Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 4 TN – A (1 Cr 1,26-31)

Có người hỏi đất bùn : – “Anh lấy toàn bộ sinh mệnh bồi bổ cho sen, sen cao quý đẹp đẽ, hưởng hết vinh hoa phú quý của nhân gian, mà anh thì lại chịu đựng đủ điều chế giễu ghẻ lạnh, anh không ghen ghét, không vì thế mà uất ức sao?” Đất bùn đáp lại : –    “Xưa nay chưa từng có ai làm mẹ mà ghét bỏ con gái đi lấy chồng; cũng như từ trước đến nay không ai làm bố mà ghen ghét thành tựu của con cái vượt qua mình”. Trong tình yêu nếu không có bao dung, thì yêu không trọn vẹn. (Hạnh Lâm Tử).
 
II.         Tín hữu Côrintô chia rẽ phe phái là vì họ nấp bóng dưới một “thủ lãnh” nào đó. Họ sống không quảng đại dấn thân, chỉ nghĩ về mình. Họ chỉ sống cho phe nhóm mình, sống không bao dung vị tha. (BĐ II – CN 3 TN-A). Thánh Phaolô giới thiệu cho họ mẫu gương đầy lòng xót thương và bao dung : Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã chịu đóng đinh để loài người được kết hiệp với Thiên Chúa và với nhau, đây là Vị Thủ Lãnh duy nhất. Trong khi sự khôn ngoan của người đời gây ra chia rẽ phe phái mọi nơi, thì sự khôn ngoan của Thiên Chúa (là Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã chịu đóng đinh và đã sống lại hiển vinh), hiệp nhất mọi sự “trong Ðức Kitô” và đưa về mọi sự với Người.
Từ thái độ sống không biết xót thương bao dung như Chúa Giêsu, các tín hữu Côrintô rơi vào phe phái. Họ thay vì liên kết với chính Chúa Giêsu Kitô, họ lại bám víu vào những người đi loan giảng Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Họ thay vì tự hào trong Chúa Giêsu Kitô, họ lại tự hào trong người khác. Thánh Phaolô mời gọi  các tín hữu Côrintô là: “Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (2 Cr 10,17), tính kiêu căng của mỗi người phát sinh thái độ tự hào, là nguyên nhân gây nên trình trạng chia rẽ phe phái.
 Theo bản năng bảo tồn và phát triển, chúng ta ai cũng dễ tự hào. Tự hào với những gì mình có, mình là. Tự hào với cả những gì vay mượn của người khác, “một người làm quan cả họ được nhờ”. Thánh Phaolô nhắc tín hữu Côrintô nhớ lại là trước khi Chúa gọi “đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái” (1 Cr 1, 26). Nhưng chính Chúa là Ðấng đã biến đổi thân phận để “anh em được hiện hữu trong Chúa Giêsu Kitô” (1 Cr 1, 30).
        “Ðược hiện hữu trong Chúa Giêsu Kitô” là diễn tả giá trị tuyệt vời của chúng ta, những người được Thiên Chúa tuyển chọn để được nên công chính, được thánh hóa và được cứu chuộc. Nếu không ở trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta không thể hiện hữu, không hạnh phúc, không là gì cả (x. 1 Cr 1,28). Sau khi được Chúa gọi, chúng ta “được hiện hữu trong Ðức Kitô”, và “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16). Đây là một ân huệ hoàn toàn do Lòng Chúa Xót Thương. Bởi đó, điều duy nhất chúng ta có thể tự hào được, là hãy tự hào về ân huệ Chúa ban cho mình được hiện hữu trong Ðức Kitô, về đời sống mới trong Ðức Kitô và về “khả năng tiến gần đến với Ðấng vô hạn” nhờ Ðức Kitô.
Thánh Phaolô hiểu ân huệ ấy là chính Ðức Kitô, “sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta”. Ngài cũng nhận thức rằng không phải do sức tự nhiên của trí khôn loài người mà chúng ta có thể đạt tới sự khôn ngoan Kitô giáo. Nhưng chúng ta chỉ đạt được khi “đành mất hết, và coi tất cả như đồ bỏ, để được Ðức Kitô” (Pl 3,8), vì “trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2,3). Thánh Phaolô đã đánh đổi tất cả, quá khứ, hiện tại và cả tương lai nữa để được chiếm hữu trọn vẹn Ðức Kitô.
          Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta giữ vững nguyên tắc này,  sẽ nhận biết giá trị đích thực của mình và không còn lý do gì để tự hào theo kiểu khôn ngoan của thế gian. Trái lại, chúng ta sẽ khiêm nhượng và biết ơn trước tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, quyết tâm xây dựng Huyền Thể Chúa Kitô trong tinh thần bác ái và hiệp nhất. Quyết tâm loan giảng một Ðấng Kitô bị đóng đinh” (c. 23), để thập giá Ðức Kitô khỏi trở nên vô hiệu” (c. 17), nhưng là biến đổi tình yêu của mình thành tình yêu bao dung như Người.
 
III.        Thánh Phaolô muốn nhắc các tín hữu Corintô nhớ lại tình trạng trước khi Thiên Chúa chọn họ, và cách thức Thiên Chúa hành động. Mục đích là để cho họ nhận ra: “Tất cả là do bởi Thiên Chúa” đừng tự hào về vinh quang cá nhân mình, không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người.
Chúa Giêsu Kitô đã làm mọi sự cho con người: Điều con người cần phải tự hào là Đức Kitô, và con người phải cám ơn Thiên Chúa về món quà vô giá này. Vì “chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, Đấng đã thánh hoá và cứu chuộc anh em”.
        Trước Thánh Thể Chúa Giêsu, Đấng chí thánh khiêm nhường tột cùng đang hiển ngự trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta cầu nguyện cho nhau dám bước ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan phàm thế, để sống theo những “dấu chỉ” là những đòi hỏi bất ngờ của Chúa. Chúng ta cũng cầu nguyện cho nhau cảm nghiệm được rằng trước khi chúng ta sống cho Chúa và thuộc về Chúa, trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa đã sống và đã thuộc về chúng ta rồi, để Thiên Chúa được tôn vinh, khi chúng ta đến với Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể và tiếp cận anh chị em cách bao dung ngoài xã hội.
 
 

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI