Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 5 – A MÙA CHAY

CHÚA NHẬT 5 – A MÙA CHAY
(Ed 37, 12-14; Rm 8, 8-11; Ga 11, 1-45)
 
          I.            “Biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại trở thành tâm điểm của Kitô giáo. Đó là điểm tựa cho đức tin của chúng ta, là đòn bẩy mạnh mẽ cho tin tưởng vững chắc của chúng ta, là luồng gió mạnh quét sạch mọi sợ hãi và lưỡng lự, mọi hồ nghi và tính toán của loài người” (Youcat,104). Nguyên lý của sự sống mới này là Chúa Thánh Thần. 
 
II.          Từ sau nguyên Tổ Adam Eva phạm tội, Lòng Chúa Thương Xót vẫn thấy chưa đủ khi dùng các ngôn sứ để dạy cho con người biết sống theo thánh chỉ của Người (x. Dt 1,1-2). Do đó, vì quá yêu trần gian, Thiên Chúa đã sai Con Một của Người là Chúa Giêsu đến trần gian với sứ mệnh cứu thế (x. Ga 3,16).  Là Lời ban sự sống (Ga 6,68), Chúa Giêsu ban cho chúng ta Luật Mới.  Là Đấng Cứu Chuộc (Cv 5,31), Chúa Giêsu đã chịu khổ nạn và chết trên thập giá để đưa chúng ta trở về với Thiên Chúa. 
 
          Sự sống thể lý (x. St 1,2), hay sự sống tâm linh (x. St 2,7), đều hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa, Đấng ban sự sống (x. Tv 104,29-30). Mối tương quan giữa Thiên Chúa và Israel đã được các ngôn sứ, nhất là ngôn sứ Êdêkien, nhiều lần mô tả như một thực tại liên hệ chặt chẽ với sự sống của Thiên Chúa (x. Ed 37,12-14).  Israel gắn bó với Thiên Chúa là gắn bó với sự sống, bỏ Thiên Chúa mà đi theo các thần ngoại là tự mình cắt lìa khỏi sự sống, nằm trong “huyệt mả” của người chết, hoặc trở thành “những bộ xương khô”. 
 
          Nhưng Lòng Chúa thương Xót vô bờ. Khi Israel chết trong sự bất trung, Người đã hứa cho họ được hồi sinh. Thiên Chúa đối xử với Israel như thế, vì muốn cho họ thấy Người rất lo lắng cho sự sống của họ.  Người hứa:  “Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh”.  Người khẳng định:  “Ta đã phán là Ta làm”.  Người lấy sinh khí của Người mà “đổi mới mặt đất này” (Tv 104,30) thế nào, Người cũng sai Thánh Thần đến để đổi mới chúng ta như vậy.
 
         Ngôn sứ Êdêkien đã trình bày Thần Khí đem sự sống Thiên Chúa đến cho ta, sự sống đến theo hướng từ Thiên Chúa mà xuống chúng ta. Thần Khí này là Thánh Thần của Chúa Giêsu. Theo thánh Phaolô, điều quan trọng nhất trong đời sống Kitô hữu là phải có Thần Khí của Chúa Giêsu, “ai không có Thần Khí của Chúa Giêsu, thì không thuộc về Chúa Giêsu” (Rm 8,9).  Đối với thánh Phaolô, “sống là Chúa Giêsu” (Pl 1,21).  Ngài xác tín  “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Giêsu sống trong tôi” (Gl 2,20). 
 
Thần Khí là sự sống của Thiên Chúa và hồn sống của con người.  Nếu Thần Khí của Chúa Giêsu ở trong chúng ta, sự sống của Thiên Chúa cũng ở trong chúng ta.  Sống theo Thần Khí của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22). “Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên:  ‘Áp-ba!  Cha ơi!’  Chính Thần Khí chứng thực cho chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,15-16). Do đó, việc Chúa Giêsu sống lại không chỉ là công việc của Người, mà còn là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa (GLCG, 91).
 
Chúa Giêsu tuyên bố “Thầy là sự sống lại và là sự sống”.  ‘Sự sống lại’ có nghĩa là chúng ta nhờ cái chết của Chúa Giêsu mà được trở thành con cái Thiên Chúa, bắt đầu tiến trình trở nên giống Chúa Giêsu và sống trong Thánh Thần (Rm 8).  Do đó, phép lạ Chúa Giêsu cho anh Lagiarô sống lại là dấu chỉ vô cùng quan trọng, vì cho thấy ‘sự sống lại’ của Chúa Giêsu là nền tảng cho ‘sự sống lại’ của chúng ta từ cái chết bởi tội tổ tông.
 
            Chúa Giêsu tuyên bố Người là ‘sự sống lại’ và ‘sự sống’.  ‘Sự sống lại’ và ‘sự sống’, hai khía cạnh của cuộc đời Kitô hữu.  
 
Trước hết, Chúa Giêsu là ‘sự sống lại’ cho những Kitô hữu “đã chết”.  Mỗi lần chúng ta phạm tội, linh hồn chúng ta bị thương tổn, bị chết.  Khi ấy ta cần phải được chữa lành và hồi sinh để nhận lại ‘sự sống’ của Thiên Chúa.  Chúa Giêsu sẽ là Đấng làm cho ta được ‘sống lại’, như Người đã phán:  “Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”.  Người là ‘sự sống lại’ của chúng ta, khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội để được làm con cái Chúa, cũng như khi chúng ta được sống lại trong ngày tận thế. 
 
Thứ đến, Chúa Giêsu là ‘sự sống’ của Kitô hữu (x. Ga 14,6). Tin vào Người nghĩa là chúng ta kín múc nước sự sống của Thiên Chúa nơi Người.  Chính Người đã nói với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Gia cóp:  “Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14). Người là ‘sự sống’ của chúng ta, ‘sự sống’ theo Thánh Thần khi chúng ta sống như một Kitô hữu đích thực ở đời này, và ‘sự sống’ vĩnh cửu khi chúng ta được cùng Người hưởng gia nghiệp Thiên Chúa ở đời sau.
 
            III.        Cô Mác ta tin Chúa Giêsu là ‘sự sống lại’ và là ‘sự sống’. Cô còn tin Chúa Giêsu là ‘Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian’. Lời tuyên xưng đó, cũng phải là đức tin của mỗi Kitô hữu chúng ta. Sống Mầu Nhiệm Phục Sinh là tin Chúa Giêsu là “sự sống lại” và “sự sống” của chúng ta.  Đức tin ấy hướng dẫn chúng ta tiếp tục sống lại trong cuộc đời và sống theo Thần Khí của Chúa Giêsu. Nhờ đó chúng ta được biến đổi “mỗi ngày một trở nên đồng hình đồng dạng” (x. Rm 8,29) với Chúa Giêsu. Bí Tích Hòa Giải, là phương thế tốt nhất của Giêsu ban cho Giáo Hội, để chúng ta được ‘sống lại’ và ‘được sống’ mà ‘trở nên đồng hình đồng dạng’với Chúa Giêsu. Mùa Chay, dịp thuận lợi đón nhận Bí Tích Hòa Giải. Hòa giải với Thiên Chúa và hòa giải với tha nhân, để Thần Khí Thiên Chúa biến đổi nên thụ tạo mới.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI