CHÚA NHẬT 5-A PS
(Cv 6,1-7; 1 Pr 2, 4-10; Ga 14,1-12)
I. Alleluia. Chúa đã sống lại thật. Sự sống lại của Chúa Giêsu càng làm cho tính nhân văn sáng tỏ hơn. Thật đúng như xưa Lão Tử đã nói: “Đạo bất viễn nhân” – Chân đạo luôn luôn vị nhân sinh, không xa con người.
II. Thánh Phêrô minh chứng, nhờ Chúa Giêsu Phục Sinh, Thiên Chúa đã đưa chúng ta lên những địa vị mới:
1) làm Chiên trong Ðàn Chiên Mới để được sống và sống dồi dào sự sống của Thiên Chúa (1 Pr 1 – BĐ II CN 4-A PS).
2) làm Viên Đá sống động để xây nên ngôi Ðền Thờ thiêng liêng (1 Pr 2,4-10 – BĐ II CN 5-A PS hôm nay).
Thánh Phêrô mời gọi chúng ta hãy “tiến lại gần” Chúa Giêsu (c. 4). Chúa Giêsu là con đường đưa ta đến với Thiên Chúa Cha, như Ngài tuyên bố : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6 – Tin Mừng). Vì Chúa Giêsu là viên đá quý giá được Thiên Chúa chọn lựa và đặt làm tảng đá góc tường. Thiên Chúa muốn thiết lập Hội Thánh Người trên trần gian làm phương tiện đem ơn cứu độ đến cho nhân loại.
Kiến trúc thời xưa, đá tảng góc tường rất quan trọng. Mục đích là nối kết các bức tường lại với nhau để giữ cho căn nhà không sụp đổ. Chúa Giêsu là đá tảng góc tường của ngôi Ðền Thờ mới, thay thế cho đá tảng Xion của Ðền Thờ Giêrusalem. Chúa Giêsu là “viên đá sống động”, “được Thiên Chúa chọn lựa” và “trân quý” để xây dựng một Ðền Thờ thiêng liêng. Người cũng muốn dùng chúng ta như những viên đá sống động mà xây Ðền Thờ ấy.
Hồn sống của Ðền Thờ thiêng liêng mới này, là Chúa Thánh Thần. Nhờ Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần tác động làm cho mọi người trở nên sống động, để dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa. Không có Chúa Giêsu, Ðền Thờ thiêng liêng kia không bao giờ được khởi sự và sẽ chẳng bao giờ có những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa. Thánh Phêrô coi việc Thiên Chúa sử dụng chúng ta như những viên đá sống động là một “vinh dự” cho chúng ta. Mỗi người chúng ta có phần quan trọng trong công việc xây dựng ngôi nhà Hội Thánh tại trần gian. Nên thánh Phêrô nói: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng”.
Nhờ được kết hiệp với Chúa Giêsu giống như những viên đá nối kết với đá tảng góc tường, thân phận của chúng ta được biến đổi. Chúng ta không phải qua trung gian của những hy lễ chiên bò nữa, nhưng vì Chúa Giêsu là chính của lễ, nên khi chúng ta liên kết với Chúa Giêsu là chúng ta được trở thành “những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa”. Ngày xưa chỉ có một số ít người được tuyển chọn vào hàng tư tế. Ngày nay, nhờ Chúa Giêsu, tất cả chúng ta được Thiên Chúa tuyển chọn để làm một dân Israel Mới, Dân của Thiên Chúa, với sứ mệnh loan truyền những kỳ công của Người. Vì chỉ có Dân của Người mới được gọi là hàng tư tế vương giả.
III. Việc tuyển chọn này đã cho chúng ta đủ tư cách để “loan truyền những kỳ công của Người” (1 Pr 2,9) và “được hưởng Lòng Chúa Xót Thương” (1 Pr 2,10). Kỳ công của Thiên Chúa không chỉ là việc sáng tạo trời đất muôn loài, mà nhất là Người đã cứu độ và cho chúng ta được bước theo Con Một Người tiến về cõi phúc muôn đời. Thiên Chúa không những cứu độ chúng ta như những cá nhân, nhưng còn như một tập thể (x. Is 66,18 ; Lc 13,30). Sự cứu độ của người này liên kết với sự cứu độ của người khác (x. Hiến chế Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân, số 1-2).
Chính vì thế, việc xây dựng Hội Thánh trần thế không chỉ dồn mọi nỗ lực vật chất và tâm trí để lo xây những cơ sở vật chất mà quên đi việc xây dựng con người. Hội Thánh khẳng định “con người là con đường đầu tiên Hội Thánh phải đi qua để chu toàn sứ vụ của mình” (ĐTC Gioan Phaolo II, Thông điệp Centessimus Annus – Bách Chu Niên, số 53). Nên khiHội Thánh sơ khai có các bà góa trong nhóm tín hữu gốc Do thái theo văn hóa Hy lạp bị lãng quên túng thiếu, các Tông đồ đã họp với tín hữu để tìm cách giải quyết ngay. Và tinh thần cộng tác của tín hữu với các Tông đồ đã dễ dàng cảm thông với nhau, đem lại niềm an vui trong Hội Thánh (x. Cv 6,1-7 – BĐ I).
Những gì đã xảy ra cho Hội Thánh sơ khai cũng có thể xảy ra tại bất cứ Hội Thánh địa phương nào hôm nay. Chúng ta tham gia tích cực vào những việc bác ái, là làm thêm nhiều dấu chỉ và nối dài Lòng Chúa Thương Xót tới con người. Nhờ vậy, “Lời Thiên Chúa lan tràn”, đồng thời “số các môn đệ (người tin theo Chúa) tăng thêm rất nhiều” (Cv 6,7). Trong mọi sinh hoạt, có “đồng cảm với Hội Thánh” (sentire cum Ecclesia), Hội Thánh Cộng Đoàn Tu Sĩ, Gia Đình, Xứ Đạo, Học Đường hay Công Ty Xí Nghiệp… là có bình an hạnh phúc và phát triển. Đó là đưa “Đạo” vào “Đời”, là diễn tả Mầu Nhiệm Phục Sinh thành tính nhân văn.