Thứ ba, 12 Tháng mười một, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY B

CHÚA NHẬT IV – B MÙA CHAY

(Sbn 36,14-17.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21)

 

I.          Khởi đầu BĐ II, thánh Phaolo tuyên tín: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến” (Ep 2,4). Nhưng tại sao Thiên Chúa lại cho thiên sứ của Người sát hại các con đầu lòng dân Ai Cập ? (x. Xh 4,22-23) Phải hiểu thế nào ?

 

II-a).    Từ chương 7 đến chương 11 sách Xuất Hành, và Bộ Ngũ Thư (Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật), chất chứa nhiều truyền thống lâu đời (Giavit-J, Elohit-E, Tư tế-P, Đệ nhị luật-D). Các truyền thống này, dù truyền khẩu hay bởi văn viết, đều được bổ túc theo thời gian, sau  được tổng hợp  lại.

Bộ Ngũ Thư nói chung, và các chương 7-11 của sách Xuất Hành nói riêng, được biên soạn không phải một cách liên tục, nhưng theo nhiều đợt. Hình thái văn chương cuối cùng là do một soạn giả thuộc truyền thống Tư Tế: Ông này (hay nhóm của ông này) hoàn thành công việc sau thời lưu đày (năm 538 trước Công nguyên – khoảng 7 thế kỷ sau biến cố Xuất Hành).

Sau 7 thế kỷ, dân Israel mang trong mình ý thức tổ tiên họ ngày xưa đã nhờ “cánh tay hùng mạnh của Đức Chúa” (x. Xh 15,1-18) mà thoát khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Họ biết rằng một số biến cố tự nhiên đã xảy ra thời xưa trong đất Ai Cập, tạo điều kiện thuận lợi để Pharaô thả cho tổ tiên họ ra đi. Và họ tin nhận đó là Ơn Chúa. Những “tai ương” đó chính xác là những tai ương nào, và có bao nhiêu tai ương, thì con cháu về sau cũng không nhớ rõ. Mỗi truyền thống nêu ra một số tai ương, và các tai ương đó lại không giống nhau (x. Tv 78, 44-51; Tv 105, 28-36, Kn 11, 14-20. 16-18).

            Những nhận xét trên cho chúng ta thấy rằng tác giả (hay các tác giả) không phải là những nhà báo viết lại những trang ký sự về những biến cố đã qua, nhưng là các nhà thần học. Điều các nhà thần học này quan tâm, không phải là diễn tiến bên ngoài của các sự kiện, nhưng là ý nghĩa thâm sâu bên trong của chúng. Những trình thuật này có mục đích nhắc lại cho dân Israel ân huệ to lớn của Thiên Chúa là đã giải phóng dân khỏi ách nô lệ Ai Cập và tuyển chọn họ làm Dân Riêng của Người.

Các bản văn này thuộc thể văn  ‘anh hùng ca’. Nên trong niềm hoan lạc được trở thành một dân tộc tự do, người ta đã cường điệu hóa một số sự kiện, để làm nổi bật quyền năng của Thiên Chúa. Vị trí của Người phải trổi vượt trên mọi thần thánh của Ai Cập và của các dân ngoại (1) .

 

II-b).     Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta. Vì :

– Từ trước muôn đời, Thiên Chúa đã chọn tất cả mọi người và tiền định cho họ trở thành con cái của Người trong Chúa Giêsu(Ep 1, 3-10). Người “muốn cho mọi người được cứu độ và biết chân lý” (1 Tm 2 ,4);

            – Khi Thiên Chúa thực hiện chương trình ấy, thì dân Israel được chọn trước,  để họ là “những người đầu tiên đặt hy vọng vào Chúa Giêsu”, còn các dân ngoại thì tới sau (Ep 1, 12-13; x. Mt 22, 1-10; Lc 14, 15-24).

Thánh Phaolô muốn diễn tả cách thức Thiên Chúa yêu thương chúng ta, những kẻ đã chết vì sa ngã của nguyên tổ, qua cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giêsu. Vì yêu chúng ta nên Thiên Chúa mới tạo điều kiện cho chúng ta “được cùng sống với Chúa Giêsu”. Cùng với Chúa Giêsu làm một cuộc biến đổi, một cuộc sống mới. Chúa Giêsu đã khởi đầu một cuộc Sáng Tạo Mới. Trong cuộc Sáng Tạo Mới này, “chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được sáng tạo trong Chúa Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2,10).

           

            III.        Thánh Phaolô khẳng định:  “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được tạo thành trong Đức Kitô Giêsu” (Ep 2,10).  Chúa Giêsu đã trở thành một khuôn mẫu sống động để chúng ta được biến đổi khi kết hiệp với Người. 

Những lời xác quyết của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian” (Ga 3,16), là cả một chương trình diễn tả kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa loan báo bằng Lời của Người chưa đủ, Người còn giương cao lên một dấu hiệu giúp họ nhận biết tình yêu của Người. Dấu hiệu đó là:  “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,14-15). Thiên Chúa đã giương cao trên đỉnh đồi Calvariô Con Một Người bị đóng đinh vào thập giá, để toàn thể nhân loại đã bị rắn độc của tội lỗi cắn sẽ nhìn lên Người, tin vào quyền năng của tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa, sẽ được sống và được sống đời đời.

            Ơn cứu độ của Thiên Chúa là ơn phổ quát, dành cho mọi người mọi thời. Chúa Giêsu là Người Con tôn kính thánh ý Chúa Cha nên thắng vượt được mọi cám dỗ (CN I-B MC), là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa (CN II-B MC), là người đầy lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa (CN III-B MC), là một cái chết được giương cao trên thập hình để nói lên tình yêu của Thiên Chúa yêu nhân loại (CN IV-B MC).  Theo cùng một con đường Chúa Giêsu đã đi, ngày hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi để giương cao chính cuộc sống chúng ta, để người ta nhìn thấy những việc rất nhân bản chúng ta làm (biết nói lời ‘xin chào’, ‘xin lỗi’, ‘xin cám ơn’) mà ngợi khen tôn vinh Cha chúng ta ở trên trời.

Chúng ta đến chiêm ngắm và rước lấy Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày Chúa Nhật, để tăng thêm lòng tin và có sức mạnh sống điều chúng ta tin.

 

 

——————

(1) Tham khảo:

http://conggiao.info/cac-tai-uong-o-ai-cap-d-5130

https://dongten.net/2016/03/01/thuc-hu-chuyen-cac-em-nho-chet-o-ai-cap-trong-sach-xuat-hanh/58456/

 

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI