cho mọi bậc sống, đó là Kitô hữu phải có não trạng nào đối với những giá trị của cuộc sống hiện nay.
II. Xưa, ông Gióp coi “cuộc đời chúng ta trên dương thế, chẳng khác gì bóng câu” (G 8, 9). Nay, qui hướng về Ngày Chúa Giêsu Quang Lâm, nên thánh Phaolô mở đầu và kết thúc lời khuyên bằng cách nêu lên ý niệm về thời gian: “Thời gian chẳng còn bao lâu” (1 Cr 7,29), và “bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1 Cr 7,31), để nhấn mạnh khoảng thời gian này rất là ngắn, chóng qua.
Khẳng định “thời gian chẳng còn bao lâu”, thánh Phaolô hiểu thời gian này là Ngày Chúa Giêsu Quang Lâm. Dù Ngày Chúa Giêsu Quang Lâm có thể không xảy ra lúc chúng ta còn đang sống, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ chết, và khi ấy chúng ta sẽ ra trước tòa phán xét của Chúa Giêsu. Nhận thức sự chóng qua của cuộc sống, sẽ đổi mới cách sống, giúp nhận ra hiện tại là quà tặng. Cái nhìn này, sẽ giúp tín hữu không sống ảo để mộng mơ : “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo” (Nguyễn Công Trứ – cây thông).
Thánh Phaolô mời gọi tín hữu không nên sống bám chặt lấy những thực tại trần thế như là cùng đích. Ngài mời gọi phải coi thời gian là phương tiện để giúp đạt tới giá trị tuyệt đối là chính Thiên Chúa. Cuộc sống đời này là phương tiện, để tiến tới cuộc sống vĩnh cửu, chuẩn bị cho cuộc sống mai sau.
Nhìn thấy tính cách tạm bợ của cuộc sống như “bộ mặt thế gian này đang biến đi”, ngài muốn tín hữu nghĩ tới cái “còn lại”. Tất cả đi dần vào dĩ vãng, nhưng tôi đang tiến đến mỗi ngày một gần hơn với Đấng sẽ đến trong Ngày Quang Lâm. Hiện tại, Đấng ấy đang mời tôi ra khỏi cái ích kỷ để đến gặp Ngài trong Thánh Thể Ngài không chỉ là nơi nhà Tạm, mà gặp Ngài nơi anh chị em tôi tiếp cận mỗi ngày. Điều này chính thực là giá trị tuyệt đối và vĩnh cửu, là một sự đồng cảm với Chúa Giêsu trong anh chị em hiện tại như Ngài đã đồng cảm, để ở cùng và ở lại với con người đến tận thế (x. Mt 28,20).
Cái “não trạng Kitô về thực tại trần thế”, không thể hành xử như một Giona được nói đến trong BĐ I. Được lệnh Thiên Chúa truyền đi đến Ninivê. Ông Giona đứng dậy đi nhưng là để trốn đi Tarshish, tránh nhan Thiên Chúa. Ông xuống Joppa và tìm được một chiếc tàu sắp đi Tarshish. Lý do ông bất tuân lệnh Thiên Chúa là vì ông ghét người ngọai bang, nhất là người Babylon. Hậu quả là tàu ông bị đắm, ông bị thủy thủ quăng xuống biển, và bị một con cá voi lớn táp. Như một phép lạ, ông ở trong bụng cá 3 ngày 3 đêm, ông tha thiết cầu nguyện với Thiên Chúa, Ngài đã nhận lời và làm cho cá vào bờ và nhả ông ra (x. Gn 1,1- 2,11).
Khi ông Giona cố gắng chạy trốn Thiên Chúa, không chịu đi Ninivê. Vì ông sợ những người dân Ninivê sẽ nghe những lời loan giảng của ông, thống hối và sẽ trở nên có ơn nghĩa với Thiên Chúa. Nhưng các tính toán của ông không toại nguyện. Ông đại diện cho những người nhỏ mọn, ích kỷ, không muốn chia sẻ bất cứ điều gì với người khác. Nên ông không nhận ra được bản tính và đường lối của Thiên Chúa là Thiên Chúa quảng đại thứ tha, yêu thương tất cả mọi người.
Và Thiên Chúa vẫn còn muốn hiện tại tấm lòng xót thương này trong Chúa Giêsu. Ngay sau khi bắt đầu đời sống công khai, Người đã chọn các tông đồ, và các ngài sẽ phát huy Hội Thánh của Người (x. Mc 1,16-20). Các ngài nhận lệnh đi khắp tứ phương thiên hạ và loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (x. Mc 16,15).
Hội Thánh tuy được sáng lập tại Giêrusalem, nhưng Hội Thánh không thuộc riêng người Do Thái. Hội Thánh đặt trung tâm tại Roma nhưng Hội Thánh không phải là của người Italia. Sứ điệp Tin Mừng Hội Thánh có bổn phận loan giảng, được những nhà truyền giáo châu Âu loan giảng trên đất Việt nhưng chắc chắn Hội Thánh không là người Châu Âu. Hội Thánh là “duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền, hằng có ở khắp thế này’ (x. Kinh Tin Kính). Dấu chỉ của người Kitô hữu đích thực ngày nay, là sẵn sàng và nhanh chóng từ bỏ mọi thân quen ích kỷ, theo gương Chúa Giêsu giang rộng cánh tay và vươn tới vùng ngoại biên để âu yếm yêu thương đồng cảm với mọi người.
III. Sứ điệp Tin Mừng trên tất cả và tối hậu là theo gương Chúa Giêsu, tín hữu công bố : “thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy thống hối và tin vào Tin Mừng”. Sứ điệp có hai phần rõ rệt: phần I, thời kỳ chờ đợi ơn cứu độ đã hết để mở đầu cho Triều Đại Thiên Chúa; phần II, chúng ta hãy thay đổi não trạng bằng việc thống hối và đón nhận Tin Mừng. Hai hành vi thống hối và tin vào Tin Mừng gắn liền với nhau.
Chúng ta đang sống trong Triều Đại Thiên Chúa, là đang sống trong thời gian Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại để cứu độ chúng ta, là thời cánh chung, là thời sau hết để định đoạt số phận đời đời của chúng ta. Nhờ tin vào Chúa Giêsu, Người đã cho chúng ta được làm con cái Thiên Chúa và sống theo Thánh Thần của Người. Đó là lối sống của những người thuộc Triều Đại Thiên Chúa.
Như Chúa Giêsu đã gọi bốn môn đệ đầu tiên, Người tiếp tục gọi chúng ta làm môn đệ Người mỗi ngày. “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo” (Lc 9,23), là Kitô hữu cũng được mời gọi trở nên dấu chỉ Lòng Chúa Thương Xót để đem niềm vui cho những ai tiếp cận hằng ngày như chính Chúa Giêsu. Nhờ thống hối và tin vào Chúa Giêsu, Kitô hữu sẽ liên tục được biến đổi con người “nên đồng hình đồng dạng với Người” (Rm 8,29).